Lòng tham con diếc tiếc con rô, Trổ Đó còn bia tiếng Khổng Lồ. Hồng để mống chân rồng để nhớt, Khổng Lồ đi để dấu hồ lô!
Suối Đá Trải phát nguyên tại Đồng Lớn, thuộc xã Bình Nghi, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, ở phía Nam quốc lộ số 19. Ngọn nước từ đông chảy lên tây rồi chuyển ra bắc qua cầu Đập Bộng ở xóm Cao, thôn Phú Thiện (Bình Nghi) rồi chảy ra sông Côn qua cầu Đập Bộng. Người ta gọi suối Đá Trải là vì nhiều khoảng trong lòng suối, đá xanh trải dài ngay ngắn, bằng lặng, như có tay người sửa sang. Trên suối có một bãi đá gọi là Trổ Đó, trên mặt đá có nhiều dấu chân to lớn, in sâu vào đá, như dấu chân người đi, mỗi dấu cách nhau chừng năm sáu bước người lớn, và cứ một dấu ở phía trái thì đến một dấu bên phải.
Tại Trổ Đó lại có dấu hai bàn chân ngón sâu ngón cạn và dấu hai đầu gối. Chính giữa hai đầu gối có một lỗ tròn, miệng lớn như miệng bát uống nước và sâu đến hai gang tay. Truyền rằng xưa kia có ông Khổng Lồ vào đây đơm cá. Những dấu chân kia là dấu chân Khổng Lồ đi. Và những dấu chân nơi Trổ Đó là dấu chân và đầu gối cùng dấu “cậu ấm” in vào đá khi Khổng Lồ quỳ xuống để mở đó bắt cá. Vì những dấu ông Khổng Lồ ở dưới nước, nên mỗi ngày bị nước chảy mòn lần. Hiện những vết chân đi chỉ còn thấy lờ mờ. Riêng những dấu nơi Trổ Đó còn thấy rõ, nhất là lỗ cậu ấm nước rửa láng bóng. Suối Đá Trải có nhiều cá, nhưng tuyệt nhiên không có cá rô, vì ông Khổng Lồ ăn cá rô bị mắc cổ, tức mình không cho cá rô vào Đồng Lớn và ở các mương suối xung quanh.