Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Vanachi ngày 12/10/2018 12:20
Bia đá được dựng lên là để ghi chép sự tích và phô trương công đức vậy.
Nhớ xưa, ngôi đền thờ vị thiên thần giáng xuống nước Việt này [là] đài Kính Thiên do Lạc tướng bộ Chu Diên đời Hùng Vương thứ 6 vâng mệnh dựng lên (hướng tây bắc – đông nam), hàng năm vào đầu xuân tiến hành đại lễ tế trời, nếu như có nạn lụt, hạn hán hay hoả hoạn, nhân dân đến cầu đảo là luôn luôn linh ứng. Vua triều trước năm Thuận Thiên thứ 7 (1017) đi thăm cảnh núi sông [đến đây] phong hiệu cho thần là “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương”. Từ đó về sau, vua các triều đều có tu sửa đền thần và ban tặng sắc phong. Mênh mông thay, cao cả thay, uy linh bậc nhất vậy.
Kính nay, thánh đế bệ hạ ngôi ở cửu trùng, chở che muôn vật, vì con cháu mà tính kế lâu dài, nhớ lời nguyền cũ mà làm rạng rỡ công lao của thần. Hạ chiếu ban 300 quan tiền, đặc sai tu sửa ngôi đền, tới khi mọi việc hoàn thành, thực là tụ tập đủ mọi qui thức. Qui mô này chính là công đức của ức vạn năm. Sở dĩ làm vậy chính là tu sửa văn đức để khôi phục cái công bình trị, xây dựng đền thần nhằm thể hiện cái ý kính thành. Nhờ đó mà kéo dài được cái phúc vô hạn của tông xã, cho nên ghi chép sự tích xưa nay khắc rõ ràng vào đá cứng để lưu truyền muôn đời.
Kính cẩn cúi lạy mà viết bài minh rằng:
Miếu thiêng hiên ngang
Mặt thần rạng rỡ
Từ xưa tới nay
Rồng chầu hổ cứ.
Tinh anh vạn thủa
Rọi sáng âm dương
Miếu được tu sửa
Rộng rãi khang trang.
Dấu tích xa xưa
Đài rêu, bia cổ
Nay vâng mệnh vua
Sửa đẹp như cũ.
Qui mô sáng sủa
Gấm vóc đỏ xanh
Chỉ công đức này
Sánh với núi cao.
Thần nhiều linh ứng
Giúp nước bình an
Kéo dài ngôi báu
Vững tựa thạch bàn.
Sánh cùng trời đất
Bia đá hiên ngang.
Ngày 20 tháng 11 mùa đông năm Nhâm Tí niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312).
PHỤ CHÉP SẮC PHONG CÁC TRIỀU ĐẠI BAN CHO
- Ngày 15 tháng 2 mùa Xuân năm Thuận Thiên thứ 7 (1017) sắc phong thần là Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương.
- Ngày 24 tháng 7 mùa Thu năm Đại Định thứ 6 (1146), vua xuống chiếu ban tiền 150 quan để tu sửa đền thần.
- Ngày 11 tháng 3 năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 4 (1190) sắc phong Đại vương và xếp vào hàng Võ miếu được hưởng quốc tế.
- Ngày 8 tháng 12 năm Nguyên Phong thứ 2 (1252) giáng chiếu ban tiền 50 quan để trang hoàng đền thần.
- Ngày 6 tháng 2 năm Hưng Long (1299) vua ban lệnh hàng năm được hưởng 30 quan tiền xuân tế để bày tỏ lòng kính trọng.
Ban sắc cho “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương” là bậc nhất chung đúc tinh anh, âm dương gồm đủ đạo đức. Giải nạn trừ tai, đưa sinh dân tới cõi xuân đài thọ vực; Chở che tích phúc, giúp nước nhà vững chãi như Thạch bàn Thái Sơn. Giúp đỡ công lao, nên được ban khen sử sách, phù hộ hoàng gia trường cửu, giúp rập nghiệp đế yên lành. Ngầm giúp đức vua bình định Nam thuỳ, dẹp tan bọn giặc, bắt được tù binh tên là Chế Chí, thu nhiều voi ngựa khí giới súng đạn, giành thắng lợi hoàn toàn. Khiến thiên hạ bình yên, thu phục non sông quy về một mối, nhiều lần linh ứng. Khá gia phong là “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương” được xếp vào bậc quốc tế, cùng phối thờ với Áp Nha công chúa Lục Phi Nương. Vậy nay ban sắc.
Ngày 17 tháng 2 năm Hưng Long thứ 20 (1312).
Đặc sai Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn vâng theo chiếu chỉ.
Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu vâng mệnh ghi chép sự việc.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]