Ôi, giỏi đánh xe, có ngựa tốt mà đi về hướng Bắc, cách nước Sở càng xa; nhiều người ồn ào, một người dạy, mong nói tiếng nước Tề chẳng được.
Tôi đây: sinh ở Nam quốc, cách biệt Trung nguyên. Đã khác biệt tiếng nói tám hướng, lại thất truyền sự học bốn thanh. Thêm nữa: Nghe đều là nhạc, thấy thảy là Nho. Trang sức bằng chuông trống mà chế tác hỗn tạp, ai là người hiểu khúc điệu đây? bàn về tính tình thì cùng cho thế là cao, chẳng thiết gì nghiệp học ỷ thanh nữa. Vì đâu cầm mà bút, lại thích điền từ? Từ sự tẩm nhiễm ấy mà nói, thì sự khéo vụng khá biết được vậy.
Ôi, người xưa nào thấy, ý nhạc khó quên. Chỉ biết dốc chí lự cho chuyên nhất, mong tinh thần có thể khế hợp với thuở đã xa. Hoè du mấy phen biến đổi, rương đựng thực cũng đã nhiều. Thực muốn: coi cái chổi cùn của mình như của báu, đối diện với mây trắng đặng tự vui mà thôi.
Khách có kẻ nói: Nga Hoàng xét nhạc phổ, còn tìm về được dư thanh của thời Thiên Bảo; Tống Duyện nghe tiếng chuông, vẫn tìm được nhạc khí cổ của Thái thường tự. Huống nữa sách Âm vận của Chu Đức Thanh, gốc ở sách Từ nguyên của Trương Thúc Hạ. Chú từ phổ cậy ở Khương Quỳ, sáng yếu chỉ nhờ vào Lục Phụ. Trước do Thảo Song biên tập, sau thì Trúc Tra chép sao. Ngoài ra còn, mấy trăm nhà ngữ nghiệp thời Tống - Nguyên; vài chục pho Tuý biên thời Minh - Thanh, không năm nào tôi không sưu tập, ngày ngày ngâm nga, tuy kỹ nữ Hà Gian cũng chưa đủ để thổi sáo đánh đàn, như rương nhỏ của Hành Dương, chứa đầy sách vở. Nhưng sau: người ở Quảng Ninh tài thổi sáo, người ở Giang Hạ giỏi gảy đàn. Bởi bắc nam vốn xa cách, mà giọng hát bổng trầm, vốn chẳng khác đường; nhã tục năng phân, mà bút ý thanh không, tự nhiên cao giá. Cái gọi là phép quá phiến, chọn xoang, lời phú tình, dụng sự, thanh khứ cao cần phải kìm rồi mới lên, thanh nhập dồn dập quý ở chỗ đứt rồi lại nối, chưa hẳn thảy đều là một tấc đến trời, hay thảy toàn là thùng rỗng kêu to, thì sao không bán bùa khờ của Hoà Thành Tích, gượng làm như hiểu chuyện kiểu Mã Tử Hầu. Truyền rộng mãi sự đồng điệu về sau, cùng nhau hoà nhịp, ngõ hầu: hậu sinh có sáng tác, mượn đó làm xe tre, áo rách; sự học đã đứt không bị mất, hẳn có tác dụng như nước tiểu ngựa, hay loài khuẩn bé nhỏ. Thoạt nghe lời mà cứng lưỡi, bèn rụt tay mà nhủ lòng.
Ôi, cảnh đẹp Giang Nam tháng Tám, được người đời xưng tụng; sự khéo léo của câu “Một ao nước xuân”, can chi đến chàng. Câu: “Gió sớm trăng tàn” của Liễu Tam Biến, câu “Nhỏ phấn thoa dầu” của Tả Dữ Ngôn. Phong khí như thế, theo đòi chẳng kịp. Ví phỏng chỉ khoe chỗ kém cỏi của mình, e không tránh được việc khoe mẽ. Không thế thì hãy có một lời, hoặc cứ noi theo tiền lệ. Từ xưa thơ coi tiếng sáo của âm Nam là đẹp, đã không hề tiếm sai, lấy sao Dực này làm sao chủ cho Nhạc phủ, lại theo sự phân dã của nó, ví như thảy đều không phải thước tròn thước vuông, thì cũng đáng để lúc nhớ lúc không vậy.
Nay Thiên tử: Sửa sang lại lễ nhạc, giáo hoá bằng nền văn trị rực rỡ, há chỉ có cương vực mở rộng, mà riêng từ học chẳng nhiều như như cây vực sum suê, còn âm nhạc cổ không nối lại được nữa chăng? Bởi thế thần đây tuy vốn biết tài năng chẳng theo kịp [người xưa], xét lời Cố quân nói cũng có chỗ phải lẽ. Thuỷ nhạc thuyết của Nguyên Thứ Sơn, không có cung có chuỷ thì cũng có hại gì đâu; tập Khuê Đường của Hứa Hữu Phu, đặt tên là “Khoản nãi” rất hợp. Cảm tạ Chân Trường hiểu lòng ta, tin rằng Tử Hạ phát khởi được ý ta. Vội phạt một chén lớn, đưa chân gõ mạn thuyền, khách gọi Tiểu Hồng, đáp lời khua chèo. Liền án theo hai mươi tám điệu nhạc chương thời Tống - Nguyên, điệu đều là bài hát của Ngư phủ; đọc lớn mấy ngàn lời tiểu thuyết mua vui, chẳng đoái đến mắt nhìn của người trời vậy.