Tình yêu và nổi nhớ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca muôn thuở. Có biết bao tài thơ từng nổi tiếng bởi đề tài này: Nguyễn Bính với Tương tư; Tế Hanh với Mảnh vườn xưa; Xuân Quỳnh với Sóng, Thuyền và biển. Song giữa giàn đồng ca thơ tình muôn điệu ấy ta nhận ra một Hữu Thỉnh nồng nàn, đôn hậu qua bài Thơ viết ở biển. Thơ viết ở biển theo tôi là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu cho tập thơ Thư mùa đông (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1995).

Bao trùm toàn bộ bài thơ là cảm giác cô đơn, nỗi nhớ mỏi mòn và niềm khát khao cháy bỏng hạnh phúc đến trong tình yêu đôi lứa.

Hữu Thỉnh không phải là người đầu tiên thức nhận ra cái cảm giác cô đơn trong tình yêu khi lứa đôi xa cách. Từ ngàn xưa, biểu hiện của tình yêu là ước muốn được gần gủi, gắn bó. Vì vậy, tình yêu thường gắn liền với nổi nhớ và cảm giác đơn côi khi chia xa. Nhưng trong cách nói của Hữu Thỉnh, có cái gì đó quen mà rất lạ, ám ảnh lòng người.
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Với anh, em là tất cả. Em là hạnh phúc, là khát vọng. Vì vậy cảm giác khi không có em thật cô quạnh. Cảm giác ấy như khắc như tạc vào lòng người đang yêu thể hiện qua lối điệp từ, điệp cú pháp. Hình ảnh “trăng” và “mặt trời” trong hai câu thơ vừa có ý nghĩa biểu đạt thời gian: Đêm và ngày, lại vừa là biểu tượng của không gian vũ trụ “Nhật nguyệt còn khôn”. Sử dụng những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng ấy, Hữu Thỉnh đã diễn tả được bề thế hơn nỗi cô đơn trong lòng “anh” giữa chốn không “em”. Nếu Xuân Quỳnh, một hồn thơ say đắm, thuỷ chung đã diễn tả thật mãnh liệt nỗi nhớ của một trái tim đang yêu.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước.
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức..
(Sóng)
Thì Hữu Thỉnh, một trái tim đa cảm nồng hậu đã nói thật hay cái tâm trạng héo hắt lẻ loi của người yêu xa cách.

Cảm giác cô đơn ấy mỗi lúc càng cồn lên da diết, thấm vào vạn vật, trùm lấp cả không gian và trải dài trong mọi thời gian.

Tiếp theo vẫn là 2 câu thơ như lời tự bạch nổi cô đơn:
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn...
“Biển vốn là biểu trưng của sự vĩnh hằng, vô biên của vũ trụ, “cánh buồm” thường là biểu tượng về sự nhỏ bé, mong manh của kiếp người. Từ ngàn xưa, con người đứng trước biển thường có cảm giác bị choáng ngợp. ở đây, Hữu Thỉnh không nói về sự đối lập ấy, mặc dù vẫn lặp lại những thi liệu quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Với Hữu Thỉnh, “biển” và “cánh buồm” - Thiên nhiên, vũ trụ và con người như một thể thống nhất không thể tách rời. “Cánh buồm” đã trở thành linh hồn của “biển”, bởi nó là sự hoá thân kỳ diệu của “anh” và “em”, của tình yêu say đắm thuỷ chung. Cái tài của Hữu Thỉnh là ở chỗ đó: Dùng ngoại cảnh để khắc hoạ thật sâu cái tâm trạng, lòng mình. Lời thơ giản dị mà tinh tế gợi nhiều liên tưởng sâu xa trong lòng người đọc.

Đọc Thơ viết ở biển, tôi có cảm giác mình đang được ngâm nga những câu ca dao viết về tình yêu đôi lứa. Cái chất ca dao trong thơ Hữu Thỉnh toát ra ở tình cảm chân thành, hồn hậu, ở cách thể hiện kín đáo, sâu xa mà ám ảnh.
Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím...
Nổi buồn khi tình yêu ngăn cách được diễn tả thật xúc động, thật đáng yêu qua cặp hình ảnh so sánh tương đồng hoà hợp: “Gió và em, vách núi và anh”. Nói liên tiếp những cái không có (không phải là roi, không phải là chiều...) để khẳng định, làm nổi bật một cái có thật là nổi buồn - nhớ thường trực giăng mắc ngập hồn anh. Đó là cái ý vị của bài thơ.

Sau hàng loạt những hình ảnh giàu mĩ cảm được đẩy đến tận cùng của cảm giác cô đơn và nổi buồn nhó diết da, bài thơ khép lại bằng hai câu thơ với lối kết cấu câu nhân quả thật ấn tượng, thể hiện niềm khát khao cháy bỏng trong tình yêu và hạnh phúc.
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em
Hình ảnh “sóng” trong hai câu thơ trên, không còn là một con sóng vô tri vô giác như ta thường thấy khi đứng trước biển. Sóng ở đây đã có cả một đời sống nội tâm. Nó là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con trai đang yêu. Trước mênh mông biển lớn, một mình anh hoang dại nỗi không em. Cảm giác cô đơn, nỗi buồn trống vắng và sự hụt hẫng cứ dâng lên như trăm ngàn con sóng bồi lở lòng anh. Nhưng tất cả có nghĩa lí gì đâu nếu như em không đến. Cả đất trời cũng trở nên vô nghĩa nếu thiếu em. Anh khát khao em, khát khao tình yêu như nắng khát trời mưa, như sóng khát vào bờ để được bờ vỗ về ve vuốt, để được “hôn bờ mãi mãi bờ ơi” (Biển - Xuân Diệu).

Như vậy, một lần nữa, chất ca dao đằm thắm, nghĩa tình lộ ra trong cái tứ thơ tình yêu của Hữu Thỉnh:

Tình yêu bao giờ cũng gắn với nỗi buốn nhớ, cảm giác cô đơn và khát khao say đắm thuỷ chung. Đó là một tình yêu đẹp, nó chỉ có ở một hồn thơ đẹp.

Tôi yêu Thơ viết ở biển từ khi tôi chưa biết tác giả của những câu thơ đầy ma lực đó là ai! Đây là một bài thơ hay đã từng được phổ nhạc, nó nhập vào hồn tôi như một lẽ tự nhiên, như muốn giữ mãi một Hữu Thỉnh nồng nàn, chung thuỷ với tình yêu giữa làng thơ bộn bề xáo trộn.

(Th.S. Lê Thị Phượng)