Tôi sinh ra từ đầm lầy Baltic,
và lớn lên trên những con sóng bạc đầu.
Mùi bùn, tiếng sóng đọng thành câu,
tạo vần thơ, xoắn mái tóc trên đầu ẩm ướt,
rung giọng nói nhàn nhạt. Tiếng nước
sôi, tiếng bồn rửa, tiếng vải lanh
trong gió, tiếng hải âu trên biển xanh…
không thể nào phân biệt. Mảnh đất bằng
không che giấu nhịp loạn trái tim. Băng
qua bó hỗn độn con sóng trào,
gẫy đoạn tiếng động nôn nao.


Thơ tôi, câm lặng tôi.
Ngựa câm kéo đời, kéo đớn đau.
Đi về đâu dưới ách ngôn từ tai hại?
Đi tìm ai khi cuộc sống gông đeo?
Như khung cửa rèm treo.
Mặt trăng lập lèo con đom đóm.
Sao đêm nhen nhóm tàn thuốc rơi.
Gió phun khói vàng răng cười. Vỡ mộng
đời điên dại lung mông.
Như máy khoan răng vỡ.
Đớn đau nhưng vẫn vờ lặng câm
dù sắp rơi rụng tay chân
dù đau buốt tinh thần. Tặng
thơ câm lặng.


Từ “tương lai” trong tiếng Nga
một con chuột hôi hám chạy ra
gặm những miếng kí ức ngon béo bở,
gặm quá khứ, gặm hồn thơ lỗ chỗ.
Sau những mùa đông tuyết đổ,
từ “tới” mơn man trên ngọn đồi,
trên cổ, trên môi, trên mái
tóc. Tháng năm qua còn lại từ
loại. Tất cả chỉ là từ loại. Từ
“từ loại” cũng là từ.


Năm 1975-1976 Brodsky viết thi phẩm “Từ loại” (Часть речи) nổi tiếng, nói về sự sáng tạo ngôn ngữ Nga trong thơ của ông. Ở tác phẩm này Brodsky sử dụng rất nhiều các thi pháp của phái Hình thức luận Nga, về mối liên hệ giữa hình thức và nội dung, về cách ngắt nhịp và gieo vần bất thường nhưng rất logic, về sự chơi chữ và sáng tạo ngôn từ… Nhưng ẩn giấu đâu đó là sự hóm hỉnh cười cợt của một người đã nắm ngôn từ như nắm một vật trong bàn tay, một người đã qui thế giới vào trong kí hiệu ngôn từ. Có thể nói đây là một tác phẩm lí luận văn học viết bằng thơ. Đây là một số trích đoạn.