☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Đỗ Huy Nhiệm (16/3/1915 - ?), bút danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Ông quê gốc ở Phú Yên, nhưng sinh ra ở Nam Định. Trước ông họ Hồ, sau đổi ra họ Đỗ. Thuở nhỏ, ông học ở Nam Định cho đến khi đỗ bằng Thành chung, rồi lên Hà Nội học tiếp cho đến khi thi đỗ Tú tài. Khoảng năm 1941, ông vào làm ở Sở Trước bạ Hà Nội. Tháng 10 năm 1941, ông được Hoài Thanh và Hoài Chân viết bài giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942). Ông có thơ đăng trên các báo thời bấy giờ, như: Phụ nữ thời đàm, Tân thiếu niên, Tiến hoá, Văn học tạp chí, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm... Tháng 9 năm 1968, Đỗ Huy Nhiệm lại được Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ sách Thi nhân tiền chiến, xuất bản tại Sài Gòn năm 1969.
Tác phẩm của ông, có:
- Khúc ly tao (thơ, 1934)
- Thiên diễm tuyệt (thơ, 1936)
- Tiền kiếp (tập truyện ngắn, Tam Kỳ thư xã Hà Nội xuất bản, 1943)
Mặc dù được đào tạo trong môi trường tân học, nhưng Đỗ Huy Nhiệm lại chịu ảnh hưởng khá nhiều của nền văn hoá phương Đông. Trong số các nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc, ông rất say mê Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, cho nên ông đã lấy tên và hiệu của Đỗ Phủ làm bút danh, lấy tên tập thơ (Ly tao) của Khuất Nguyên làm tên cho Khúc ly tao của mình. Không chỉ có vậy, theo Hoài Thanh và Hoài Chân, thì những vần thơ của ông còn “phảng phất giọng Đường”.
Đánh giá sự nghiệp văn chương của Đỗ Huy Nhiệm, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Ngọc Lan viết đại để như sau: Thơ ông nói về thứ tình cảm muôn thủa của con người, nhưng đã có thêm “một chút xôn xao mới” (theo Thi nhân Việt Nam). Đó là những hồi ức về tuổi thơ hồn nhiên (Tuổi thơ, Xuân hoài, Âm thầm); là sự say mê, sự đồng cảm, những giận hờn nũng nịu, và cả những tình yêu đơn phương cùng nỗi sầu chi biệt (Vạn vật, Đôi ta, Thẹn, Truyện thần tiên, Bắt đền, Thẹn lời, Nhớ, say, Đêm chia biệt, Mưa, Bóng yêu đương); là hoài niệm giữa một thiếu nữ khuê phòng với một người đã trót mang một kiếp gió mây (Kiếp gió mây), giữa người khách tài hoa phiêu lãng với nàng ca kỹ trên bến Cô Tô (Phóng lãng, Thu hoài)...Tuy nhiên, thơ ông khác với lối tả tình sướt mướt lúc bấy giờ. Đó là chỉ những lời kể chuyện tâm tình nhẹ nhàng, nỗi buồn cũng dịu nhẹ, man mác, có khi đan xen giữa hồi ức và hiện tại.
Về hình thức, thơ ông “phảng phất giọng Đường thi” (theo Thi nhân Việt Nam), nhưng câu thơ không bị gò bó bởi niêm luật, cách diễn đạt đã “tự do” hơn về câu chữ. Tuy bút pháp của ông không có gì thật mới lạ, song nó có sự mượt mà, bình dị, ít triết lý và cách diễn đạt tâm lý cũng đã khá tinh tế...
Ngoài thơ, Đỗ Huy Nhiệm còn viết văn xuôi. Tập truyện Tiền kiếp của ông gồm 9 truyện ngắn, phần lớn viết phỏng theo lối truyền kỳ. Ở đó, nhờ ông chú ý mô tả cảnh sắc thiên nhiên, phần nào khai thác được tâm lý nhân vật…nên đã tạo được một không khí vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Cách hành văn trong tập truyện này cũng tương đối giản dị, ngắn gọn (theo Từ điển Văn học [bộ mới]. Nxb Thế giới, 2004, tr. 439).
Trong quyển Thi nhân Việt Nam, ông có ba bài thơ được tuyển giới thiệu, đó là: Đìu hiu, Hoa tủi và bài Thơ say.