Nay tôi vâng mạng của đảng sai khiến, xuất dương là lần đầu tiên. Tôi đi đây, vốn lấy tư cách là đại biểu của đảng cách mạng một nước mà đi, cũng tức là đại biểu cho toàn quốc dân một nước mà đi. Nếu như tôi là một người tài cao trí giỏi, học rộng biết nhiều về mặt ngôn ngữ, văn tự, chính trị, học thuật ngoại quốc cũng thông thuộc nằm lòng, như kẻ nhớ biết mỗi món đồ quý trong nhà họ kia, thế thì mình có mang cái hổ vong quốc mặc dầu, nhưng được điều không thẹn mình là giống người giỏi giang trên đời. Được vậy, chẳng phải đủ làm vẻ vang cho dân nước ta ở xứ người sao!
Tiếc thay! Người thứ nhất được đi ra ngoài cùng thế giới hội diện, lại là người ngu dốt quê mùa như tôi: Tài đã không có tài, học cũng không nhằm học. Trừ ra 3 câu chữ Hán, chứa đầy bụng cũng như là không. Tấm thân đã là con người mất nước tính mạng vốn không đủ gì trọng khinh, nhưng tài học cũng không đủ gì phẩm lượng, thật mình làm truỵ lạc mất cả giá trị quốc dân mình tới đâu mà nói cho xiết. Như vậy thì trời đất mênh mông có chỗ nào dung được mình? Đêm khuya nhìn bóng thầm, đến đổi lệ tuôn như máu. Tới nay tôi nhớ lại việc cũ, chỉ xin quốc dân ta lượng xét cho tôi là may!
Nghĩ xem mình đã sinh nhằm non sông còn ấu trĩ, nòi giống còn u mê, chưa được mở mang, cho nên vừa ở trong bọc mẹ lọt ra, không ai chỉ vẽ dìu dắt để mở trí cho mình, lại gặp phải cái cảnh giam hãm xiềng khoá đêm ngày, người ta chỉ sợ mắt mình được thấy, tai mình được nghe, như thế bảo sao mình không ngu muội cho được!
Dầu vậy mặc lòng, ban đầu tôi mới phụng mạng của đảng cử đi ra ngoài, thật tôi chưa biết có nông nổi khổ nhục thế này đâu. Con chim bị nhốt trong lồng lâu ngày, ngó thấy trời rộng mây xanh, thèm thuồng hết sức. Thình lình bây giờ có dịp thoát mình ra khỏi lồng được, thì trong óc hớn hở, chỉ biết cái vui được cỡi mây lướt gió, phóng khoáng tự do, chứ đâu có vội nghĩ tới sau khi ra khỏi lồng rồi thì gặp phải tình trạng ra làm sao. Vì đó mà tôi mạnh bạo vâng mạng của đảng ra đi.
Hạ tuần tháng chạp năm Giáp Thìn (1904), tôi tới yết kiến , dặn dò công việc sau khi tôi đi rồi. Lại đi thăm viếng hết thảy những người trọng yếu trong đảng, bàn bạc mọi việc quan hệ. Sắp đặt đâu đó xong cả rồi, liền từ Quảng Nam lên đường khởi hành. Cùng đi với tôi có hai người, là ông Tăng Bạt Hổ và ông Đặng Tử Kính. Tăng quân lúc trước từng làm , giúp bàn việc quân cho Lưu Vĩnh Phúc, có dịp đi du lịch khắp hai tỉnh Quảng và Đài Loan hơi thông tiếng nói Quảng Đông. Tháng 4 năm đó (4/1904), Tăng quân mới ở hải ngoại về, nay lại cùng tôi lo lắng việc đảng, và đảng lựa chọn cùng xuất dương với tôi, thật là xứng đáng.
Mồng 2 tháng giêng năm Ất Tỵ (1905) chúng tôi ra Hải Phòng để xuất dương. Lúc xuống tàu, tôi bài thơ từ giã anh em:
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hạ cảnh vô thuỳ
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng việc si
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phị
Bài dịch:
Khác thường bay nhảy mới là trai,
Chẳng chịu vần xoay mặc ý trời!
Trong cuộc trăm năm đành có tớ,
Rồi sau muôn thuở há không ai?
Non sông đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
Đông hải xông pha nương cánh gió,
Nghìn làn sóng bạc múa ngoài khơi.
Từ đây trở đi, chúng tôi để chân vào con đường nguy hiểm rồi. Chính phủ Pháp không cho người Việt Nam mình có quyền tự do lai vãng (qua lại). Phàm ai muốn ra xứ ngoài du lịch hay là buôn bán, nếu không được Bảo Hộ cho phép đi, thì tất bị buộc tội ngầm thông với nước ngoài, mưu chuyện làm loạn. Có điều là ai được Bảo Hộ cho phép đi, tức phải là người có tư cách đủ tin cậy hay là khéo chiều lòng mới được; tôi vốn không có đủ những tư cách ấy, thành ra tôi phải đi trốn. Tăng quân đi trốn nhiều lần rồi, đường sá rất quen thuộc thông thạo; ông chỉ vẽ cho tôi cái kế thay hình đổi dạng để qua cửa quan ải cho lọt. Từ Hải Phòng ra Móng Cáy, tôi giả làm chú khách đi buôn, cạo đầu kết bím, đáp một chiếc tàu buôn mà đi.
Lúc tàu đến bến, chúng tôi đợi đêm khuya mới dám mướn một chiếc thuyền đánh cá nho nhỏ, lén qua Trúc Sơn, Trường Sơn là bờ cõi huyện Phong Thành nước Tàu. Chuyến đi này tuy là nguy hiểm, nhưng mà vui thú lạ thường. Ra khỏi bờ cõi rồi, các món giấy tờ quan hệ và tiền bạc của chúng tôi đều còn nguyên lành. Ôi người ta nghiêm cấm mình chừng nào, kết quả bà con mình càng thêm giỏi cái ngón phá cũi xổ lồng chừng nấy, không riêng gì một mình tôi, theo chân nối gót chúng tôi ra hải ngoại, còn thiếu chi người!
Ở lại Trúc Sơn một tuần lễ mới đáp ghe buồm Khâm Châu mà đi Bắc Hải.
Lúc bấy giờ đã bước qua tháng 2, còn có ngọn gió đông bắc thổi khá, thành ra ghe đi chỉ có bảy ngày tới Hiệp Phố. Chúng tôi đổi sang tàu buôn Hồng mao mà đến Hương Cảng. Tàu đến bến, chúng tôi lên bờ, ở loanh quanh hết hơn một tuần lễ. Trong óc tôi lúc này thấy sự vui sướng không biết sao mà nói.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]