Năm Giáp Thân (864). (Đường, năm Hàm Thông thứ 5).Nhà Đường dùng tổng quản kinh lược sứ Trương Nhân kiêm giữ cả các công việc Giao Châu.
Theo sách
Cương mục (Trung Quốc), bấy giờ Nam Chiếu lấn cướp Ung Châu, quan quân nhà Đường thua thiệt nặng. Thừa Huấn mạo nhận có công, được thăng chức Kiểm hiệu Lĩnh Nam tiết độ. Vi Trụ biết rõ việc làm của Thừa Huấn, viết thư trình bày lên tể tướng. Nhà Đường bèn bãi chức Thừa Huấn, dùng Trương Nhân sang thay, và thêm ba vạn năm nghìn quân cho trấn Hải Môn, sai Trương Nhân tiến lấy thành phủ đô hộ.
Tháng 7, mùa thu. Nhà Đường dùng Cao Biền làm đô hộ tổng quản kinh lược chiêu thảo sứ.
Theo sách
An Nam kỷ yếu, Trương Nhân dùng dằng không chịu tiến quân Hạ Hầu Ti tiến cử Kiêu Vệ tướng quân Cao Biền sang thay; Trương Nhân giao lại cho Cao Biền tất cả những quân mà Nhân đã coi quản.
Lời chua - Cao Biền: Theo truyện Cao Biền trong
Đường thư, Biền, tiểu tự là Thiên Lý, người U Châu, là cháu Sùng Văn, một nhà truyền đời làm quân Cấm Vệ. Cao Biền, từ khi còn nhỏ, rất chịu khó trau giồi về văn học. Giao du với các nho sĩ, Biền bàn luận đường lối chính trị một cách rắn rỏi. Những người trong hai quân Cấm, Vệ lại càng khen ngợi Biền. Biền theo hầu Chu Thúc Minh, làm tư mã. Bấy giờ có hai con chim điêu (thuộc loại chim cắt) đang song song bay với nhau, Cao Biền giương cung định bắn và khấn: “Nếu ta sau này làm nên sang cả, thì bắn trúng nhé!”. Khấn rồi bắn một phát trúng cả đôi. Mọi người đều quá đỗi kinh ngạc, nhân thế gọi Biền là Lạc Điêu thị ngự (quan thị ngự bắn rơi chim điêu). Biền làm quan, được thăng dần đến hữu thần sách đô ngu hậu, vì có công, lại được thăng làm phòng ngự sứ Tấn Châu. Hồi Nam Chiếu đánh phá Giao Châu, Biền được cử sang thay Trương Nhân đánh Nam Chiếu.
Hạ Hầu Ti: Theo truyện Lưu Triện, Hạ Hầu Ti tên tự là Hiếu Học, người đất Tiêu thuộc Bạc Châu.
Năm Ất Dậu (865). (Đường, năm Hàm Thông thứ 6).Tháng 7, mùa thu. Cao Biền tiến quân sang Phong Châu, đánh và phá tan được quân Man.
Theo sách
Cương mục (Trung Quốc), Cao Biền đang rèn luyện quân lính ở trấn Hải Môn, chưa tiến quân; giám quân là Lý Duy Chu ghét Biền, muốn hại Biền, nên nhiều lần cứ thúc Biền tiến quân. Biền đem hơn năm nghìn người vượt biển đi trước, hẹn Duy Chu cho quân tiếp ứng viện trợ cho. Khi Biền đem quân đi rồi, Duy Chu giữ chặt quân còn lại, không chịu điều động xuất phát. Tháng chín, quân Cao Biền đến Nam Định, thấy dân Man Phong Châu ngót năm vạn người đang gặt lúa ở đồng ruộng, Biền ập lại đánh tan được, chém được Man tướng là bọn Trương Thuyên, thu lấy lúa của dân đã gặt để làm lương ăn cho quân.
Lời chua - Nam Định: Theo Địa lý chí trong Đường thư, Nam Định đặt năm Vũ Đức thứ 4 (62, thuộc Giao Châu. Theo Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, ở huyện Nam Định có núi Đông Cứu. Theo Thanh nhất thống chí, núi Đông Cựu ở châu Gia Lâm. Nay xét núi Đông Cứu ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vậy huyện Nam Định phải ở địa giới Gia Lâm và Gia Bình.
Phong Châu: Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 2).
Năm Bính Tuất (866). (Đường, năm Hàm Thông thứ 7).Tháng 4, mùa hạ. Cao Biền đánh lấy lại được thành Giao Châu. Nhà Đường thăng cho Biền lên chức kiểm hiệu Công bộ Thượng thư.
Theo
Đường thư, bấy giờ thủ lĩnh man Nam Chiếu tên là Tù Long, bổ Đoàn Tù Thiên làm tiết độ sứ ở Thiện Xiển, sai Dương Tập Tư giúp Tù Thiên sang lấn cướp, cho Phạm Ni Ta làm phủ đô thống, Triệu Nặc Mi làm đô thống ở Phù Da.
Theo sách
Cương mục (Trung Quốc), Cao Biền tiến quân thường đánh phá được quân Nam Chiếu. Những tin thắng trận ấy gửi đến trấn Hải Môn đều bị Duy Chu dìm đi cả. Chu lại tâu với vua Đường rằng Biền có ý nuông giặc, không chịu tiến quân. Vua Đường nổi giận, muốn giáng chức Cao Biền, dùng hữu vũ vệ tướng quân Vương Án Quyền sang thay và gọi Biền về triều. Ngày tháng ấy, Biền lại đánh thắng quân Nam Chiếu được một trận lớn, vừa giết vừa bắt được nhiều lắm, rồi bao vây thành Giao Châu đến hơn mười ngày; quân Man bị khốn quẫn lắm. Khi thành sắp sửa bị hạ thì Biền nhận được công văn của Vương Án Quyền cho biết rằng Án Quyền đã cùng với Duy Chu đem đại quân do cửa biển xuất phát rồi. Biền lập tức giao việc quân cho Vi Trọng Tể, rồi cùng với hơn trăm người thủ hạ trở về Bắc. Trước đây, tiểu sứ Vương Tuệ Tán do Trọng Tể sai phái và tiểu hiệu Tăng Cổn do Cao Biền cắt cử, cùng nhau đem thư báo tin thắng trận về tâu với vua Đường. Khi đi trên biển, hai người trông thấy bóng cờ từ phía đông sang, hỏi những thuyền đi biển, họ cho biết đấy là quan kinh lược mới và quan giám quân sang đấy. Hai người bàn nhau: Duy Chu thế nào cũng cướp lấy tờ biểu này của ta. Họ liền cùng nhau trốn vào trong hải đảo, đợi Duy Chu đi khỏi, lập tức lên đường đi gấp về kinh đô. Vua Đường nhận được sớ biểu, mừng lắm, thăng chức cho Cao Biền lên kiểm hiệu Công bộ thượng thư, lại cho trở lại trấn. Bấy giờ, Cao Biền mới đến trấn Hải Môn, lại trở lại. Án Quyền là người mờ tối biếng nhác, Duy Chu là người tàn ác, tham lam, các tướng không ai chịu cộng sự với họ, nên đã bỏ lỏng vòng vây, quân Man trốn thoát mất quá nửa. Cao Biền khi đến nơi, lại đốc thúc tướng sĩ đánh và hạ được thành, chém hơn ba vạn thủ cấp, giết được Tù Thiên và thổ man là Chu Cổ Đạo đã làm người dẫn đường cho quân Nam Chiếu. Quân Nam Chiếu phải chạy trốn. Cao Biền lại phá được hai động thổ mán hùa theo Nam Chiếu và giết những tù trưởng của họ. Các thổ mán khác đem dân chúng đến quy phụ với Cao Bền có tới một vạn bảy nghìn người.
Lời chua - Thiên Xiển: Theo
Nam Man truyện trong
Đường thư, Thiện Xiển là một kinh đô của nước Nam Chiếu, ở về phía tây bắc Giao Châu.
Phù Da: Theo
Thanh nhất thống chí, phủ An Nam đô hộ có huyện Phù Da thuộc châu Vũ Định. Lại theo
Vân Nam cổ tích, Vân Nam có thành Phủ Da ở huyện La Thứ.
Tháng 11, mùa đông. Giặc Man đã dẹp yên. Nhà Đường đặt Tĩnh hải quân, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ.
Theo sách
Cương mục (Trung Quốc), kể từ khi Lý Trác sách nhiễu nhân dân, dân các Man nổi lên gần 10 năm; đến nay mới bình định xong, nhà Đường đặt Tĩnh Hải quân ở An Nam, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ. Bắt đầu từ đấy, An Nam đổi tên là Tĩnh Hải quân tiết trấn.
Cao Biền vào ở phủ lỵ, đắp Đại La thành.
Theo sách
An Nam kỷ yếu, Cao Biền đắp Đại La thành, và làm ra sổ sách chép rõ bờ cõi, số lính thú trong trấn và các thuế má cống nạp. Người Giao Châu kính sợ Cao Biền, gọi Biền là Cao vương.
Sử cũ chép: La Thành của Cao Biền đắp chu vi một nghìn chín trăm tám mươi hai trượng linh trăm thước (1982 trượng, 5 thước); thân thành cao hai trượng, sáu thước (2 trượng, 6 thước); chân thành rộng hai trượng, năm thước (2 trượng, 5 thước); nữ tường bốn mặt cao năm thước, năm tấc (5 thước 5 tấc); năm mươi nhăm lầu vọng địch; sáu nơi úng môn, ba cái hào nước, ba mươi tư đường đi. Lại còn đắp con đê vòng quanh ngoài thành dài hai nghìn một trăm hai mươi nhăm trượng, tám thước (2125 trượng, 8 thước), đê cao một trượng, năm thước, chân đê rộng hai trượng, và làm hơn bốn mươi vạn gian nhà.
Cao Biền đi tuần xem xét đến hai châu Ung, Quảng thấy trên đường biển có nhiều đá mọc ngầm, làm cho việc vận tải lương thực không được thông đồng. Biền sai trưởng sử là Lâm Phúng và Hồ Nam tướng quân là Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thuỷ thủ hơn một nghìn người đi khai đào. Lúc đi, Biền có dụ bảo họ rằng: “Đạo trời thường giúp lẽ phải, thần linh hay phò người ngay. Bây giờ đi khai đường biển để giúp đời sống cho nhân dân, nếu ta không vụ lợi riêng thì việc làm có gì là khó?”. Lâm Phúng ra đi, khởi công làm việc khơi đục, giữa vời vấp phải có hai hòn đá lớn đằng dăng dài đến mấy trượng, rìu búa đục mãi cũng không ăn thua gì, tự nhiên có sấm sét đánh luôn mấy trăm tiếng: tảng đá lớn đều bị vỡ tan. Về phía tây lại có hai hòn đá lớn mọc sừng sững đối nhau, các thợ đều phải bó tay. Thế rồi lại có sấm sét đánh như trước, làm tan cả ra. Đường biển do đấy mới được thông đồng. Nhân thế gọi tên nơi ấy là Thiên Uy cảng (cảng oai trời).
Lời phê - Nay xét: trong Đường thư, Cao Biền bị liệt vào truyện Bạn thần; do vì Biền ăn ở hai lòng, nên mắc phải tai vạ, chứ có gì đáng khen! Còn như việc dẹp yên Nam Chiếu chẳng qua chuyên nhờ oai võ mà thắng được chúng đó thôi. Con sông mà Biền đứng đào nay ở vào đâu cũng không biết rõ. Nếu bảo ở tỉnh Nghệ An bây giờ thì vẫn còn nghẽn tắc, nào đã thông suốt được đâu? Lời Sử cũ chép đây so với lời truyện Cao Biền trong Đường thư khen là thần tiên cũng chỉ là một lối hoang đường tầm bậy giống nhau mà thôi. Vậy mà Sử cũ khen việc Biền đào cảng là được trời giúp, tưởng cũng là chuyện nghe theo truyền văn mà vội tin đấy. Lời cẩn án - Đại La ở Long Biên là cái thành do Trương Bá Nghi nhà Đường đã đắp trước, Triệu Xương, Lý Nguyên Gia tiếp tục sửa đắp lại, chứ không phải bắt đầu từ Cao Biền. Sử cũ chép rằng Cao Biền đắp La Thành, làm nhà cửa có tới hơn bốn mươi vạn gian, tưởng cũng là lời truyền văn không đúng sự thực e khó tin được hết cả. Sử cũ lại chép: “Cao Biền đi tuần xem xét Ung Châu và Quảng Châu, khơi thông đường biển, gọi là Thiên Uy cảng”. Nay xét Địa lý chí trong Đường thư, ở huyện Bác Bạch có cái ghềnh Bắc thú (Bắc thú than). Khoảng giữa niên hiệu Hàm Thông (860-873) nhà Đường, Cao Biền mộ người đục phẳng những đá mọc ngầm để cho thuyền bè được thông đồng qua lại. Theo
Thanh nhất thống chí, huyện Bác Bạch nay thuộc châu Uất Lâm. Vậy thì nơi mà Cao Biền khơi đục không phải ở địa giới nước ta. Có người bảo đó là Thiết Cảng ở Nghệ An, vì nó có tên nữa là Thiên Uy cảng; nhưng không phải. Việc Sử cũ chép đó e cũng không đúng. Nay xin lược bớt, ghi phụ sơ qua ở đây để tiện tham khảo. Lời chua - Đại La Thành: Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường; năm Trinh Nguyên thứ 7 (79, Triệu Xương đắp thêm; năm Nguyên Hoà thứ 3 (808), Trương Chu lại sửa đắp lại; năm Trường Khánh thứ 4 (824), Lý Nguyên Gia đời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành; năm Hàm Thông thứ 7 (866), Cao Biền đắp ngoại thành bao quanh “kim thành”, cũng gọi tên là La Thành. Theo
Thanh nhất thống chí thành Đại La ở ngoài phủ thành Giao Châu, quận trị Giao Chỉ đời Hán, phủ trị đô hộ đời Đường đều ở đấy. Lâu ngày đổ nát, vết cũ khó xét thấy. Đó tức là những luỹ đất ở bốn mặt ngoài tỉnh thành Hà Nội ngày nay. Những thành đất mà các đời Lý, Trần về sau đã sửa đắp nhiều lần, tục cũng gọi là La Thành. Nếu bảo đấy là vết thành cũ của Cao Biền thì thật không đúng.
Năm Ất Mùi (875). (Đường, Hi Tông, năm Kiền Phù thứ 2).Nhà Đường đổi Cao Biền đi làm tiết độ sứ Tây Xuyên, dùng Cao Tầm sang thay.
Theo sách
An Nam kỷ yếu, Cao Tầm là cháu họ Cao Biền, đã từng làm tiên phong, xông pha tên đạn, nêu gương mẫu cho các quân sĩ. Cao Biền tiến cử Cao Tầm sang thay cho mình. Vua Đường nghe theo. Cao Biền ở phủ đô hộ tất cả được chín năm.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn.