Ai nhấc chúng lên đây,
từ đáy sâu đầm lầy bẩn thỉu?
Chết là chất lỏng nhụa nhầy,
trong sình lầy hám hôi bao tử.
Chết là đầu ngọn bút mực vây
vật vờ quanh từng câu từng chữ.
Chết là sữa đỏ tuôn mỏi nhừ
Từ vú sệ con bò quên ăn cỏ.

Chết trong màu đỏ.
Đỏ toa tàu,
đỏ con đường,
đỏ cầu vai,
đỏ bình sữa
trẻ con uống.

Chết trong tiếng nói, cái nhìn
chết trong hồn linh cổ áo.
Thành phố trả công họ thế sao?
Ừ đúng rồi, là đớn đau cái chết.
Hãy theo họ mà nhấc cao lên hết.
Nhưng làm sao nén chặt xuống nỗi đau,
khi ngày thành hôn giăng đầy màu chết chóc
và sữa đỏ vương ngổn ngang trên bàn học.

Chết không là bộ khung trắng ơn ởn,
tan nát dần giọt máu dưới hào mương.
Chết chỉ là khung xanh chồi mơn mởn,
ta núp mình dưới tán hứng giọt sương.
Chết chẳng là tiếng gào than thảm thiết
trong dải đen đẫm lệ sụt sùi.
Chết chính là tiếng quạ báo tin vui
trên nóc ngân hàng máu tươi đỏ thắm.

Chết là những máy móc lù lù
là nhà tù không bao giờ mở cửa,
là những buổi trưa lanh lảnh tiếng nhà thờ,
là ô kính mờ phòng tắm,
là hàng lối ngay ngắn khu nhà,
là tất cả, tất cả những gì mong muốn của chúng ta.

Chết là sức mạnh.
Chết là mồ hôi.
Chết là tâm hồn.
Chết là thể xác.
Chết là ngọn đồi man mác gió hu.
Chết là nhà tù cuộc sống.


Năm 1962, khi mới 22 tuổi nhà thơ vĩ đại Brodsky đã viết một trường ca nổi tiếng là “Đồi” (Холмы). Dưới đây là trích đoạn rất hay nói về cái chết. Chúng ta sẽ thấy đằng sau những ngôn từ tưởng như ủy mị bi thương lại ẩn chứa sự dũng cảm phi thường của một cái nhìn thấu suốt đến tận cốt tủy của cấu trúc nhận thức và ngôn ngữ. Tôi giật mình khi đọc đoạn thơ này vì năm 1967 Derrida mới bắt đầu manh nha giới thiệu deconstruction dưới dạng lí luận văn học thì từ năm 1962 chàng trai trẻ Brodsky đã thể hiện nó trong một tác phẩm thơ ca rồi, tất nhiên đó là linh cảm tuyệt vời của một nghệ sĩ. Ngoài ra, những ẩn ý sâu xa mà nhà thơ nhắn gửi cũng làm chúng ta không thể không phản tỉnh.