Quá Vĩnh Thuần huyện

Nhàn vọng Soa Y thập lý tần
Vĩnh Thuần tiền để lạc hồi thuần
Tư trung thiết lão nghi đề trụ
Cổ Lạt linh hương nại cát cân
Nguyệt quá Hoà Yên tiêu niếu niếu
Ngư hồi Hoàng Phạm thuỷ lân lân
Thành đầu nghiêu khởi Huyền Thiên miếu
Chung tự sương minh thụ tự xuân

 

Dịch nghĩa

Nhàn ngắm những vạt rau tần trên mặt hồ Soa Y mười dặm
Huyện Vĩnh Thuần thì phải làm sao trở lại niềm vui hồn thuần
Lim núi Tư Sơn nên dùng làm cột cái
Nước Cổ Lạt nấu rượu thì khăn được bền
Trăng qua trên vùng hồ Hoà Yên vẳng nghe như có tiếng sáo
Thuyền câu trở về trên hồ Hoàng Phạm mặt nước gợn sóng lăn tăn
Đầu thành nhô lên ngôi miếu Huyền Thiên
Tiếng chuông lảnh trong sương cây cối đang tự làm ra mùa xuân


Trong Tống thi, Đào Tiềm truyện, viết: Mỗi khi muốn uống rượu, Đào Tiềm lấy khăn chít đầu lọc rượu đang ủ mà uống. Đinh Nho Hoàn nhắc đến suối Cổ Lạt nấu rượu có mùi thơm, ý nói nước suối này đem nấu rượu thì khăn Đào Tiềm được bền.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Đinh Nho Hồng

Soa Y nước biếc phủ rau tần
Vui hưởng thuần phong huyện Vĩnh Thuần
Lim núi Tư Sơn cây cột trụ
Nước dòng Cổ Lạt rượu bền khăn
Hoà Yên sáo vút trăng loang toả
Hoàng Phạm thuyền câu sóng lướt tràn
Bóng miếu Huyền Thiên in đáy nước
Chuông ngân sương cỏ gọi mùa xuân

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

“Quá Vĩnh Thuần huyện”, một bài thơ Đường luật trường tồn, xuyên thế kỷ của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn

Mặc trai Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671-1715) quê xã Sơn Hoà, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Là con trai thứ 3 của Hoàng giáp Đinh Nho Công. Ông mồ côi mẹ từ lúc ba tuổi. Ông học giỏi, thông minh được cha kèm học. Sau về kinh thụ giáo với nhiều bậc danh sư. Năm 30 tuổi, ông đậu Đệ giáp tiến sĩ xuất thân tức là Hoàng giáp. Sau làm quan (hàn lâm viện, đốc học cao bình..v..v..). Đầu năm 1715 ông được nhà vua tin tưởng cử làm phó sứ giúp vua sang nhà Thanh mở lòng hoà hiếu. Ông lấy hiệu là Mặc Trai. Trên đường đi sứ sang Trung Quốc ông sáng tác thơ Mặc Trai sứ tập gồm 93 bài. Thơ ông giàu tính nhân văn, tràn đầy lòng yêu quê hương đất nước. Tâm hồn ông luôn hoà quyện với thiên nhiên. Trong tất cả 93 bài thơ đi sứ của ông, bài nào tôi cũng ngưỡng mộ nhưng tâm đắc nhất vẫn là bài thơ đặc tả cảnh thiên nhiên huyền bí khi ông đi qua Vĩnh Thuần. Bài thơ đã được phiên âm:

QUÁ VĨNH THUẦN HUYỆN

Nhàn vọng soa ý thập Lý Tần
Vĩnh Thuần tiền để lạc hồi Thuần
Tư trung thiết lão nghi đề trụ
Cổ lạc linh hương nại cát cân
Nguyệt quá hoà yên tiểu niếu niếu
Ngừ hồi Hoàng Phạm thuỷ lân lân
Thành đầu nghiêu khởi Huyền thiên miếu
Chung tự sương ninh thụ tự xuân
Hai câu mở đề, tác giả muốn nói lên nỗi niềm của lòng mình trước phong cảnh thiên nhiên khi qua Vĩnh Thuần “Nhàn vọng soa y thập lý tần”. Phó giáo sư Ngô Đức Thọ đã dịch nghĩa (lúc nhàn rỗi, ngắm những mảnh ràu lẫn bên hồ Soa y dài mười dặm) cảnh “Vĩnh Thuần tiền để” đã làm cho lòng người được trở lại hưởng niềm vui tại chốn này. Đó là một cảnh mỹ mục như lời dịch thơ của tiến sĩ Đinh Nho Hồng “Soa y nước biếc phủ ràu tần – Vui hưởng thuần phong huyện Vĩnh Thuần”.

Đứng trước cảnh tượng đó, lòng thi sĩ man mác nghĩ tới bao điều, bao cảnh. Đây là hai câu thơ tả thực:
Tư trung thiết lão nghi đề trụ
Cổ lạt linh hương nại cát cân
Nhà thơ đang nói tại núi Tư Sơn có thứ cây gỗ lim quý làm cột trụ vững chãi. Nơi đây có dòng suối Cổ Lạt lấy nước suối đó dùng nấu rượu rất ngon (rượu ngon thì khăn bền). Theo sự tích Đào Tiềm lấy khăn lọc rượu uống xong quấn lên đầu). Nên lấy nước suối Cổ Lạt nấu rượu thì khăn đào tiền được bền (Cổ Lạt linh hương nại cát cân).

Tiếp theo là hai câu luận:
Nguyệt quá hoà yên tiểu niếu niếu
Ngư hồi hoàng phạm thuỷ lân lân
Nhà thơ Đinh Nho Hoàn lại bình về cảnh tượng nơi đây. Đó là cảnh trăng và thuyền cùng lướt trên mặt hồ soa y, Hoàng Phạm và vẳng nghe như có tiếng sáo vút lên giữa không gian trầm mặc mênh mang. Cảnh thuyền câu dưới ánh trăng ngà trở về trên mặt hồ Hoàng Phạm trong làn gió nhẹ lăn tăn thật thơ mộng, lãng mạn vô cùng. Đứng trước cảnh tượng kỳ diệu đó, ai mà không đắm say, ngưỡng mộ. Tình yêu thiên nhiên dậy lên trong lòng thi sĩ mới vẽ nên được phong cảnh huyền mỹ đó.

Với những vế đối thanh thoát, sắc sảo trùm lên cảnh tượng thiên nhiên thuỷ hồ thơ mộng. Chính từ các phép đối thanh, đối ý mà phong cảnh ở đây được nổi lên như một bức thảm mặc lung linh kỳ thú. Chúng ta hãy xem ông dùng phép đối ý đối từ rất chuẩn mực:
- “Tư trung thiết lão” với “cổ lạt linh hương” tức: “lim núi Tư Sơn” với “nước suối Cổ Lạt”.
- “Nguyệt quá Hoà Yên” (trăng qua Hoà Yên) với “ngư hồi Hoàng Phạm” (thuyền về Hoàng Phạm)

Khi đọc lên ta nghe có sự hoà âm cảnh tượng, thể hiện được tấm lòng giữa cuộc đời thi sĩ.

Sau này nhà thơ, tiến sĩ Đinh Nho Hồng dịch 4 câu đó như sau:
Linh núi Tư Sơn cây cột trụ
Nước dòng cổ Lạt rượu bền khăn
Hoà yên sáo vút trăng lan toả
Hoàng phạm thuyền câu sóng lướt tràn
Thật là 1 cảnh thiên nhiên diệu kỳ sâu lắng. Mỗi khi đọc những câu thơ đó, ta thấy như mình thực sự được đóng ở bên những khuôn hồ ấy mà thưởng ngoạn cảnh trăng thanh gió mát, thuyền buồm thơ mộng, cảm thấy tâm hồn mình đầy thú vị như lòng tác giả vậy.

Ở hai câu kết nhà thơ nói đến cảnh tượng cái đầu thành nhô khỏi miếu huyền thiên in bóng xuống mặt hồ lung linh.
Thành đầu nghiêu khởi Huyền thiên miếu
Khi ngắm cảnh ở đây, tác giả nghe như có tiếng chuông ngân lên từ trong sương vọng tới gọi cỏ cây đâm chồi nẩy nụ để rồi tự làm nên mùa xuân mới.
Chung tự sương minh thụ tự xuân
Cảnh tượng ấy đã nêu bật được một ý tưởng rộng mở sâu xa, thể hiện lòng lạc quan tin tưởng của tác giả. Hình tượng tiếng chuông ngân gọi cỏ cây tự lập mùa xuân mới, nhà thơ Đinh Nho Hoàn muốn nói đến cái tự chủ trong tương lai, cái tiền đồ, cái triển vọng huy hoàng xám lạn của ngày mai. Một tâm hồn thơ đa cảm, sâu lắng của thi sĩ Hoàng Giáp được thể hiện rất rõ, rất thực. Tiến sĩ Đinh Nho Hồng đã dịch 2 câu kết như sau:
Bóng miếu huyền thiên in đáy nước
Chuông ngân sương cỏ gọi mùa xuân
Một phong cảnh tuyệt mỹ. Nhà thơ mặc trai Hoàng giáp có một tầm nhìn cao siêu, một tâm hồn cảm hoá ông đã tả các hình ảnh bằng nhiều từ tượng hình, tượng thanh: “Tiêu niếu niếu” (vẳng có tiếng sáo), “Thuỷ lân lân” (mặt nước lăn tăn).

Và cũng dùng nhiều vế đối chuẩn mực để tả cảnh tả tình. Đây là tình yêu thiên nhiên say đắm của ông. Trong ánh mắt Mặc Trai: Mọi cảnh vật ở đâu cũng như ở quê mình.

Bởi ông quá yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Tình yêu đó dồn lên cây bút ngà của nhà thi sỹ Hoàng Giáp. Tứ thơ Đường luật của ông cứ tuôn ra như một dòng chảy theo độ chín muồi uyên thâm của ngọn bút. Bởi vậy thơ ông có sức hấp dẫn, truyền cảm, và neo đậu trong lòng độc giả. bài thơ đã hơn 300 năm mà khi đọc lên cứ nghe như mới, cứ đắm cứ say. Nên thơ ông luôn được bảo tồn và thăng hoa. Áng thơ đó đã vượt qua bao lớp bụi thời gian để trường tồn xuyên thế kỷ. Đúng như nhà thơ Phan Văn Thắng đã từng viết:
Những tưởng thơ xưa đã lỗi thời
Nào ngờ phát triển mãi sinh sôi
Cha ông thuở trước gieo vần đẹp
Con cháu ngày nay dệt


NGUYỄN THỊ THỰC
Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh
Hội viên thơ Đường Việt Nam
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Soa Y nhàn ngắm vạt rau tần,
Thuần hậu vui niềm huyện Vĩnh Thuần.
Lim núi Tư Sơn làm cột cái,
Nước hâm Cổ Lạt rượu bền khăn.
Hoà Yên trăng chiếu hồ nghe sáo,
Hoàng Phạm thuyền câu sóng lướt làn.
Ngôi miếu Huyền Thiên nhô thành cuối,
Sương cây chuông lảnh làm mùa xuân.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời