Thiên hạ cũng giống như đồ dùng, đặt chỗ yên thì được yên, đặt chỗ nguy ắt gặp nguy; cốt yếu là hành vi của bậc nhân chủ như thế nào mà thôi. Nếu đức hiếu sinh hợp với lòng dân thì dân yêu như cha mẹ, ngửa trông như mặt trời mặt trăng: đó là đặt thiên hạ vào chỗ yên vậy!
Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan; được người thì nước trị, mất người thì nước loạn. Thần trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa từng có ai không dùng quân tử mà hưng được nghiệp, không dùng tiểu nhân mà bị tiêu vong. Tuy nhiên nguồn gốc dẫn đến sự hưng vong đó không phải là cái cớ một chiều một sớm. Chúng xuất hiện dần dần. Ví như trời đất, không thể nóng hay rét bất thần được, mà phải biến chuyển dần dần qua mùa xuân mùa thu. Vua chúa cũng không thể bất thần hưng hay vong được, mà phải dần dần, do làm thiện hay gây ác.
Các bậc thánh vương đời trước đều bắt chước trời, không ngừng trau đức để sửa mình; bắt chước đất, không ngừng trau đức để yên dân. Sửa mình thì cẩn thận ở trong lòng, run sợ như dẫm trên băng mỏng. Yên dân thì yêu mến người dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương sờn. Làm đúng thế thì không thể không hưng, làm trái thế thì không thể không vong. Quá trình dần dà của sự hưng vong là ở chỗ đó.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]