Hoàng Trần Cương sinh ngày 30-7-1948 tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán 1970, anh trở thành người lính chiến đấu ở chiến trường. Sau ngày nước nhà thống nhất, 1975, anh chuyển ngành làm chuyên viên kế toán, rồi làm Tổng biên tập Thời báo
Tài chính Việt Nam. Anh khởi nghiệp văn chương bằng văn xuôi và từng đoạt giải A của tạp chí
Văn nghệ quân đội 1970-1972. Anh đã cho xuất bản các tập thơ
Đường chân trời (1989),
Dấu vết tháng ngày (1991),
Bóng cỏ (1996),
Quà tặng hành tinh (2000) và trường ca
Trầm tích (2000). Các giải thưởng thơ: Giải Nhất báo
Văn nghệ (1989-1990), Giải C Bộ quốc phòng (1995-2000), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2001).
Hoàng Trần Cương là một nhà thơ đậm đặc khí chất dấn thân bạo liệt và trữ tình của một người trai Nghệ, yêu quê như keo dính, yêu người đến quên mình. Đây cũng là tính cách của người dân nơi miền quê khổ nghèo rát bỏng nắng gió mùa hè, xiết chảy những dòng sông ngập tràn mùa lũ. Chính vì vậy mà thơ của anh thường vạm vỡ, khoẻ mạnh và cuộn trào tuôn chảy, chứa đầy sự sống.
Vào siêu thị mua một nỗi nhớ hình vuông
Bóc bánh chưng ra ngỡ ai lột áo mình.
(Nỗi nhớ hình vuông)
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành giải lụa sông Lam
(Miền Trung)
Những hình ảnh trong thơ anh thường độc đáo, góc cạnh, bất ngờ: gọi bánh chưng là nỗi nhớ hình vuông, ví miền Trung với cật nứa thì thật là táo bạo. Lạ lẫm chưa từng thấy. Nó khác với lối thơ của những người tỉa tót chữ nghĩa. Lối tư duy của Hoàng Trần Cương là lối tư duy thẳng vào thơ, chứ không láng cháng bên ngoài thơ như không ít người làm thơ vẫn lầm tưởng. Ngay cả những câu thơ tưởng chừng như lắm chữ của anh cũng đều thăng hoa từ cội nguồn sự sống: “Em ngang qua chiều / Nắng thơm mùi rượu / Mắt sông / Môi lửa / Gió lên đồng...” hoặc: “Xa nhà đến cả gió / Cũng lần hồi lang thang”, v.v...
Ấn tượng và tưởng tượng là cơ sở của thi ca. Ấn tượng cắm vào cân não và tưởng tượng chính là sợi dây nối gió cho cánh diều thi ca bay lên. Thơ Hoàng Trần Cương thường được khởi ra từ những ấn tượng làng quê, hay nói cách khác là anh thường nhìn thế giới bằng con mắt của người quê, một người quê đích thực, vừa nhân hậu nghĩa tình, vừa ngang tàng chính trực. Và trí tưởng tượng đã giúp anh xâu chuỗi những hình ảnh đầy thân thương về người mẹ làng quê với những hoàng hôn cày ruộng, thóc rúc về nhà, nồi đội vung hể hả để chợt nhận ra:
Ngấn nước mắt của mẹ rẽ vào nỗi nhớ của con
Lật đật suốt đời nỗi nhớ lon ton...
(Khoảng vắng)
hay về người cha với phác hoạ Chân dung đầy ấn tượng:
Cha tôi
Huyết thống tổ tiên trích ngang bản mặt
Trán rộng cộm nỗi đau
Rụa ràn cơn sóng đất...
Và một trạng thái buồn lạ lẫm khi vắng em:
Mặt anh buồn như đá
Ai vứt ra ngoài đồng.
Hình ảnh làng quê luôn hiển hiện và day dứt trong thơ Hoàng Trần Cương. Những luống cày, luỹ tre, những nón mê, vại nhút, những gốc rạ, đụn rơm... cứ ẩn náu khôn nguôi trong hồn người thi sĩ. Và không chỉ dừng lại ở đó, hình ảnh làng quê thường được anh sử dụng đắc địa với ý nghĩa khái quát cao nên dễ gây ấn tượng mạnh cho người đọc:
Anh nâng đôi đũa tre
Chợt gắp được nước mắt người xa xứ
.....
Anh bưng chiều Tất niên đặt ngay ngắn lên bàn thờ Tiên Tổ
Nghe đáy lòng lóng ngóng tiếng đũa tre.
(Đũa tre)
Có lẽ nghề nghiệp tài chính kế toán có ảnh hưởng tới tư duy thơ ca của Hoàng Trần Cương. Nhiều cặp câu thơ đăng đối khá tự nhiên. Và cả những con số cũng nhảy vào thơ anh tự nhiên và máu thịt: “Những chuỗi số khô khan / Sao đọc lên lại trào nước mắt?”. Điều ấy chứng tỏ thơ là người, một con người đầy trách nhiệm công dân mà vẫn thường đa sầu đa cảm.
Ngoài thơ ngắn, Hoàng Trần Cương được biết tới như một “nhà trường ca” ấn tượng trong thơ Việt cuối thế kỷ XX, với những Trầm tích, Đỉnh Vua, Long mạch, v.v... Ở thể loại trường ca, ngòi bút của anh tung hoành, biến hoá mạnh mẽ nhằm khai thác những vỉa tầng thăm thẳm của lịch sử quê hương và sự thăng trầm của hồn người. Có thể nói, anh là nhà thơ thành công nhất về mảnh đất và con người xứ Nghệ qua thể loại trường ca. Danh hiệu “nhà thơ viết bằng tiếng Nghệ” dành cho anh là một vinh dự hiếm có. Nhưng có lẽ sự thành công riêng biệt tạo nên phong cách Hoàng Trần Cương lại chính là thi pháp động của thơ anh. Chưa thấy ai dùng nhiều động từ trong thơ như Hoàng Trần Cương: “Rơm vàng đơm nắng trên đê/ Rơm vàng nhảy lò cò với cỏ/ Rơm vàng nguýt lườm lũ nhỏ/ Cơm mới nức thơm cười trắng vung nồi”. Thậm chí có câu thơ xuất hiện cả hai động từ thật là lý thú: “Mượn khói thuốc lào chườm nỗi xót xa/ Và thả xuống sông đống ưu tư để tống khứ bao trưa chiều mệt lử”. Có nhà nghiên cứu cho rằng, sự xuất hiện động từ ở tần số cao chính là một đặc điểm của thi pháp thơ hiện đại. Thi pháp động Hoàng Trần Cương là một đóng góp đáng kể cho nghệ thuật thơ ta trong những năm gần đây.
Hoàng Trần Cương thuộc thế hệ thơ chống Mỹ, nhưng thơ anh xuất hiện vào thời hậu chiến. Những “trầm tích” dồn nén thi ca từ chiến tranh đã phát lộ một nhà thơ Hoàng Trần Cương cuối thế kỷ XX, và vẫn còn sung sức bước vào ngưỡng cửa thế kỷ mới.
Hà Nội, giáp Tết Con Gà 2005
Nguyễn Trọng Tạo