Cơn mây gió trời Nam bảng lảng,
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân.
Ngẫm xem con Tạo xoay vần,
Bày ra một cuộc duy tân cũng kỳ.
Suốt thân sĩ lưỡng kỳ Nam, Bắc,
Bỗng giật mình sực thức cơn mê.
Học thương xoay đủ mọi nghề,
Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau.
Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy,
Chưa học bò, vội chạy đua theo.
Khi lên như gió thổi diều,
Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành.
Cách hoạt động người mình còn dại.
Sức oai quyền ép lại càng mau.
Tội nguyên đổ đám nho lưu,
Bắc Kỳ thân sĩ đứng đầu năm tên.

[...]

Người tỉnh Bắc, Nguyễn Quyền là một,
Cơn nhiệt thành lửa đốt buồng gan.
Đùng đùng gió cuốn mây tan,
Lạng thành giáo chức từ quan cáo về.
Mở tân giới, xoay nghề tân học,
Đón tân trào, dựng cuộc duy tân.
Tân thư, tân báo, tân văn,
Chân đi miệng nói xa gần thiếu đâu.
Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ,
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành.
Gái trai nô nức học hành,
Giáo sư mấy lớp, học sinh mấy ngàn.
Buổi diễn thuyết người xem như hội,
Kỳ bình văn khách tới như mưa.
Nôm quốc ngữ, chữ Hán thư,
Bài ca yêu nước, câu thơ hiệp đoàn.
Trong chín tháng, sóng tràn gió đập,
Tiếng Đông Kinh lừng khắp Đông Dương.
Khắp đâu đâu cũng học trường,
Cùng nhau đua bước lên đường văn minh.

[...]

Trời đang buổi nắng mưa tầm tã,
Dấn thân mình đứng giữa cơn dông.
Cả gan cho biết anh hùng,
Hỏi xem mấy mặt trong vòng trần ai.


Bài thơ này còn gọi là Vè Đông Kinh nghĩa thục của một chí sĩ khuyết danh đăng trên báo Mai số 9 ngày 25-4-1936, trong một bài viết nhan đề Nam thiên phong vân ca tán tụng năm chí sĩ yêu nước chống Pháp, tham gia công cuộc duy tân đất nước hồi năm 1908 gồm Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành, Dương Bá Trạc và Hoàng Tăng Bí. Năm người này năm cụ đã bị Pháp kêu án chung thân khổ sai, nhưng cụ Hoàng nhờ nhạc gia can thiệp, được an trí ở Huế.

Ở đây hiện chỉ tìm được một số đoạn từ những nguồn khác nhau, chưa có bản đầy đủ.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]