Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm

“Thơ là ký ức. Thơ là ký ức của ngôn ngữ. Thơ là ký ức của một ngôn ngữ đối với ai đó.”
“Ai đó là ai?”
“Bạn.
Thơ là ngôn ngữ của bạn là ký ức của ngôn ngữ của bạn trong bạn.”
“Bằng cách nào?”
“Bằng những gì nó gợi lên trong bạn, trong ký ức của bạn. Thơ diễn ra trong một ký ức. Đó là một hiệu ứng của ký ức.”
“Và đó là lý do tại sao nó không nói điều gì cả.”
“Đó là lý do. Vì hiệu ứng ký ức của thơ là cái gì hoàn toàn riêng tư. Nó là ký ức của bạn, và không phải của ai khác. Nếu đúng là ý nghĩa của những gì được nói - nếu những gì được nói có ý nghĩa, là một ý nghĩa có thể giao tiếp – có thể diễn xuôi, nó là một ý nghĩa công cộng. Nhưng ý nghĩa của thơ ca trong ký ức chỉ là trong ký ức đó thôi. Nó không phải là cái gì có thể truyền đạt cho người khác.”
“Nó không phải là hồi tưởng?”
“Nó không phải là hồi tưởng. Và nó cũng không phải là tư tưởng.
Thơ ca, đối với một người nào đó, là hữu thể của ngôn ngữ của hắn.”
“Còn gì nữa không?”
“Thơ được trừu xuất từ cái gọi là quy tắc về ‘tính công cộng của ý nghĩa’. Cuộc thảo luận về ý nghĩa của thơ (trong các bài thơ bị biến dạng ngay từ đầu nếu nó không được lưu ý. Trong “ý nghĩa” của những gì một bài thơ nói, không tránh được có nhiều riêng tư, và bởi vậy không thể truyền đạt và không cũng không có tính chất liên-cá nhân.
Nó dẫn đến hệ luận là thơ, nếu tôi hoan nghênh và công nhận nó, làm cho ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ của tôi hơn bất kỳ những cách sử dụng khác của nó, làm cho tôi trở thành sở hữu chủ của ngôn ngữ tôi.
Qua thơ, ngôn ngữ tôi là của tôi.”

Dịch từ bản dịch tiếng Anh của Guy Bennett.