Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em...


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Biển, nỗi nhớ và em.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời phổ nhạc cho bài thơ của nhạc sĩ Phú Quang

Biển, nỗi nhớ và em

Anh xa em,
Trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ,
Biển bỗng thấy mình dài và rộng thế,
Xa cánh buồm một chút đã cô đơn,
Sóng âm thầm không nói
mà sao núi phải mòn,
Em đâu phải là chiều
để nhuộm anh đến tím
Sóng có nghĩa gì đâu,
Nếu chiều nay em chẳng đến,
Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em.


N.S Phú Quang: “Một buổi chiều tôi ngồi giữa hoàng hôn của biển Vũng Tàu. Bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh vang trong đầu tôi và tôi bỗng thấy mình đồng điệu với tâm trạng đó. Bài hát ra đời từ đó. Chỉ có câu "Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn" tôi thương núi nên đổi lại thành "Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn" ...”
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
43.25
Trả lời
Ảnh đại diện

Đôi điều cảm nhận về “Thơ viết ở biển” của Hữu Thỉnh

Tình yêu và nổi nhớ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca muôn thuở. Có biết bao tài thơ từng nổi tiếng bởi đề tài này: Nguyễn Bính với Tương tư; Tế Hanh với Mảnh vườn xưa; Xuân Quỳnh với Sóng, Thuyền và biển. Song giữa giàn đồng ca thơ tình muôn điệu ấy ta nhận ra một Hữu Thỉnh nồng nàn, đôn hậu qua bài Thơ viết ở biển. Thơ viết ở biển theo tôi là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu cho tập thơ Thư mùa đông (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1995).

Bao trùm toàn bộ bài thơ là cảm giác cô đơn, nỗi nhớ mỏi mòn và niềm khát khao cháy bỏng hạnh phúc đến trong tình yêu đôi lứa.

Hữu Thỉnh không phải là người đầu tiên thức nhận ra cái cảm giác cô đơn trong tình yêu khi lứa đôi xa cách. Từ ngàn xưa, biểu hiện của tình yêu là ước muốn được gần gủi, gắn bó. Vì vậy, tình yêu thường gắn liền với nổi nhớ và cảm giác đơn côi khi chia xa. Nhưng trong cách nói của Hữu Thỉnh, có cái gì đó quen mà rất lạ, ám ảnh lòng người.

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Với anh, em là tất cả. Em là hạnh phúc, là khát vọng. Vì vậy cảm giác khi không có em thật cô quạnh. Cảm giác ấy như khắc như tạc vào lòng người đang yêu thể hiện qua lối điệp từ, điệp cú pháp. Hình ảnh “trăng” và “mặt trời” trong hai câu thơ vừa có ý nghĩa biểu đạt thời gian: Đêm và ngày, lại vừa là biểu tượng của không gian vũ trụ “Nhật nguyệt còn khôn”. Sử dụng những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng ấy, Hữu Thỉnh đã diễn tả được bề thế hơn nỗi cô đơn trong lòng “anh” giữa chốn không “em”. Nếu Xuân Quỳnh, một hồn thơ say đắm, thuỷ chung đã diễn tả thật mãnh liệt nỗi nhớ của một trái tim đang yêu.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước.
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức..
(Sóng)
Thì Hữu Thỉnh, một trái tim đa cảm nồng hậu đã nói thật hay cái tâm trạng héo hắt lẻ loi của người yêu xa cách.

Cảm giác cô đơn ấy mỗi lúc càng cồn lên da diết, thấm vào vạn vật, trùm lấp cả không gian và trải dài trong mọi thời gian.

Tiếp theo vẫn là 2 câu thơ như lời tự bạch nổi cô đơn:
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn...
“Biển vốn là biểu trưng của sự vĩnh hằng, vô biên của vũ trụ, “cánh buồm” thường là biểu tượng về sự nhỏ bé, mong manh của kiếp người. Từ ngàn xưa, con người đứng trước biển thường có cảm giác bị choáng ngợp. ở đây, Hữu Thỉnh không nói về sự đối lập ấy, mặc dù vẫn lặp lại những thi liệu quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Với Hữu Thỉnh, “biển” và “cánh buồm” - Thiên nhiên, vũ trụ và con người như một thể thống nhất không thể tách rời. “Cánh buồm” đã trở thành linh hồn của “biển”, bởi nó là sự hoá thân kỳ diệu của “anh” và “em”, của tình yêu say đắm thuỷ chung. Cái tài của Hữu Thỉnh là ở chỗ đó: Dùng ngoại cảnh để khắc hoạ thật sâu cái tâm trạng, lòng mình. Lời thơ giản dị mà tinh tế gợi nhiều liên tưởng sâu xa trong lòng người đọc.

Đọc Thơ viết ở biển, tôi có cảm giác mình đang được ngâm nga những câu ca dao viết về tình yêu đôi lứa. Cái chất ca dao trong thơ Hữu Thỉnh toát ra ở tình cảm chân thành, hồn hậu, ở cách thể hiện kín đáo, sâu xa mà ám ảnh.
Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím...
Nổi buồn khi tình yêu ngăn cách được diễn tả thật xúc động, thật đáng yêu qua cặp hình ảnh so sánh tương đồng hoà hợp: “Gió và em, vách núi và anh”. Nói liên tiếp những cái không có (không phải là roi, không phải là chiều...) để khẳng định, làm nổi bật một cái có thật là nổi buồn - nhớ thường trực giăng mắc ngập hồn anh. Đó là cái ý vị của bài thơ.

Sau hàng loạt những hình ảnh giàu mĩ cảm được đẩy đến tận cùng của cảm giác cô đơn và nổi buồn nhó diết da, bài thơ khép lại bằng hai câu thơ với lối kết cấu câu nhân quả thật ấn tượng, thể hiện niềm khát khao cháy bỏng trong tình yêu và hạnh phúc.
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em
Hình ảnh “sóng” trong hai câu thơ trên, không còn là một con sóng vô tri vô giác như ta thường thấy khi đứng trước biển. Sóng ở đây đã có cả một đời sống nội tâm. Nó là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con trai đang yêu. Trước mênh mông biển lớn, một mình anh hoang dại nỗi không em. Cảm giác cô đơn, nỗi buồn trống vắng và sự hụt hẫng cứ dâng lên như trăm ngàn con sóng bồi lở lòng anh. Nhưng tất cả có nghĩa lí gì đâu nếu như em không đến. Cả đất trời cũng trở nên vô nghĩa nếu thiếu em. Anh khát khao em, khát khao tình yêu như nắng khát trời mưa, như sóng khát vào bờ để được bờ vỗ về ve vuốt, để được “hôn bờ mãi mãi bờ ơi” (Biển - Xuân Diệu).

Như vậy, một lần nữa, chất ca dao đằm thắm, nghĩa tình lộ ra trong cái tứ thơ tình yêu của Hữu Thỉnh:

Tình yêu bao giờ cũng gắn với nỗi buốn nhớ, cảm giác cô đơn và khát khao say đắm thuỷ chung. Đó là một tình yêu đẹp, nó chỉ có ở một hồn thơ đẹp.

Tôi yêu Thơ viết ở biển từ khi tôi chưa biết tác giả của những câu thơ đầy ma lực đó là ai! Đây là một bài thơ hay đã từng được phổ nhạc, nó nhập vào hồn tôi như một lẽ tự nhiên, như muốn giữ mãi một Hữu Thỉnh nồng nàn, chung thuỷ với tình yêu giữa làng thơ bộn bề xáo trộn.


(Th.S. Lê Thị Phượng)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
84.75
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Đọc lại bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh là một nhà thơ quân đội. Độc giả hẳn đã quen với Năm anh em trên một chiếc xe tăng và nhiều bài thơ khác của ông viết về người lính. Nhưng hẳn độc giả cũng quen thuộc với một thi phẩm của ông viết về tình yêu. Đó là bài Thơ viết ở biển in trong tập Thư mùa đông năm 1994. Ta hãy xem Hữu Thỉnh viết về tình yêu như thế nào.

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn.
Mặt trăng và mặt trời vốn chỉ có một và tạo hoá sinh ra chúng đã lẻ. Nhưng khi anh xa em thì ngay cả những hiện tượng tự nhiên bình thường cũng trở nên bất thường.

Tác giả lấy hình tượng thuyền và biển vốn rất quen thuộc để nói về anh và em, trong đó anh được ví như biển, em được coi là thuyền. Biển nâng đỡ con thuyền, biển là nơi cho con thuyền em được thoả sức ra khơi.

Bao la là đại dương, mênh mông là biển rộng. Biển bao dung thu nhận tất cả và cho con người bao khoáng sản, hải sản. Biển thật mạnh mẽ. Mạnh mẽ như một chàng trai khoẻ mạnh. Nhưng sẽ là cô đơn, là lẻ loi, là buồn cho biển nếu như không có cánh buồm. Một chàng trai khoẻ mạnh để làm gì nếu không có người yêu? Một thứ tình yêu gắn bó, khăng khít không thể chia lìa.
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím.
Gió thổi mòn đá núi dù gió chỉ là dòng không khí chuyển động, vậy mà có khi như những nhát roi quất vào làm cho những khối đá vững chắc phải tổn thương. Em xa anh tưởng như vô hại, mà làm anh phải buồn khổ đến thế. Em cũng không phải là bóng chiều đe doạ tắt đi ánh sáng rực rỡ của ban ngày mà bao trùm lên bằng một màn đêm đầy bóng tối. Nhưng em đã nhuộm anh đến tím vì sao? Sự ảnh hưởng này không phải xuất phát từ người con gái mà chính từ người con trai, người con trai đã yêu người con gái và cảm giác này tồn tại riêng ở anh. Sự “nhuộm anh đến tím” ở đây phải chăng là sự thay đổi ở người con trai. Bởi vì anh yêu cô ấy. Có những câu thơ mà người đọc chỉ có thể cảm nhận mà không thể phân tích được rạch ròi, nhất là mang thi pháp học ra để soi chiếu thì lại càng không được. Hai câu thơ này là như thế chăng?

Xuân Quỳnh cũng dùng hình ảnh thuyền và biển để nói về tình yêu:
Nêu biển phải xa thuyền
Biển bạc đầu sóng vỗ
Xuân Quỳnh chỉ nêu ra một giả thiết, còn Hữu Thỉnh thì đang ở trong hoàn cảnh đó bởi câu đầu tiên “Anh xa em” nên tính thuyết phục cao hơn? Thêm nữa biển có bao giờ thiếu sóng bạc đầu?
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em…
Cuộc đời của một con sóng được bắt đầu từ khi nó hình thành và kết thúc khi nó đã vào bờ. Khi phổ nhạc bài thơ này, người nhạc sĩ đã rất có lí khi thay cụm từ “chẳng đi đến đâu” bằng “có nghĩa gì đâu” để nói rằng chẳng để làm gì, chẳng có tác dụng gì, chẳng có ý nghĩa gì... Sóng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như nó không mang cô gái đến với anh. Hiểu một cách trực quan, con thuyền mà lại là thuyền buồm muốn chuyển động phải nhờ đến gió, mà gió thì tạo ra sóng. Thuyền và sóng chuyển động cùng chiều với nhau. Gió thổi mà làm gì, sóng vỗ mà làm gì nếu thiếu cánh buồm. Biển dài rộng mà làm gì nếu thiếu sự sống. Anh sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có em. Người đọc có thể nhận thấy có hai thứ sóng. Một là sóng của biển và một là sóng trong lòng. Sóng biển chỉ làm anh nghiêng ngả thân mình còn sóng trong lòng làm anh thay đổi như thế nào phần trên bài thơ đã nói đến. Theo tôi ba dòng thơ cuối chứa hai mệnh đề. “Vì sóng đã làm anh /nghiêng ngả”. Còn “Vì em.../...) thì khuyết vế sau mà thực ra tác giả đã làm rõ ở bên trên. Đây cũng là cách so sánh nhưng là so sánh ngược.

Mặt trời, mặt trăng, sóng, gió, biển. Tất cả đều cô đơn, đều lẻ loi khi anh xa em.

Cả bài thơ là một không gian rộng rãi nhưng mang màu sắc trầm buồn, một sự cô đơn, trống vắng đến mênh mang.
Tình yêu là như thế này đây.

Yêu nhau mà phải xa nhau khổ thế này đây.

Biển có khi đầy, có khi vơi. Tình yêu có khi mặn mà, có khi giông bão. Nhưng khi người ta đã yêu nhau thì trọn vẹn một tình yêu với nhau để khi xa nhau thì nhớ còn gặp nhau thì hạnh phúc vô bờ.


Huy Tráng
44.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng Vicar

The poem is written in the sea

I am far from you
The moon‘s also solitary
The sun‘s also solitary
Sea still rely on one’s might, long, wide the same
To miss sails in moment have been lonesome.

The wind isn’t rod yet mountain stone must wear
You aren’t evening shine yet dye me in purple
Waves won’t run to where it is, if doesn’t bring you come
Since waves made me
To be vacillated
By you.

33.33
Chia sẻ trên FacebookTrả lời