- Anh về, em cũng muốn theo,
Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.
- Đá dăm anh đã lượm rồi,
Còn truông cát nóng em bồi bùn non.


Khảo dị:
- Anh ra về, em cũng muốn về theo,
Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm.
- Đá dăm anh đã lượm rồi,
Truông kia cát nóng, anh đã bồi đất thêm.
Theo Quách Tấn, bài ca dao nói về các đèo ở thôn Chánh Hùng. Thôn nằm trơ trọi một mình, bốn bề núi non vây bọc, nhờ hai đường đèo mới tiếp xúc được với đồng bào ở bên ngoài. Một đèo chạy ra phía bắc, đến thôn Phú Dõng, gọi là Đèo Nhỏ. Một đèo nữa chạy vào phía nam, đến thôn Mỹ Thuận, Mỹ Long, Chánh Mỹ, gọi là đèo Tố Mộ tục gọi là Tó Mọ hay Đèo Lớn. Ở mặt phía đông, có nhiều nơi chạy sát biển, làm trở ngại việc giao thông của nhân dân ở dọc theo mé biển, như phái trong Chánh Oai, tại Thanh Hy, núi chạy thành một mũi đá hiểm hóc, thọt ra biển, gọi là Mũi Đá Giăng. Nhờ có đường đèo vắt ngang mà người phía bắc phía nam mới qua lại được. Nhưng cũng như đèo Nhỏ, đèo Tố Mộ, đèo Mũi Đá Giăng rất khó đi vì nhiều đá dăm mọc lởm chởm. Ở phía ngoài đèo Mũi Đá Giăng, từ Chánh Oai, Tân Thắng trở ra tới ngoài Chánh Lợi, cát nổi thành truông. Có nhiều chỗ cát vun thành gò, qua lại rất bất tiện nhất là mùa hạ nắng nung. Bởi vậy những người qua lại vùng này rất e ngại đèo và truông.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]