Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hoàng Vũ Thuật » Đám mây lơ lửng (2000)
Tặng anh Hải Bằng
Tôi đã xa
dòng sông chảy ra từ mái tóc thơm huyền thoại
cây cầu bắc ngang cổ tích
người bạn thơ hoàng tộc dỗi hờn
con đường lát màu hoa phượng
ríu rít trẻ con hè về
bờ giếng tờ mờ sương sớm
tiếng gàu vội vã trời khuya
trong bài hát có một quãng trống
chẳng thể nào lấp nổi mà đi
Tôi đã xa
bậc cầu thang xoáy hình trôn ốc
sự lặp lại mỏi mệt đời thường
chiếc ổ khoá Hải Phòng dễ mở
để vào ngôi nhà tạm
phên nứa ngăn từng ô
đôi khi tôi bước nhầm qua nhà hàng xóm
thời vua chúa vẫn còn đâu đây
thành Khiêm Lăng rêu phủ xanh dày
vàng son đóng khung bài vị thờ Triệu Miếu
Tôi đã xa
ngẩn ngơ chiều Chương Đức
mong nhìn người đẹp ngày xưa
cánh cò làng quê bay vòng quanh Cửu Đỉnh
núi muôn nhà hợp lại dải Trường Sơn
tôi đã xa cả niềm nhớ nhung
ngày mỗi ngày lớn dậy
như cây bồ đề vụt cao trong những ngôi chùa cổ
như cơn mưa nơi ấy
kéo dài dầm dã tới nơi đây
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi hongha83 ngày 25/06/2008 05:27
* Khiêm Lăng (Lăng Tự Đức): khởi công năm 1864 – hoàn thành năm 1867. Lăng được xây dựng ở Hữu ngạn Sông Hương, trên núi Dương Xuân, làng Dương Xuân Thượng (cách Huế chừng 8km) giữa một rừng thông bát ngát.
** Triệu Miếu: là miếu thờ ông Nguyễn Kim, còn gọi là Cam (1468-1545), thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nguyễn Kim là người đã phò Lê Trang Tông khởi đầu cho sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Năm 1545, ông bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Sau này, triều Nguyễn truy tôn miếu hiệu cho ông là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế.
Triệu Miếu được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804) ở phía đông nam, bên trong Hoàng Thành, phía bắc của Thái Miếu. Về hình thức và qui mô kiến trúc, Triệu Miếu tương tự như Hưng Miếu, miếu gồm 1 tòa điện chính theo lối nhà kép, chính đường 3 gian 2 chái, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. Hai bên điện chính có Thần Khố (phía đông) và Thần Trù (phía tây). Khuôn viên khu miếu hình chữ nhật, tường phía nam gắn liền với tường Thái Miếu. Bên trong điện chính đặt án thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế và Hoàng hậu. Mỗi năm tổ chức 5 lần tế tương tự ở Thái Miếu
*** Chương Đức: là cửa thành phía tây của Hoàng Thành - Đại Nội Huế, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Quần thể di tích Cố đô Huế.
**** Cửu Đỉnh: là một công trình nghệ thuật bằng đồng có giá trị nhất tại Huế nói riêng, và Việt Nam nói chung. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837, dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền. Mỗi đỉnh có khắc một tên riêng bằng chữ Hán, tên được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng) của một vị vua nhà Nguyễn. Và cái đỉnh đó được xem là biểu tượng của vị vua đó