Dưới đây là các bài dịch của Phạm Đức Duật. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 5 trang (42 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]

Ảnh đại diện

Vũ Lâm động (Lê Liêm): Bản dịch của Phạm Đức Duật

Non mướt rau đồng, nhẹ gió lay,
Bên sông hoa biếc, hạt mưa bay.
Người tiên đã khuất, không tin tức,
Thong thả chiều hôm dạo suối mây.

Ảnh đại diện

Diệp mã nhi phú (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Tiên Sơn, Phạm Đức Duật

Một con vật bé bỏng tí ti, vượt tài xảo diệu của hoá ky.
Sao thiêng thiêng mà là lạ, lại quái quái mà kỳ kỳ.
Hình tuy giống hệt loài trùng, thân lại đúng là chiếc lá.
Tìm khắp sách truyện kinh xưa, chẳng một ai hề biết cả.
Nó chẳng phải vật trên cây trong trại Kim Âu mà hoá thành con ngựa lá đó sao!

Xem nó:
Tươi xanh nổi sắc, đẹp đẽ khác thường.
Lưng liên tiếp xương sống, bụng lờ mờ vằn ngang.
Ai cắt ai gọt, kìa móng kìa sừng.
Tưởng lại thời mông muội, cùng long mã sánh hàng.
Dấu vết tuy kề nơi rừng suối, mà chí thực ruổi rong khôn lường,
Nằm nghỉ dưới trang Hầu Lĩnh, tắm mình ngoài nắng Phù Tang.
Gió lay cành bóng, giật mình ngỡ sắp mang dàm ngọc.
Ráng lướt thân cây, thoáng trông tưởng mới buộc cương vàng.
Gặp được bác làm vườn nọ tưởng Bá Nhạc đó chăng?
Mới nháy mắt ở bên rừng rậm, đã đặt mình trên đám tiệc sang.
Một lời mới ngỏ, giá đáng ngàn vàng.
Đám liễu, đào tùng còn thấy ở thiên “Chu tụng”.
Cây dâu hoắc thục còn chép ở thơ “Mân phong”.
Huống vật này coi thì rất nhỏ, nhưng tạo hoá ngụ ý rất sâu.
Không sinh nơi ruộng đồng hoang dã, mà vào động tiên nương bóng.
Chẳng lánh vùng bến hiu quạnh, mà tới miền đất phúc ngao du.
Vậy chẳng phải vật thiêng trong loài lá, giống lạ trong loài mao đó ư!

Xem xét xưa nay, ngàn xưa vẫn thế.
Rùa lên khi trị thuỷ vừa xong, lân hiện lúc kinh kia đã viết.
Thực là buổi vận hội đương nhiên, nhưng cũng bởi thánh hiền dốc sức.
Thánh tướng ta lấy tâm tạo hoá làm tâm, dùng trí hoá công làm trí.
Tay thước trời dựng xây vũ trụ, thân khuôn lớn đúc nên mọi thứ.
Phàm là vật trong trời đất, chẳng vật nào không nhảy múa trước xuân phong, đượm nhuần trong hoà khí.
Người ước mong thoả nỗi ước mong, kẻ sinh sống vui niềm sinh sống.
Người khéo khôn trổ hết khéo khôn, kẻ tài kỳ dốc nghề tài kỳ.
Đến loài trùng nhỏ cung quăng đua tài khéo cũng thoả chí.
Nhân xem vật mà sinh tình, thầm cảm tin về vận khí.
Về ghi chép: ông Đường Thúc được lúc tốt có thiên kinh kia.
Về thưởng ngoạn: vua Thành Vương cắt lá vông không trò chơi ấy.
Nếu không phải tạo vật diệu huyền, hoá công tuyệt xảo thì sao được như thế!

Kính xem: tài năng thánh trí, khó kẻ luận bàn.
Lại trộm nghĩ: suy xét lòng trời, dõi tìm nhân sự.
Ví bằng sinh sâu thiêng lạ trên cây, sao bằng sản kẻ sĩ cao thượng, người kỳ tài trong thiên hạ?
Ví bằng vịnh thơ ngựa lá, sao bằng đọc thơ “Hữu bật” trong thiên “Lỗ tụng”, giải về “Đức ký” ở “Lỗ luận”?
Thế nên đối với vật thiêng lạ cũng đã yêu thương; huống gì đối với loài xảo diệu còn hơn, và cực kỳ thiêng lạ?
Xin hãy đổi lòng yêu vật thành lòng trọng người hiền; đem chí đãi vật thành chí đãi vật làm chí đãi kẻ sĩ.
Xem lá cây nhớ thơ “Vực phốc” trọng dụng con người, thơ “Thanh nga” dạy nuôi tài sĩ.
Ngắm ngựa lá tưởng vẻ đẹp trong “Quan thư”, “Thước sào”, đức nhân trong “Sô ngu”, “Lân chỉ”.
Quán đãi hiền, ngựa hay mua được, vàng không sợ phí.
Màn tiếp khách, Ôn nọ mời về, Thạch kia vừa ý.
Khiến cho chốn triều đình tượng vẽ được tìm, vùng rừng rứ rồng nằm phấn khí.
Được như thế thì phô trương điều lành, ngợi ca đức tốt há chẳng lớn lao rực rỡ hay sao?

Ôi! Kẻ học trò hèn mọn này có đáng gì, chỉ may sao gặp thời thịnh trị.
Ngôi khách quí thẹn dự bên màn, đầu bài phú vâng theo thịnh ý.
Công khắc há dốc hết tài hèn, nghề chạm sâu theo bề cũ kỹ.
Mượn vật mọn gửi gắm tình hoài, “được người hiền” dâng làm điềm quí.

Trang trong tổng số 5 trang (42 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5]