Trang trong tổng số 6 trang (59 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thanh Hư động ký (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Đối với việc “Xuất” và “xử” của người có đức hạnh tài năng, thì hành động theo lẽ trời, vui thú cũng theo lẽ trời. Trời là gỉ? Là sự trong sạch, là cái hư không, là sự lớn lao đó thôi. Bốn mùa gộp lại thành năm mà chẳng tỏ ra là có công, vạn vật chịu ơn mà chẳng lộ ra dấu vết. Không phải Trời là sự trong sạch, là cái hư không, là sự lớn lao, mà lại được như vậy sao?

Tướng công Băng Hồ nhà ta, lấy cái tài trời ban núi tặng để quyết định mưu lược cho nhà vua, làm xà cột cho Tổ tông đền miếu. Khi biến cố Đại Định xảy ra, Người đã có công dẹp yên nội loạn. Trong lúc vận nước đang như treo trên sợi tóc, Một mình gánh vác công việc nước nhà trong những ngày điêu đứng. Đấy chính là buổi đầu tạo dựng nên trời đất. Nếu không phải hành động theo lẽ trời, thì có thể làm được như vậy chăng? Đến khi loạn đã dẹp yên, việc nhân nghĩa đã sáng tỏ, Nghiệp đế đầy như âu vàng, Nước nhà vững như bàn đá, thì cái chí của Lưu Hầu, Tấn Công mới mạnh mẽ không gì ngăn cản được, đây lại là một việc làm tỏ rõ sự sáng suốt của Người để giữ mình vậy. Nếu không phải biết tìm thú vui theo lẽ Trời thì lại có thể được như thế chăng?

Lúc bấy giờ bèn tấu xin một khoảng đất hoang ở Côn Sơn,
Sắp xếp làm một căn nhà để về đó nghỉ ngơi. Hai đời vua khen ngợi công lao, không ép buộc cái chí của Người. Thuận theo ý ấy, bèn tìm nơi thích hợp, xem xét địa hình.
Một tiếng trống gọi, muôn người đông như kiến hợp lại, Phạt bụi dọn cỏ, san đồi bạt núi lấp hang. Khi ấy, suối nguồn được khơi thông, cỏ cây được dọn sạch, Phu thợ tài giỏi đủ các nghề, xây đắp không ngừng nghỉ, chưa đầy một tháng mà việc xây cất trang trí đều xong, Chỗ cao thoáng đãng, chỗ thấp bằng phẳng sạch sẽ, sớm ra xa trông chỉ thấy một màu xanh, xung quanh bao bọc cảnh quan tươi đẹp diệu kỳ, nói chung các nơi nghỉ ngơi, chơi ngắm đều có đặt tên gọi riêng, nhưng toàn bộ khu đó gọi chung là “Thanh Hư động”.

Khi đã làm xong, Đức vua Duệ Tông tự tay làm văn bia, khắc lên trước mặt động. Đức Thái Thượng Hoàng tự tay làm bài minh bia, tạc vào dưới lèn đá, ý là để tuyên dương công trạng trước đây, và cũng là để tỏ sự khuyến khích ngợi khen Người vậy. Sau khi Cụ từ giã triều đình lui về, lúc thì ruổi ngựa vùng Gia Lâm, khi lại lướt thuyền ở chốn Bình Than. Hoặc cùng bạn Tạ Phó đi chơi núi Sáng, hoặc ca bài từ “Đã trở về” của Đào Tiềm. Tấm khăn che đầu, thong thả lên đèo, khói vờn đỉnh núi, ráng phủ cù lao, như gấm cuốn lụa giăng, như cỏ rừng hoa suối, phấp phới màu xanh, lạ lùng màu đỏ. Sóng lăn tăn dịu mát, tưởng có thể cầm lấy được, thơm thì muốn nuốt, đẹp lại muốn ăn. Thường thì những cái gọi là trong mát, những tiếng vi vu, xa xa mà trống rỗng, thăm thẳm mà lặng yên, hợp với sự mong muốn của tai mắt và tinh thần, tất cả như đã hoà với khoảng không mênh mông mà rong chơi ra ngoài vạn vật. Chao ôi! Từ xưa tới nay giữa khoảng không gian này, tạo hoá bày ra những cảnh vật như thế để tiếp đãi con người đã nhiều. Nhưng rồi những việc thành công, Như là Tiêu Hà là người có tài còn bị đào bới, dập vùi; Mã Viện là người có mối chí thân nơi tiêu phòng còn bị mỉa mai. Đó chẳng phải là đã làm nên công trạng, mà không biết tìm con đường lui đó sao? Đến như là Vĩnh Thúc mười lần dâng sớ cầu xin được nghỉ, mà cái chí nhớ đến đất Dĩnh vẫn còn chưa thoả, Ôn Công một năm ốm đến cả nửa mà nỗi nhớ miền sông Lạc không được thoả lòng. Đó chẳng phải viêc lui về nghỉ ngơi cũng có khi phải chờ đợi, khó khăn đó sao?

Nay tướng công ta, lúc đầu Trời đã giúp cho cái hội công danh, Về sau Trời lại ban cho cái thú vui sơn thuỷ, tránh được cái tiếng thành công mà chẳng biết đường lui, khỏi cái nỗi phải thở than là muốn lui về mà không được. Chính là khi “xuất” với “xử”, “động” với ‘lạc” đều theo lẽ Trời cả. Vậy còn phàn nàn chi cái ý của tạo vật đã đãi ngộ người? Như thân phận một kẻ đại thần, khi tiến khi lui, lúc khinh lúc trọng, đều có quan hệ với vận mệnh nước nhà. Bởi thế người quân tử vẫn ôm mối lo suốt đời, đâu như kẻ hèn hạ thờ vua, đã lo được lại lo mất, Khi được thì a dua nịnh hót, chẳng việc gì mà chẳng làm; Khi mất thì hậm hực bỏ đi, trong lòng ấm ức. Như vây thì sao đáng mà bàn việc “xuất” và “xử” của người tài đức được?

Than ôi! Trời đất quang tạnh khó lường, Người giỏi kinh luân có hội, Được yên ổn mà bay lên khoảng trời xanh trong mát kia để gặp gỡ vui chơi ở chỗ mà tạo hoá sắp đặt ra để chờ người?

Niên hiệu Xương Phù thứ tám, năm Giáp Tý, tháng chạp. Nhị Khê Nguyễn Phi Khanh viết.

Ảnh đại diện

Long tỉnh quá trạc (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Ngọc Sơn dưới núi suối vòng quanh.
Kẽ đá xuyên qua chảy vạn nhành.
Nước ngọc cho hồn thêm sáng lạn.
Rãi rồng chẳng sánh nổi hương thanh.
Lực thừa thấm mát ngàn cây đỏ.
Khắp đất tràn nuôi vạn ruộng xanh.
Chẳng để thôn riêng dùng giếng ấy.
Vương Minh dùng cấp, phúc trời giành.

Ảnh đại diện

Phật động thâm u (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Thấy bảo Linh Sơn dấu Phật in.
Ông già chỉ chỗ, bước lên tìm.
Cỏ hoang, lối nhỏ vào trong động.
Chữ nhạt, rêu dầy phủ lấp tên.
Đèn thả bên hồ cầu chẳng thấy.
Nước bưng dưới suối nọ tay vin.
Không không, có có là không có.
Hiển hiện nhân gian chuyện cửa thiền.

Ảnh đại diện

Đăng Đông Sơn tự kiến ký kỳ 2 (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Cò trắng ngang sông, nước lẫn trời.
Rừng cây một cảnh khói mây trôi.
Điều mưa Vu Nữ không mùa định.
Đánh cá người qua vẫn tiếp bơi.
Thấy rõ thiền ân, Sư chấp pháp.
Hiện thân Đức Phật đến khuyên đời.
Đông Sơn tản bộ lên rừng ngắm.
Thuyền đầy thi hứng ánh trăng soi.

Ảnh đại diện

Đăng Đông Sơn tự kiến ký kỳ 1 (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Đông Sơn cảnh giống một hồ thiêng,
Hương quý thơm bay chốn đạo thiền.
Nước nhũ treo trên, mưa rớt xuống.
Hoa đầy cây rộ, gió tung lên.
Vua Bà nhang khói, dân thờ phụng.
Chúa Trịnh xe qua, vết vẫn truyền.
Cứu độ qua đi miền khổ ải.
Chm Âu no đủ, cá đầy thuyền.

Ảnh đại diện

Tháp sơn hoài cổ (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Tháp cổ nền xưa cỏ mọc tràn.
Dục Vương chẳng ở cảnh hoang tàn.
Nghìn cân báu vật ngời sông nước.
Chín bậc phù đồ bị nát tan.
Hái củi buông rừu nằm đá ngủ,
Chăn trâu dắt nghé đỉnh đồi sang.
Lên cao muốn được sư truyền đạo.
Đâu đó chuông rền những tiếng vang.

Ảnh đại diện

Thạch phố quan ngư (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Gió êm, sóng lặng lướt bên sông.
Ngắm phía cù lao một dãy vòng.
Thám hiểm hang rồng, sông mở lối.
Lưới giăng bến chợ, sóng cờ dâng.
Mang làn vợ lái đuôi thuyền tựa.
Gõ mạn anh chài rượu cứ nâng.
Hoặc giả thay “ly” bằng quẻ “hoán”.
Thánh thời sinh vật để người ưng.

Ảnh đại diện

Bộ Khánh Minh tự cảm hứng (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Phạm Vương đi khỏi, liệu quay về
Cỏ ngập Kỳ Viên cảnh chán ghê!
Khánh có duyên dời nơi khác ở.
Chuông không giá móc chỏng chơ hè.
Xà nghiêng ngói vụn chim làm tổ.
Bệ vỡ bia mòn rêu phủ che.
Giá có ngàn tay như Phật Tổ.
Một đên gác phượng dựng yên bề.

Ảnh đại diện

Cốc tự tham thiền (Hồ Xuân Hương): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Thần mài quỷ đục năm nao nhỉ?
Dáng thế thiên nhiên định rõ ràng.
Nhà chẳng xà kèo, nền chẳng lát.
Nhũ là mái đá, vách là hang.
Dơi đêm hiến quả đài sen rụng.
Ong mật dâng hoa trước án vàng.
Sóng vỗ, tiều ca, chin réo hót.
Sư tăng chợt tỉnh giấc mơ màng.

Ảnh đại diện

Lộ tư (Đỗ Mục): Bản dịch của Đào Văn Nghi

Thân đầu trắng muốt mỏ thì xanh.
Quây giữa lòng khe bắt tép ranh.
Hoảng loạn bay xa miền núi biếc.
Hoa lê rớt rụng gió chiều quanh.

Trang trong tổng số 6 trang (59 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: