Trang trong tổng số 25 trang (244 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Lời chú vượn tại vườn hoa TB (Nguyễn Anh Nông): HAI NHÀ THƠ MỘTCON KHỈ VÀ "CỰC KÌ ÔNG MƠI"

Bùi Hoàng Tám

Vừa rồi, Nhà thơ Nguyễn Anh Nông công bố bài thơ anh viết về chú Vượn ở vườn hoa Thị xã Thái Bình và tỏ ra vui mừng vì tôi (Bùi Hoàng Tám) và anh cùng viết về chú Vượn này, các "tư tưởng nhớn" gặp nhau". He!.
Thực ra thì cho đến thời điểm này, không chỉ có tôi và Nguyễn Anh Nông viết về nó mà chú Vượn này đã đi vào "đời sống thi ca" của người dân Thái Bình từ trước đó rất lâu.
Tôi không biết chú Vượn này xuất hiện ở vườn hoa Thị xã Thái Bình thời điểm nào nhưng chắc chắn là nó phải có mặt ở đó từ những năm đầu thập niên tám mươi. Cái thủa mà cả nước còn đang chìm trong men say chiến thắng, suốt ngày ra rả "bài ca làm chủ" của những con người mới xã hội chủ nghĩa. Nào là làm chủ xã hội, làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ thiên nhiên... Chúng tôi, lũ thợ xây - phu hồ cũng được học hàng tháng trời bài ca chính trị để biết mình là những chủ nhân ông. Làm chủ nhưng mà đói, rất đói. Đói đến mức có 10 giấc mơ thì 9 giấc mơ được tọng cái gifddos vào mồm. Vì đói nên khi đó xuất hiện nhiều hình thức làm ăn kinh tế để "tự cứu mình trước khi trời cứu". Tất cả các cơ quan, công sở đều bung ra làm kinh tế ba. Dạo đó, ở Thái Bình có bài ca dao rất quen thuộc khái quát việc "bung ra" này. Bài rất dài nhưng tôi chỉ nhớ 4 câu kết:
"Bệnh viện thì bán bóng đèn
Ủy ban thì bán thuốc hen, thuốc ruồi
Chỉ còn có mỗi ông Mơi
Bán thuốc chữa B... là đúng chức năng"
Lại kể chuyện ông Mơi.Ông Mơi nhân vật được đưa vào kho tàng tục ngữ, thành ngữ Thái Bình. "Cực kỳ ông Mơi" là để chỉ cái gì tốt nhất, hoàn mỹ nhất! Ví dụ để chỉ cái xe máy rất tốt, người ta bảo: Con xe này cực kỳ ông Mơi. Một cô gái đi làm tóc về, hỏi: Tóc em đẹp không? Cực kỳ ông Mơi! Ông Mơi xuất thân là một y sĩ thời Pháp. Da dẻ hồng hào, tóc bạc trắng như cước. Ông bà không có con và rất nổi tiếng bởi tài chữa các bệnh hoa liễu. Ai mắc bệnh tim la, hủi lậu, đến ông chữa là khỏi ngay. Có câu "Cực kỳ ông Mơi" là do thế.
Trở lại với bài ca dao về chú Vượn ở vườn hoa Thái Bình. Hình như do suốt ngày phải ca bài ca làm chủ nhưng nghèo đói, đặc biệt là nhà cửa dột nát nên niềm mơ ước của các chủ nhân ông là có được cái nhà bằng bê tông. Trong khi những ông chủ thì phải chui rúc trong những mái nhà tranh, nhà ngói dột nát thì chú Vượn với chú gấu ở vườn hoa lại có hẳn cái nhà mái bằng bê tông rất chắc chắn, khinh thường giông gió. Có lẽ trong cơn ":ghen ăn tức ở" mà một "thi sĩ" nào đó đã bức xúc thốt lên:    
Thái Bình có cái vườn hoa
Có bầy khỉ gấu ở nhà bê tông
Khỉ gấu mày có biết không
Chúng tao là chủ mà không có nhà (bê tông)?    
Bây giờ thì cả ba chúng tôi (Nguyễn Anh Nông, tôi và chú Vượn) đều "cực kỳ ông Mơi"!  
Bùi Hoàng Tám
Nguồn:
http://trannhuong.com/new...-THƠ-MỘTCON-KHỈ-VÀ-

Ảnh đại diện

Lời chú vượn tại vườn hoa TB (Nguyễn Anh Nông): MỘT CON VƯỢN VÀ HAI GÃ LÀM THƠ

Tôi có bài thơ LỜI CHÚ VƯỢN Ở VƯỜN HOA T.B (THÁI BÌNH), đã gửi lên mạng http://www.thivien.net/  năm 2008, ai là thành viên mở ra vào xem ở mục tác giả Nguyễn Anh Nông, sẽ thấy nó nằm trên ấy( cụ thể là địa chỉ: http://www.thivien.net/vi...ID=OhFYCrS0UA8ujiLGotCcCw    ) Nguyên văn bài thơ đó, như sau:




LỜI CHÚ VƯỢN Ở VƯỜN HOA T.B
- Con cháu
của ta ơi!
Sao lại nhốt " ông tổ" chúng bay trong cũi sắt?

Sao lại cười lất ngất?
Đít đoi ta đỏ choét
Này cái đuôi thượng cổ vẫn ngo ngoe.

Đừng có mà mất gốc!
Nguồn gốc có còn là vinh hạnh?
Hỡi cái đuôi hoang dã phất phơ kia?


T.B, 1992
Hà Nội, 22.8.2008



Hôm nay, tôi vào mạng bác trannhuong.com, đọc bài của nhà thơ nhà báo Bùi Hoàng Tám nhan đề CHẾT DƯỚI TRỜI XANH và KHÁT VỌNG TỰ DO theo địa chỉ http://trannhuong.com/new...-và-KHÁT-VỌNG-TỰ-DO .

Khi đọc đến 2 bài thơ in dưới bài viết thì tôi thật sự giật mình, vì Bùi Hoàng Tám cũng lấy cảm hứng và viết về cái con vật mà tôi đã từng viết. Tất nhiên, hai người có hai giọng thơ, hai cách nhìn khác nhau, mời bạn cùng đọc:

Chết dưới trời xanh



Với một con vượn ở vườn hoa Thái Bình



Thôi

Đừng kêu nữa vượn ơi!

Lời mày hú sao mà thê thảm quá

Ta sẽ vỡ

Dẫu hồn ta là đá

Hú…hù…hu…!

Thăm thẳm xoáy vào tim.



Nhớ bạn bè

Nhớ bố mẹ, anh em

Nhớ những buổi chiều vàng chuyền cành hái trái…

Nhưng giả sử ta trả tự do cho mày

Liệu núi rừng kia có nhận lại mày không?

Không anh em

Không cả bạn bầu

Mày không còn nhớ cách trèo cây hái quả?

Rồi mưa nắng

Rồi còn thú dữ

Ra khỏi chốn giam cầm

Mày - vẫn - phận - tù lao…!



Nhưng ta biết

Mày thèm khát tự do

Vẫn mơ giấc mơ rừng

Dẫu cái chết với mày là không tránh khỏi

Ta cầu cho mày

Còn đủ sức trèo lên đỉnh núi

Hú một hơi dài

Rồi

Chết dưới trời xanh!



ĐÔI LỜI BÀN THÊM

Tôi (NAN) và Bùi Hoàng Tám đã từng cùng là Hội viên Hội Văn nghệ Thái Bình, chúng tôi quen nhau từ năm 1992, loanh quanh làm sao lại gặp nhau và cùng sống ở Hà Nội, lại cũng làm báo và làm thơ và nhiều cái cùng nữa, tuy sống ở Hà Nội nhưng chúng tôi ít gặp nhau, vì công việc, hoàn cảnh và …Tôi mến anh vì tài thơ, tài báo và nhiều cái tài khác, còn anh hẳn là cũng quí tôi vì chưa có gì để viết về nhau he he…nói vậy để thấy, chúng tôi không ai bảo ai, mà cùng viết về một con vật mà ai ở Thái Bình, gần thành phố miền quê lúa ấy- những năm đó sẽ biết về con vượn nhảy nhót nhanh nhẹn và tiếng hót lanh lảnh người ở xa mấy trăm mét vẫn nghe thấy. Tất nhiên hai thằng chúng tôi làm thơ không chỉ để  nói về con vượn…



Hà Nội, 28/11/2010

NGUYỄN ANH NÔNG
Nguồn:
 http://anhtuan123.blogtie...1/28/p5037755#more5037755

Ảnh đại diện

Đom đóm (Nguyễn Anh Nông): GHI CHÉP 2: NHỮNG GIẤC MƠ LẠ, BÀI THƠ TÌM ĐƯỢC TRONG MƠ

Như lần tâm sự trước, tôi có ý định ghi lại những giấc mơ của mình. Viếc ấy, tôi có làm mấy lần, nhưng sau rồi chẳng thấy thú vị gì, vì suy cho cùng, tôi chẳng thấy những câu chuyện đó để lại dư vị gì cho chính tôi, đã thế thì quên phắt nó đi. Nhưng gần đây, ý nghĩ ghi lại những giấc mơ của tôi lại trỗi dậy, nó như là một nhắc nhở cái thằng tôi cần tổng kết cái chuyện không đâu mà nó có cái gì đó, không lớn, có thể cũng bổ ích? tôi mường tượng thế, vậy thì hãy ghi lại thôi, nào.
MỘT BÀI THƠ HOÀN CHỈNH ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG MƠ NÓ NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

  Tôi nhớ lại chuyện cách nay hơn 20 năm. Năm 1987,tôi là thượng úy, đại đội phó về chính trị của Đại đội 7 (thuộc tiểu đoàn 5, trung đoàn 529, sư đoàn 311, quân đoàn 26, QKI). Đại đội 7 của tôi đóng tại đèo Bắc Quảng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Lúc ấy anh Đỗ Xuân Phú, là đại úy, Đại đội trưởng, anh quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc(cũ).
  Một đêm tôi bị đau bụng, nó phải làm cho tôi bị đau lồng lộn, rên la ầm ỉ. Anh em trong đơn vị đã dùng võng cáng tôi qua một ngọn đèo dài đến khoảng 5-6 km ra bệnh xá trung đoàn.Bệnh xá này còn có cái tên khác là c19. Bệnh xá trưởng ( lúc ấy gọi là đại đội trưởng) là trung úy, bác sĩ Nguyễn Công Sinh, bạn tôi. Hiện Nguyễn Công Sinh là đại tá, nhà báo,Phó Tổng biên tập tạp chí Hậu cần.Xin miễn kể về câu chuyện khám chữa bệnh, vì chuyện ốm đau rất vớ vẫn, đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa xác định nó là bệnh gì. Lúc thì nghi là đau ruột thừa, lúc thì nghi là a,b,c. Anh bạn tôi không cho dùng thuốc vì còn để theo dõi. Tôi nằm một đêm đến chiều hôm sau thì nhảy khỏi giường bệnh và xin về, vì đã khỏe re. He he.
   Cái cần kể nhất đó là giấc mơ và một bài thơ tương đối hoàn chỉnh. Tôi nhớ, sau khi anh em trong đơn vị đưa tôi đến trạm xá và được anh bạn thân là bác sĩ Sinh khám rất tận tình.Nhưng rất oái ăm là  Không đoán ra bệnh gì. Anh bạn nói là để theo dõi. Rồi anh về phòng ngủ. Khoảng 3 giờ sáng gì đó tôi chợp mắt, trong giấc ngủ tôi mơ thấy được đọc một tờ báo, hình như là báo Tiền Phong? Kín đặc một trang có đăng chùm thơ  đoạt giải  của một tác giả rất lạ. Sau khi tỉnh giấc một lúc thì tôi quên béng tên tác giả đó, nhưng nội dung 1 bài thơ trong chùm thơ  " đoạt giải" đó thì nhớ không thiếu một chữ.
   Tôi lơ mơ ngỡ mình được đọc báo thật, nhưng mở mắt ra, cảnh đêm tối om om. Tôi lấy tay bấm vào đùi, vào bụng, thấy đau. Hóa ra mình nằm mơ. Tôi sờ soạng trong đêm, vớ được một mẫu bút chì và một tờ giấy ghi vội ra . Xong, tôi ngủ tiếp.
    Lúc ấy bệnh xá này không có điện mà nếu có dùng ánh sáng trong đêm phải dùng nến, đèn dầu hoặc dùng đèn pin.
   Sáng ra, tôi mang bài thơ  đọc và khoe với anh bạn thân là bác sĩ Sinh.Anh bạn cũng ngỡ ngàng và nhìn tôi với  cái nhìn một người đến từ  " hành tinh lạ". Và từ đó tới nay, cứ mỗi lần gặp nhau, Nguyễn bác sĩ lại nhắc tới cái bài thơ lạ lùng có một không hai đó của tôi.
 Bài thơ được đọc thấy trong mơ đó, nó có cái tên "Đom đóm" . Bài này, sau đó đươc đăng báo Người Hà Nội và in trong tập thơ thứ 2 của tôi: tập thơ BÀN TAY LÁ CỎ( tập 2), NXB Văn học, năm 1995.
Đom đóm(*)
 ( Bài thơ đọc thấy trong mơ)
     
Một con đom đóm tỏ
Hai con đom đóm mờ
Lung linh ba tàn lửa đỏ
Cháy hoài cháy mãi chẳng tàn tro./.

            Nguyễn Anh Nông
* Rõ ràng bài thơ này tôi không chủ định viết. Nó được sinh ra trong vô thức, trong cơn mơ. Lý giải làm sao được bạn nhỉ? Có phải đây là trời cho không?
Xin nói thêm là, tôi đã mơ thấy nhiều nhứng câu thơ của mình, của người khác trong những cơn mơ, sau chẳng chép lại đựoc gì vì nó tan biến cùng thời gian.
Để biết chuyện này có xác thực không, xin bạn tìm đến, hỏi chuyện  bác sĩ Nguyễn Công Sinh, hiện anh sống, công tác  tại Hà Nội...sẽ rõ.

HÀ NỘI, ĐÊM THỨ BẢY, 28/2/2009

  Nguyễn Anh Nông
*************************************
NHỮNG BÀI CÓ LIÊN QUAN

* GHI CHÉP 1: CƠM MƠ LẠ (XEM TẠI ĐÂY)



http://binhphuong.vnweblo...s.com/category/3191/21501

Ảnh đại diện

Thời hoa đỏ (Thanh Tùng): THỜI HOA ĐỎ- nỗi niềm tha thiết khôn nguôi của bao lứa đôi

LỜI BÌNH: NGUYỄN ANH NÔNG
THỜI HOA ĐỎ- nỗi niềm tha thiết khôn nguôi của bao lứa đôi(*)

Tôi đọc thơ Thanh Tùng đã lâu, khi thơ ông  được in chung với các nhà thơ khác trong hai tập thơ Con sông chảy trong phố va Cửa Sóng. ấy vậy mà thời gian đã gần 30 năm rồi còn gì ? một khoảng thời gian đủ cho một đứa bé như anh bạn tôi trở thành một lão nông lực lưỡng phong sương ,tưng trải.

Và tôi mới biết thêm ,sau hơn 30 năm làm thơ , đến năm 2002(hay năm 2001) Thanh Tùng mới cho ra đời tập thơ riêng đầu tiên của ông đó là tập thơ Thời hoa đỏ và được giải thưởng Hội Nhà văn Viêt Nam năm 2002

Bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng được Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2002 chọn là một trong những bài thơ tiêu biểu của thơ ca Cách mạng giai đoạn 1945-1975 ,ban đầu ,quả có làm tôi bất ngờ .nhưng ngẫm kỹ tôi lại thấy những người làm tuyển thơ này thật có lý ,khi chọn Thời hoa đỏ của Thanh Tùng

Sức sống của một bài thơ hay phải được thử thách qua thời gian .Thời hoa đỏ (33 câu) của nhà thơ Thanh Tùng có nằm ngoài quy luật khắc nhiệt đó ? rất may, Thời hoa đỏ đã được phổ nhạc và nó đã là một trong những bài hát đắm say của bao lớp trẻ Việt Nam.

Đọc nguyên tác bài thơ, lắng nghe giai điệu của bài hát khiến lòng ta xao xuyến, lâng lâng:Dưới màu hoa lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng chịu cho lòng ta yên. Trong miên man tâm trạng của những người có một thời sôi nổi, hào hùng, một thời mộng mơ: " Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa" và " Em hát một câu thơ cũ/ Cái mê say một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ/ Hoa như mưa rơi rơi..."

Ở bài thơ Thời hoa đỏ này, ta bắt gặp một chút tinh thần của thơ Thuận Hữu trong Những phút xao lòng: " Có thể ngày xưa vợ mình cũng có một tình yêu/ Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ/ Cũng như mình thôi, ngày xưa mình cũng thế/ Yêu một cô giờ cô ấy đã lấy chồng", một chút éo le nà rất thật, chưa dễ mấy ai đã dám chấp nhận, công khai? Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng ta thấy ở Thời hoa đỏ thầm kín, da diết hơn: " Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau/ Mà thấy lòng đau xót/ Trong câu thơ của em, anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say/ Hoa cứ rơi ồn ào như lũ trẻ/ Không cho ai có thể lạnh tanh/ Hoa dặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim"

Phải chăng ta lại đọc thấy thấp thoáng tinh thần nhân ái, cao thượng trong câu thơ tình của Mặt trời thi ca Nga: Pút- Xkin " Cầu em được người tình như anh đã yêu em" trong ý thơ " Anh không buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say" cùng ai?

Đọc một Thời hoa đỏ, nó cứ gợi cho tôi nhớ tới Cuộc chia ly mà đỏ của Nguyễn Mỹ "Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/ Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên dốc núi cao vẫy gọi đoàn người" hoặc " Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng" hoặc " Chiếc áo đỏ rực như than lửa/ Cháy không nguôi trước cảnh chia ly/ Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/ Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy/ Không che được nước mắt cô đã chảy/ Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời/ Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi/ và rạng đông đang hừng trên nét mặt" Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ là tình yêu của đôi trai gái người ở lại, người ra trận, tuy có nồng nàn đắm say nhưng đó là tình yêu thuận, còn tình yêu Thời hoa đỏ của Thanh Tùng là tình yêu có " vấn đề" bởi hai người yêu nhau với trái tim đã có " vết xước", nỗi đau âm thầm, cháy bỏng, cồn cao, da diết làm sao?

Thật tinh tế và dũng cảm khi nói ra điều này: " Anh biết mình vô nghĩa đi bên em" khi mà " Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau/ Mà thấy lòng đau xót/ Trong câu thơ của em/ Anh không có mặt" và " Sau bài hát rồi em lặng im/ Em của Thời hoa đỏ... em của thời hoa đỏ ngày xưa..." thật tài tình, khi nhà thơ đã kết bằng niềm đồng cảm, sẻ chia, trân trọng: " Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa"

*

*    *

Bài thơ- bài hát Thời hoa đỏ là tiếng lòng không chỉ của một người mà nó là tiếng ca của một thế hệ hào hùng còn ngân vọng tới hôm nay và mai sau. Tiếng thơ- lời hát Thời hoa đỏ của Thanh Tùng đã làm rung động bao trái tim. Dư vị bài thơ thật xa xót, thật luyến tiếc- nỗi niềm tha thiết khôn nguôi của bao lứa đôi- nó đã đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ- như vết xước của trái tim./.

Hòa Bình, 8/5/2005


http://ngoctanns.vnweblogs.com/post/4314/241193

*Bài bình thơ đã in báo Quân đội nhân dân cuối tuần, ra ngày 1/6/2003
Ảnh đại diện

Lá rụng (Nguyễn Anh Nông): KỶ NIỆM VỀ BÀI THƠ LÁ RỤNG( NGUYỄN ANH NÔNG)

KN: Chiều nay, lúc 17h25s (7/4/2010) tôi nhận được cuộc điện thoại lạ từ Hà Nội gọi đến( xin đính chính lạ đây là số điện thoại chưa lưu vào máy của tôi và...). Và một điều lạ khác nữa là, người gọi lại đọc 4 câu thơ trong bài thơ Lá Rụng" tôi viết năm 1989, sau in trong tập thơ đầu của tôi( tập thơ Bàn tay lá cỏ, tập 1) và bây giờ bài thơ đó đang nằm trên Thi Viện .net:   http://www.thivien.net/vi...ID=zqu6MsUX8nc9ByN3p9_b_w . Trang này, ai là thành viên thì mới đăng nhập, mở được.
   Giọng người gọi đến trầm và ấm, cứ vang vang qua máy điện thoại khiến tôi sướng mê. Bạn thử nghe xem có thấy thế không nhé:

- Chiều, thanh thản thả lá vàng xuống cội
Sao mà em vương vấn quãng thời xanh?
- Ờ, cứ để non tơ mầm lộc mới
Mọc thay em biêng biếc ở trên cành!
Người đàn ông đứng tuổi còn khen, khích lệ rằng bài ấy kém gì, hay sách ngang với những câu thơ hay của nhà thơ nổi tiếng A,B,C...Nghe đến đây, tôi lưỡng lự và nhanh chóng kiểm tra trí nhớ xem ai đã đọc, đã khen và đã " lăng xê" bài thơ đó, vì tôi nhớ không nhầm, mấy câu thơ này(hai câu cuối) đã được nhà thơ ĐH chọn đăng trong mục NHỮNG CÂU THƠ LẤP LÁNH của 1 tạp chí văn học nào đó( hình như là tạp chí Lá Xanh?), tạp chí này ra đời đã gần 2 chục năm và hình như nó không còn tồn tại?
Tôi phải làm một động tác bắt buộc là hỏi người gọi điện cho mình là... đang ngập ngừng, thì giọng trầm ấm vang bên máy :-Tôi, Định Hải, nhà thơ đồng hương xứ Thanh đây! Ôi trời bác Định Hải. Thế mà bác nhớ tài thật. Lại tự nhiên nhớ câu thơ của Chế Lan Viên " Bài thơ hay như cô gái đẹp/ Sống ở đâu cũng lấy được chồng". Ở đời, kẻ làm thơ như tôi chỉ mấy người nhớ đến vài câu như thế là cũng sướng râm ran, bõ những suy tư, vất vả trong đời, trong nghề.
Xin nói thêm là, hình như tôi chỉ gặp nhà thơ Định Hải 1 hay 2 lần, mà lại gặp ở Ngày thơ VN, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, gặp trong không khí tưng bừng như thế, hỏi han đôi ba điều, rồi ai việc nấy, nên cũng không giao lưu gì nhiều. Còn riêng với anh trai nhà thơ Định Hải là nhà thơ Nguyễn Bao thì khác, do có duyên gì đấy mà tôi thường xuyên lui tới nhà thơ của bài thơ tình nổi tiếng " Hoa Chanh". Mấy lần đi theo nhà thơ Lê Văn Vọng tới nhà nhà thơ Nguyễn Bao vì có việc liên quan tới thơ. Lúc thì gửi bài vở về tập thơ tuyển " Gửi Hàm Rồng", khi thì tập tuyển "thơ Thanh Hóa thế kỷ 20" và vân vân cái lý do mà những người làm thơ cần đến với nhau.
  Trong cuộc điện thoại này, nhà thơ Định Hải hẹn lúc nào tới thăm nhà, ngay nội thành, tôi vui vẻ nhận lời, nhưng thực ra cũng chưa biết là sẽ đến thăm nhà thơ của " Bài ca trái đất" lúc nào được đây, nhưng có thể một vài ngày, hoặc phải vài tuần tới...
Xin đưa nguyên văn bài thơ Lá rụng để mọi người cùng "ngắm nghía" và chia sẻ.

 Nguyễn Anh Nông

Ảnh đại diện

Những tháng năm ở rừng (Nguyễn Anh Nông): Kỉ niệm nhỏ về một (và các) bài đăng trong các tuyển thơ

Năm 2009, kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Nhi đồng đã xuất bản tập thơ 65 BÀI THƠ, NHÀ THƠ QUÂN ĐỘI ( MỘT THỜI ĐÁNH GIẶC MỘT THỜI LÀM THƠ).  Sách do nhà văn  Ngô Vĩnh Bình tuyển chọn, giới thiệu.
Tôi (Nguyễn Anh Nông) được tuyển chọn bài thơ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG. Bài thơ này tôi viết tại huyện biên giới Thạch An, tỉnh Cao Bằng vào khoảng năm 1988, sau bốn năm tôi bám trụ tại đây, lúc ấy tôi là thượng úy, Phó đại đội trưởng về chính trị Đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 529. sư đoàn 311, Binh đoàn 26, QK1.
Tôi nhớ bài thơ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG đã được in báo Tiền phong năm 1988( hay 1989?), rồi sau được in lại nhiều báo, nó được in trong tập thơ BÀN TAY LÁ CỎ( TẬP 2),NXB VĂN HỌC, 1995, sau được in lại trong tập thơ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG, NXB QDND, 2005. Bài thơ này nằm thường trực trên THI VIỆN, bây giờ, xin bê về đây " khoe" lại với mọi người.
 Trước khi "khoe" với mọi người, xin kể mấy kỷ niệm nhỏ bài thơ này và một số bài thơ khác được in trong các tuyển thơ gần đây:
 1- Một buổi sáng đầu tháng 1 năm 2010, tôi nhận được tin nhắn: " Chú sang anh gặp, ngay", biết nhà văn Ngô Vĩnh Bình đã nhắn tin thế là có việc không to thì nhỏ, chưa biết chuyện gì, nghĩ cũng thấy  lăn tăn. Tôi liền vội vàng sang căn phòng tâng 2  ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, gặp anh, thấy anh cười hiền lành, đoạn anh nói như thế, như thế. Tôi cầm tập thơ thấy cách trình bày, minh họa, buột miệng " nom cũng hay hay". Đoạn, Ngô Vĩnh Bình bảo : " NAN cũng ghê", câu nói này tôi đã được anh nói nhiều lần, không phải là một lần, nhưng mọi lần tôi im lặng , cười, lần này thì tôi vặc lại " Bác bảo em ghê là ghê cái nghĩa gì?". Ngần ngừ một lúc, anh bảo: " Không ghê mà đang ở biên giới phía Bắc, đùng cái về Thái Bình( tỉnh đội Thái Bình), rồi xuống huyện đội Hưng Hà, lại đùng cái lại về tỉnh đội Hòa Bình, rồi lại về Hà Nội( Điện ảnh Quân đội nhân dân), anh lại nheo nheo mắt cười tít. Tôi lại buột miệng: tưởng bác bảo thơ em ghê, cái đó có gì mà ghê, hở bác...
  Sáng đó, ngồi với anh khoảng 5 phút rồi về cơ quan, mở sách ra đọc, phần giới thiệu về tôi, đọc mà buồn cười, nhưng thôi, đấy là cách tóm tắt của người biên tập, quyền của họ, nhưng cái làm tôi lăn tăn là phần giới thiệu tác phẩm, nhìn vào mục "gia tài riêng" thì người làm sách giới thiệu thiếu mất của NAN 2 tập ( tất cả 6 tập, bỏ 2 còn 4), tôi gọi điện cho nhà văn Ngô Vĩnh Bình thắc mắc, thì anh bảo : " Sao chú không tặng anh?", ôi trời, em tưởng bác lướt mạng suốt ngày, sao bác không ghé bộ đọc trong trang blog của em hì hì. Thật tình, đáng khen cho nhà văn họ Ngô đã  "vụng chèo nhưng lại khéo chống"...
   2.Cũng giống Nhà xuất bản Thanh Hóa ( quê hương tôi)ra tập thơ thế kỷ 20 đăng của tôi mỗi một bài thơ " Về chốn cũ", còn phần giới thiệu tác giả, tác phầm thì ghi : 2 tập thơ đã xuất bản ( Bàn tay lá cỏ 1 và 2), mặc dù đến lúc ấy ( NĂM 2007) tôi đã ra đến 5 tập thơ. Thôi thì ít liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp quê hương thì cũng chả trách họ được, tôi tự động viên mình thế.
 3. Bù lại, khi Thái Bình (mặc dù là quê ngoại,nơi tôi công tác 3 năm, lại có thời là Hội viên Hội Văn nghệ TB)  làm tuyển thơ văn 10 thế kỷ, tôi được chọn giới thiệu 3 bài: Về chốn cũ, Khúc ca bên cỏ, Nhà ta
4. Năm 1997, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản THƠ NGƯỜI LÍNH ( 200 tác giả) có tuyển chọn bài thơ NHÁT CHỔI TRONG CHIỀU của tôi
5. Năm 2000, tập thơ tuyển NGHÌN CÂU THƠ TÀI HOA VIỆT NAM, do nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ( sưu tầm, tuyển chọn, dịch) đã tuyển của tôi 2 chùm, 6 câu thơ trong 2 bài thơ của tôi( 2 câu trong bài thơ GIỌT NƯỚC và 4 câu thơ trong bài thơ EM VÀ HOA)
6.  Năm 2001, tuyển thơ 25 năm 1975- 2000 do Hội Nhà văn tuyển, phát hành, tôi được chọn đăng bài thơ NÀNG CÒNG GIÓ. đến tận giờ vẫn không rõ ai là người chọn nó, thực tình tôi vẫn chưa có điều kiện để hỏi Ban Tuyển chọn 3 tập thơ ấy, để cảm ơn họ một câu, cho phải phép.
 7. Và một số tỉnh như Cao Bằng ( nơi tôi có 7 năm công tác, là Hội viên) và Hòa Bình ( nơi tôi có 9 năm gắn bó và là Hội viên) và 1 số nơi khác cũng được coi là nơi để lại bao vui buồn và có sáng tác...nên có thể goi NAN là quân của " liên hợp quốc" hay của " liên quân"  cũng được...hê hê...
Thôi, huyên thuyên chính chòe mãi, sốt ruột, mời bạn vào đọc ngay trang tiếp về bài thơ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG này nhé. Bài này trong THI VIỆN đăng nguyên văn bài đăng báo Tiền phong, lần đầu...
                       Nguyễn Anh Nông

Những tháng năm ở rừng
         Thơ Nguyễn Anh Nông

Những tháng năm ở rừng
Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.

Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió.

Những tháng ở rừng
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.

Những tháng năm ở rừng
Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê bão bùng lụt lội...

Những tháng năm ở rừng
Người thân xưa hờ hững hoá người dưng
Ngày xuống phố-
thẩn thờ, ngơ ngác

Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết.

Cao Bằng, 1988


Bài viết từ trang: KỶ NIỆM
http://binhphuong.vnweblogs.com/post/3191/214329
Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Vũ Công Hoan thư gửi Nguyễn Anh Nông

Thân gửi nhà thơ Nguyễn Anh Nông!
Cám ơn Nông đã cho biết thông tin hoạ sĩ Lâm chiêu Đồng có lời khren
bài thơmình dịch của Nông. Đúng như hoạ sĩ Lâm đã nói người dịchchỉ vẽ
lên được cái hình, cái chín là bài thơ của Nông quá nổi tiếng quá hay
. đợc nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết một bài bình hay tuệy vời, mình lại
là lính chiến suýt chứêt ở bình độ 400 Lạng Sơn, nên đọc bài thơ của
Nông cộng với lời bình của nhà thơ Tần Mạnh Hảo , khiến mình xúc động
cố gắng lột tả cái phần hồn của bài thơ sang tiếng Trung Quốc và phải
nói cần phải cảm ơn nhà văn Diêm Liên Khoa, có ý kiến của ông ấy khiến
mình vữa tâm hợ , đồng thời cungz nhận ra được cái yếu kém của
mình.Cho nên mình cảm thấy sâu sắc muốn dịch thơ phải kết hợp tác giả
, dịch giả và một người nước ngoài có trình độ văn họcthì mới hay
được. Mình đã mở trang mạng và bị cuốn hút bởi những bức tranh nhứng
bài thơ của hoạ sĩ Lâm chiêu Đồng. Mình sẽ viết thư cảm ơn hoạ sĩ Đồng
đã êm đến cho mình tình cảm yêu cuộc sống yêu quê hương xứ sở qua hàng
loạt tranh vẽ , và điêu khắc rất tuyệt vời cúa hoạ sĩ, Từ nay trở di
khi nào muốn thư dẫn mình sẽ mơt r trang mạng của hoạ sĩ Lâm Chiêu
Đồng ra xem, cần bức tranh nào xin phép hoạ sĩ được cóp luôn. Rất cám
ơn Nông đã cho mình làm quen với một hoạ sĩ tài hoa của đất nước .Qua
Nông mìnhxin gửi lời cám ơn đến hoạ sĩ Lâm Chiêu Đồng.cảm hơn lời nhận
xét của hoạ sĩ về bản dịch của mình.
Chào thân ái
Vũ Công Hoan

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Vũ Công Hoan dịch và thư gửi Nguyễn Anh Nông

sáng nay, thứ ba, 19/1/2010 tôi nhận được 2 mail của nhà văn, dịch giả Vũ Công Hoan, người đã dịch nhiều tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc sang tiếng Việt.Qua 2 mail gửi, ông viết:
Mail 1:
Thân gửi Nguyễn Anh Nông
Xin gửi nhà thơ bài cảm tác nổit tiếng của nhà thơ
Hoan

Mail2:
Thân mến gửi nhà thơ NGuyễn Anh Nông,
mình đa dịch ý sau đó dịch thành thơ tiếng Trung bài cảm tác của Nông
rôi gửi mail sang xin ý kiến nhà văn Diêm Liên Khoa, tác giả truyện
"Người tình của phu nhân sư trưởng" mình đã tặng Nôngvà được nhà văn
này trả lời ngay bằng bài thơ trên đây.Như vậy là bài thơ
trên đã được Vũ Công Hoan dịch và một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc
thẩm định Nông cứ yên chí lên mạng thay cho bài tiếng Trung Nông gửi
cho mình dịch theo kiểu Việt Nam .  Chào thân ái , chúc vui khoẻ, tết
này anh em ta sẽ gặp nhau.

Vũ Công Hoan
Ngay sau đây là bản dịch của ông>


Nguyên tác:
CẢM TÁC

HAI CHÀNG TỪNG LÀ ĐỊCH THỦ
CHOẢNG NHAU CÓ LÚC MẺ ĐẦU
BÂY GIỜ XANH HAI NẤM ĐẤT
KHÓI HƯƠNG THI THOẢNG THĂM NHAU

              NGUYỄN ANH NÔNG



曾是两军敌
厮杀壕中烧
而今双坟墓
悼烟相潦绕

Tằng thị lưỡng quân địch
Tư sát hào trung thiêu
nhi kim song phần mộ
Điếu yên tương lạo nhiễu

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Dịch giả: Vũ Công Hoan gửi qua mail

Nguyễn Anh Nông thân mến
Đã nhận được ba thư liền của Nông. Hoan sẽ xem dần cho nó ngấm từ từ,
kể cả nhạc Hoan cũng chưa biết mở ra nghe . Riêng bài thơ Cảm tác hết
sức hay. Minh có thể dịch ý bài thơ ra tiếng Hán được ngay, song dịch
thàmh thơ tiếng Hán thì còn đợi đã và phải nhờ thày nhà văn Trung Quốc
mình quen góp ý .
Mình có thể làm trong tầm tay . song không vội, làm sao để cả
tiếng Việt và tiếng Trung đều hay mơí khó, nên phải có thời gian Nông
nhé Chúc vui khỏe sử dụng hết sức trẻ đang dồi dào và bộ óc đang nhanh
nhạy vào thơ ca.. Nông rót triết lý và hình tượng vào thơ ca giỏi lắm!
Vũ Công Hoan


vu cong hoan <vuconghoan2006@gmail.com>  

Đến: nguyenanhnong@yahoo.com.vn

Ảnh đại diện

Lời chuông (Thuỵ Anh): Góp ý với Thuỵ Anh

Theo mình, Thuỵ Anh nên cắt 2 khổ thơ cuối, thì bài thơ gọn mà hay hơn, ví dụ cắt 2 khổ này:
Nhưng em cũng tò mò
Muốn biết nếu còn kêu, nó sẽ kêu lời gì được nữa
Đã yêu. Và đã hết.
Anh mỉm cười: sẽ là những lời “không”…

Không… Không…. Không….
Tiếng chuông quen thuộc làm sao!
Lẽ nào ngày trước
Cũng những lời này
Chúng mình cùng nghe thành: “có”?  

Nói thật, khó nghe, đừng giận nghe, Thuỵ Anh
Kim Diệu Hương

Trang trong tổng số 25 trang (244 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: