Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người ở Vũ Lăng làm nghề đánh cá, theo dòng khe mà đi, quên mất đường xa gần, bỗng gặp một rừng hoa đào mọc sát bờ mấy trăm bước, không xen loại cây nào khác, cỏ thơm tươi đẹp, hoa rụng rực rỡ. Người đánh cá lấy làm lạ, tiến thêm vô, muốn đến cuối khu rừng. Rừng hết thì suối hiện và thấy một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, mờ mờ như có ánh sáng, bèn rời thuyền, theo cửa hang mà vô. Mới đầu hang rất hẹp, chỉ vừa lọt một người. Vô vài chục bước, hang mở rộng ra, sáng sủa; đất bằng phẳng trống trải, nhà cửa tề chỉnh, có ruộng tốt, ao đẹp, có loại dâu loại trúc, đường bờ thông nhau, tiếng gà tiếng chó tiếp nhau. Trong đó những người đi lại trồng trọt làm lụng, đàn ông đàn bà ăn bận đều giống người bên ngoài, từ những người già tóc bạc tới những trẻ để trái đào, đều hớn hở vui vẻ.

Họ thấy người đánh cá, rất lấy làm kinh dị, hỏi ở đâu tới. Người đánh cá kể lể đầu đuôi. Họ bèn mời người này về nhà, bày rượu, mổ gà để đãi. Người trong xóm nghe tin, đều lại hỏi thăm. Họ bảo tổ tiên trốn loạn đời Tần, dắt vợ con và người trong ấp lại chỗ hiểm trở xa xôi này rồi không trở ra nữa; từ đó cách biệt hẳn với người ngoài. Họ lại hỏi bấy giờ là đời nào, vì họ không không biết có đời Hán nữa, nói chi đến đời Nguỵ và Tấn. Người đánh cá nhất thiết kể lại đủ cả sự tình, họ nghe rồi đều đau xót, than thở. Những người đứng bên đều mời về nhà mình chơi, đều thết đãi ăn uống. Ở lại chơi vài ngày rồi từ biệt ra về. Trong bọn họ có người dặn: “Đừng kể cho người ngoài hay làm gì nhé!”.

Ra khỏi hang rồi, tìm lại được chiếc thuyền, bèn theo đường cũ mà về, tới đâu đánh dấu chỗ đó. Đến quận, vào yết kiến quan Thái thú kể lại sự tình. Viên Thái thú sai ngay người đánh cá trở lại, tìm những chỗ trước đã đánh dấu, nhưng mơ hồ, không kiếm được con đường cũ nữa.

Ông Lưu Tử Ký ở đất Nam Dương là bậc cao sĩ, nghe kể chuyện, hân hoan tự đi tìm lấy nơi đó, nhưng chưa tìm ra thì bị bệnh mà mất. Từ đó không ai hỏi thăm đường đi nữa.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]