Một số câu ca liên quan tới Huyền Trân công chúa
Võ Quang Yến


Vì nghĩa giao bang, hiếu trung đôi đàng;
Thân ngọc vàng đem vùi cát bụi,
Cho rảnh nợ Ô Ly, ngậm ngùi kẻ ở người đi.

Hàn Phương (Bài ca "nam ai")


Tháng 6 năm Bính Ngọ 1306, nàng công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông http://thivien....HQfiiJpD91KwIgw em vua Trần Anh Tông http://thivien....GsPA7uILcS-B8_Q rời Thăng Long lên đường đi Champa kết duyên với vua Chế Mân. Nàng được phong làm Hoàng hậu Paramesvari. Sính lễ của vua Chăm dâng vua Trần là vùng đất Uli, tức Ô Lý hay Ô Rí, còn gọi Việt Lý (sách Tàu chép Niao Li), đổi thành hai châu Thuận và Hóa, làm bàn đạp cho cuộc Nam Tiến, đã sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt mà không mất một mũi tên, không tốn một viên đạn.

Huyền thoại kể tiếp khi vua Chế Mân qua đời hơn một năm sau, triều thần Đại Việt sợ công chúa phải bị thiêu với chồng, liền phái quan Hành khiển Trần Khắc Chung http://thivien....awGRP6N2ga7tlzg và quan An phủ sứ Đặng Văn đưa thuyền vào lập mưu cứu vớt. Sự kiện nầy chưa thấy có cơ sở chính xác, cần phải được tìm hiểu sâu rộng hơn: Hoàng hậu Pamavesvari là bà vợ thứ ba, có đủ điều kiện lên hỏa đàn không? Nếu bà phải bị thiêu thì liệu phái bộ Đại Việt có đủ thì giờ vào kịp để cứu không? Ai tin được mưu mô đưa bà ra biển cầu khấn linh hồn vua chồng trước khi lên hỏa đàn để dễ thoát chạy? Đáng tin hơn là, sau khi gởi phái bộ thái tử Chế dà da (Sri Jaya) ra Thăng Long báo tin, triều đình Champa đã quyết định đưa trả công chúa Huyền Trân về lại kinh đô Đại Việt với một đoàn 300 thủy binh hộ tống, sau nầy được cho quay về quê quán, trong mục đích xin hoàn lại vùng đất Uli (một ý chí gây tranh chấp trong nhiều năm giữa Đại Việt và Champa, để lại trong lịch sử trên tuổi Chế Bồng Nga). Dù sao, sau thời gian dài đằng đẵng một năm, nàng (và một đứa con?) mới về đến kinh đô Đại Việt làm người đời thêu dệt một mối tình tuyệt diệu giữa viên quan và bà hoàng hậu góa chồng trẻ tuổi. Quan hệ tình cảm giữa quan hành khiển và nàng công chúa phải chăng đã thắm thía trước khi nàng đi lấy chồng? Nếu vậy thì đôi uyên ương đã biết hy sinh đời mình cho lợi ích đất nước và bây giờ chỉ nối lại cuộc tình duyên sớm tạm bị ngừng. Nhưng đứng về phía người Chăm làm sao không khỏi oán hờn một viên quan ngoại quốc dám tư thông với bà hoàng hậu nước họ, xúc phạm đến danh dự một vương triều! Dù sao, cuộc ái ân nầy, nếu đã xảy ra, như tuồng cũng không đi đến một kết thúc thỏa mãn. Vì sau nầy một đằng Trần Khắc Chung bị lăng nhục (Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đã mắng: họ tên không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì người nầy chăng? - khắc là thắng, chung là tàn, khắc chung là thắng xong thì tàn lụi) phải ẩn náu. Đằng kia dấu vết Huyền Trân đã được tìm ra ở chùa Nộn Sơn, xã Hồ Sơn, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Thời ấy, sinh ra làm công chúa là chuẩn bị một cuộc sống vàng son trong cung cấm. Nàng Huyền Trân đã chịu từ giã lâu đài điện ngọc để dấn thân vào một gia đình xa lạ, một xứ sở không cùng phong tục, tập quán, một chốn được xem như là rừng sâu nước độc. Không nói đến mối tình riêng tư của nàng, không cần biết nàng tình nguyện hay bắt buộc ra đi và cuối đời của nàng diễn biến ra sao, cử chỉ can đảm của nàng đáng được tôn trọng. Bài ca "nam bình" (tác giả là Võ Chuẩn hay Tôn Thất Quế?) nói lên sự hy sinh cao cả, định mệnh đắng cay của nàng công chúa và lòng biết ơn của dân tộc:

Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi?
Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly.
Đắng cay vì đương độ xuân thì, độ xuân thì!
Cái lương duyên, hay là cái nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết.
Vàng lộn theo chì!
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi, tình lai láng như hoa quỳ...
Dặn một lời Mân Quân, nay chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân, vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân, đắng cay muôn phần!


Ở Huế còn thấy có nhiều đền miếu tưởng để thờ cúng nàng Huyền Trân nhưng có người tìm ra những đền miếu nầy thật ra thờ phụng bà chúa Ngọc, hiện thân của thần Uma, vợ thần Siva, tức là Thiên Y Ana, trừ phi người ta muốn đồng hóa hai bà với nhau. Nhân dân một phần nào đã trách nàng công chúa họ Trần không biết sống đúng tam cương ngũ thường là hệ thống Nho giáo một thời chế ngự phong tục nước ta? Ngày nay hệ thống đạo đức nầy hết còn được đề cao và không thể quên ơn nàng nên những người yêu Huế mới xướng lên một phong trào xây dựng tượng đài kỷ niệm nàng công chúa họ Trần. Riêng trong tờ "Nhớ Huế" xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ 2001 đến nay, đặc biệt số 12, đã có trên dưới 10 bài đề cập đến vấn đề nầy. Thật ra, vào thời nhà Trần, việc công chúa Huyền Trân đẹp duyên với vua Chăm đã được bàn tán xôn xao, mặc dù vị vua ấy không phải là một người tầm thường. Từ năm 1283, trước cuộc tấn công Champa của Toa Đô với 5 ngàn quân, 250 chiến thuyền và 100 thuyền biển, sau còn thêm 15 ngàn quân nữa, thái tử Bổ Đích tức Sri Harijit Po Devada Svor (hay Po Devitathor), sách Tàu chép Pou Ti, con vua Indravarman V và hoàng hậu Gaurendraksmi, là người có tài thao lược, được cử ra chỉ huy quân đội kháng chiến. Điều khiển 2 vạn quân Champa, được Đại Việt yểm trợ ngăn chặn đường bộ quân Nguyên, chàng chống cự lại được quân xâm lăng trong nhiều năm liền và sau đó quân Nguyên bỏ mộng xâm lược Champa.

Thái tử trở thành anh hùng dân tộc và năm 1288 lên ngôi nối nghiệp cha, lấy hiệu Jaya Sinhavarman III, từ đấy ta gọi Chế Mân (thay vì Chế Man, Chế phiên âm chữ Sri ra tiếng Việt, Man là vần cuối tên vua). Năm 1301, trong chuyến vào thăm hữu nghị đất Champa, sau 9 tháng được đón tiếp nồng hậu, thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả cho vua Chăm một cô con gái của mình. Mặc dầu đã có một vợ cả con một đại vương Java là vương phi Bhaskaradevi, một thứ phi con gái một tiểu vương Yavadvipa ở Mã Lai là nữ vương Tapasi, Chế Mân luôn nuôi dưỡng tinh thần thông gia với các nước láng diềng nên trong 5 năm liền kiên nhẫn đàm phán. Năm 1306, vua Chăm phái Chế Bồ Đày điều khiển một sứ bộ đem ra Đại Việt sính lễ gồm có vàng, bạc, bảo vật, hương liệu, thú quý và cốt yếu nhất, ngay ngày cưới, vùng đất Uli. Đặt tinh thần đất nước lên trên tình cảm gia đình, anh em ruột thịt, vượt qua những lời dị nghị chống đối cuộc hôn nhân dị chủng, vua Trần Anh Tông nhận lời gả em mình là công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân.

Mặc dầu giao hảo thân thiện bảo đảm một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước láng giềng, mặc dầu uy thế của Chế Mân, nhiều người trong triều đình nhà Trần cũng như trong đám sĩ phu phản đối cuộc kết giao chính trị nầy. Vàng thau lẫn lộn! Vàng lộn theo chì! Từ đấy được truyền tụng một câu hát chế nhạo cả Trần Khắc Chung lẫn Chế Mân vì cho "lửa rơm" cũng chẳng hơn gì "nước đục".

Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vò nước đục lại vần lửa rơm.


Có những người nặng óc kỳ thị chủng tộc, cho người Chăm là dân man di không khác gì những người mọi rợ sống trong rừng và với lời lẽ khiếm nhã than vãn thân phận nàng công chúa.

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Mặc cho thằng Mán thằng Mường nó leo.


Dù sao, người được đề cao trong những câu hát nầy là công chúa Huyền Trân. Nàng được ví với hột gạo trắng ngần hay với cây quế là một cây thuốc quý, hương xạ đậm đà không kém gì mùi trầm.

Cây quế Thiên Thai mọc nơi khe đá
Trầm hương Vạn Giả hương tỏa sơn lâm
Đôi lứa mình đây như quế với trầm
Trời xui gặp gỡ sắt cầm trăm năm.

Hoặc

Lên non đón gió tìm trầm,
Đốt lò hương xạ em lầm quế thanh.


Quế với trầm là hai tiên nữ trong rừng sâu. Người xưa đã không lầm khi ví công chúa Huyền Trân với cây quế. Trong cuộc đời long đong, chắc nàng đã hơn một lần khóc thầm nơi vương triều đất khách hay trong chốn tĩnh mịch chùa chiền. Cuối thế kỷ 18, nhà ngoại giao Hi Doãn Ngô Thời Nhiệm http://www.thiv...jD2ajP0MTgtX13Q hình dung những giọt mắt u sầu của nàng đã hóa thành tiếng mưa đêm mùa xuân trên cành mai - cũng là cây quý:

Huyền Trân sái tận u sầu lệ
Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh.

(Tích vũ Huyền Trân (Ngô Thì Nhậm - 吳時任, Việt Nam) http://www.thiv...2-feAL4EuB9mUcQ


Nguồn: http://vietscie...thanhquequy.htm

(do làng Nứa gửi)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.