S. Êxênin sinh ngày 21 tháng Chín năm 1895 tại làng Ku-dơ-min-xki, thuộc tỉnh Ria-dan của nước Nga. Năm lên năm tuổi, cái tuổi có thể tự mình cắp sách đến trường, cậu bé Êxênin cũng đặt bước chân thơ trẻ của mình vào thế kỷ XX. Lên chín tuổi, Êxênin đã bắt đầu làm thơ, nhưng đến năm 18 tuổi, thơ anh mới được đăng báo. Những bài thơ về thiên nhiên làng quê Nga của anh từ đó làm xôn xao dư luận người đọc, và lập tức, anh trở thành một nhà thơ nổi tiếng, được đặc biệt hâm mộ. Đúng như lời tâm sự của Êxênin với mẹ từ trước, trong một bài thơ nho nhỏ của mình:
Ngày mai mẹ thức con dậy sớm
Mở cửa ra cho ánh sáng vào nhà
Người ta bảo con sắp thành thi sĩ
Nổi tiếng, và, một thi sĩ người Nga.
Phải chăng, người ta hâm mộ thơ anh vì thơ anh đẫm ướt tâm hồn Nga? Điều đó quá rõ ràng. Cho đến nay, trước những cửa hàng sách, người ta vẫn sắp hàng dài để mua thơ Êxênin khi thơ của anh vừa được tái bản. Chỉ tính trong những năm sáu mươi (thế kỷ XX), tuyển tập thơ Êxênin đã được tái bản nhiều lần ở Liên Xô với số lượng 12.000.000 bản, và chỉ đủ bán cho những người đã đặt hàng trước.

Thơ Êxênin giàu nhạc điệu, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, và là những bài hát hay. Người ta cũng sáng tác khá nhiều bài hát về Êxênin rất được thanh niên Liên Xô ưa thích.

Êxênin là nhà thơ lớn của Nga và Liên Xô. Khi nhắc đến nền thơ Xô-viết, người ta thường kể đến Êxênin cùng với Blốc, Maiakôvxki. Êxênin cũng là nhà thơ lớn của thế kỷ XX, tiếc rằng, cuộc đời nhà thơ kết thúc quá sớm - Êxênin qua đời năm 30 tuổi.

*

Trong “Chân dung văn học”, khi viết về Êxênin, nhà văn Gorki kể lại rằng, cái chết của Êxênin đã làm sống lại trong ký ức của ông câu chuyện một cậu thiếu niên nông dân tình cờ đến thành phố Kralốp trên đảo Capri và bị lạc trong thành phố này. “Cậu ta đi loanh quanh mãi trên các phố, không sao thoát ra ngoài để trở về cảnh đồng rộng quen thuộc của cậu. Và cuối cùng, cảm thấy thành phố không chịu buông tha mình, cậu đã quỳ xuống đọc kinh cầu nguyện và đứng trên cầu nhảy xuống sông Vixoa, hy vọng dòng sông sẽ đưa mình trở về đồng ruộng. Người ta đã vớt được cậu bé lên, nhưng cậu đã chết vì những vết thương của mình…”.

Êxênin cũng có thể chết một cách ngây thơ đến tuyệt đẹp giống như cậu thiếu niên kia, nếu như vì một lý do gì đó buộc anh phải lìa xa tình yêu nông thôn Nga của mình. Tình yêu nông thôn Nga của anh là hàng trăm bài thơ của anh, nông thôn mà ở đó những ngôi nhà gỗ tuyết phủ trắng mùa đông, những cánh đồng vàng ánh trăng mùa gặt, những dòng sông, ngọn núi, hàng cây luôn phát ra một thứ ánh sáng rực rỡ sắc màu, những đàn bò, con chó, bầy gà luôn gần gũi như bạn bầu thân thiết, và đặc biệt là những người nông dân gắn cả cuộc đời với ruộng đồng, với nước Nga tươi đẹp đượm buồn. Cảnh và người của nông thôn trong thơ Êxênin sống động đến kỳ lạ. Bởi vì, nó luôn sống động trong hồn anh:
Và thơ con có một dòng sữa chảy
Dòng sữa của đàn bò của mẹ, của nhà ta
Đủ biết Êxênin yêu mẹ và yêu đàn bò đến nhường nào. Tình yêu ngỡ có thể trông thấy được, trắng trong và chầm chậm. ngọt ngào rỏ vào lòng người như dòng sữa chảy miệt mài qua năm tháng. Có được sự sống động ấy chính là nhờ tấm lòng cảm thông hoà nhập sâu sắc với cuộc đời, và đặc biệt là đối với tất cả mọi sinh vật ở chung quanh nhà thơ. Phải nói, Êxênin là người cảm thông thương yêu mọi sinh vật như đọc được mọi buồn vui của chúng. Đối với anh, buồn vui của mọi sinh vật là buồn vui của chính mình. Những nỗi buồn vui ấy trong thơ anh được thể hiện một cách tài tình tuyệt vời với những hình ảnh có sức lay động lạ lùng như là chỉ có ở một con người được sáng tạo ra với tư cách là một cơ quan của thiên nhiên và chỉ để làm thơ về thiên nhiên mới có thể nhận bắt được. Gorki đã một lần nhận xét như vậy. Ta hãy nghe Êxênin tả vầng trăng mà con chó mẹ bỗng nhìn thấy sau khi bầy chó con mới đẻ của nó vừa bị người ta bắt mang đi một cách tàn nhẫn:
Trên mái nhà, trăng mọc
Giống như một chó con.
Và Êxênin nhận thấy chó mẹ khóc:
Đôi mắt nó bỗng lăn
Những sao vàng xuống tuyết.
Ở một bài thơ khác, Êxênin lại thấy:
Sáo vừa đi vừa chạy
Trên đất cày đồng xa
Tại sao lại có thể thấy được sáo vừa đi vừa chạy chứ không phải là sáo chỉ đi hoặc là chỉ chạy? Tôi có cảm giác như lúc khởi lên câu thơ này, Êxênin phải hoà tan mình vào trong những luống đất màu mỡ vừa được lưỡi cày lật lên để ngắm nhìn những con sáo đang cuống quýt nhặt mồi vậy.

Không có sự cảm thông ghê gớm với muông thú, làm sao Êxênin có thể viết được những câu thơ như thế này:
Một tiếng quạ kêu mờ
Trong sâu thẳm sâu hồ nước
Một con gà rừng đen
Gọi đêm về chậm chạp
Hoặc:
Và ngoài sân bao con gà cộc
Đang gáy lên bài hát ban trưa
Qua đôi mắt và tâm hồn Êxênin giữa những sinh vật cũng có sự cảm thông đặc biệt với nhau:
Với tôi, đàn bò hiền
Luôn gật gù trò chuyện
Khiến cây sồi trẻ lại
Buông cành xuống dòng sông
Nhắc đến Êxênin cũng có nghĩa là nhắc đến thiên nhiên Nga của anh. Có nhiều nhà văn nhà thơ Nga đã dành cả đời mình cho thiên nhiên Nga, nhưng Êxênin có tài kỳ lạ trong việc vẽ phong cảnh bằng những câu thơ giản dị. Những bức tranh thiên nhiên của anh là những bức tranh thuốc nước, màu sắc thật là hài hoà, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi những ấn tượng độc đáo. Chính sự kết hợp hài hoà màu sắc và bố cục, làm tôn lên một cách bất ngờ cái anh định tập trung mô tả. Và nhờ vậy, xem những bức tranh thiên nhiên Nga của anh, người ta mãi nhớ nó và mãi còn run rẩy lên vì nó. Hình ảnh mà ta dễ nhớ nhất của anh là cây cỏ. Cây cỏ trong thơ Êxênin lúc nào cũng ánh lên, phát sáng lung linh. Hầu như ánh sáng từ cây cỏ là sự phản chiếu ánh lửa từ đôi mắt thăm thẳm của thi sĩ. Có người nhận xét rằng, Êxênin có đôi mắt cháy rực một ánh lửa buồn rười rượi. Nhận xét ấy dường như không thật thoả đáng với những bài thơ anh viết ở tuổi thiếu niên. Nhưng dù sao thì đôi mắt của Êxênin cũng có lửa, và nhờ vậy nó đã khiến cho thiên nhiên phát sáng lung linh chung quanh anh. Sự phát sáng này xảy ra rất nhiều lần trong thơ Êxênin:
Muôn chồi non ngậm tuyết
Chĩa bạc lên nền trời
Và hạt tuyết vẫn cháy
Trong ánh lửa bằng vàng
Còn bình minh chậm rãi
Đi vòng theo chung quanh
Với muôn vàng bạc mới
Rắc êm lên lá cành
Trên gò đất cây bạch dương, cây bạch dương
Trong trăng sáng lên như thanh bạc
Bên cửa sổ một ánh trăng. Bên cửa sổ một ngọn gió
Thổi vào cây bạch dương – cây nến, cây bạc của tôi
...
Tài quan sát của đôi mắt có lửa Êxênin quả là không lẫn với ai khác. Sự độc đáo của thơ anh đôi khi làm người đọc sửng sốt, đến phải xuýt xoa:
... Ở xa kia về phía dòng sông
Như một giải nẹp viền lông thú
Câu thơ không dùng đến một tính từ chỉ màu sắc nào, vậy mà cảnh vật hiện lên hết sức rõ nét trong các mảng tối, sáng của nó. Và đây là những đống cỏ trên cánh đồng bên sông lúc hoàng hôn xuống:
Màu hung những đống cỏ
Trông giống bao nhà thờ.
Tài quan sát của Êxênin thật lạ, thật tinh vi:
Rừng ngập hoàng hôn xanh
kín cả từng quãng trống.
Không gian trong thơ Êxênin là một không gian rực rỡ sắc màu. Sắc màu của không gian trước hết là màu sắc của mặt trời. Êxênin ít tả trực tiếp về mặt trời, không phải vì mặt trời quá chói chả khiến mắt anh không thích nhìn mãi vào nó, mà vì anh biết cái đáng quan tâm nhất của mặt trời là cái gì. Đó là ánh sáng. Và trong muôn vàn ánh sáng do mặt trời toả chiếu, anh đặc biệt quan tâm đến bình minh và hoàng hôn. Nói đến bình minh và hoàng hôn cũng chính là nói đến mặt trời.
Hoàng hôn như một quyển kinh thánh đỏ
Đang cầu nguyện những tin lành.
Thi sĩ Êxênin 15 tuổi đi trong ánh “bình minh cháy đỏ mặt hồ”, đã thấy:
Bên đường muôn đốm nắng bay
Và tôi ngập giữa mê say sắc màu
Tôi hôn bông nắng đỏ au
Ngất ngây xin giữ mai sau cho mình.
Tại sao lại giữ cho mình? Bởi những tia chớp hạnh phúc không phải lúc nào cũng có được dễ dàng.

Đấy là biểu hiện của một tâm hồn khát khao hạnh phúc. Đối với Êxênin, bình minh là biểu tượng cho tương lai tươi sáng, cái tương lai đẹp đẽ trong giấc mơ của cậu bé chăn bò:
Quên đi nỗi nhọc nhằn
Tôi ngủ trên khúc gỗ
Trong mơ, bình minh đỏ
Rước lễ bên suối trong.
Và chính ánh sáng của mặt trời ấy góp công cùng thi sĩ tô điểm màu sắc cho không gian tuyệt diệu thêm lên. Những làn mây, ngọn gió luôn ánh lên màu sắc lạ:
Mây phồng xốp bọt vàng
Cuộn tròn trên rừng vắng
Gió thổi nhẹ đường cầu vồng vàng rực
Dưới những làn mây xốp đồng quê.
Nhưng trong không gian thiên nhiên này, trăng dường như được Êxênin miêu tả với xúc cảm thần tình lạ lùng nhất. Thơ cổ kim đông tây đã mang đến cho con người biết bao vầng trăng kỳ diệu rồi, vậy mà vầng trăng tuyệt đẹp này của đồng quê tưởng khó mà gặp được nếu không có thi sĩ Êxênin trên đời này:
Trăng như quả lắc bằng vàng
Nhịp thời gian đổ mơ màng mưa êm.
Và đây, lại một vầng trăng kỳ lạ nữa:
Ôi, giá được mỉm cười trên đống rạ
Dùng miệng của vầng trăng nhai cọng rơm này.
Ta có thể gặp trăng rất nhiều lần trong thơ Êxênin, vầng trăng nào cũng lạ, ánh trăng nào cũng lạ. “Và ánh trăng đã buông – Những dây cương vàng chói”... Tôi muốn trích thêm nhiều nữa, nhưng thật không nên làm cái công việc tẩn mẩn ấy. Chỉ biết là, trăng luôn ám ảnh Êxênin suốt cuộc đời thi sĩ, như là trường hợp Hàn Mặc Tử ở ta vậy. Trong thơ Êxênin, ánh trăng luôn tràn trề, nhưng đấy là thứ ánh trăng không vương bụi, ánh trăng trong suốt. Nỗi ám ảnh ấy khiến Êxênin viết được một câu thơ rất lạ:
Chiếc mũ sau vòm cây – vầng trăng lặn muộn.
Cho đến năm cuối cùng cuộc đời, vầng trăng vẫn ám ảnh thi sĩ, mặc dù khi ấy, vầng trăng đối với anh không còn tươi đẹp như xưa nữa, mà day dứt một nỗi buồn ảm đạm. Tuy vậy, cái vầng trăng buồn vẫn hiện lên trong thơ anh như là nó chỉ hiện lên một lần duy nhất trong vũ trụ:
Đồng nội tuyết, một mặt trăng màu trắng.
Mặt trăng buồn đến lạnh người, mặt trăng màu trắng, nhưng đó vẫn là cái nỗi buồn dịu muốt – nỗi buồn Êxênin.

Nếu tả thiên nhiên mà chỉ để tả thiên nhiên thôi, thì dù có tài hoa đến mấy, cũng mới là tài hạng hai. Thiên nhiên trong thơ Êxênin là thiên nhiên của lòng người hoà nhập. Nói cách khác, thiên nhiên đã thở bằng hơi thở Êxênin, sống bằng sức sống Êxênin, cảm và nghĩ bằng trái tim thi sĩ. Sự tả cảnh trong thơ Êxênin bao giờ cũng như để chuẩn bị cho một cái gì đó sâu xa hơn, nói chính xác là sự tả cảnh tự mang trong nó cái gì sâu xa ấy. Đó là lòng người. Bài thơ “Đã chiều rồi” viết năm 15 tuổi, khi Êxênin đứng “ngả đầu vào dương liễu bên đường” nhìn ra cánh đồng làng là một bài thơ giàu mẫn cảm, giàu tâm trạng. Ở đây, Êxênin không có ý định phản ánh hiện thực già nua của nước Nga khi tả cảnh đồng quê, nhưng chính sự mẫn cảm thi sĩ đã làm sống lại hiện thực này:
Ở xa kia về phía dòng sông
Như một giải nẹp viền lông thú
Có cụ già gác đồng buồn ngủ
Gõ triền miên vào chiếc mõ đã già.
Ở một bài khác, một bài gần như hoàn toàn tả cảnh, vậy mà khi kết thúc bài thơ, một hồn người bỗng hiện lên, choáng ngợp cảm xúc của ta:
Anh cầu mong thầm lặng
Cho số phận của em!
Người ta say mê thiên nhiên trong thơ Êxênin là bởi vậy. Tấm lòng nhà thơ luôn được ký thác vào thơ một cách đắm đuối nhất. Niềm vui đắm đuối đã đành, nỗi buồn cũng đắm đuối. Bạn cứ tưởng tượng xem, có một con người không hề yêu cũng không hề ghét… Thật vô duyên biết chừng nào! Tôi không muốn nói thiên nhiên trong thơ Êxênin là một thiên nhiên tuyệt vời duyên dáng, nhưng kỳ thực là vậy, bởi nó chứa một tâm hồn cao đẹp được bộc lộ đến tận cùng với vẻ duyên dáng trời cho.
Cây rung lên khe khẽ
Anh đã yêu tiếng động buồn, có lẽ
Trước mùa thu.
Đấy, Êxênin đã trò chuyện với cây dương – với thiên nhiên như vậy đấy, như là trò chuyện với người tình say đắm của mình!

*

Nếu như con người là đối tượng đáng được hưởng sự cảm thông, lòng yêu thương hơn tất cả mọi vật, thì Êxênin là nhà thơ đã dành hết thảy sự cảm thông, lòng yêu thương của mình cho con người. Suy cho cùng sự cảm thông, lòng yêu thương của anh đối với mọi vật cũng chính là một biểu hiện vì con người mà thôi. Năm cuối cùng của đời mình, Êxênin vẫn ca hát cề con người:
Đất nước màu xanh. Và vui làm sao
Tâm hồn tôi bán cả cho bài hát
Như vì Ghe-li-a trong bóng những vòm cây.
Con chim sẻ ôm hoa hồng thơm ngát.
Trước đó 13 năm, trong bài thơ Nhà thơ, Êxênin từng khẳng định:
Ai đã yêu con người như thể những anh em
Và cả quyết dám khổ đau vì họ?
- Nhà thơ
Nhà thơ đã tự do làm tất cả
Mà bao nhiêu người khác chẳng thể làm.
Nhưng chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy, con người trước hết trong thơ Êxênin là con người nông dân, những con người gần gũi với thi sĩ từ thuở anh mới lọt lòng mẹ. Và thực ra, chính anh cũng là một tế bào trong cộng đồng làng quê nông dân ấy. Cho nên, sự đồng cảm của anh với những con người nông dân dường như là sự đồng cảm tuyệt đối. Anh hiểu người mẹ khi ở “Trong nhà”, “Mẹ không bao giờ nghỉ ngơi – Dáng lưng còm đi lại”, và khi đứa con đi xa, mẹ luôn mong ngóng tin con:
Quãng đường vắng mẹ thường đi
Mình choàng chiếc áo dân quê bông sờn.
Khi xa nhà, anh tự hỏi “ở đâu nhà của bố tôi – Tấm lưng còm sém nắng trời tháng, năm”, và khi trở về nhà sau bao năm xa cách, anh bỗng ngỡ ngàng trước đứa em gái “không một chút ngại ngần – Mở quyển sách to như Kinh thánh – Quyển Tư bản – Và nói về CácMác – Nói về Ăngen…” – Ở đây, sự ngỡ ngàng xảy ra bởi những gì quá quen thuộc trước đó mà thôi. Sự đồng cảm lớn với người nông dân đã giúp Êxênin phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn giấu trong họ từ lâu. Đấy là câu chuyện riêng tư của người chăn bò với cây dương liễu tơ non bên hồ nước vắng vẻ. Êxênin nghe được người chăn bỏ hỏi cây dương: “Gió đã thì thầm gì với em – Cát đã nói gì với em?...” Người ta có thể hỏi những lời như vậy không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng nghe được những câu trả lời như thế này của cây dương thì không phải ai cũng dễ dàng nghe được:
Ôi, người bạn tò mò ơi
Ở đây dưới đêm sao
Có một người chăn bò vừa khóc.

Khi ánh trăng trang sức
Trên những tán cây xanh
Anh ấy đã ôm tôi thật chặt
Đôi bắp chân cóng rét để trần.

Cứ như vậy anh thở dài não ruột
Nói dưới tiếng động của lá cành:
- Vĩnh biệt bồ câu của anh
Đến những mùa chim sếu!...
Đấy là sự phát hiện tài tình ra hạnh phúc của những người nông dân trong lao động vất vả cực nhọc của họ, cái niềm hạnh phúc mà nếu là người không có sự đồng cảm sâu sắc với người nông dân, không thể nào thấy được:
Hạnh phúc cho những người khi nhận thấy
Niềm vui trong nỗi buồn chăn bò của mình.
Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Niềm vui trong nỗi buồn chăn bò của mình… Và cũng chính vì vậy mà Êxênin, anh luôn mang trong mình niềm day dứt về sự lam lũ khổ đau, bị chà đạp tàn nhẫn của người nông dân Nga. Cho mãi về sau, khi nước Nga đã được giải phóng bằng Cách mạng tháng Mười, niềm day dứt ấy vẫn in đậm trong thơ Êxênin:
Sao rồi em, đồng nội của chúng ta
Ôi đồng nội mặn mà cát trắng
Và ai đó không lỗi lầm bị dẫm
Và đau thương có thật của ai xưa?
Tình yêu người nông dân cũng chính là khởi nguồn tình yêu con người nhân loại lớn trong thơ Êxênin. Con người, đối với Êxênin, nếu không có nó thì trái đất sẽ chỉ là một quả cầu chết. Êxênin là người biết nhận ra sự cô đơn ghê gớm khi chung quanh mình vắng bóng con người, hoặc trống vắng tình yêu của con người. Anh cảm thấy không thể ngủ được khi nằm một mình trong căn phòng giữa đêm mênh mông, và không thể chịu được sự cô đơn, anh thoát khỏi căn nhà để tìm đến với con người:
Đêm không ngủ. Đêm không ngủ
…….
Ra đi hỡi trái tim nhỏ của tôi
Nghe bài hát người chơi đàn guxli, nghe bài hát
Và khi đến được với con người rồi, không còn cô đơn nữa, nhà thơ sung sướng đến reo lên:
Tôi say đắm trong tuyệt vời vẻ đẹp
Của người con gái dưới trăng đêm
Tôi sẽ nhảy theo đàn guxli ấy
Và sẽ xé tan chiếc khăn cưới của em!
Dĩ nhiên là chàng trai Êxênin không xé tan chiếc khăn cưới của người con gái mà anh say mê ấy, nhưng tình yêu con người ở anh quả là đến mức có thể làm được điều ấy, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa:
Tôi sẽ mang em vào tháp gỗ tối đen
Vào khu rừng xanh vào nơi xa vắng
Những sườn núi – tôi sẽ mang em đến
Bình minh cây anh túc mỉm cười.
Những đoạn thơ trên trong bài thơ Êxênin viết năm 16 tuổi, cái tuổi vừa qua thời niên thiếu để trở thành người lớn, cái tuổi mà tình yêu cuộc đời toát ra mãnh liệt nhất với sự tươi mới của nó. Nhưng không phải vì thế mà trở thành ngông cuồng, lố bịch. Đấy là sự hồn nhiên không thể cưỡng của tuổi trẻ, cũng là điều đáng cảm thông nhất của con người. Niềm cảm thông và tình yêu thương lớn của thi sĩ đã giúp Êxênin nhận ra được “trên sóng hào quang của sao – Những khổ đau đang ước vọng”, và càng tin yêu hơn “tiếng rì rào của dòng nước mạnh”. Lòng tin vào sự vươn tới của con người trong thơ anh thật mãnh liệt:
Có nghe không, hoa hồng đang gục xuống
Đang rữa tan. Bài hát vẫn vang lên?
Nói đến tình yêu con người trong thơ Êxênin, không thể không nhắc đến mảng thơ tình của anh. Đấy là những bài thơ tình vào loại “gối đầu giường”, cho đến bây giờ, nó đã được rất nhiều người thuộc như thuộc ca dao. Cái hay của những bài thơ tình này không chỉ ở nhạc điệu tuyệt vời mà người ta có thể dễ dàng hát lên được, cũng không phải vì nó mô tả những tâm trạng cô đơn tuyệt vọng của tình yêu éo le, rắc rối. Điều chủ yếu, đấy là những bài thơ của tình yêu rực cháy khát vọng hạnh phúc của tuổi trẻ. Và nó được ghi lại một cách chân thực. Cảm giác như là tình yêu của chàng trai Êxênin tràn trề như thế nào, thì những dòng thơ tình yêu của thi sĩ Êxênin cũng tuôn chảy tràn trề như vậy. Tình yêu như chỉ còn có hai người với nhau.
Nghe không em – xe trượt tuyết đang phi – nghe không em?
Tuyệt diệu làm sao, cùng người yêu biến vào cánh đồng êm
Đấy là niềm vui sướng không thể kìm lại được, phải thốt ra thành thơ. Để rồi cùng reo lên trước thiên nhiên bao la:
Ối, xe trượt tuyết! Xe trượt tuyết!
     con ngựa hung nhạt của tôi
Không phải người say rượu đâu – ở xa kia
     cây phong đang múa đó thôi
Và cuối cùng là:
Chúng tôi đến và hỏi rằng: Làm sao thế cây phong?
Rồi cùng nhảy với nhau – ba người – trên tuyết trắng như bông.
Đấy chỉ có thể là tình cảm của người đang bốc men say. Nhưng đây không phải là men rượu, đây là men ái tình. Đối với Êxênin, tình yêu có thể làm cho người ta chấp nhận cây phong với tư cách một con người đồng điệu, một con người biết yêu say đắm và biết biểu hiện tình yêu ấy bằng sự múa nhảy nồng nàn.

Cao hơn tất cả những tình yêu bình thường phải là tình yêu với sự bộc lộ bản năng cao đẹp của con người. Nếu như bây giờ, người ta coi sự thật là biểu tượng cao cả của đạo đức, thì chính Êxênin, từ cách đây hơn nửa thế kỷ đã từng đốt lên một ngọn lửa bằng nhiên liệu sự thật trong những bài thơ tình của mình. “Tôi không nói cùng người yêu những lời không có thật”, câu thơ như một câu thề thốt, bởi nó không phải là sự thề thốt, nó là sự giãy bày với chính mình, thi sĩ Êxênin. Sự thật bao giờ cũng mang trong bản thân nó tính hồn nhiên tuyệt đối. Thơ tình của Êxênin cũng vậy.
Người yêu hỏi rằng: “Gió tuyết có không anh?
Để trải đệm? Hay đốt lò sưởi vậy?”
Tôi nói với người yêu: “Từ trên cao ấy
Đang có người tung hoa tuyết trắng tinh
Hãy đốt lò, hãy trải đệm đi em
Anh không em, tim anh như bão tuyết!”
Một lần khác, Êxênin lại quả quyết:
Bởi sinh ra là một thi sĩ
Anh sẽ hôn như thi sĩ mà thôi.
Có khi, ta bỗng ngạc nhiên đến sửng sốt, khi nghe Êxênin bộc lộ sự thật trong tình yêu của mình một cách chân thành đến quá mức tưởng tượng. Đấy là khi tình yêu đang dâng lên trong lòng anh trước một người con gái nơi xa lạ, và anh đã tỏ tình. Nhưng trong lời tỏ tình ấy, anh không hề dấu người con gái này, có một người con gái khác đang yêu anh:
Sa-ga-nê, em của anh, Saganê
Ở phương bắc cũng có người con gái
Trông rất giống em, chẳng khác gì
Cũng có thể đang nghĩ về anh đó
Saganê, em của anh, Saganê!...
Hẳn là Saganê không nỡ chối tấm lòng chân thật đến nhường kia của người thi sĩ.

Và đây, lại là một sự thật khác, một sự thật vừa cay đắng, vừa cao thượng:
Khi mân mê bàn tay, đừng làm méo đi nụ cười
Tôi yêu người khác mà chẳng yêu em
Ôi, em biết, và chắc em biết lắm
Tôi không phải nhìn em, cũng chẳng đến với em đâu
Tôi chỉ đi qua với trái tim lặng lẽ
Và cũng chỉ ngoái nhìn qua cửa sổ mà thôi.
Người đời thường cho rằng, những ai chỉ sống với bản năng thì rốt cuộc chẳng làm nên được trò trống gì. Nghĩa là anh ta thiếu sự kìm chế của ý thức, và bởi vậy mà tự cắt đứt những sợi dây ràng buộc với xã hội. Nhưng bản năng tâm hồn Êxênin thì khác, đấy là cái bản năng người nhất, cái bản năng mà tự nó là một sự cao thượng, vừa đáng kính nể lại vừa dễ gần gũi. Đấy là khi đang yêu say đắm, anh nói với người yêu:
Người ta yêu em đến sờn mòn
Người ta chiều em đến nhàu nát.
Hoặc là khi anh nói với người yêu đã bỏ anh mà đi:
Sợ chi một chuyện đau lòng
Tôi cần nhiều, cũng chẳng mong chi nhiều.
và:
Tôi không phải kẻ mê say
Bằng âu yếm lúc cầm tay, sát kề
Vậy mà tình yêu vẫn cứ day dứt anh mãi:
Mà nụ cười – lạ lùng sao
Cứ như bão tuyết xoáy vào tim tôi!
Tại sao nỗi buồn cứ đeo đẳng thi sĩ như bóng với hình khi tưởng như đáng lẽ phải tức giận vì nó? Vì Êxênin biết trân trọng tất cả tình yêu của mình, đấy là những gì trong sáng, đẹp đẽ và hồn nhiên nhất. Không phải ai cũng dễ dàng có được một tình yêu thực sự để rồi được day dứt mãi về nó khi nó không còn quay lại nữa. Có cảm thông như vậy ta mới có thể thấm thía sâu sắc nỗi buồn của thi sĩ trong câu thơ anh viết:
Và bây giờ, đối với người yêu, tôi chẳng là gì
Tôi khóc tôi cười trong bài hát không hề thân thuộc
*

Nỗi buồn của Êxênin khi thì tràn ngập và nặng nề như mây chì, bão tuyết, khi thì phảng phất như những làn gió nhẹ trên đồng lúa mênh mông quạnh vắng cuối hoàng hôn. Nỗi buồn ẩn hiện trong cả những bài thơ trữ tình vui tươi lẫn trong những bài thơ cách mạng khoẻ khắn. Nhiều khi, nỗi buồn thi sĩ cũng đượm vẻ bi tráng:
Đêm như đêm nay
xanh nhờ
trên Ba-ku
26 bóng đen
bóng đen của 26 người ấy
26
nỗi đau của chúng ta
bài hát của chúng ta.
Nhưng bao trùm Êxênin vẫn là nỗi buồn người. Nỗi buồn tưởng như không thể nào thắng nổi. Êxênin cũng đã nhiều lần nhận thấy tai hoạ của nỗi buồn. Và anh ngang tàng chỉ trích, và ngang tàng tuyên chiến với nó:
Tàn bạo và kiêu hãnh
Dáng điệu mới luôn luôn
Xưa máu đầy trong miệng
Nay máu đầy trong hồn

Tôi không nói với mẹ
Mà với cả mọi người
- Tôi vấp vào hòn đá
Ngày mai sẽ lành thôi
Ngay cả khi đứng trước tượng Puskin, nhà thơ mà anh rất kính trọng nhưng đã kết thúc số phận bằng sự chiến bại trước nỗi buồn, Êxênin muốn khẳng định ý chí của mình:
Nhưng tôi là một người trong xua đuổi
Tôi phải còn, và phải hát không ngừng
Để những bài hát của tôi về đồng nội
Mãi rung lên như tiếng ngân đồng.
Một lần khác, anh đã thét lên xua đuổi nỗi buồn, như là đã vĩnh biệt nó lần cuối cùng:
Bây giờ đây dù ai có các vàng
Tôi cũng không muốn lại nghe điệu nhạc kia não ruột.
Oái oăm thay, cái điệu nhạc của nỗi buồn não ruột kia vẫn đeo đuổi thi sĩ như một định mệnh. Và Êxênin đã không sao chiến thắng nổi nó; câu thơ cuối cùng anh để lại là một bằng chứng của sự thất bại này:
Trên đời này, chết phải đâu là mới
Nhưng sống, tất nhiên, cũng chẳng mới hơn gì!
Cái chết đầy bi kịch của tính cách Êxênin như là không thể khác được. Bạn đọc của anh không ai muốn anh chết như vậy. Anh đã mang đi bao nhiêu bài thơ mà đáng lẽ chúng ta còn có thể được đọc và được buồn vui nhiều thêm lên trong cuộc đời, những tháng ngày mà chúng ta được sống trên trái đất này.
Những bông hoa đến từ biệt cùng tôi
Cúi thấp xuống những mái đầu xinh nhỏ
Mặt người yêu và mảnh đất ông cha
Tôi mãi mãi sẽ không còn thấy nữa

Chẳng còn gì hơn, rồi lại có người
- Nỗi buồn cũ cần chi cho kẻ chết
Một người khác sẽ cất lời hát tiếp
Cho người tôi yêu còn bỏ lại trên đời

Người tôi yêu sẽ yêu lại một người
Và tiếp nhận bài ca kia lặng lẽ
Có thể đôi khi nhớ về tôi nhỉ
Như một cánh hoa không lặp lại bao giờ.
Đúng như vậy, thơ Êxênin không lặp lại dọc thời gian, nó luôn luôn mới mẻ như vừa được sinh ra. “Con người của tương lai sẽ đọc Êxênin như nhân dân hiện giờ đã đọc anh. Sức sống mãnh liệt của thơ anh đã nói nhiều với họ” – (nhận định của nhà thơ N.Tikhônốp).

Thơ Êxênin sống mãi là vì vậy. Rồi người những đời sau có thể quên đi rằng, trước khi đến yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Lêningrat, tháng 11 năm 1925, quan tài Êxênin đã được đưa quanh tượng đài Puskin… nhưng người ta sẽ không bao giờ quên thơ anh, những bài thơ thuộc về thiên nhiên và con người trên trái đất.

Hà Nội, tháng 11-1981
Nguyễn Trọng Tạo

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]