道行祠

蘇江水月上松風,
瓶錫雲深了色空。
休說投胎真是應,
徐岩跡亦爪餘鴻。

 

Đạo Hạnh từ

Tô giang thuỷ nguyệt thượng tùng phong,
Bình tích vân thâm liễu sắc không.
Hưu thuyết đầu thai chân thị ứng,
Từ nham tích diệc trảo dư hồng.

 

Dịch nghĩa

Trăng nước sông Tô Lịch, như ngọn gió thổi trên ngọn cây tùng,
Cây gậy tích trượng trong mây, chỉ là hư không,
Chớ bảo rằng việc đầu thai đúng là có thật,
Chỉ biết dấu chân trong hang núi thầy Từ cũng vẫn còn đó.


Nguyên chú: Đền thờ bên sông Tô Lịch, bên ngoài thành cách cửa nam hai dặm, thuộc xã Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận. Dã sử chép: Vào triều Lý, ở xã Yên Lãng có người tên là Từ Lộ, có chí học hành, thi đỗ khoa Bạch liên, cha là Từ Vinh làm ở Viện Đô sát có hiềm khích với Kiến Thành hầu. Hầu sai tay chân là Đại Điên yểm bùa giết hại. Từ Lộ nuôi hận quyết học phép thuật để trả thù cho cha. Ông bỏ nhà vào chùa Hương Hải ở núi Từ Sơn tu hành, lấy đạo hiệu là Đạo Hạnh. Trong 7 năm tu hành, ông đã thuộc đến 10 vạn 8 nghìn thiên kinh sách, và không một lần xuống núi, phép thuật thuần phục được cả mãnh thú. Ông thường nhàn du khắp nơi, một hôm qua cầu Yên Quyết, xã Yên Lãng bèn ném cậy gậy thần xuống sông Tô Lịch, cây gậy liền tự ngược dòng chạy băng băng đến chân cầu Tây Ẩn. Biết là phép thuật đã hiệu nghiệm, ông cả cười nói: Việc tu hành đã có kết quả rồi. Nói xong, bèn đi tìm Đại Điên. Đại Điên thấy Đạo Hạnh liền quát lớn: Tên kia thật to gan, dám đến đối đầu với ta chăng? Từ Lộ đáp: Chỉ cần một gậy tích trượng này thôi! Thế là Đại Điên lăn ra chết. Xong việc trả thù cho cha, ông trở về núi tu hành. Vào triều vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7 (1116), ông thoát xác trong động núi Từ Sơn, đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu em trai nhà vua, đó chính là Lý Thần Tông, sau cho đổi Sài sơn thành Phật Tích sơn. Tương truyền trong động chùa Phật Tích vẫn còn dấu chân Phật in trên đá, điều này khiến cho đệ tử có bài thơ rằng:
Viết hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thuỷ nguyệt,
Thuỷ nguyệt thượng tùng phong.

(Nói là “có” cát bụi cũng “có,”
Cho là “không” nhất thiết là “không.”
“Có không” như sông như trăng,
Sông và trăng như ngọn gió thổi trên ngọn cây tùng.)
Lại có thơ hoạ:
Thu cao bất đầu nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.
Vị báo môn nhân hưu luyến trứ,
Cổ sư kỷ độ thị kim sư.

(Thu muộn không để chim nhạn quay trở về,
Cười nhạo người đời, trong chốc lát lại rầu rĩ.
Chớ báo cho người nhà biết để mà lưu luyến,
Thầy cũ mấy kiếp sẽ lại là thầy hôm nay.)


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]