Mùa xuân năm 1942,
   rất nhiều người dân Lêningrat
   đã đeo trên ngực mình
   miếng sắt nhỏ mang hình cánh én
   ngậm trong mỏ một lá thư..



Xuyên suốt tháng năm dài trong tôi vẫn sáng,
vĩnh viễn sáng ngời qua hạnh phúc, đau thương
mùa Xuân năm bốn mươi hai – xuân ấy khác thường
trong thành phố bốn bề phong tỏa.

Cánh én nhỏ nhoi trên lồng ngực tôi buốt giá
làm bằng miếng sắt tây… tôi tự gắn cho mình
Đây dấu hiệu riêng của tin tức tốt lành,
và có nghĩa “Em chờ thư anh đấy”!

Tín hiệu này xuất hiện trong vòng vây,
bởi nơi đây chỉ máy bay tìm đến.
Đến với chúng tôi, với thành Lênin yêu mến
chỉ một cánh chim từ Tổ quốc rất dịu hiền.

…Có bao nhiêu lá thư đã ghi tên
tên của tôi, đến với tôi từ bấy?
Vì đâu lòng tôi luôn cảm thấy
đến tận giờ chưa nhận được lá thư yêu?

Để lương tâm được chạm tới mọi điều
tới cuộc sống bừng lên sau câu chữ,
tới sự thật chảy từng dòng tư lự,
như giữa trưa hè ghé miệng mạch nguồn trong.

Ai đã không viết, không gửi đi lá thư tôi mỏi mòn trông?
Kẻ mang tên Hạnh phúc? Khổ đau? Hay Chiến Thắng?
Hay chính là người bạn tôi không tìm ra trong xa vắng-
mãi mãi tôi chẳng nhận ra người?

Hay giờ này đâu đó cuối trời
lang bạt bước lá thư – ánh sáng tôi mong đợi?
Mệt mỏi kiếm tìm địa chỉ tôi vời vợi,
lo lắng u sầu: Nơi nào có hồi âm?

Có thể ngày ấy với tôi chắc chắn sẽ đến gần
trong khoảnh khắc bình tâm êm ái,
tôi sẽ nhận được một áng tin chưa từng nghe từ nơi xa ngái
đi mãi trên đời từ thuở chiến tranh...

Hỡi áng tin bao lâu rồi hứa hẹn mong manh,
hứa với tôi bằng những gì Người đã có,
bằng cánh én ngây thơ trong vòng chiến chinh dạo nọ:
Hãy tìm ra tôi đi nào, hãy cháy mãi cùng tôi!

1945