Dẫu có thời lực lượng viết trẻ ở đất Thần Kinh khá hùng hậu, với những cái tên như Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Lãm Thắng, Châu Thu Hà… Tôi cứ cảm giác như các tác giả này mãi không chịu khác đi. Quẩn quanh mãi với “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Có lẽ Nguyễn Lãm Thắng là cái tên bứt lên được khỏi dàn đồng ca ấy, thoát khỏi lối mòn quen thuộc, và cựa quậy đến cùng với thơ...
1. Huế trước giờ vẫn được xem là xứ sở của thơ. Vua làm thơ. Quan làm thơ. Và dân làm thơ. Một dì bán nước mía ở cầu ngói Thanh Toàn có thể tự biên tự diễn với thơ mình cả ngày không hết. Cố nhà thơ Phương Xích Lô ngoài những cuốc xích lô mưu sinh, rảnh chút là có thơ hay.
Dường như ở đây người ta thở cũng có thể ra thơ. Nhiều tác giả không sống với Huế, chỉ đi qua hoặc tương tư thôi, thoáng chốc thôi, cũng để rớt lại cho nền thi ca Việt những tuyệt phẩm. Không tin cứ hỏi trong gia sản thơ của các thi sĩ như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Thu Bồn, Nguyễn Duy... thì rõ ngay.
Xuyên suốt chiều dài thời gian, từ Phú Xuân trước đây đến Huế ngày nay, mảnh đất này thiếu gì thì thiếu, chắc chắn không thiếu thi sĩ. Thi sĩ xứng tầm với Huế cố đô, với Huế di sản, với dòng chảy thi ca dân tộc, chứ không phải mức độ thi sĩ bế quan toả cảng đóng cửa bảo nhau. Tuy nhiên, đến thế hệ làm thơ 7X, cho tới lúc này, độ tuổi từ 36 đến 46 rõ ràng đủ để chín nẫu rồi, thì hình như thơ Huế đang bàng bạc đi. Bàng bạc như sương khói dòng Hương lúc chiều xuống từ phía đồi Vọng Cảnh.
Dẫu có thời lực lượng viết trẻ ở đất Thần Kinh khá hùng hậu, với những cái tên như Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Lãm Thắng, Châu Thu Hà… Tôi cứ cảm giác như các tác giả này mãi không chịu khác đi. Quẩn quanh mãi với “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Có lẽ Nguyễn Lãm Thắng là cái tên bứt lên được khỏi dàn đồng ca ấy, thoát khỏi lối mòn quen thuộc, và cựa quậy đến cùng với thơ.
2. Trước khi “cựa quậy”, Nguyễn Lãm Thắng được biết đến là một trong những giọng thơ đẹp viết cho học sinh - sinh viên, râm ran với mùa chữ ngọt, cùng Đàm Huy Đông, Bình Nguyên Trang, Đinh Thu Hiền, Đường Hải Yên…
Thời gian gần đây, một số hiện tượng thơ trẻ nổi lên, làm thị trường sách vốn ảm đạm trở nên sôi động. Các ấn bản thơ thành best seller. Độc giả trẻ mua ồn ào, đọc ầm ĩ. Nhưng hình như đấy chưa phải là thơ, chỉ là những tản văn/ tản mạn/ suy nghĩ vụn được ngắt câu xuống dòng. Ý nghĩ đơn giản. Câu chữ đơn điệu. Xúc cảm đơn sơ.
Đọc vào, cảm giác người viết chưa có lao động chữ. Hay có lao động, mà chưa tới? Thế hệ thơ 7x, trong đó có Nguyễn Lãm Thắng, không thế. Ở họ có lao động chữ, với những câu thơ ngập tràn thi ảnh, giàu xúc cảm và nhạc tính.
Có lẽ không mấy sinh viên ngữ văn ở Huế lại không thuộc vài câu thơ trong tập
Điệp ngữ tình, tập thơ đầu tay của Nguyễn Lãm Thắng. Những câu thơ hoặc trong veo hoặc buồn vu vơ của tuổi mới lớn được diễn đạt bằng thứ ngôn từ kĩ càng, chau chuốt, giàu hình ảnh, và lạ hoá vốn từ đã cũ, như: “Anh gom cô đơn nối lại những giọt buồn/ Trong đôi mắt chiêm bao của từng đêm giông bão/ Cái rét gánh tương tư về trong lảo đảo/ Từng giọt mưa trò chuyện với cơn mê”, hay “Nơi anh sống lối về thơm hoa cỏ/ Những con đường dung dị không tên/ Anh nằm nghe xanh mùa lên tiếng thở/ Từ trong hồn phố nhỏ thân quen”, rồi “Bâng khuâng gió chạm sân trường cũ/ Nắng đã thay mùa xanh biếc xanh/ Con bướm ngày xưa không đến nữa/ Nỗi buồn ghế đá cứ vây quanh, hoặc nữa: “Sợi khói buồn thơm những nụ hôn/ Chiều cướp vội bay theo đàn gió lạ/ Mùa đổi dạ lá run cành hối hả/ Anh khai sinh cho đá giọt thơ mềm” v.v…
3. Thực ra Nguyễn Lãm Thắng không phải người xứ Huế. Huế chỉ là nơi anh an cư. “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy o gái Huế chân đi không đành”. Câu ấy trúng phóc với Nguyễn Lãm Thắng. Chàng trai đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm làm sinh viên Sư phạm Ngữ văn Huế rồi thành giảng viên trong Khoa, kết duyên với o gái Huế cùng công tác tại Trường Đại học Sư phạm, thế là hết đường lui, cắm dùi ở lại mảnh đất, nói như nhà thơ Thu Bồn, là có “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
Huế. Khúc giữa mềm mại và quyến rũ, trong Nam ra, ngoài Bắc vào, dường như người viết nào cũng một vài lần mắc cạn với mảnh đất này ít nhiều vài ngày. Và ở đấy, Nguyễn Lãm Thắng luôn hết mình với bạn văn nghệ. Mà không chỉ bạn văn nghệ. Cả những sinh viên cũng gần gũi, xem Nguyễn Lãm Thắng như người anh. Nửa đêm gà gáy hay giữa tháng ngâu mưa nhàu mặt mũi, bất cứ lúc nào ới là có anh lăn xả. Tôi nể Nguyễn Lãm Thắng bởi lẽ đó. Và nể anh một thì nể vợ anh mười.
Chẳng hiểu sao tôi cứ liên tưởng người vợ Nguyễn Lãm Thắng lấp lánh phẩm cách của vợ các cụ Văn Cao, cụ Phùng Quán, cụ Nguyên Hồng. Nếu không vậy, chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Lãm Thắng sống hết mình với bạn và hết mình với thơ.
4. Sau
Điệp ngữ tình, tập thơ đèm đẹp thuở ban đầu lưu luyến ấy, Nguyễn Lãm Thắng cựa mình, lột xác và khác hẳn, như chẳng dây mơ rễ má gì với kiểu thơ áo trắng sân trường trước đây, với tập
Họng đêm. Thơ tự do, bứt phá, cách tân cả về hình thức, ngôn ngữ biểu hiện lẫn chiều sâu suy tưởng.
Nhà phê bình trẻ Hoàng Thuỵ Anh nhận định: “Các con chữ sắc ngọt, trương nở qua các công đoạn cắt dán và lắp ghép, hình thành nên những điểm nhô, nhọn, tượng trưng, siêu thực. Do đó, những thi ảnh của
Họng đêm vừa cất giấu những ám ảnh vô thức, vừa đầy lí trí, gợi nhiều luồng tiếp nhận. (…) Với
Họng đêm, Nguyễn Lãm Thắng thực sự đã minh chứng được vị trí của mình đối với thơ trẻ đương đại.”
Tiếp nữa là cuộc lội ngược dòng về lục bát, với tập
Đầu non cuối bãi. Đọc 54 bài thơ, tưởng chừng Nguyễn Lãm Thắng làm thơ lục bát chẳng cần chút cố gắng hay đầu tư gì. Cứ tự nhiên như không. Lục bát chảy. Chảy trước mắt Nguyễn Lãm Thắng. Và anh lấy giấy ra hứng. Chảy từ đường phố vào. Chảy từ ngôn ngữ nói vào. Mà ngọt. Mà êm ru.
Người đọc dễ vấp phải những câu thơ kiểu ấy, như “Thưa em, anh biết chết liền/ Bàn tay năm ngón làm phiền… bàn tay”, hay “Một nghèo cộng với một nghèo/ Níu nhau, ta cõng qua đèo đức tin”, rồi “Nắng loang ướt lá bồ đề/ Tiếng chuông đột quỵ bên lề hoàng hôn”, và “Trời mang mang, đất mang mang/ Một đêm nằm nhớ văn lang quá trời”. Thi sĩ Du Tử Lê gọi Nguyễn Lãm Thắng là “Người thi sĩ trẻ tuổi có những ngôn ngữ đường phố trong lục bát, cho tôi niềm hân hoan. Hạnh phúc. Mới”.
Từ
Điệp ngữ tình đến
Họng đêm rồi
Đầu non cuối bãi, là đi từ mới lớn mộng trắng trong đến cách tân đương đại và trở về làm sáng truyền thống. Nhiều người trẻ đi như vậy, không riêng gì Nguyễn Lãm Thắng.
Tất nhiên, trên “lối mòn hoa cỏ” ấy, đi đứng cụ thể ở mỗi người là khác nhau. Nhưng thoát xác, trở lại trong veo với thiếu nhi, thì chưa nhiều nhà thơ làm, và làm có dấu ấn, nhất là vài năm gần đây. Tập thơ
Giấc mơ buổi sáng gồm 333 bài thơ thiếu nhi của Nguyễn Lãm Thắng khiến nhiều người bật ngửa. Trong trẻo. Hồn nhiên. Dễ thương. Nhiều bài thơ được nhạc sĩ Trương Pháp phổ nhạc, đoạt giải ở các cuộc sáng tác nhạc cho thiếu nhi, trẻ em hát véo von suốt ngày.
5. Sự tài hoa của Nguyễn Lãm Thắng không chỉ toát ra theo bề mặt chữ mà còn toát ra từ… miệng. Trong bất cứ cuộc gặp gỡ vui vẻ nào, chén trước chén sau là anh nói thơ, nói gì cũng câu sáu câu tám. Tất cả đều có thể ca vọng cổ. Giọng Quảng đọc thơ đã hùng hồn, dẫu với nhiều người phải cần phiên dịch, ca vọng cổ lại càng mùi và… cuốn.
Hồi tôi còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hằng năm Nguyễn Lãm Thắng đều vào Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu dạy lớp liên thông đại học theo dạng liên kết với Đại học Huế. Mỗi lần anh vào anh em lại ngồi với nhau. Nhâm nhi vài ly. Nhâm nhi chuyện Huế. Nhâm nhi chuyện văn nghệ. Cách Nguyễn Lãm Thắng ngồi giữa bàn nhậu, khiến người xa lạ thành gần gũi, người mới quen thành thân thiết, và người đã biết thành tri kỉ. Thơ văn xoá nhoà mọi khoảng cách. Chữ nghĩa kéo mọi người về cùng một phía. Và Nguyễn Lãm Thắng phiêu bồng theo miền chữ.
Sau cùng, tôi muốn nhắc đến mấy câu thơ Nguyễn Lãm Thắng tự hoạ về mình ngay từ thuở ban đầu cầm bút, rằng: “Tôi vẽ mặt tôi với màu da gió rét/ Ngoài kia còi tàu giục giã cuộc đi/ Tôi hong chân dung bằng hơi rượu nóng/ Khói thuốc bềnh bồng mở cõi thiên di…” Đến giờ, sau biết bao lao lung và chấp chới, tôi vẫn tin anh tự hoạ về mình trúng quá. Cuộc đi và thiên di của anh là đi vào thơ và thiên di theo thơ. Bởi vậy, tôi gọi Nguyễn Lãm Thắng là người thơ ở xứ mộng mơ!
Văn Thành Lê
08:37 27/09/2016