Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Hoa bim bim ngày 01/03/2010 09:38
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường “…thấm đẫm triết học về cái chết... thơ anh buồn một nỗi buồn đứt ruột… Đấy là thơ của cõi âm…”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình.
Thực ra, bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc. Có độc giả ở Hà Nội đã công phu cắt từng câu trong bút ký nổi tiếng Ai đã đặt tên cho dòng sông của anh xếp lại thành một bài thơ. Ngoài bút ký, anh có nhiều bài thơ hay được rất nhiều độc giả thuộc như Địa chỉ buồn, Dù năm dù tháng, Dòng sông đời mẹ, Đêm qua: “Bây giờ đã hết trò chơi/ Đã tàn cuộc rượu để người ra đi/ Đêm qua không biết làm gì/ Muốn về tìm gã Trương Chi nghe đàn”... Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc. Chỉ có bài thơ Bồng bềnh cho tới mai sau là bài thơ tình (với chất liệu vũ trụ) rất hay và rất lạ trong mạch thơ buồn viết ra từ máu của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong vài chục năm nay!
Năm 1986, Hoàng Phủ Ngọc Tường về thăm Lệ Thuỷ quê vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Lệ Thuỷ là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình, nơi sông nước mênh mang trong xanh chảy qua những làng quê thấm đẫm điệu hò khoan da diết. Từ chợ Tréo có thể đi đò về khắp nơi trong huyện. Người Lệ Thuỷ đam mê dân ca và hò hát. Đêm trăng hò giã gạo, chèo thuyền hò mái nhì, mái đẩy, mái bảy, mái ba, mái sắp, mái nện... không khác gì xứ Huế. Đêm Hoàng Phủ ngủ lại với mảnh đất đã cho mình tình yêu, mảnh đất đã cho anh câu thơ khái quát: “Ai người làm thơ ai người cứu nước”.
Trong đêm khuya khoắt, tiếng hát từ những con đò chở lúa trên dòng sông Kiến Giang làm anh choàng giấc. Anh chạy ra Mũi Viết nơi ngã ba sông, và bàng hoàng ngẩn ngơ trước cảnh tượng thơ mộng như tranh thuỷ mặc: Bắt gặp những cảnh tượng bình minh như trong cổ tích đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị hớp hồn. Để rồi những hình ảnh đẹp đó đi vào tâm hồn thơ của anh vô cùng xao động và ấn tượng hơn nhờ những cặp liên tưởng bất ngờ và thú vị: “Có con thuyền trong sương trắng/ Bềnh bồng như một cánh chim/ Có em chèo thuyền áo trắng/ Xôn xao như trốn như tìm/ Có vầng mặt trời rựng sáng/ Bồi hồi như một trái tim”.
Nhờ thủ pháp so sánh, liên tưởng điêu luyện những cảnh thực vào thơ đã thành ảo, thành mộng, cái tả đã biến thành cái cảm, cái say, dẫn người đọc đến một trạng thái tình cảm mới: Tình yêu! Cô gái chèo thuyền trên sông phút chốc biến thành Nàng Tiên Nữ giữa chốn bồng lai tiên cảnh với những nét đẹp vàng son lấp lánh và cực kỳ sang trọng: “Phấn mặt trời trên má”, “bụi mặt trời vương gót chân”, “dấu chân thành hoa hài trên sóng”…
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường “…thấm đẫm triết học về cái chết... thơ anh buồn mỗi nỗi buồn đứt ruột… Đấy là thơ của cõi âm…”. Đó là một nhận xét xác đáng. Nhưng trong nguồn thơ như từ đất vọng lên của Tường lại có một bài thơ khác lạ, bài thơ “Như từ trời vang xuống, đầy chứa chan, khoái cảm và trí tuệ. Đó chính là Bồng bềnh cho tới mai sau, bài thơ về trái tim tình yêu, “Trái tim mặt trời” vĩnh cửu, một bài thơ tình hay và mới mẻ.
Gửi bởi Hoa bim bim ngày 16/02/2010 07:34
Tôi rất thích bài thơ này. Bài thơ thật hay, ý tứ sâu sắc. Đọc bài thơ, rất nhiều người tìm thấy mình trong đó. Những hình ảnh được dùng để so sánh rất sinh động: "đời là sóng"- hình ảnh sóng có thể nói lên được rất nhiều khía cạnh trong đời sống, trong cuộc đời của mỗi con người.Những từ ngữ "vỡ tan tành, bồi hồi,thổn thức,nức nở, chênh vênh" có thể được xem là cùng một trường nghĩa, đối lập với các từ ngữ "im ắng, bình yên,êm ấm" tạo nên một sự tương phản để chỉ hai thái cực vốn có của cuộc đời:"hạnh phúc và đau khổ". Và con người, luôn trăn trở trong hành trình đi tìm hạnh phúc. Cái "khoảng lặng" trong bài thơ chính là miền hạnh phúc. Bài thơ còn rất hay ở nghệ thuật tổ chức lời thơ, tạo nên các tứ thơ rành mạch. Cách xuống dòng ngắt nhịp (ngắt câu thơ tám chữ thành hai dòng) thể hiện sự chông chênh, khắc khoải trong tâm trạng của người đang "xin một khoảng lặng". Mạch cảm xúc (sự khoắc khoải) tăng dần qua từng tứ thơ, từ "Một góc thơ thi thoảng để ru mình" và "xin được giữ cõi riêng" đến "Chút bình yên đôi khi vỡ tan tành" và "con tim thổn thức từng cơn", cho đến tứ thơ cuối thì "Mắt muốn khép mà chưa thể đóng/Nên thơ-đời còn mãi đó, chênh vênh". Chừng như là sự tuyệt vọng? Cuộc đời chênh vênh nên thơ cũng chênh vênh? Nhưng không, con người lại tiếp tục cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc!
Gửi bởi Hoa bim bim ngày 12/02/2010 11:15
TRĂNG QUÊ
Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Dế than hiu-quạnh, tre buồn nỉ-non
Diều ai gọi gió véo-von,
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu-dàng…
- Hỡi cô tát nước bên đàng!
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Trích trong tập Thơ Tình Bàng Bá Lân
( Gửi bạn Nguyên Minh)
Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]