Một số bài dịch khác cùng bài thơ
Một số bài dịch khác cùng dịch giả
Đăng bởi
Vanachi vào 05/07/2008 09:59
Trong việc "xuất", "xử" của kẻ hiền đạt, thì "xuất" là để hành động theo lẽ trời, "xử" là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại, thì đâu được như thế?
Tướng công Băng Hồ của ta, lấy cái tài trời xây núi dựng để quyết định mưu lược cho nhà vua, làm rường cột cho tông xã. Khi xảy ra cuộc biến Đại Định. Người đã có công dẹp yên nội loạn. Trong lúc vận nước đương như treo trên sợi tóc, Người một mình gánh vác công việc của những ngày nước nhà điêu đứng vậy. Đó chính là buổi đầu của sự xây dựng trời đất. Nếu không phải Người đã hành động theo lẽ trời thì có thể làm được như thế chăng? Đến khi tình hình hỗn loạn đã được dập tắt, hiệu quả của việc nhân, nghĩa đã tỏ rõ, vương nghiệp đã vững như âu vàng, nước nhà đã yên như bàn thạch, thì cái chí của Lưu Hầu, Tấn Công mới mạnh mẽ không có gì ngăn cản được Người nữa, đây lại là một việc để tỏ rõ sự sáng suốt của Người để giữ mình vậy. Nếu không phải Người biết tìm thú yên vui theo lẽ trời, lại có thể như thế được chăng?
Bấy giờ Người mới tâu xin một khu đất hoang ở Côn Sơn, sắp đặt cất một ngôi nhà để làm nơi lui về nghỉ ngơi. Hai đức vua khen ngợi công lao trước đây của tướng công, không ép buộc cái chí của Người, vì vậy thể theo với ý của Người. Người bèn tìm nơi thích hợp, xem xét hình thế. Một tiếng trống vang, muôn người xúm lại, phạt bụi san đồi, thế là suối nguồn được gạn trong, cỏ rác được dọn sạch, phu thợ đủ các nghề, xây đắp không nghỉ. Chưa đầy một tháng mà việc dựng cột, xây tường đều xong, chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một mầu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi chơi ngắm đều có đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó được gọi chung là "Thanh Hư động".
Sau khi làm xong, đức vua Duệ Tông tự tay làm bài bia, khắc vào trước cửa động. Đức Thái Thượng hoàng tự tay làm bài minh, khắc dưới lèn đá, ý đều là để nêu công lớn trước đây của Người, và cũng là để tỏ sự khuyến khích và khen ngợi Người vậy. Sau khi Người từ giã triều đình lui về nghỉ ngơi ở đây, Có khi rong ngựa chơi vùng Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than. Hoặc có lúc cùng bạn như Tạ Phó đi chơi núi, hoặc có lúc hát bài từ "Qui khứ" của Đào Tiềm. Đầu bịt chiếc khăn, lững thững bên đèo. Khói ngàn, ráng đỏ, như gấm cuốn, như lụa giăng; cỏ rừng, hoa suối, hoặc mầu biếc đung đưa, hoặc mầu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu, trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là trong mát, tiếng vi vu, xa xa mà vắng không, sâu thẳm mà lặng lẽ, hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần, đều hầu như đã hoà với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật. Ôi! Trong vũ trụ, tạo hoá bày ra những cảnh như thế để chờ đợi người cũng nhiều. Nhưng dịp thành công, như Tiêu Hà là người chỉ huy có tài còn bị cùm trói; Mã Viện là người có mối chí thân nơi tiêu phòng còn bị dèm pha, đó chẳng phải là họ làm nên công trạng, mà không biết con đường lui đó ư?
Đến như Vĩnh Thúc mười lần dâng xớ xin nghỉ, mà chí nhớ đất Dĩnh chưa thoả, Ôn Công một năm ốm đến sáu tháng, mà lòng nhớ đất Lạc không nguôi, đó chẳng phải việc lui về nghỉ ngơi cũng có khi phải chờ đợi mà khó được đó ư?
Nay tướng công ta, lúc đầu trời đã giúp cho cái hội công danh; về sau lại dành cho cái thú sơn thuỷ, khỏi được tiếng thành công mà không biết đường lui, khỏi cái nỗi phải thở than vì lui về không được. Ấy là khi "xuất" với "xử", khi "động" với "lạc" đều là theo lẽ trời. Vậy còn phàn nàn gì về cái ý tạo vật đã đãi người? Ôi! Thân phận một kẻ đại thần, khi tiến, khi lui, đều có quan hệ với vận mệnh của nước nhà, cho nên người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, nào phải như kẻ bỉ phu thờ vua, đã lo được lại lo mất, khi được thì a dua, nịnh hót, chẳng việc gì là chẳng làm; khi mất thì hất hủi bỏ đi, trong lòng hậm hực. Như vậy, sao đáng cùng họ mà bàn việc "xuất" và "xử" của người hiền đạt được?
Than ôi! Trời đất quang tạnh khó lường; hào kiệt kinh luân có hội. Ước gì bay bổng lên giữa khoảng trời trong mát, xanh biếc kia để cùng vui chơi ở chỗ mà tạo hoá đã sắp đặt để chờ Người?
Tháng chạp năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ tám (1384), Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh ghi.