Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Đường mía lau càng lâu càng ngát,
Xôi nếp mật ngào ngạt hương say.
Ba hương lây lất tháng ngày,
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.
Mẹ già như áng mây trôi,
Như sương trên cỏ, như lời hát ru.
Lời hát ru vi vu trong gió,
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan.
Mây trôi lãng đãng trên ngàn,
Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.


Khảo dị:
Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi,
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già.
Mẹ già là mẹ già anh,
Em vô bảo dưỡng cá canh cho thường
.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Toàn văn bài ca dao

Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Mẹ già là mẹ già anh
Em vô bảo dưỡng cá canh cho thường
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau

No he does not have the sky as the sun
No one say about his night trade .
23.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Nói thêm về chuối ba hương

Phụ nữ Huế thời xưa hò ru con, ru em:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một như đường mía lau.
Nói về mía lau, có câu “Mía lau vừa ngọt vừa mềm/ Không dao mà tiện không tiền mà mua”. Nếp một - nếp nói chung, theo thư tịch cũ hạt nếp nấu chín có nhựa dính, gọi là “nhu” hay còn gọi là “đồ” dùng để cất rượu, thổi xôi, nấu chè, làm bánh, rang cốm... Đời Minh Mạng đúc 9 cái đỉnh đồng có chạm khắc cây lúa nếp vào cái đỉnh có tên Nhân đỉnh. Sách Quốc sử quán triều Nguyễn nói về 36 loại nếp. Theo nhà nông, nếp cái (hương cái nhu) là nếp loại một. Thân cây nếp cứng, lá to, hạt trắng tròn, dài, có vằn, tháng mười cấy tháng ba gặt. “Xôi nếp một” không có gì bằng.

Chuối ba hương (hay bà hương) cùng loại với bà lùn nhưng cây nhỏ và thấp hơn. Trong vườn chuối, nếu để ý thì cây này cũng dễ nhận biết. Chuối ba hương thích hợp với đất phù sa biền bãi, trồng đúng vụ theo kinh nghiệm dân gian “tam trúc lục tiêu” cây mau phát triển. Những năm 50 - 60 thế kỷ trước, vườn tược dọc sông Bồ người ta trồng nhiều, nay đi từ đầu đình đến cuối chợ chỉ thấy dăm ba bụi phất phơ trong cái ngút ngàn của màu xanh cây trái ven bờ.

Sách Vân Đài loại ngữ lại ghi là chuối ba tiêu, ở xứ Giao Châu có nhiều loại trong đó chuối lùn (bà lùn). Từ đó nhân gian suy nghĩ thêm chuối bà lùn cùng ruột thịt với chuối ba hương và tồn tại từ buổi khê động hái lượm xứ Giao Châu.

Ra chợ ghé qua hàng chuối, người mua kẻ bán không mấy ai am tường rành rọt, chỉ lựa nải chuối sai quả, to đều không dấu vết bầm dập thì mua; còn nải nào quả nhỏ lại lấm tấm tàn hương thì chê, tuy giá cả lại thấp hơn. Nên biết rằng cùng “chị em” với bà lùn nhưng ba hương “so bề tài sắc lại là phần hơn”. Hơn về ngon, về ngọt, về thơm và để được lâu ngày không nẫu, không mềm nhũn.

Chuối ba hương tượng trưng cho các bà mẹ già, tóc đã bạc, da đã mồi lấm tấm tàn hương. Chuối ba hương vùng miền nào cũng có nhưng ở Huế nó đi suốt chiều dài lịch sử từ cây chuối ở Giao Châu đến cây chuối ở đất Thuận Hoá. Nó chân chất, mộc mạc, rộng lượng bao dung và với ý chí kiên cường bất khuất để tồn tại vươn lên cho dù phong ba bão táp, phong trần nghiệt ngã như cuộc đời của các bà mẹ. Chuối ba hương không phải sơn hào hải vị chi, mà chỉ “bụi chuối sau hè”, “chuối mọc bờ ao” nhưng được người dân Huế ưa chuộng.

Cô bán chuối ở chợ Vỹ Dạ (Huế), biết chất lượng của chuối ba hương nên đon đả mời mua, ví von theo câu ca dao của cư dân bản địa mà cô đã thuộc lòng từ bao giờ: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một như đường mía lau”.

No he does not have the sky as the sun
No one say about his night trade .
33.33
Trả lời
Ảnh đại diện

Thêm cách hiểu câu ca dao “Mẹ già như chuối ba hương...”

Đã từ lâu, chúng ta vẫn thường nghe (và đọc) hai câu ca dao:

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Nhưng đây chỉ là hai câu trong tổng thể bài ca dao 6 câu được lưu truyền trong dân gian, nhất là ở miền Trung. Bài ca dao đầy đủ đó là:
Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Mẹ già là mẹ già anh
Em vô bảo dưỡng cá canh cho thường
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Như vậy, câu thứ hai (trong ví dụ 1), phải đọc chính xác là “Như xôi nếp một như đường mía lau”. Cho đến nay, đang tồn tại hai cách hiểu chính về hai câu ca dao trên. Cách hiểu nào cũng có luận cứ riêng. Vậy ta cần phân tích làm cho rõ vấn đề.

Cách hiểu thứ nhất cho rằng hai câu ca dao trên muốn nói tới tình cảnh nói chung của các mẹ già. Ở vào tuổi đã cao, sức đã yếu, các mẹ chẳng khác nào ngọn đèn rung rinh trước gió, “tắt” lúc nào không hay. Cách giải thích này phần nào bị ảnh hưởng bởi nội dung câu hát trong bài Mừng tuổi mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, có câu: “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”. Tình cảnh của mẹ rất giống quả chuối chín cây, dễ rơi rụng, hư nát bất cứ lúc nào. Mẹ già của chúng ta cũng thế. Tuổi cao sức yếu, mẹ có thể đột ngột ra đi mãi mãi là lẽ thường mà chúng ta ai cũng hiểu. Chính từ cách suy luận này mà nhiều người giải nghĩa hai câu ca dao trên là: “Chuối ba hương”, tức chuối tiêu dấm chín qua ba tuần hương, tuy ngon nhưng để nhanh nẫu; xôi nếp mật (chứ không phải xôi nếp một) để nhanh thiu; còn đường mía lau thì dễ vỡ cánh, mau chảy nước, mau hỏng,... Cả ba thứ đó, tuy ngon, tuy giá trị thật, nhưng không để được lâu, khó bảo quản. Mẹ già ta cũng thế, có thể ra đi, xa chúng ta bất cứ lúc nào. Cũng phải nói thêm rằng, nhiều người, trong đó có cả những nhà nghiên cứu văn học dân gian gạo cội (như GS Nguyễn Xuân Kính), cũng tán thành cách cắt nghĩa như thế.

Tuy nhiên, lại tồn tại một cách hiểu khác nữa. Quan điểm này cho rằng, muốn hiểu kỹ, ta phải xem xét toàn bộ ba cấu trúc so sánh trong hai câu ca dao trên: mẹ già như: 1) chuối ba hương, 2) như cơm nếp một, và 3) như đường mía lau. Ta sẽ lần lượt xem xét từng trường hợp. Cả ba cấu trúc đều có chung một vế so sánh, đó là “mẹ già”. Vế sau (cái được đem ra so sánh) là: chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau. Vậy ta thử tìm hiểu ba vật dụng này xem sao.

Chuối ba hương (còn gọi chuối bà hương) cùng loại với chuối bà lùn nhưng cây nhỏ và thấp hơn, được trồng nhiều ở miền Trung, xứ Huế. Chuối ba hương thích hợp với đất phù sa triền bãi. Quả của nó không to, vỏ dày vừa phải, khi chín có lấm tấm như trứng cuốc và là loại chuối ngon nhất trong họ chuối tiêu.

Lúa nếp một (một loại nếp cái) thuộc dòng lúa nếp truyền thống. Đó là giống lúa nếp ngon nhất trong số hàng chục loại lúa nếp được trồng ở nước ta (nên được xếp vào loại 1 - một). Thân cây lúa nếp này cao, cứng, lá to, hạt trắng tròn, dài, là loại lúa dài ngày (tới 5 - 6 tháng mới thu hoạch). “Xôi nếp một” trắng, dẻo, thơm, ngon nổi tiếng. Cây lúa nếp một được khắc vào đỉnh đồng (Nhân đỉnh) thời vua Minh Mạng (1791-1841, vị vua thứ hai triều Nguyễn).

Còn đường mía lau là đường sản xuất từ một loại mía (có hình dạng giống cây lau). Dân gian có câu: Mía lau vừa ngọt vừa mềm/ Không dao mà tiện, không tiền mà mua. Đây là một trong bảy loại cây thảo dược (bọ mắm, cỏ tranh, mã đề, mía lau, râu bắp, lá dứa, lẻ bạn) dùng nấu nước uống, giúp lọc gan, thanh mát cơ thể...

Như thế, ta thấy ba cấu trúc vừa xét có cấu trúc ngữ nghĩa đồng hướng, đều khẳng định giá trị tốt đẹp của chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. Đó cũng chính là hướng mà thông điệp hướng tới, muốn khẳng định vai trò, giá trị không thể thay thế của Người Mẹ. Người mẹ là người hội đủ những phẩm chất quý giá nhất. Chúng ta, ai cũng có một người mẹ, một quê hương (Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi - Đỗ Trung Quân). Vậy với Người Mẹ, chúng ta phải biết yêu thương, trân trọng, nâng niu và phụng dưỡng cho mẹ được vui sống đến trọn đời.

Qua tham khảo (cả sách báo và các diễn đàn trao đổi), chúng tôi thấy nhiều người đồng tình với cách giải thích thứ hai, và thực tế cách giải thích này cũng có nhiều cơ sở hợp lý hơn.


TS Phạm Văn Tình
tửu tận tình do tại
123.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Mẹ già như chuối ba hương...

Những ngày cuối năm, mưa bụi mịn màng như rây giữa khoảng trời báo hiệu mùa xuân đang dần tươi mới và rạng rỡ. Chút giá lạnh của những ngày tàn đông còn sót lại đâu đó trên những vòm cây và góc phố. Ngày rộn ràng hơn, tất bật hơn và dường như khi người ta cần thì ngày cũng ngắn hơn. Hình ảnh những người phụ nữ tay xách, nách mang chân đi không bén đất trên những nẻo đường quê và đâu đó giữa phố phường chật hẹp, bộn bề gợi lên hình ảnh năm xưa của mẹ tôi.

Tôi nhớ mẹ. Nhớ thời thơ ấu. Nhớ dáng mẹ hiền tần tảo ngược xuôi chạy chợ trong những ngày giáp Tết để cho các con có được những ngày ấm áp, no đủ. Hình ảnh đó gợi lên sự liên tưởng gà mẹ chắt chiu tìm mồi cho bầy con chiu chít. Cách đây mấy năm, lúc mẹ còn sống, thấy tôi buổi sáng chỉ uống cà-phê rồi đi làm, mẹ chậm chạp bước lại cạnh tôi và bất ngờ nhét tiền vào túi áo. Mẹ bảo trên đường đi làm, ghé quán ăn điểm tâm kẻo đói. Mẹ sợ tôi không có tiền hoặc tưởng tôi hết tiền. Tôi cười và hét vào tai mẹ: “Mẹ ơi, con làm việc gần về hưu rồi mà sao mẹ cứ lo như đứa trẻ nít vậy!”. Hai mẹ con cùng cười. Tình mẹ luôn bao la như biển trời, hiền dịu, ngọt ngào và ấm áp. Tôi chợt nhớ đến những câu ca dao thuộc lòng từ khi còn nhỏ:

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Những câu ca dao này, tôi thường nghe bà nội và mẹ tôi hát để ru các em tôi. Tôi nghĩ ngợi xa xôi về tình mẹ. Tôi nghĩ về tình mẫu tử bao la mà loài người may mắn có được. Câu ca dao về mẹ với lối so sánh mộc mạc, gần gũi, dân dã và đầy hình tượng... như chuối ba hương... như xôi nếp một... như đường mía lau cứ xoáy vào tâm trí tôi và gợi lên bao điều trong sự miên man của dòng cảm xúc không đầu, không cuối... Chuối ba hương là một thương hiệu chuối nổi tiếng về sự thơm tho và ngọt ngào. Chuối ba hương có thể không đẹp như những loài chuối khác nhưng chất lượng chuối ba hương khó có loại chuối nào sánh bằng. Điều đó khác chi tình mẹ dành cho con khó có loại tình nào so bì được. Nếp một là nếp có đẳng cấp xếp đầu bảng phân loại trong họ nếp. Nếp một nấu xôi tất nhiên ngon hơn xôi được nấu từ nếp hạng hai, hạng ba. Và đường mía lau, một loại đường được làm từ mía thân gầy giống như cây lau mảnh khảnh. Đường mía lau là loại đường quý hiếm. Hương thơm. Vị ngọt. Sự thơm ngọt đó có khác nào tình mẹ của ta đâu!

Trong bóng hoàng hôn của một ngày cuối năm dần khép, hình ảnh những người phụ nữ tay xách nách mang lại hiện ra tất bật trên đường, đi lướt qua làn mưa bụi, chập chờn như bóng dáng mẹ năm xưa. Bên tai, vẳng nghe lời ru: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một như đường mía lau...” Ừ, thì tình mẹ mãi là chuối ba hương, mãi là xôi nếp một, mãi là đường mía lau trong lòng của mỗi người con đang ở cạnh mẹ hay xa mẹ, còn mẹ hay vĩnh viễn mất mẹ...


Mai Hữu Phước
tửu tận tình do tại
13.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời