Bản dịch của Hoàng Lê, Đỗ Văn Hỷ

Một hôm lên giảng đường, tăng và tục đông như nêm. Có người hỏi:
- Thế nào là "tri túc"?

Sư trả lời:
- Xét lẽ thì người xuất gia cũng như kẻ tại gia [đều phải] dừng lại ở chỗ "tri túc". Nếu đã biết thế nào là "tri túc" thì bên ngoài không xâm phạm người mà bên trong không hại đến mình. Dù nhỏ mọn như ngọn cỏ thôi mà người không cho, thì mình cũng không nên lấy. Huống chi vật khác là thuộc người khác [sở hữu], nếu ta tơ tưởng tới nó thì rốt cuộc không từ đó mà sinh lòng trộm cắp hay sao? Cho đến vợ con của người, nếu ta tơ tưởng tới họ thì chẳng cũng từ đó mà sinh lòng tà dâm hay sao? Ai nấy hãy nghe bài kệ của ta:

Tiền tài tri túc, chớ tham,
Đừng lo tranh đoạt, gắng làm từ bi.
Không cho, ngọn cỏ lấy chi?
Tấm lòng như ngọc mơ gì của ai!
Vợ mình riêng đủ lắm rồi,
Còn toan mơ ước vợ ai làm gì?
Vợ ai, kẻ ấy yêu vì,
Nỡ nào sinh bụng bất nghì, tà gian!