Một tâm hồn bình dị, độ lượng sâu đằm mà chọn thể thơ trữ tình dân dã này để giãi bày thế giới nội tâm của mình là một đắc sách khôn ngoan. Lục bát của nữ sĩ họ Đồng tập trung cách tân ở những biến thể nhịp điệu làm cho thơ gần gụi với tiếng nói đời thường. Những bài như Bất chợt, Đơn phương, Người xưa, Về miền nắng gió, Lỗi lầm là những thành tựu đẹp. Nó mộc mà tinh, giản đơn mà thấm trong cái kết nhẹ nhàng, hồn hậu. Là kỹ sư đo lường, Đồng Thị Chúc biết cách cân đo đong đếm chính xác súc tích chân thành tâm trạng mình: nỗi đau đáu thân thiện trong Khúc hát người về hưu, tình cảm công bằng phân minh, tiếc nuối một bóng hình cố nhân - bức chân dung tự hoạ toàn bích trong Người xưa; ký ức vẹn nguyên trong Mẹ tôi, cái ngậm ngùi trong Chia tay chiều; khoảnh khắc rưng lệ trong Đoạn tuyệt thơ; cái buồn não nề trong Chiều ấy với cảnh âm dương biệt ly; nỗi tiếc thương trước những nghịch cảnh trớ trêu ở Lỗi lầm, sự bức bối cám cảnh trước nơi yên nghỉ của một thiên tài trong Về thăm cụ Nguyễn Du, những tự thú thật thà dễ thương trong Tự bạch… Đồng Thị Chúc không lấy chân lý trần trụi làm đối tượng, chị biết lập tứ và biết cách sử dụng thi liệu để tỏ bày chính nó. Thơ chị là nhân ảnh, kết tinh từ cảm hứng của trái tim, là sự tan rã của lý trí thuần phác. Trong sương mù, chị đang vịn vào từng câu thơ mà đi. Điệu tâm hồn của nữ thi sĩ đọng lại ở những vần lục bát rất riêng tư cốt cách dường như là những tiếng thở than nhẹ, e ấp tâm linh, sám hối thủ thỉ… và đau, đau lắm. Phải chăng, nỗi đau là di sản của nàng thơ. Nàng ban hạnh phúc bằng cái giá của thương đau. Lục bát của Đồng Thị Chúc là những lời tự sự, tự hát, tự ru về chính mình, nay mở lòng ra cùng bạn đọc tri kỷ.


Nhà phê bình văn học THÁI DOÃN HIỂU
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)