Tôi lúc nhỏ theo học tiên sinh Tham chính họ Nguyễn người Lai Thạch. Thám hoa là con trưởng tiên sinh2, lớn hơn tôi chín tuổi, cùng học với tôi, dần dà nhiều năm tháng. Tôi may mắn trộm thu lượm được nhiều điều tốt đẹp để tự hoàn thiện mình cũng đã từ lâu. Tiếp đó ông và tôi lại cùng theo học quan Đông các họ Vũ và quan Thám hoa họ Đỗ, tình bạn bè đèn sách giúp nhau nên người đâu chỉ một sớm một chiều. Như vậy đấy.

Khoa Mậu Thìn (1748) ông đỗ tiến sĩ, khoa Giáp Tuất (1754) tôi cũng đỗ tiến sĩ, đường công danh hẹn ước, không thẹn trong đời từng được theo đòi thi thư giáo huấn, thày của chúng ta chẳng thiên vị một ai. Mùa hạ năm Bính Tý (1756) chia tay, tôi đi nhậm chức ở vùng đông nam, tình thương nhớ bạn luôn canh cánh trong lòng. Nay ngẫu nhiên
gặp dịp triều đình có đại lễ, tôi về kinh, nhân đó đến thăm ông. Chợt thấy trên án sách có bộ “Ngũ kinh” bản mới, liền mở xem, thì thấy chính là bộ sách quen thuộc ông vẫn hàng ngày tụng đọc.

Ôi! Môn Kinh học trên đời này, đối với thư tịch chú giải của các Nho gia, việc lược bỏ những chỗ bề bộn, chọn ra những điều cốt yếu, thì mỗi nhà đều có sách riêng. Nhưng nếu chọn một bản in ra để giúp cho mọi người cùng có thể đọc mà hiểu tường tận thì chưa có sách nào đầy đủ và giản dị như sách này. Tôi vui mừng, vì thế viết mấy lời đề ở đầu sách.

Năm Mậu Dần, niên hiệu Cảnh Hưng (1758), “quyến đệ” là Phan Cận, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thự Hải Dương xứ Án sát sứ, người Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc đề tựa.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]