Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đề đô thành nam trang [Đề tích sở kiến xứ] (Thôi Hộ): Bản dịch của Tiểu hài nhi

Năm trước ngày này sau lớp song
Mặt ai đào thắm lẫn nhau hồng
Khuôn trăng chẳng biết giờ đâu nhỉ
Còn mỗi hoa đào giỡn gió đông

Ảnh đại diện

Dạ ẩm (Lý Thương Ẩn): Chuyển lời cụ Lý

Dịch thơ mà dịch như ri
Lại còn in sách làm chi hỡi trời
Suối vàng ông Ẩn hắt hơi
“Tiên s ch nó, mi chơi tau à
“Bốc dạ” tuy có nhưng mà
“Tửu thuyền” rượu trắng đâu ra mầu “hường”
Lại còn cái “cõi vô thường”
Đời ông môn khách lo đường tiến thân
Nếu không bởi “ngoạ Thanh Chuơng”
Thì ông đâu chỉ mỗi đường thơ hay
Sao mi dịch dọt thế này
Bao nhiêu điển cố vứt bay hết rồi”
Hài nhi nghe mắng đành cười
Ông ơi để cháu Chuyển lời giúp Ông
—-
Dịch thơ luật, lại ngũ ngôn
Dịch ra 5 chữ - ai đồn của Nhi
Dịch chơi, sai chẳng mần chi
Dịch in thành sách thế thì... trời ơi

Ảnh đại diện

Mãn giang hồng (Nhạc Phi): Bản dịch của Tiểu hài nhi

Giận tóc dựng ngược
Ngoài lan can
Mưa tuôn ào ạt
Dõi đôi mắt
Hướng trời gầm thét
Nhớ nhung mãnh liệt
Ba mươi tuổi công danh cát bụi
Tám ngàn dặm đường có trăng mây
Chẳng mong nhàn, dẫu bạc tóc đương trai
Không rên xiết

Nhục Tĩnh Khang
Chưa rửa hết
Hận làm tôi
Còn chưa diệt
Cưỡi chiến xa
Đạp phá cung Hạ Lan vỡ nát
Quyết chí xả giặc Hồ ăn thịt
Cười uống máu Hung Nô giải khát
Rồi mai này thu lại núi sông xưa
Chầu Thiên khuyết

Ảnh đại diện

Trường tương tư - Liễu (Châu Hải Đường): Dịch sao đây

Châu Hải Đường thúc thúc ơi, thúc giỏi tiếng Trung thật đấy. Con định dịch bài của thúc mà lại sợ không hết ý của thúc được, lỡ thúc vào đọc thúc mắng cho. Dịch bài của mấy ông Tầu dễ ẹc, chém bừa các ông ầy có biết đâu, hi hi

Con thấy hay hay tập toẹ làm bài về rượu, thúc dịch ra tiếng Trung giúp con với, tks thúc nhiều

Trường tuơng tư - Diệu

Trong mắt Nai
Độ bốn muơi
Lá chuối xanh xanh nút nắp chai
Liếc qua đã thèm rồi

Nhấp cay cay
Hận chậm tay
Chén anh Chén chú cứ vơi đầy
Không về nếu không say

P/s: đây là điệu gì thúc nhỉ?

Ảnh đại diện

Trường tương tư - Vũ (Mặc Kỳ Vịnh): Bản dịch của Tiểu hài nhi

Tiếng mưa ngâu
Suốt canh thâu
Lá chuối ngoài song ánh đèn dầu
Tưởng tình mãi dài lâu

Mộng về đâu
Hận càng sâu
Có phải người buồn cảnh cũng sầu
Thức trắng một đêm thâu

Ảnh đại diện

Sứ chí tái thượng (Vương Duy): Điển tích trong thơ

Cháu xin bổ sung thếm mấy ý về hình ảnh “chính bồng” và “quy nhạn” cho các cô bác a/c không có thời gian tra cứu ạ.
- Chinh bồng: bồng là cỏ bồng, thuộc chi Ngải, tượng trưng cho người quân tử
Theo Kinh Lễ (Lễ Ký), khi nhà quyền quý sinh con trai, sẽ lấy cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn 6 hướng: trên, dưới, đông, tây, nam, bắc. Ý chỉ người con trai khi lớn tung hoành khắp nơi giúp đời.
“… Xạ nhân dĩ tang hồ bồng thỉ lục, xạ thiên địa tứ phương.”
(Người bắn lấy cung gỗ dâu, tên cỏ bồng sáu cái, bắn lên trời, xuống đất và bốn hướng – Lễ Ký, thiên Nội tắc)
Tang bồng từ đó cũng mang nghĩa cái chí lớn của người nam nhi.
“Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Dở đem thân thế hẹn tang bồng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.”
(Nguyễn Công Trứ, Đi thi tự vịnh)
Cỏ bồng ý nói người quân tử không gặp thời. Khi Khổng tử hỏi Lão tử về Lễ, Lão tử có nói: Người quân tử gặp thời thì tiến nhanh như đi xe ngựa kéo, khi không gặp thời thì an nhiên tự tại như cỏ bồng lăn đi mà đợi thời.
- “Quy nhạn”: nhạn về, hình ảnh được sử dụng nhiều trong thơ ca cổ, thể hiện nỗi nhớ da diết, tấm lòng lo lắng cho quê huơng và mong ước được trở về. Đỗ Phủ có bài thơ Quy nhạn thể hiện rõ ý này:
Đông lai vạn lý khách,
Loạn định kỷ niên quy.
Trường đoạn giang thành nhạn,
Cao cao hưởng bắc phi.
Cháu tạm dịch:
Khách từ vạn dặm phương Đông
Chờ cho hết loạn vài năm sẽ về
Giang Thành trông nhạn - tái tê
Cao cao sải cánh hướng về Bắc phương
(Đỗ Phủ đang vật lộn với nỗi nhớ, lo lắng cho quê huơng trong thời chiến loạn, thấy chim nhạn trên bầu trời sông Tấn Giang ở Thành Đô tự do bay về phuơng bắc, còn mình vẫn lưu lạc, không khỏi đau lòng)
- Thơ Đường vốn “ý tại ngôn ngoại”, chứ cứ dốc hết tâm tình lên mặt chữ thì làm gì có những vụ án văn tự thảm thiết trong lịch sử TQ. Hỏi Vuơng Duy bị giáng chức, biếm sang xứ Hồ thì có tâm tư không? Chắc là có. Nhưng có thể bắt lỗi đc ông không? Chắc là không, vì Vuơng Duy lồng hoạ vào thi, dùng hoạ để bày tỏ lòng mình.
Trong 2 câu thực 3&4, Vuơng Duy đã vẽ nên cận cảnh trong chuyến đi “vấn biên” của mình, có lẽ là vào mùa xuân có cỏ bồng bay theo về hướng bắc (gió đông), có chim Nhạn di cư trở về. Vậy thôi, rất thực.
Nhưng nỗi tủi thân “đơn xa”, nhận mệnh “Chúc quốc” trong 2 câu đề đã được ông nâng lên thành bất bình trong 2 câu thực này. Ông tự ví mình là “bồng”, là nam nhi, là quân tử, chỗ của ông phải là ở chính trường, triều đình, vậy mà lại bị đẩy đi “xuất Hán tái”. Ông coi mình là Quy Nhạn, lo lắng cho vua, mong muốn được trở về, thế mà lại phải “nhập Hồ thiên”. Khẽ trách thôi, trách người đã không hiểu mình, không sử dụng cái tài của mình đúng chỗ, để rồi trong 2 câu luận 5&6, ông vẽ tiếp cảnh tượng hoành tráng hơn, nêu rõ cái hay của mình là “trực”, cái quý của mình là “viên”.
- Sẽ là thiếu nếu không nói đến 2 câu kết 7&8, Kết mà không sầu hoan bi hỷ, cũng chẳng ý kiến ý cò gì về những chuyện ở trên cả, nghe thoáng qua thì chẳng có gì là kết cả (ải Tiêu gặp lính kỵ, Đô hộ ở Yên Nhiên), chỉ như một câu kể bình thường nhưng lại là một cách kết quá ý nhị cho người mà ông muốn giãi bày lòng mình - vua. Đây là báo cáo kết quả đi sứ: tên Đô hộ này có vấn đề. có thất sủng cũng là sứ giả, vậy mà đến tận nơi cũng chỉ có mấy tên lính quèn ra đón, vậy mặt mũi vua ở đâu? Còn hắn ở đâu? - Yên Nhiên. Mà Yên nhiên là nơi nào? - là nơi khắc ghi công trạng của tướng lĩnh biên giới, trong thơ ca cổ dùng để chỉ việc thành lập quyền lực bên lề (baidu). Chỉ là một câu kể, nhưng đó chính là cái kết mà VD muốn nói: thần - cúc cung tận tuỵ.
—-
Người xưa dùng thơ phú để thể hiện mình với vua mong được trọng dụng, ở ta có Mạc Đĩnh Chi với bài phú Ngọc tỉnh liên vậy. Vuơng Duy sau loạn An Lộc Sơn cũng được giữ chức to hơn, không biết có phải nhờ bài thơ này không, nhưng âu cũng là kết quả tốt cho một bài thơ hay và một thi hào.

Tự nhiên viết nhiều quá, Mong sơm được đọc bản dịch hay, sát nghĩa. Tks

Ảnh đại diện

Sứ chí tái thượng (Vương Duy): Một số phân tích

Nhiều năm về trước, cháu cùng các a/c bên tangthuvien dịch 1 truyện kiếm hiệp, có nhờ các bác, các cô, các anh chị yêu thơ trên diễn đàn dịch hộ bài thơ này. Bên cháu đã tìm hiểu khá nhiều thông tin về tác giả/bài thơ nhưng rồi... không có ai dịch giúp cả.
Cuộc sống lu bù cứ trôi đi nhưng bài thơ vẫn canh cánh trong lòng cháu. Mùa covid rảnh rỗi, cháu tình cờ đến topic này, được xem những bản dịch rất sáng tạo, rất phiêu thoát của các cô bác/anh chị cũng ... rất hay nhưng nếu trở lại ngày ấy thì cháu cũng không thể đưa vào truyện được vì các bản dịch bỏ qua/sai ý khá nhiều những “nhãn tự”, những nét vẽ “thi trung chi hoạ” truyền tải cái hồn của bài thơ, tâm ý của Thi Phật Vuơng Duy.
Cháu xin tổng hợp lại những tìm hiểu của nhóm dịch ngày ấy nhé:
Câu 1: “đơn xa”
“Vấn biên” - thăm biên giới, uý lạo tướng sỹ luôn là một hành động đẹp, thể hiện lòng quan tâm, yêu thương của lãnh đạo đối với những binh sỹ đổ xuơng máu giũ gìn biên cuơng đất nước, nhất là những binh sỹ ấy vừa giành được một chiến thắng vang dội. Thế nhưng hình ảnh “đơn xa” - một chiếc xe lủi thủi trên con đường “vấn biên” trang trọng - là một tuơng phản lớn, cho thấy tình cảnh bi đát của tác giả lúc đó
Câu 2: “chúc quốc”
Cháu nghĩ từ này nên chọn âm “chúc” hơn là “thuộc” vì thời Đường có chức quan “Điển chúc quốc” phụ trách bang giao với các nước khác.
Tác giả tự dùng quan hàm để nhắc đến mình, biểu thị tác giả chấp nhận thân phận bị thất sủng của mình, không oán thán
Hai câu thực 3&4: hình ảnh “chính bồng”, “quy nhạn” và tích của chúng đã nói lên tất cả.
Hai câu luận 5-6 là phần đẹp Nhất, hay nhất của bài thơ:
- Một Quang cảnh hoành tráng:
sa mạc rộng mênh mông, một luồng khói xông thẳng lên trời cao. Khói này không “lửng lơ”, không “loang chiều”, không “mong manh” gì cả mà tuơng truyền đây là loại khói của Phong Hoả đài trên Vạn lý trường thành, dùng phân chó sói đốt lên sẽ tạo thành một cột khói đơn lẻ, đậm đặc (“cô”) bốc thẳng đứng (“trực”) báo hiệu có địch xâm lấn, mang đầy mùi vị chiến tranh.
Mặt trời đỏ rực đang lặn xuống (“lạc”) đằng cuối của dòng sông dài, tròn vành vạnh (“viên”). Có thể hình dung ra một không gian huyết hồng như vẽ bằng máu của bao binh sỹ đã ngã xuống, nhưng đã kết thúc rồi, đã viên mãn rồi.
- một tâm tư sâu kín: VDuy phải chăng dùng hình ảnh này để thể hiện cái tâm của mình?
Trong triều đình như một sa mạc mênh mông, cái gian, cái nịnh nhan nhản thì ông ví mình như một làn khói “cô”, lẻ loi nhưng lại “trực” vì ông là Gián sát ngự sử, dẫu thế nào vẫn “trực”, vẫn là ngay, là thẳng, là can, là gián
Trong suốt dòng đời làm quan, dẫu hiện thời đang thất sủng, xuống còn là Điển Chúc quốc như ông đã tự xưng trong câu 2 nhưng lòng trung vẫn không thay đổi, vẫn nguyên vẹn 10 phân vẹn 10, như hình ảnh “lạc nhật” vẫn “viên”.
—-

Ảnh đại diện

Mộc lan hoa lệnh - Nghĩ cổ quyết tuyệt từ giản hữu (Nạp Lan Tính Đức): Bản dịch của Tiểu hài nhi

Nếu mãi tình ta tựa thuở nào
Quạt hoa phải luỵ gió thu sao?
Bỗng đâu người ấy thay lòng dạ
Lại nói tim ai dễ đổi trao

Ly Sơn lời cạn nửa đêm thâu
Mưa đổ chuông ngưng có trách đâu
Bởi dẫu bạc lòng như họ Sở
Hôm nào còn hứa mãi bên nhau

Ảnh đại diện

Vịnh liễu (Hạ Tri Chương): Bản dịch của Tiểu hài nhi

Cây cao như ngọc giả trang thành
Rủ xuống vạn nhành tơ biếc xanh
Lá mảnh do ai tài cắt thế?
Tháng hai, xuân gió tỉa thêm thanh

Ảnh đại diện

Thục tướng (Đỗ Phủ): Bản dịch của Tiểu hài nhi

Miếu thờ tướng Thục ở nơi nao
Bách rợp Cẩm Quan khuất lối vào
Cỏ biếc leo thềm xuân tỏa sắc
Oanh vàng cách lá tiếng trong veo
Đến thăm ba chuyến bàn thiên hạ
Phò tá hai triều tỏ trí cao
Đánh giặc chưa thành người đã mất
Lệ rơi đẫm áo chuyện anh hào

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: