Người đàn bà ấy áo xanh,
Chiều chiều bổ củi nghiêng mình xuống nương,
Nhà sàn chìm giữa rừng sương,
Đêm đêm lửa bếp soi guồng tơ quay.
Chuyện rằng: “Kể đã lâu ngày
Đời tôi từng cũng cấy cày có đôi.
Chồng xưa vạm vỡ con người,
Ăn cơm bắp, phát cây đồi quanh năm.
Vẫn nghèo vì ở Vũ Lăng,
Ruộng nương ai cũng phải cầm nộp sưu.
Thế rồi có một buổi chiều,
Chồng tôi cùng với rất nhiều đàn ông,
Giắt con dao đi mấy đêm ròng,
Khi về cờ đỏ cả vùng rừng cây,
Khoe rằng: “Đã giết được Tây,
Ruộng không thuế nữa, cấy cày tự do”,
Tôi mừng, nhưng vẫn còn lo,
- Tây thì ác lắm, sao ngơ tội mình?
Nhưng chồng tôi đã cười khinh:
“Nó còn thua Nhật đánh mình làm sao?
Huống chỉ cả Bắc Sơn vào
Phất cờ khởi nghĩa Tây nào dám he?”
Tôi yên lòng một đêm kia
Lính đâu dồn dập từ khe núi vào,
Vũ Lăng chả cứ nhà nào
Già, trẻ, trai, gái xích vào một dây!
Chồng tôi máu đẫm cánh tay,
Thừng gai trói chặt từ đây... lao tù!”

Nghẹn ngào bỏ lỗi guồng tơ,
Người đàn bà ấy thẫn thờ ngừng tay,

Thế rồi từ bấy đến nay,
Tám năm vất vả nuôi bầy con thơ.
Một mình bừa sớm, cấy trưa,
Đêm ru con đói lại vừa kéo bông.
Xóm làng đi hết đàn ông
Đàn bà heo hút sống trong thẳm rừng.
Trải bao kinh sợ hãi hùng,
Phần lo Tây bắt, phần không cửa nhà.
Tới ngày khởi nghĩa gần, xa
Rừng tươi lần nữa bóng cờ vàng sao.
Có hai con lớn cùng vào
Thanh niên, du kích làm bao việc làng.
Đồn rằng Tây đánh lan tràn,
Con xin vào Vệ quốc đoàn lại... đi!

Bếp sàn hiu hắt gió khuya
Bập bùng ánh lửa guồng xe quay đều.

Đời tôi nay đã già nhiều,
Còn hai mẫu ruộng sớm chiều một thân.
Xóm làng vui được quây quần,
Không lo trốn tránh vì quân săn người,
Vũ Lăng ai cũng như ai,
Chồng đi tù chết, con trai xa nhà.
Làng tôi còn những đàn bà,
Với nương cấy bắp, với mùa tắm tơ
Âm thầm gió hắt lửa mờ,
Núi rừng im ngủ giấc mơ lạnh lùng.
Chuyện tản người vẫn ngồi chong
Sè sè guồng sợi ánh hồng vạc than.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]