Trang trong tổng số 25 trang (244 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Nguyễn Văn Lai: Đọc 3 trường ca, giật mình ... đọc tiếp

ĐỌC TRƯỜNG CA THỨ BA, GIẬT MÌNH...ĐỌC TIẾP



Chẳng phải với trời xanh, chẳng phải với Bin Gết -nhà tỷ phú người Mỹ giầu nhất nhì thế giới và chẳng phải với một vĩ nhân nào khác mà là với cha con cu Lập Sơn- người bạn thơ sức khoẻ yếu và cậu con trai chưa đầy 3 tháng tuổi. Tức là Nguyễn Anh Nông muốn trò chuyện với những con người bình thường nhất, thậm chí là với những sinh linh bé nhỏ mới cất tiếng khóc chào đời, đó như là một lời nhắn gửi, một thông điệp của cuộc sống về sự tồn tại và phát triển.



"Trẻ em như búp trên cành", rồi nay mai đứa trẻ sẽ thành người lớn, sẽ hiểu được lẽ phải của cuộc sống, hiểu được nhân tình thế thái, hiểu được đâu là sướng, khổ, vui, buồn; giầu sang phú quý hay là nghèo rớt mồng tơi. Trường ca "Trò chuyện với cha con cụ Lập Sơn" ra đời trong hoàn cảnh khi nhà thơ Nguyễn Anh Nông đến thăm bạn của mình là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Bằng sự cảm nhận sâu sắc, sự liên tưởng và niềm đam mê, nhà thơ Nguyễn Anh nông vẽ nên một bức tranh tươi sáng và hy vọng với hàng ngàn con chữ lấp lánh về tương lai cuộc sống của một tổ ấm gia đình nhiều khát vọng vươn lên vượt qua khó khăn vất vả và sự nghiệt ngã của tạo hoá để đến một chân trời mới tươi sáng hơn.

Ý thơ giản dị mà sâu xa, lời thơ mộc mạc, chân thành, gần gủi mà chuyển tải được nhiều vấn đề cần nói. Cả trường ca "Trò chuyện với cha con cụ Lập Sơn" là trải nghiệm một cách nhìn sáng tạo, mạnh mẽ và đột phá. Mọi sự trên thế gian này ra đời, tồn tại và phát triển đều có quy luật của nó; có thể thay thế, hoán đổi, ăn cắp, cướp giật, xin cho, ban phát nhưng cái đích thực thì vẫn còn mãi mãi. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không làm cho những mầm non bị héo mòn mà đôi khi lại tạo cho nó cứng cáp hơn. Sự nghiệt ngã của cuộc sống không làm cho những con người có ý chí và khát vọng bị lụi tàn mà đôi khi lại làm cho họ có sức sống mãnh liệt hơn, trang đời lại thăng hoa, toả sáng nhiều hơn. Mỗi chương, mỗi phần của trường ca Nguyễn Anh nông lại làm cho chúng ta giật mình ngẫm lại thế sự nhân tình và cuộc sống hiện tại. Niềm vui cũng nhiều, thành công cũng có, nhưng cay đắng vẫn còn, những trải nghiệm xã hội sẽ đưa con người luôn ở trạng thái hiện thực của cuộc sống để nhìn về quá khứ, ước nguyện tương lai, vượt lên mọi số phận, dám vạch sáng quãng đường dẫn dắt bước chân đi. Đó là hy vọng, đó là tương lai "Vạch đường cày- trên trang sách mới/ những đường cong, vạch thẳng cứ nôn nao/ Khoai lúa mọc không hàng, không lối cứ xanh um, mơn mởn, rì rào". Chao ơi ! đọc trường ca mà như thấy nhân tình thế thái, cuồn cuộn nỗi đau, cồn cào số kiếp, thân phận con người do trời đất, mẹ cha ban tặng, nhưng đau đáu nỗi niềm của dâu bể khuôn nguôi. Cái quý nhất của thiên nhiên là thể hiện quy luật ngàn đời không thay đổi, cứ mỗi mùa đông lạnh lẽo qua đi thì mùa xuân ấm áp lại về, lá rụng về cội thì tức khắc có những hoa trái nảy mầm. Một cu Lập Sơn ra đời và lớn lên là tương lai hy vọng của nhà thơ, để "Cu Sơn là biểu tượng của thi ca, con cháu cu Sơn xây dựng đền đài nguy nga tráng lệ/ cây lúa cây khoai được dát bạc, dát vàng/ hoa súng hoa sen nhảy múa hân hoan". Rồi cu Sơn có những cuộc "hành trình vượt đại dương...tới những hành tinh mới/ nhiều người nhìn cu Sơn mà ao mà ước" Để cu Sơn "gánh quá khứ tương lai nặng nhẹ, vạch hướng tương lai, xếp đạt quân cờ hoạch định".
Tôi đọc được ở nhà thơ Nguyễn Anh Nông trường ca này là trường ca thứ ba, thấy anh thể hiện mạnh mẽ quá, vạch đường khám phá cuộc sống, vạch ra hướng nhìn một góc trời mới. Dám nói đến những gì người đời chưa nói, dám nghĩ đến nhừng gì mà sau hàng trăm năm chưa dám nghĩ; dám bứt phá, mở ra một không gian thoáng đãng cho những trường ca tiếp sau của anh tung cánh. Con người ai cũng có những ước mơ, khát vọng, ai cũng muốn được thể hiện bản ngã của mình, muốn được trò chuyện với thiên nhiên, con người và bè bạn. Nếu như "Trường ca Trường Sơn" của Nguyễn Anh Nông trò chuyện với quá khứ hùng tráng của dân tộc, trò chuyện với đại ngàn Trường Sơn, trò chuyện và vinh danh những con người của quá khứ và hiện tại đã làm nên huyền thoại Trường Sơn anh hùng, trò chuyện với cả một không gian và thời gian lịch sử để rồi được chiêm ngưỡng, tôn vinh và hưởng thụ thành quả lớn lao đó. Với trường ca "Gửi Bin Gết và trời xanh" Nguyễn Anh Nông trò chuyện và đối thoại với con người nổi tiếng và giầu có trên thế giới, trò chuyện với vũ trụ bao la, trời xanh mây trắng, với những đấng tối cao, ở họ có đủ sức mạnh diệu kỳ của vật chất và tinh thần, họ vừa là bạn, vừa là đối tác, vừa có thừa sức cạnh tranh chúng ta trên mọi phương diện. Nhưng thơ ta là đối thoại để khẳng định mình, khẳng định vị thế dân tộc mình, nền văn hoá của đất nước mình trước nhân loại. Đến trường ca "Trò chuyện với cha con cụ Lập Sơn" hoàn toàn là mới lạ, đó là cuộc trò chuyện với thế hệ mai sau, với lớp con cháu, với những người chủ tương lai của đất nước; ở họ không có gì là ghe gớm, không có gì là cao siêu, họ chưa có sức mạnh của thể lực, chưa có sức mạnh của đồng tiền và sức mạnh của trí tuệ. Họ mới có những gì bình thường nhất của con người đó là biết ăn, biết chơi, biết cười, biết nói nhưng họ là niềm tin, là tương lai, là khát vọng, là những mầm xanh và chủ nhân của đất nước. Những con người bình thường nhất sẽ là những con người làm nên tất cả, nhà thơ đã nhận biết và tìm thấy những gì vĩ đại nhất là những cái bình thường nhất. Đó là một cách nhìn!
Đọc bộ ba trường ca "Trường ca Trường Sơn", Gửi Bin Gêt và trời xanh", "Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn" của Nguyễn Anh Nông, tôi lại nhớ đến bộ ba vở chèo nổi tiếng "Bài ca giữ nước" của cố nghệ sĩ Tào Mạt năm xưa./.

24/5/2011


Nguyễn văn Lai


Phòng Khoa học- Công nghệ- Môi trường
Trường Đại học Trần Quốc Tuấn
ĐT:01699361856
lai.nguyn@yahoo.com.vn

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Đỗ Trọng Khơi: VỚI NGUYỄN ANH NÔNG VÀ THƠ

VỚI NGUYỄN ANH NÔNG VÀ THƠ



Tùy bút:    

ĐỖ TRỌNG KHƠI



        Vào buổi tối một ngày hè thì phải, cô cháu gái, tên là Len đưa Nguyễn Anh Nông tới nhà tôi chơi. Cô cháu gái làm giáo viên dạy văn học tại một trường cấp II bên bệnh xá xã, nơi vợ nhà thơ làm y sỹ ở đó, do vậy mà họ quen nhau. Mấy hôm trước cô cháu đã ngỏ ý sẽ “Đưa một nhà thơ trẻ tới thăm chú...”. Nguyễn Anh Nông là sỹ quan quân đội, ngày đó còn đang đồn trú tại Cao Bằng, năm đôi ba lần đáo về quê Thái Bình thăm vợ con. Tới nay, có nhẽ cũng ngót một phần tư thế kỷ rồi. Thời gian đã đầy cao đã xa xôi dường ấy, tôi giờ trí nhớ đã có phần suy giảm, nhưng buổi tối đó thì còn nhớ như in. Nông đến cùng với một cậu em nhỏ tuổi nữa, cuộc chuyện diễn ra hơi nhạt. Nghĩ lại mà thấy thương trách cho mình quá. Mới lần đầu gặp, tôi thì cà tẩm nhà quê, Nông thì vẻ e dè. Nhưng có nhẽ, điểm chính là do cả hai đứa đều mới là những anh lính tò te của nghiệp bút nghiên, chưa hiểu gì mấy về nghề, cũng chưa biết nhiều chuyện làng văn, nên cả hai đều ít có điều để nói. Lại sực nhớ, cậu em nhỏ đi cùng Nông tối đó nay đã thành ra người xưa. Nghe đâu cậu ấy mất bởi bệnh ung thư. Chao ôi, một nhân chứng trẻ trung dường ấy của buổi gặp bạn bè đó đã kịp đi qua một lần sống. Văn chương quả là câu chuyện di mệnh xương máu vô cùng thương mến của kiếp người, sự đời.


        Thơ Nguyễn Anh Nông những ngày đầu không gây ấn tượng gì đáng kể với tôi. Chơi với nhau đôi chục năm nay, phải nói thực, khoảng vài ba năm nay Nông mới khiến tôi giật mình để ý tới hành trạng thơ ông. Thật kinh ngạc về sức bút ông những ngày này. Chỉ trong một năm ông viết liền tù tỳ trên ngàn khúc thơ ngắn, sau lựa in tập Lững thững xanh trên 300 bài. Và cũng chỉ trong ba năm ông viết xong 3 tập trường ca, tập Trò chuyện với bố con cu Lập Sơn dài 5 chương, với ... câu thơ mà ông viết chỉ trong có ... nửa tháng. Ôi, khủng!

        Trong quan niệm của tôi, nghệ thuật thơ có 3 ngưỡng cần đạt tới, là: Mới, Lạ, Hay, cũng gần quan niệm về Tinh – Khí - Thần, cái ngôi Tam bảo của cõi sống thơ ca. Để đạt được đầy đủ 3 yếu tố nghệ thuật trên là vô cùng khó khăn. Ấy là con đường của những bậc đại tác gia, con đường của loài gió chuyển mùa, vô hình tướng mà đi tới đâu để lại khí sắc mùa màng riêng biệt tới đó. Thơ Nguyễn Anh Nông không “Lạ”, nhưng “Mới” và đã có những câu, bài, trường đoạn khá hay - đôi cái ngưỡng quan trọng thơ ông đã bước tới. Thiết nghĩ, về nghệ thuật đạt vậy cũng đã là một thành tựu rất quý giá rồi. Với tư cách một người bạn thơ của ông, thành thực thơ tôi chưa có được thành tựu vậy. Bởi vậy tôi mừng cho bạn lắm. Còn hơn một lần mừng vui, tự hào, tác phẩm Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn là ông dành “trò chuyện” với cha con tôi. Gia đình tôi xem đây là một tín hiệu vui, dự báo trước về hành trình tốt lành trên đường đời cháu Lập Sơn với nhiều yêu thương, trân trọng.



        *****

        Trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn được tập thành bởi 5 chương, với tổng cộng 1... câu thơ. Cấu trúc, lập tứ của câu chuyện trường ca này được xây dựng qua hành trạng thời gian một số phận con người cụ thể. Cu Lập Sơn được ghi nhận của tác giả thơ, là sinh vào: “Mùng 1 tháng 7 năm 2010 lao ra như tên bắn một sinh linh bé bỏng đã thành người rồi sẽ thành nhân loại khác...”. Nghĩa là tính đến thời điểm trường ca hoàn thành, tháng 4 – 2011 thì nhân vật thơ Lập Sơn mới được 10 tháng tuổi; và để rồi từ đó, nhà thơ khắc hoạ nên một quá trình, một đời sống, một số phận con người với bao những va đập, tiếp nhận, hoá thân, chuyển hoá, biến cải, tái tạo, hợp thành trong tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội với những quy luật vận động của nó. Qủa thực, trường ca này đã làm nên một hợp thành khá đầy đủ, bề thế về một phần sống thế gian khái quát, tinh vi, giầu thi vị.





TỪ EMAIL ĐỖ TRỌNG KHƠI



Ngày Thứ 4, 15/06/11, Khoi Do Trong < dotrongkhoi1@gmail.com  > đã viết:


Từ: Khoi Do Trong < dotrongkhoi1@gmail.com  >
Chủ đề: thái bình - thơ
Đến: "Nong Nguyen" < nguyenanhnong@yahoo.com.vn >
Ngày: Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011, 15:04

Gửi ông đọc mấy dòng chơi. Tôi đang tắc tị, cõi thơ ông mông lung, siêu cảm quá lắm! quá lắm!

http://www.tamtay.vn/home/tambangtb

http://nguyenbao.vnweblogs.com/post/5298/342207

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Nguyễn Tiến Hải:“Trường ca Trường Sơn”-Lớp lớp nhân vật về hội tụ

“Trường ca Trường Sơn”-Lớp lớp nhân vật về hội tụ



                                                                  Nguyễn Tiến Hải



         (Đọc “Trường ca Trường Sơn”của Nguyễn Anh Nông-NXB Văn học-2009)

         Trường Sơn oai hùng,ngút ngàn đã,đang và chắc chắn sẽ mãi là đề tài thu hút sự sáng tạo không ngưng nghỉ của mọi loại hình nghệ thuật.Chỉ tính riêng đợt kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn (1959-2009) đã có hàng vạn trang văn,thơ viết về đề tài này với tấm lòng trân trọng cùng cảm xúc thẳm sâu.Trong đó,thể loại trường ca đã tô đậm thêm dấu ấn của mình,tiếp nối bền bỉ những trường ca đã từng ra mắt bạn đọc.Đó là các trường ca “Vạn lý Trường Sơn”của Nguyễn Hữu Quý, “Âm vang Cự Nẫm”của Trần Hải Sâm, “Ký ức Trường Sơn”của Phạm Minh Tâm, “Trường ca Trường Sơn”của Nguyễn Anh Nông…Mỗi trường ca mỗi vẻ,bởi cách tiếp cận,khai thác,phản ánh khác nhau,song có thể khẳng định rằng:Tất cả những trường ca viết về Trường Sơn đều là kết quả của cảm xúc bão giông,sự khám phá miệt mài,quá trình tích lũy trải nghiệm lâu dài và tấm lòng tri ân nặng sâu,khắc khoải…Nếu nét nổi bật ở “Vạn lý Trường Sơn”là sự hòa quyện giữa khái quát và cụ thể,giàu tính triết lý;ở “Ký ức Trường Sơn”là sự đan xen xoắn xuýt quá khứ với hiện tại,nồng cháy trong liên tưởng,hồi tưởng;ở “Âm vang Cự Nẫm”là một câu chuyện sinh động bằng thơ về một làng nhỏ-điểm khởi đầu của con đường Trường Sơn huyền thoại…thì,nét nổi bật trong “Trường ca Trường Sơn”là sự tụ hội của lớp lớp nhân vật đã góp phần nâng cao vóc dáng Trường Sơn,hóa Trường Sơn thành tượng đài bất tử!

         Mở đầu trường ca,nhà thơ Nguyễn Anh Nông đã phác thảo Trường Sơn bằng cách của riêng mình- “nén”đại ngàn vào những điểm nhấn đặc trưng: “Rượu cần vít cong niềm vui/Lời khan ủ men thấp thỏm…”; “Tiếng trâu đi hoang hoải rừng già/Tiếng mõ lắc nghiêng chiều ai tìm lại…”; “Con đường chồng lên con đường/Như ta chồng lên nhau những ước mơ khát vọng”…Tiếp đó,các nhân vật lần lượt hiện ra sắc nét,vừa khiêm nhường vừa cao vời cùng dáng núi.Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt “Sống chết trong gang tấc/Bom đạn rơi đâu có hẹn người nào”người chiến sĩ lái xe vẫn một lòng hướng ra tiền tuyến: “Ánh mắt căng nhức chọc vào đêm đen/Tìm đường tránh bom nổ chậm”.Anh đâu có cô đơn,sát cánh cùng anh là núi rừng,đồng đội,là những người con gái thanh niên xung phong kiên trung: “Dáng hiên ngang em đứng đếm bom thù/Từng chớp rạch mịt mù lửa khói”.Đau đớn thay,những chuyến hàng nối  tiếp những chuyến hàng về đích,nhưng em đã anh dũng ngã xuống bên con đường chông chênh lửa đạn. “Anh trở lại,gom nỗi buồn vương vãi/Đắp mộ em bông huệ trắng mơn man/Thắp ngọn nến niềm tin em gửi lại/Nỗi buồn anh thăm thẳm đại ngàn”…

          Ngọn nến niềm tin em gửi lại…là sự khái quát về niềm lạc quan phơi phới,là tài sản chung vô giá tạo nên sức mạnh thần kỳ cho lớp lớp người ra trận.Qua ngòi bút của nhà thơ,chân dung vị Tư lệnh hiện lên càng khắc đậm niềm lạc quan phơi phới ấy: “Vị tư lệnh đại ngàn Trường Sơn/Khoát vòng tay ôm trọn câu hát/Kẻ vào đêm ánh mắt dịu dàng/Vạch vào nắng câu thề sắt thép…”.Và đây là hình ảnh nhà thơ-chiến sĩ: “Bên hông anh đeo cái đài/Anh và nó,thi nhau vừa đi vừa nói và hát/…Trái tim nhà thơ không lầm lạc/Bánh xe lăn rát bỏng con đường…”.Dẫu thi nhau nói và hát với chiếc đài,nhưng bánh xe vẫn rát bỏng trên đường thì quả là say mà vẫn tỉnh.Câu thơ hóm hỉnh làm người đọc càng thêm yêu,thêm tin nhà thơ chiến sĩ biết mấy!

         Tuy huyền bí,linh thiêng,nhưng Trường Sơn đâu chỉ toàn những cánh rừng hoang rã.Trong trường ca,Trường Sơn hiện lên kiêu hãnh bởi truyền thống văn hóa độc đáo,đậm dầy với những Đam San,Xinh Nhã,Nữ Thần Mặt Trời,Hơbnhi…với vầng trăng thẹn thùng,mặt trời đỏ ứa,mà trung tâm là hình ảnh Già làng.Nhà thơ thật khéo khi mượn lời Già làng để tự khắc họa chân dung: “Những già làng như ta-da đồng hun,tóc cước,râu bạc,kể Khan như lên đồng-ong bay,bướm lượn/Vắt vẻo rượu cần/Cồng chiêng say ánh mắt/Bàn chân bàn tay vụng dại/Múa lên trời hoa văn…”.Đọc những câu thơ này,tôi ngỡ như được chiêm ngưỡng một bức tranh đặc tả vừa chân thực vừa sinh động về Già làng giữa Trường Sơn hùng vĩ.

         Trong “Trường ca Trường Sơn”,nhà thơ Nguyễn Anh Nông dành hẳn một chương để nói về người cha-chiến sĩ Trường Sơn một thuở.Trở về sau chiến tranh,người cha mang theo vóc dáng Trường Sơn về quê hương,làng xóm,nhờ vậy,Trường Sơn chẳng còn xa xôi nữa,mà gần gũi thân thương trong trái tim nhân hậu của mỗi người.Với người cha, “Trường Sơn dằng dặc niềm khắc khoải/Ngày tháng găm dầy những vết thương…”,bởi thế nên “Trắng đêm vò võ/Bạc ngày hư hao”.Cuối cùng “Cha,bay bay về miền cực lạc”để lại cho mỗi người một Trường Sơn của niềm tự hào,của khí phách vươn lên, cùng lời dặn về mẹ “Vạn lời ca chưa đủ để tặng người”,bởi nhờ mẹ, cha đã vượt Trường Sơn rồi “mang”Trường Sơn cùng về ngày tụ hội…

         Có một loạt nhân vật đặc biệt trong “Trường ca Trường Sơn”,đó là “Căn hầm dã chiến”, “Cây cầu tạm”, “Con đường”, “Mây”, “Cánh bướm”…Nói là nhân vật,bởi tất cả đã được nhà thơ nhân hóa để lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc,những nỗi buồn vui tận cùng của thời Trường Sơn khói lửa.Hãy nghe lời Căn hầm dã chiến: “Tôi chứa vào lòng bao số phận/Núi non lá chắn vững vàng chưa?/…Tôi đau nỗi đau người cha/Tôi buồn nỗi buồn người mẹ/Nỗi đau buồn bầm tím ruột gan”.Sự tàn khốc của chiến tranh buộc căn hầm cũng phải thốt lên những lời buốt xé.Thêm nữa,căn hầm như một biểu trưng thu nhỏ của Trường Sơn để chở che,ôm ấp con người.Cũng như Căn hầm dã chiến,sự hy sinh cùng niềm vui lặng thầm của Cây cầu tạm như một nét khắc đậm sâu về vóc dáng Trường Sơn: “Nơi nào có suối có sông/Ai người ngóng đợi,chờ mong,tôi về/Xoạc chân đứng đỡ đoàn xe/Tấm thân lấm láp ,xù xì, đã sao?/Cõng bao xe pháo sang cầu/Tôi vui,đồng đội mau mau an toàn…”.Đã từng nhiều năm là người lính Trường Sơn,đã từng được hàng trăm cây cầu “Xoạc chân đứng đỡ…”,đọc những câu thơ này tôi càng thêm nhớ Trường Sơn,nhớ những cây cầu biết mấy.Vẫn là những lời bày tỏ,vẫn là cái “tôi”nhân hóa như Căn hầm dã chiến,Cây cầu tạm,nhưng Con đường còn thổ lộ giấc mơ riêng: “Tôi mơ giấc mơ đẹp đẽ/Bao người nằm xuống hôm qua/Bỗng dưng đội đất sống dậy/Rưng rưng niềm vui chói lòa.”.Vẫn biết giấc mơ chẳng thể thành hiện thực,song sự thủy chung của Con đường với những người đã khuất làm Trường Sơn thêm linh thiêng,làm người đọc thêm nghẹn ngào khi nhớ về quá khứ.

         Ai đã từng đặt chân lên đỉnh Trường Sơn hẳn rằng không thể quên mây.Mây giăng trên đầu,mây bay trước mặt,mây nâng bước chân người…Bốn bề mây,bâng khuâng dâng dâng bao suy tưởng.Tôi gặp lại mây trong “Trường ca Trường Sơn”như gặp lại bạn mình,gần gũi,thân thương quá!Khác chăng,mây trong “Trường ca Trường Sơn”tuy vẫn là “Trường Sơn dằng dặc xôn xao nắng/Mây trắng ngàn năm cứ phập phồng”nhưng lại “đang bận”tâm sự với nhà thơ.Và,tôi lặng nghe: “Lòng dạ sáng trong không chật hẹp/Tâm hồn đau đáu nỗi yêu em/Mây nhé cùng ta bay tới đích/Xóa sạch bùn nhơ xóa hết buồn…”, “Ngàn vạn năm mây trắng vẫn còn bay/Ta yêu nhau từ độ nào ấy nhỉ?/Khát vọng.Đê mê.Vầng trăng tri kỷ/Dắt ta đi.Gió nắng đượm duyên tình…”.Thì ra,nhà thơ và mây đang tâm sự với nhau về tình yêu-tình yêu của người lính trên dải Trường Sơn  một thời ra trận.Cảm ơn nhà thơ đã một phần nói hộ lòng tôi!...Khác với những “nhân vật”đã kể trên,cánh bướm trong “Trường ca Trường Sơn”hiện lên cùng hồn trinh nữ.Nhà thơ mượn cánh bướm để bày tỏ nỗi thương nhớ,xót xa khi đi tìm và gặp “Người con gái hồn nhiên bình dị”đã yên nghỉ giữa rừng xanh: “Mộ em trên đồi hoa sim tím/Gặp cánh bướm chập chờn ảo ảnh/…Hãy đậu trên tay anh,linh hồn em trinh trắng/Đỏ mắt ,anh nhìn,lệ chảy vòng quanh.”.

         Tiếp nối Trường Sơn xưa,Trường Sơn nay hiện lên qua lời em bé,lời người con,lời người thợ xây dựng…Mỗi chân dung mang một nỗi niềm riêng,nhưng tất cả đều chung khát vọng: “Đục vách núi tạo hình hài tổ ấm/Khoan nghìn năm hóa thạch sưởi hơi người/Dựng giàn giáo phất lên trời khát vọng…”để Trường Sơn ngút ngàn,linh thiêng và đẹp giầu mãi mãi.

          Thông qua lớp lớp nhân vật về tụ hội,Trường Sơn đã được nhà thơ Nguyễn Anh Nông không chỉ khắc họa rõ nét theo cách của riêng mình,mà còn “gọi”được rất nhiều người cùng về tụ hội,và tôi là một trong những người về tụ hội đầu tiên./.

                                                       12/8/2011



                                                    NGUYỄN TIẾN HẢI

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Phạm Thanh Khương: Gửi tác giả trường ca Trường Sơn

Thân gửi anh Nguyễn Anh Nông.

Tôi đã dành trọn vẹn những ngày nghỉ để đọc hết Trường ca Trường Sơn của anh. Tôi có ý định viết hẳn một bài giới thiệu về "Trường Sơn" này của anh. Song biết anh mong tin nên tôi thư cho anh để anh hết nóng ruột.

Trước hết phải nói rằng tôi có cái may mắn được đọc nhiều thơ của bạn bè và trong đó có cả các trường ca. Nếu nói về thể loại thì đây là một trong những thách thức của nghiệp viết đối với ai làm thơ. Về thể loại đã như thế nhưng lại dính đến chiến tranh cách mạng quả là trái núi mà người viết phải vượt qua. Bởi đã có quá nhiều người viết về nó, có quá nhiều đòi hỏi khi viết về nó và có quá nhiều điều mà người ta sẽ bàn đến nó. Chiến tranh đã qua, chúng ta đã có cả một độ lùi để nhìn nhận về những năm tháng chiến tranh. Những bi, những tráng, những khúc khải hoàn, những lời ai điếu. Cái đau, cái buồn, cái vui, cái phúc. Trong chiến tranh, giữa chiến tranh có tất cả nụ cười và nước mắt. Viết như một khúc tráng ca, khúc khải hoàn như các trường ca đã viết hay viết như lời thương xót, nỗi mất mát hy sinh, chỉ nhìn thấy cái bi mà không thấy cái hùng. Chắc khi đặt bút viết những câu đầu tiên, anh cũng có những suy nghĩ như thế. Và khi bắt đầu đọc Trường Sơn của anh tôi cũng đã đặt ra rất nhiều điều như thế.

Trường ca Trường Sơn của anh đã có được những điều mà bạn đọc trông chờ. Có bi, có hùng, có vui, có buồn. Những điều mà những người viết trước phải tránh thì ở anh đã có những cái nhìn, cái cảm, sự suy tưởng. Khi đọc trường ca Trường Sơn người đọc nhận được về mình đầy đủ những gì đã xảy ra, đã ghi dấu ấn, đã để lại trong chiến tranh dẫu đó là nỗi đau, sự hy sinh, mất mát. Những "hỉ nộ ái ố" anh đã có cả trong thân phận của mỗi con người, mỗi nhân vật.

Trường ca của anh cũng đã có sự chuyển trong cấu tứ, ngôn ngữ, cách nói, cách cảm, cách nhìn nhận mới về chiến tranh. Mỗi chương, mỗi khúc đã có sự "tỉnh táo" của người viết khi đề cập đến vấn đề chiến tranh. Và có lẽ vì thế, người đọc có cái nhìn tương đối đầy đủ, tương đối toàn diện về chiến tranh, không thấy chỉ có một màu mà có cái nhìn đa sắc. Có những chương tôi rất thích như chương Nhà thơ chẳng hạn. Qua hình tượng của nhà thơ, bạn đọc không chỉ nhìn thấy một nhà thơ, một nghệ sĩ mà thấy cả một dân tộc với nền văn hoá 4000 năm vào trận. Cái này tôi lại nhớ đến một học thuyết của một nhà nghiên cứu lịch sử đã có quan điểm, chiến tranh không chỉ là kinh tế, chính trị mà còn có cả văn hoá mà ông ấy cho rằng "chiến tranh đó là sự xâm lăng văn hoá".

Tất nhiên, bên cái được rất nhiều ấy, tôi vẫn thấy còn cái lăn tăn. Tôi chỉ lăn tăn thôi. Ấy là khi đọc về Tây Nguyên, tôi chưa thấy hết cái âm vực của Tây Nguyên, tiếng cồng, tiếng chiêng, câu khan trong cái cảm của anh nhiều lắm. Trong trường ca của anh, có một chương "mê" là tôi e rằng bạn đọc sẽ khó nhận ra được những gì trong cơn mê ấy mà người lính đã trải qua bởi ngôn ngữ, cách suy tưởng của ngôn ngữ trong chương này. Tất nhiên đó chỉ là cảm nhận ban đầu của tôi thôi. Và tôi đang đọc lại kỹ hơn trường ca của anh. Chắc là phải đọc lại mới góp ý và viết kỹ được. Tôi tin Trường Sơn sẽ đậu trong lòng bạn đọc.

Đôi dòng tâm sự cùng anh trên góc độ của người bạn và của bạn đọc. Xin chúc mừng anh đã có một trường ca về người lính, về chiến tranh. Tôi cũng đang chờ ý kiến từ bạn đọc khác đánh giá về trường ca này.

Chúc anh khoẻ, bình an.

Thân.


PHẠM THANH KHƯƠNG
( NHẬN CHIỀU, 11/5/2009)
Nguồn:
http://ngoctanns.vnweblogs.com/post/4314/154621

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Nguyễn Bao: Một thông điệp khẩn thiết

QĐND - Trong cái “thế giới phẳng” mà cả nhân loại đang cư ngụ hôm nay, những ai cùng yêu cái Đẹp và Hòa bình đều dễ dàng hiểu nhau, gặp nhau và cảm thông vì trái tim họ cùng có một mẫu số chung, năng lượng và sức mạnh mà họ có đều bắt nguồn từ một “động cơ đốt trong” là trái tim giàu nhân ái: Trái tim CON NGƯỜI!



Tỉ phú Bin-ghết (Bill Gates) và nhà thơ Nguyễn Anh Nông, tác giả của tập trường ca “Gửi Bill Gates & trời xanh” (NXB văn học-2011) chắc chắn chưa quen nhau! Ở hai đầu trái đất, họ có những tâm tư riêng nhưng có một cái chung lớn: Đó là tình yêu cái Đẹp và Hòa bình trú ngụ dưới một mái nhà chung có tên là lòng nhân ái.

Chính năng lượng đó là cội nguồn thôi thúc một nhà thơ Việt Nam có thể kết nối tâm giao với một “hiệp sĩ thông tin” người Mỹ vì trái tim họ có một nhịp đập chung trong tình nhân loại với những ước vọng cao cả và thánh thiện nhất của con người. Chỉ với lý do duy nhất ấy khiến ta hiểu được họ, giải thích được nguồn gốc sâu xa của sự đồng cảm và giao lưu của hai người tưởng như xa lạ!

Lòng nhân ái bao dung và trí tuệ trác việt của Bin-ghết khiến hàng tỉ người trên trái đất khâm phục và tự hào. Là một trong hàng tỉ người ấy, nhà thơ Việt Nam mặc nhiên thấy mình gần gũi và đơn phương kết thân với “hạt-cát-biết-yêu-đương”, một sự tôn vinh mà tác giả Nguyễn Anh Nông tự cho là cao quý nhất trong cõi người, trong cái nhân loại đang cài xen ánh sáng và bóng tối, quằn quại trong máu và nước mắt, nơi mà đạn bom và rốc-két đang gầm rú trên hành tinh này.

Tưởng như Nguyễn Anh Nông sẽ đuối sức trước một đề tài quá lớn, một vấn đề chung của con người và thời đại, một bước phát triển vừa thoát khỏi thứ hồng hoang mông muội lại đến một thứ hồng hoang hiện đại. Sự chạy đua vơ vét tài nguyên, tình trạng cá lớn nuốt cá bé, sự ngang ngược của triết lý sức mạnh hiện còn là vết hằn trên vầng trán nhân loại… tất cả làm sôi sục lương tri và trái tim của những người như Bin-ghết, cày xới trên những trang trường ca của Nguyễn Anh Nông.

Làm sao có thể yên ổn dưới trời xanh, khi: Đạn bom mang gương mặt nhân từ/Đạo đức phết sơn xanh đỏ”. Những kẻ nhân danh lẽ phải đã che đậy lòng tham không đáy của tên cướp ngày, chúng muốn sắp xếp lại một thứ trật tự-hỗn độn, muốn minh bạch dưới mặt trời bằng một thứ “lô-gích-mờ-nhòe”!

Thực tế đời sống nhân loại trước và sau khi trường ca của Nguyễn Anh Nông ra đời đã và đang chứng minh: Lương tri nằm trên thớt/Dư luận giãy đành đạch trên chảo rang”. Huy động sức mạnh ngôn ngữ dân tộc, nhưng hình tượng và phong cách dân gian trong đồng dao, ca dao, vận dụng những thủ pháp nói ngược, ẩn dụ và cường điệu trong truyền thống thể hiện của ngôn ngữ người Việt… tác giả Nguyễn Anh Nông tạo được sự đổi gió trong khí quyển ngột ngạt của một nội dung đang đề cập vốn khá nặng nề, căng thẳng. Qua trường ca “Gửi Bill Gates & trời xanh”, ta thấy tác giả xới lên bề bộn những vấn đề mà cả nhân loại đang phải xử lý từng giờ, từng phút. Cái Đẹp và Hòa bình đang đứng trước những đe dọa và thách thức lớn, khi mà: Những tổ hợp nhả khí độc lên trời/Từng đám mây a-xít lặc lè bay quanh trái đất…Và: Trái đất như con người bị moi dần tim, gan, lá lách” thì mỗi công dân trên trái đất không cảm thấy được yên ổn: Mỗi ngày sống ta như người mắc nợ/Với trái đất này, bạn ơi!

Hai câu thơ cuối của trường ca mà tác giả kiên nhẫn gửi tới Bin-ghết và mỗi con người dưới mái nhà chung, nơi mà tầng ô-zôn đang từng giờ, từng phút bị hủy hoại, đe dọa sự tồn vong của nhân loại là thông điệp khẩn cấp của người bạn, nhà thơ Việt Nam, gửi hiệp sĩ thông tin hàng đầu thế giới. Sức sống và sức mạnh của trường ca dồn nén ở đây. Đó chính là tính thời sự, thời đại mà bản trường ca chuyển tải và nhắn gửi khẩn thiết tới cộng đồng nhân loại hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Bao
Nguồn: bài đã đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần

http://www.baomoi.com/Hom...ep-khan-thiet/6494747.epi

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Trần Thị Nương: Lại nói về trái tim người lính

QĐND
- Thượng tá, nhà thơ Nguyễn Anh Nông quê Quảng Xương-Thanh Hóa hiện nay công tác tại Điện ảnh Quân đội nhân dân, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Anh đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân I , Học viện Chính trị, từng công tác ở vùng biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và nhiều địa bàn trong cả nước. Gần 30 năm gắn bó với quân đội, Nguyễn Anh Nông đã xuất bản 6 tập sách, trong đó có 5 tập thơ và 1 trường ca viết về Trường Sơn.


Nhà thơ Nguyễn Anh Nông

Nguyễn Anh Nông tâm sự:

- Tôi nhập ngũ vào giữa những ngày chiến tranh biên giới khá khốc liệt. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi tình nguyện ra mặt trận, chiến đấu trong đội hình Binh đoàn 26, Quân khu 1. Hơn 7 năm đóng quân tại biên giới Cao Bằng, giữa khó khăn, gian khổ, giữa cái giá lạnh, cái căng thẳng của một người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió… tôi đã viết hàng trăm bài thơ thấm đẫm tình yêu, khát vọng của người lính đối với quê hương...

- Bạn đọc và đồng nghiệp của anh cho rằng: Thơ của Nguyễn Anh Nông tiềm ẩn nhiều suy nghĩ, trăn trở thẳm sâu của cõi người?

- Tôi thường viết về những gì sâu lắng, trầm tư, trăn trở… của con người, dù trong chiến tranh hay ở giữa thời bình. Giữa cái có, cái không, cái còn, cái mất, cái thiện và cái ác... cũng đã làm tôi xúc động: Này chim bồ câu trắng/ Em sinh ra thế giới đã hỗn tạp/ Bao âm sắc/ Buồn vui thiện ác giằng xé mỗi tế bào/ Dưới nét bút danh họa/ Một lần ta nhìn thấy bóng em/ Chim câu trong nanh vuốt dữ dằn của con mèo mặt hổ/ Thế giới sục sôi vạc dầu chiến tranh... Chỉ cần một tác động nhỏ chạm tới Miền Người, tôi cũng rung động: Suốt ngày bạn gõ kẻng/ Âm ỉ quả bom câm/ Bom câm còn có tiếng /Mà bạn tôi âm thầm... (Bên quả bom câm) trong bài “Nhát chổi trong chiều”, tôi đã khắc họa hình ảnh một người vợ lính chờ chồng trong chiến tranh: Bao năm dượng ấy đi xa/ Chiều chiều o quét lá vàng trước ngõ/ Từ nhát chổi lia ngang tới tấp gió/ Những nhát chổi trong chiều nào có bớt cô liêu...

- Nghĩa là phía sau gian khổ, trái tim người lính vẫn ăm ắp tình yêu, thưa anh?

- Dù đã đi qua mọi miền của đất nước, tình cảm đối với con người, đối với quê hương luôn da diết, thức gọi trong lòng: Ở quê nhà bão lụt/ Mẹ cha già cả rồi/ Vợ con mong đỏ mắt/ Mình xa tít mù khơi/ Dẫu yến tiệc quê người/ Vẫn không sao ngon miệng/ Ngửa mặt lên nhìn trời/ Ngẩn ngơ chòm mây liệng... Thấu hiểu sự hy sinh lớn lao của người vợ cũng chính là hiểu thấu nỗi quê: Vợ ta vốn cô thôn nữ/ Thương chồng con ít ai bằng/ Lam làm sớm hôm tất bật/ Quên hết mặt trời mặt trăng... (Nhà ta).

- Anh vừa là nhà thơ, lại là nhà báo, biên kịch phim… điều đó có mâu thuẫn gì không?

- Là nhà báo, được đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều, điều đó đã bổ sung vốn sống của người cầm bút. Chính trong sự ngổn ngang, xô bồ của cuộc sống đã giúp tôi lựa chọn những chất liệu để tạo cảm hứng, tạo hình tượng cho thơ và lựa chọn các giải pháp, các chi tiết thể hiện trong kịch bản phim. Hiện nay ngoài các kịch bản dựng thành các phim tài liệu, như: “Sao vuông mắt lưới”; “Điểm tựa Ka Lăng”; “Đông Bắc - Nỗi niềm người lính” v.v… tôi đã cùng nữ đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền dựng kịch bản “Mười ba bến nước” (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Sương Nguyệt Minh). Tác phẩm đã giành được 5 giải thưởng quan trọng nhất của thể loại phim truyện vi-đê-ô tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2009.

- Có thể nói “Trường ca Trường Sơn” cũng là một tác phẩm anh đã dành nhiều tâm huyết nhất?

- Đây là trường ca mà tôi không chỉ nói về chiến tranh một thời đã qua mà còn viết về một Trường Sơn tiềm ẩn quá khứ, hiện tại và tương lai. Nơi đây, con người đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp cả về mũi nhọn kinh tế và bề dày văn hóa... Thông qua hình tượng thơ: “Người cha dặn con” chính là lời của thế hệ ông, cha nhắn gửi thế hệ trẻ. Con người cần phải biết nhìn thẳng vào sự thật: Kìa/ Các con/ đàn chim ríu ran/ Đang ngời ngợi bay qua mắt cha/ Tới miền kiêu hãnh/ Nơi các con đón đợi/ Những Trường Sơn kỳ vĩ tươi non/ Vượt đau buồn/ Vượt tỵ hiềm đố kỵ/ Vượt nhỏ nhen, ích kỷ...

- Trường ca “Gửi Bin Ghết và Trời xanh” sắp xuất bản của anh nghe nói có nhiều thông điệp mới?

- Bằng nhạy cảm của người cầm bút, với giọng thơ trào lộng, tôi đã viết trường ca này bằng cả gan ruột của mình. Đó chính là cuộc đối thoại văn hóa của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam với một người Mỹ, một nền văn hóa Mỹ. Cuộc đối thoại chính luận này đã để lại những dấu ấn, những nét khắc về văn hóa và nền văn minh của các tộc người...

- Sắp tới, anh có dự định gì trong sáng tác?

- Tôi sẽ tiếp tục hoàn thành tập thơ mới với một phong cách thể nghiệm mới, trong đó có hơn 60 bài đã được nhiều dịch giả dịch ra 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc.

- Xin chia vui cùng anh và chúc anh có nhiều thành công mới trong sáng tác về tình yêu và người lính!

Trần Thị Nương (thực hiện)
Nguồn: Bài này đã đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần

http://www.qdnd.vn/qdndsi...75/75/130610/Default.aspx

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Phạm Thuận Thành:CẢM XÚC RỘNG DÀI NHƯ DÃY TRƯỜNG SƠN

CẢM XÚC RỘNG DÀI NHƯ DÃY TRƯỜNG SƠN

Bài: Phạm Thuận Thành

Đã một thời thơ ca Việt đột khởi bằng thể loại truyện thơ qua những khúc ngâm với những thi phẩm bất hủ: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Kiều... Khoảng hai trăm năm sau lại có cuộc đột khởi mới để có phong trào thơ mới. Trong (1)và sau (2)cuộc kháng chiến cứu nước của thế kỷ 20 đã cho các nhà thơ một dòng cảm xúc mãnh liệt để có cuộc đột khởi nhỏ khi một loạt trường ca ra đời. Trường ca không còn kết cấu như kiểu truyện thơ nữa. Nó dung nạp dung lượng rộng dài quán theo đề tài chứ không bám theo nhân vật . Nó nói được nhiều vấn đề hơn. Và trường ca như là một đặc sản riêng của các nhà thơ mặc áo lính.

Dường như thể loại trường ca mong có cuộc bứt phá mới. Thi sĩ Nguyễn Anh Nông, một người đang mặc áo lính đã dấn bước vào thể loại này tiếp nối các bậc đàn anh Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo... Trường ca Trường Sơn đầu tay của anh đã ra mắt bạn đọc. Và với thi phẩm này anh đáng được gọi là nhà trường ca lắm. Đọc Trường Sơn mà cảm nhận được cảm xúc của anh rộng dài như dãy Trường Sơn.

Thực vậy, Nguyễn Anh Nông luôn tự nhủ viết trường ca tức là viết thơ, vậy trước hết câu chữ phải thơ đã rồi hãy bàn đến tính tư tưởng mà câu chữ nói đến, tức là đề tài của trường ca. Hãy nhớ đến khan của người sống trên dãy Trường Sơn từ bao năm nay đã rất thơ rồi, người thời nay viết mà không vượt thì đừng viết nữa. Khan đã viết: Mái nhà rông dài như tiếng chiêng ngân. Thơ không. Nguyễn Anh Nông tự tin viết: Rượu cần vít cong niềm vui/ Lời khan ủ men thấp thỏm. Đặc tả chiến tranh bằng một chữ tiếng: Tiếng bom tiếng mìn găm thân cây thân người nhức nhối ngày trở gió/ Tiếng suối thét gào hay tiếng anh tiếng em vùi trong cỏ. Mà đặc tả sự thanh bình cũng bằng một chữ tiếng: Tiếng trâu đi hoang hoải rừng già/ Tiếng mõ lắc nghiêng chiều ai tìm lại/ Trái tim thao thức tháng năm xa. Tháng năm xa ấy là tháng năm mở con đường Trường Sơn huyền thoại, và tác giả dắt tay người đọc cùng đi vào tháng năm xa ấy: Con đường chồng lên con đường/ Như ta chồng lên nhau những ước mong khát vọng. Cho đến ngày nay chiến tranh đã qua lâu, con đường Trường Sơn lại mang màu huyền thoại mới phát triển mọi mặt cho những người sông trên miền cao chót vót nóc nhà Đông Dương: Người con gái Tây Nguyên/ Viết lên bảng đen/ Những điều mới mẻ/ Như viết vào quyển sách đời cô/Ngọn đuốc sang soi vào thâm u rừng già núi thiêng/ Dưới chân cô gái trẻ/ Con đường tít tắp/ Vắt qua niềm kiêu hãnh/ Những ban mai ríu rít tiếng chim chuyền.

Dẫn ra như vậy để tin rằng Nguyễn Anh Nông viết trường ca nhưng trước hết là viết thơ. Mà cả trường ca là thơ thì cảm xúc khiếp lắm. Tôi đã thử lấy ra một đoạn làm thành bài thơ gửi đi đăng báo và được đăng thật. Đó là (trích) một phần chương 8 “Cô gái ngày xưa”, đầu đề do tôi tự đặt: Em là cô gái của ngày xưa/ Bồng bế nắng mưa/ Gánh gồng kí ức/ Cõng gió/ Dìu mây/ trái tim rạo rực/ Kéo đẩy thời gian/ lá vàng lá xanh/ Vác tình yêu/ leo/ ngược núi/ Vượt thung sâu/ Lặn lội/ bến bờ/ hạnh phúc/ Quờ tay gặp ánh trăng/ Vơ vào lòng gió và nắng/ Ôm lời ru qua tháng năm xa…

Đã làm thơ thì phải cách tân, đổi mới. Anh viết về những cơn sốt chết người quật ngã cả đoàn quân bằng những dòng ít chữ, nếu không đọc bằng cảm giác của người hôn mê sốt rét thì không hiểu anh định viết gì. Cơn hôn mê kéo dài như nuốt chửng đời người, nhưng ý chí chiến thắng đã vực người chiến sĩ Nhúc nhắc/ Túc tắc/ Nhổm dậy/ đi/ sấp ngửa/ mắt môi hoe. Với cách kết cấu mở, anh đã đưa được đại diện của hầu hết lực lượng kháng chiến hiện diện trên cung đường Trường Sơn. Chàng trai, cô gái, em bé, người già, nhà thơ và có cả kẻ đào ngũ nữa. Và đặc biệt hơn là cả con đường mọi lực lượng kháng chiến đang đi, đã đi cũng lên tiếng: Tôi mơ giấc mơ đẹp đẽ/ Bao người nằm xuống hôm qua/ Bỗng dưng đội đất sống dậy/ Rưng rưng niềm vui chói loà.

Lời con đường là lời chiến thắng, cũng là lời tri ân tất cả.

Một điều đáng ngạc nhiên hơn, dù là lính nhưng Nguyễn Anh Nông không được trải qua thực tế chiến tranh để được hành quân trên đường Trường Sơn. Vậy mà cảm xúc của thơ lại chân thật và cảm động thế. Đó chính là công việc của nhà thơ mới làm được. Tôi càng tin hơn cả tác giả lẫn thi phẩm này.

B.N, 28/10/2009

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh

•Bắc Ninh là tỉnh có ngàn năm văn hiến. Bạn bận chuyện chi mà đến nỗi không có thời gian viết rõ, phải viết tắt tên tỉnh? Thiếu trân trọng quá! - TX.


Nguồn: Bài đã đăng báo Bắc Ninh - hàng tháng

http://trieuxuan.info/?pg...d=6&id=7786&fid=0
http://www.baobacninh.com...451&portal=baobacninh

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Đoàn Minh Tâm:Trường ca Trường Sơn - Những điểm nhấn

Trường ca Trường Sơn - Những điểm nhấn

Đoàn Minh Tâm

Nhà thơ viết trường ca giống nhà văn viết tiểu thuyết (chả giống tý nào, bạn lầm rồi!-TX). Rất nhọc nhằn, vất vả vì cả hai thể loại đều đòi hỏi người viết có vốn sống dày dặn, tầm hiểu biết sâu rộng, tư duy vừa khái quát vừa phân tích cao và trên hết là khả năng sáng tạo nghệ thuật phong phú để làm sao bạn đọc có thể thưởng thức cả ngàn câu thơ mà không dội lên cảm giác “bội thực”. Viết trường ca khó là vậy, viết trường ca về Trường Sơn càng khó, trong đó chỉ riêng việc phải vượt qua “cái bóng” từ hàng hà sa số tác phẩm của thế hệ đi trước cũng khiến không ít người viết hiện nay cảm thấy… ngại. Vượt lên trạng thái tâm lý đó, Nguyễn Anh Nông đã thai nghén và cho ra đời đứa con tinh thần của mình: trường ca Trường Sơn. Là người đi sau, Nguyễn Anh Nông một mặt kế thừa những giá trị cốt lõi mà các thế hệ đi trước đã khai thác như tình đồng đội thiêng liêng, khát vọng hòa bình, nỗi đau chiến tranh… một mặt anh chú ý dụng công tạo cho mình một hướng tiếp cận đề tài riêng. Hướng tiếp cận riêng ấy nằm ở khía cạnh thời gian. Khi sử dụng thời gian trong trường ca viết về chiến tranh nói chung và viết về Trường Sơn nói riêng, đa phần các tác giả đều sử dụng thủ pháp đồng hiện xen kẽ quá khứ với hiện tại, từ hiện tại nghĩ tới tương lai. Đây là một giải pháp hợp lý, nếu không muốn nói là tối ưu với thể loại trường ca. Sự thay đổi, hoán vị về thời gian cho phép người viết chuyển mạch cảm hứng một cách dễ dàng, từ đó kéo theo hàng loạt sự thay đổi về điểm nhìn, nhân vật, không gian… Mặt khác, những “độ vênh” được tạo ra giữa hai khoảng thời gian khác nhau có tác dụng gợi nên những suy tưởng, liên tưởng trong bạn đọc. Ở trường ca Trường Sơn Nguyễn Anh Nông cũng lựa chọn giải pháp thời gian đó, song có một chút thay đổi. Sự thay đổi này thể hiện ở phần đầu bản trường ca, phần có tác dụng định hướng cho toàn tập trường ca. KHởi đầu bằng điểm nhìn thời gian hiện tại

Trường Sơn

ai lại về đây

lặng nhìn hôm nay

Nguyễn Anh Nông đã quy chiếu thời gian về ba mốc khác nhau với ba cảm hứng khác nhau. Thứ nhất là thời gian của quá khứ, của truyền thuyết. Trường Sơn trong cái nhìn này hiện lên đầy thi vị, đầy sức sống. Trường Sơn là nơi:

Vạm vỡ ngực trần Đam San

Dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí

Mái nhà rông ngân nga tiếng chiêng

Uốn lượn dốc đồi mái núi

Đôi trai gái tuổi trăng tròn tình tự

Rượu cần vít cong niềm vui

Lời khan ủ men thấp thỏm

Sau thời gian quá khứ, Nguyễn Anh Nông hướng bạn đọc Trường Sơn của những năm tháng kháng chiến. Mạch cảm hứng theo đó cũng thay đổi, thay thế cho một Trường Sơn đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc là một Trường Sơn mịt mù khói lửa bom đạn, bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Cảm hứng cảm thương chiếm vai trò chủ đạo

Tọa độ nào bom đạn chất chồng ngổn ngang đất đá

Giờ xanh cây lá

Tiếng bom tiếng mìn găm thân cây thân người nhức nhối ngày trở gió

Tiếng suối thét gào hay tiếng anh em vùi trong cỏ

Máu xương hòa đất đai xứ sở

Linh thiêng hồn Trường Sơn nắng gió sương sa.

Cuối cùng, là thời gian hiện tại. Đất nước thanh bình, bước vào hội nhập đổi mới.. Cảm hứng cảm thương được thay thế cảm hứng hòa bình, yên ấm no đủ. Trường Sơn đang ngày ngày thay da đổi thịt. Bầu không khí đậm đặc ám mùi khói súng năm nào giờ đây được thay thế bằng khung cảnh

Tung tăng đàn em quàng khăn đỏ

Trang vở mới thơm tho

Bên cô giáo trẻ

Người con gái Tây Nguyên

Viết lên bảng đen

Những điều mới mẻ

Như viết vào quyển sách đời cô

ngọn đuốc sáng soi vào thâm u rừng già núi thiêng

Ba điểm nhìn thời gian, ba cảm hứng này hòa quyện đan cài vào nhau không chỉ ở phần mở đầu mà trong từng phần của toàn bộ bản trường ca. Không hề có sự riêng rẽ phần này là thời gian quá khứ, phần kia là hiện tại, phần tiếp là tương lai. Sự thay đổi nho nhỏ trong cách sử dụng thời gian đồng hiện của Nguyễn Anh Nông là ở chỗ đó. Cứ vậy, ở các phần tiếp theo, chúng ta bắt gặp hình ảnh những cô gái xe xung phong, những người chiến sĩ công đồn đan xen với tâm sự của nhà thơ, bắt gặp tâm sự của người tư lệnh cùng những nghĩ suy của người thanh niên sinh ra trong thời bình… Lối đan cài này giúp Nguyễn Anh Nông tạo được hình ảnh “phức hợp” về Tây Nguyên ngay trong từng phần và trong toàn trường ca song đôi lúc cũng khiến cho bạn đọc cảm giác lễnh loãng. Tuy nhiên đây là điều không thể tránh khỏi khi kết cấu thời gian theo dạng thức này.

Nét riêng thứ tiếp trong trường ca này nằm ở cách xây dựng nhân vật. Bên cạnh những nhân vật “không thể thiếu được” như vị tư lệnh, người chiến sĩ, cô gái giao liên mở đường… Nguyễn Anh Nông đã đưa vào trường ca của mình nhiều nhân vật khá đặc biệt. Đó là một người lính đào ngũ với lời tâm sự “thành thật”:

Ngày ấy, nếu tôi… không còn

Buồn đau, thống khổ đổ dồn vào ai?

Đêm đêm thao thiết thở dài

Ngày ngày tức tưởi, thân trai bẽ bàng

Cúi đầu đi giữa xóm làng

Thấm bao vinh - nhục, khẽ khàng nỗi đau

Những vật dụng vô tri vô giác, những chứng tích của chiến tranh như căn hầm dã chiến, cây cầu tạm, con đường… những hiện tượng thiên nhiên như chòm mây trắng, bầu trời được Nguyễn Anh Nông đưa vào trường ca với dụng ý khai thác Trường Sơn theo hình thức “bảo tàng” để cho “sử vật” tự bản thân lên tiếng. Lời căn hầm là lời oán thán về chiến tranh

Tôi chứa vào lòng bao số phận

Núi non lá chắn vững vàng chưa?



Núi toác, gục, hoang tàn, đá lở

Người với người hay thú dữ

Lời cây cầu tạm là khát vọng vui sướng khi hòa bình

Bây chừ, bể lặng trời êm

Tôi thành cục sắt ngước xem… mây vờn.

Một điểm khá đặc biệt trong trường ca Trường Sơn là nhân vật dẫn chuyện liên tục thay đổi. Nếu ở phần mở đầu là một nhân vật trữ tình quay về Trường Sơn tìm lại ký ức một thời oanh liệt thì ở các phần sau nhân vật này hóa thân vào nhiều nhân vật lúc đóng vai nhà thơ, lúc là lời chiến sĩ giao liên, lúc hóa thân vào đồ vật… . Có thể nói trường ca Trường Sơn không có một nhân vật dẫn chuyện xuyên xuốt như nhiều trường ca khác, mà đến phần mình, các nhân vật tự mình làm MC. Xây dựng theo kiểu này, trường ca Trường Sơn có sự linh hoạt, cơ động tuy nhiên tình bền vững, độ “kết dính” giữa các phần không cao. Đây là điểm làm cho bạn đọc khó có cái nhìn tổng thể về toàn bộ trường ca.

Trên đây là một vài nét đáng chú ý trong trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông. Điểm thành công sau cùng của trường ca Trường Sơn là ở chỗ nếu đọc trường ca này trong mối so sánh với thơ Nguyễn Anh Nông giai đoạn trước thấy rằng anh đang nỗ lực cách tân làm mới chính bản thân mình. Thật đáng quý, đáng trọng.

Đ.M.T
Nguồn: Bài viết này của Đoàn Minh Tâm đã đăng báo Quân đội nhân dân- cuối tuần
http://trieuxuan.info/?pg...d=6&id=7786&fid=0
http://anhtuan123.blogtie...1/30/p5246343#more5246343

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Hoài Dương( TS Nguyễn Thanh Tú)Đối thoại với Trường sơn(*)

Đối thoại với Trường sơn(*)

Bài: Hoài Dương

Ấn tượng ban đầu của tôi về Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông là không thích, thứ nhất vì ngay cái tên mà theo tôi, lẽ ra chỉ cần hai tiếng Trường Sơn là đủ(**), thêm vào hai chữ Trường ca vừa lặp âm (trường) vừa mất đi tính hàm súc gợi mở cần thiết; thứ hai vì đọc ở mục lục thấy có lời cầy cầu, lời con đường… là không sáng tạo bởi ở trường ca Biển của Hữu Thỉnh cũng đã có lời của sóng, lời của đảo… và gần đây. trong tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn cũng có các tên chương là lời của dòng sông,lời của gió… rồi. Nhưng càng đọc kỹ vào bên trong thế giới hình tượng của tác phẩm thì ấn tượng ấy dần mất đi, mặc dù nó có lý. Điều gì đáng đọc, đáng suy ngẫm ở trường ca này?

1. Thi phẩm là bản hợp âm của lời. Viết về Trường Sơn đã có quá nhiều người đi theo lối tả thực, lối tả hiện thực khách quan của một điểm nhìn. Cứ viết theo cách này sẽ không tránh khỏi lặp,mòn sáo, Nguyễn Anh Nông chọn cách bộc lộ cảm xúc của nhiều người, tức có nhiều trường nhìn cùng hướng về một đối tượng. Do vậy tác phẩm là sự đa giọng, tôi gọi là sợ hợp âm của lời. Năm chương đầu là lời của người lính trở về Trường Sơn thăm chiến trường xưa, giọng hồi tưởng tự hào vẫn là chủ âm nhưng xen nỗi ngậm ngùi nhớ tiếc: Con đường dang dở hôm nao/Em ơi, gồng gánh biết bao vui buồn/ Bài ca mưa nắng xanh tuôn/ Máu xương đồng đội mạch nguồn núi sông.Không nhớ sao được vì kỷ niệm sống chết của một thời trai trẻ, không tiếc sao được vì mình thì còn sống mà bao đồng đội chung một chiến hào chung một niềm vui.. đã nằm lại. Đến chương VI là sự tái hiện bước hành quân của người lính thời đánh giặc, được diễn tả qua câu thơi hai chữ và cách sử dụng rất nhiều thanh trắc với âm vực cao để nói về sự khó khăn vất vả mệt nhọc.có đoạn toàn thanh trắc: Gió thốc/Nắng sém/ Tóc cứng/ Miệng khát / Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói… Rồi tiếp đó là lời một người con, lời một nhà thơ, lời căn hầm dã chiến, lời cây cầu tạm, có cả lời của kẻ đào ngũ..kể về ngày hôm qua và lời một em bé, lời một già làng ở ngày hôm nay. Rất nhiều giọng vang lên mang sắc thái quan niệm suy nghĩ khác nhau nhưng điều châu tuần về một Trường Sơn thiêng liêng, không đơn thuần là một địa danh, mà đó là lịch sử, là ý chí, là niềm tin… của một thời đánh giặc, để tạo lên một tổng phổ về Trường Sơn. Chính đặc điểm này đã tạo ra chất đối thoại rất rõ của tác phẩm.

2. Điểm tự chủ yếu của cảm xúc là văn hóa đại ngàn Trường Sơn. Đây là trường ca về chiến tranh nhưng không trực tiếp nói đến chiến tranh nên âm hưởng anh hùng ca không phải là âm hưởng chủ đạo. Nó không thể lấy những trận đánh, những cảm hứng đầy dũng khí đánh giặc làm cái tứ để triển khai hình tượng và biết tìm đến một điểm tựa vững chãi thích hợp là văn hóa. Đây là một lựa chọn thông minh. Chúng ta thắng giặc, có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản, chủ yếu là nhờ chúng ta có một nền văn hóa rất đáng tự hào. Không chỉ nhờ sức mạnh hôm nay để chiến đấu mà còn được tiếp sức từ Vạm vỡ ngực trần Đam san/ Dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí..từ Mái nhà rông ngân nga tiếng chiêng… từ rượu cần vít cong niềm vui/ Lời khan ủ men thấp thỏm… hình như nhờ được dinh dưỡng từ văn hóa ấy mà con người khỏe mạnh , sống giữa thiên nhên:Quờ tay gặp ánh trăng/ Vơ vào lòng gió nắng…

3. Có chất thơ, cảm xúc, có dư âm. Thể loại trường ca là một cuộc hôn nhân đẹp của thơ và truyện, thơ thì phải có chất thơ (không nên đổi mới quá đà như có trường hợp hôm nay đưa văn xuôi vào quá nhiều làm mất đi chất thơ), truyện tức là có câu chuyện, cốt là truyện.Xương sống của trường ca là truyện, thịt da của trường ca là thơ. Chất thơ trong thơ Nguyễn Anh Nông thường thấy ở câu thơ bảy chữ: Trường Sơn dằng dặc xôn xao nắng/ Mây trắng nghìn năm cứ phập phồng… không mới, không đặc sắc nhưng có duyên. Gợi được cảm xúc từ trường ca là hình ảnh nén hương trầm của người yêu còn sống trong ngày giỗ người yêu đã chết, là hình ảnh cánh bướm hồn trinh nữ… dư âm ở những chi tiết gợi nhớ về quá khứ, đừng quên quá khứ như lời cây cầu ngậm ngùi vì hôm nay chỉ là cục sắt chơ vơ chẳng ai để ý trong khi ngày hôm qua là anh hùng…

4. Đây là một trường ca gợi nghĩ tuy nó vẫn còn vụng về ở cách dùng chữ, đặt câu thông thường. Có cái gợi nghĩ của nó là nhờ đề tài, nhớ cái tình của người viết và nhất là nhờ cách biết tạo ra một hợp âm của lời vọng vào người đọc.

H.D

Nguồn: Bài viết này của TS Nguyễn Thanh Tú đã đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội

http://trieuxuan.info/?pg...d=6&id=7786&fid=0

http://anhtuan123.blogtie...1/30/p5246343#more5246343

Ảnh đại diện

Chương I (Nguyễn Anh Nông): Nguyễn Đức Thiện:TRƯỜNG SƠN, TRƯỜNG CA CỦA LỚP LỚP CON NGƯỜI

TRƯỜNG SƠN, TRƯỜNG CA CỦA LỚP LỚP CON NGƯỜI

Nguyễn Đức Thiện

Trong tay tôi là trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông. Đọc lần thứ nhất, đọc lần thứ hai, từ câu đầu của trường ca, tôi ngỡ rằng Nguyễn Anh Nông sẽ kể về Trường Sơn sau mấy chục năm người lính trở lại. Và nếu là như thế thì quả thực không thể đọc thêm dù chỉ là nửa lần. Nhưng Trường Sơn hiện dần ra với một vóc dáng hòan tòan khác với suy nghĩ của tôi. Vẫn là Trường Sơn thôi, bát ngát, hùng vĩ rừng, mây, gió, suối, khe, hoa, bướm, đủ hết… nhưng nó bắt nhịp vào thơ Nguyễn Anh Nông theo một cảm xúc thật đặc biệt. Tôi nhận ra rằng: những con số đánh dấu từng chương trong trường ca này hình như chỉ để Nguyễn Anh Nông khởi đầu cho một cảm xúc và kết thúc một cảm xúc mà thôi. Khi xâu chuỗi tất cả những cảm xúc ấy lại sẽ có một Trường Sơn máu lửa ngày chiến tranh, một Trừơng Sơn với những huyền thọai của núi rừng, huyền thọai của những con người tồn tại với Trường Sơn, cả người sống và người đã chết. Trường Sơn của người người, lớp lớp đến đây, ngày xưa đến, ngày nay đến, vì một Trường Sơn tót vời hình tượng uy nghi. Không thấy có những chương nền nã, dìu dịu vốn có của thơ, mà lúc nào cũng hổn hển, lúc nào cũng thôi thúc, những con chữ như vọt ra từ trong cảm xúc nén căng của tác giả.

Cái mà Nguyễn Anh Nông bám vào để thế hiện được trường ca Trường Sơn, chính là Con Người. Đấy là hướng đi khiến trường ca của Nguyễn Anh Nông có sự khác biệt với những trừơng ca mà chúng ta đã thấy. mỗi chương trong Trường Sơn là một lớp người hoặc một người. Những người ấy tách biệt ra, riêng biệt thành từng mảng nhưng cuối cùng họ lại kết dính lại với nhau để thành Trường Sơn. Giống như tầng tầng lớp lớp đá, tầng tầng lớp cây, rồi vạn ngàn muông thú mới làm nên một dãy Trường Sơn trùng trùng, điệp điệp vậy. Nhờ đa dạng phong phú Người mà trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông lúc nào cũng sôi động. Trường Sơn ấy có: Vạm vỡ ngục trần Đam San, dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí. Có người con gái đêm đêm mơ bóng trằng rằm bên chàng trai vạm vỡ. Những con người ấy hiện ra như trong chuyện tình cổ tích. Không thiếu những con người đáng kính trọng của Trường Sơn, đó là những già làng như ta- da đồng hun, tóc cước, râu bạc- kể Khan như lên đồng- ong bay bướm lượn, để mãi sau này, bây giờ và mai sau nữa biết đến Đam San, Xing Nhã, Hơ Nhí, BNhí, nữ thần mặt trời… vừa là thần linh vừa là con ngừơi bằng xương, bằng thịt của Trường Sơn. Những thần linh của Trường Sơn hiện ra trong trường ca của Nguyễn Anh Nông cũng gần gũi như đang sống với chúng ta hằng ngày. Nguyễn Anh Nông không phải bắt đầu từ đó, nhưng từ thần bí của rừng mà cho người đọc hình dung được một Trường Sơn lung linh, huyền diệu.

Có một lớp người được khắc họa thật đậm trong trừơng ca Trường Sơn. Điều này cũng đúng thôi. Có cả một thế hệ con người đến Trường Sơn, bám Trường Sơn, sống ở đây và chết ở đây. Tạo ra một huyết mạch giao thông cho cuộc kháng chiến trường kỳ của cả một dân tộc. Nguyễn Anh Nông không cho phép mình quên họ, hơn thế nữa, khi khắc họa về họ, anh viết bằng tất cả cảm tình sâu sắc của mình. Bên cạnh những kỷ niệm cũ như bao nhiêu người đã nhắc lại trong thơ, trong trường ca như bom tọa độ, bom nổ chậm, xe chạy trong đêm của ngày xưa. Bây giờ nhắc lại Nguyễn Anh Nông đã thổn thức viết về những thanh niên xung phong xưa: Nhớ đêm đêm ánh lửa bập bùng kỷ niệm chồng kỷ niệm/ đạn bom thù day dứt nỗi đau xưa/ hun hút gió mưa/ nhập nhòe ký ức/ nỗi đau ngờ vực/ nỗi buồn năm tháng đi biền biệt/ cánh dơi hoang nhập nhọang rừng khuya/ hồn ai gió lùa/ vía ai thất tán. Nguyễn Anh Nông không quên lớp người đi trước, những con người tạo dựng lên những kỳ tích của một Trường Sơn, nhưng họ giản dị vô cùng, giống như chuyện thường tình: nước còn giặc thì đánh giặc thế thôi. Nhưng bên trong sự giản đi ấy chất chứa chất anh hùng của người Việt Nam . Người cha trong trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông được kể lại bằng tâm thức như vậy. Nào bom đạn, lửa khói, nào sốt rét, ốm đau. Khi “vượt dốc” cũng miệng khát/ họng rát/ mắt chói/ bụng đói/ miệng ói; cũng có lúc “ hôn mê” lông nhông/ xương long/ bong gân/ lần khân/ mưng chân ( ngày xưa vượt Trường Sơn đã vậy và bây giờ trở lại với Trường Sơn cũng có lúc như thế), vậy mà không chết, như thế là qúa may mắn rồi. Không nói, nhưng ta phải nghĩ có bao nhiêu người khác cùng thời với ông đã nằm lại Trường Sơn, và họ cũng như ông thật giản dị, chia nhau từng điếu thuốc lào, thích kể cho nhau những chuyện tiếu lâm, thích những trận cười ha hả rung rinh cả một góc rừng, chất anh hùng bắt đầu từ nhũng sự giản dị đó, giống như Trường Sơn vốn dĩ tồn tại tự ngàn năm vậy.

Trong trường ca Trường Sơn còn có nhà thơ, còn những cô trinh nữ, không thiếu những vị tư lệnh, chính ủy… tất cả họ hợp thành một binh chủng mà ở đó ý chí tạo nên sức mạnh. Có điều lạ, Nguyễn Anh Nông còn dành những dòng viết về một kẻ đào ngũ. Sự khác biệt này đã làm cho trường ca của anh có thêm màu sắc. Cũng đúng thôi. Trong cuộc chiến dù trước đây, hay bây giờ, trước bom đạn chết chóc của chiến tranh ngày trước hay gian khổ thiếu thốn của Trường Sơn hôm nay sao chẳng có những kẻ thối chí. Lẽ thường tình là như vậy. Khi dành cảm xúc cho những người này, Nguyễn Anh Nông tỏ rõ lòng vị tha của mình: “ Đã sinh ra ở trên đời/ cầu mong trọn kiếp phận người là tôi/ nguyện làm ngọn cỏ nhỏ nhoi/ thắp tia hy vọng trên môi tháng ngày”. Kẻ đào ngũ nói lời như vậy, còn Nguyễn Anh Nông, người viết ra những lời ấy chắc muốn nói rằng: anh dừng chân quá sớm, phía trước đường còn dài, vẫn còn lối đi sáng sủa cho anh.

Những con người rất cụ thể nêu ra trên đây là một phần rất đậm đặc trong trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông. Còn một phần Người nữa cũng là một nét đặc biệt mà Nguyễn Anh Nông đã dụng công để khắc họa. Từ căn hầm dã chiến, con đường đến cây cầu tạm tất cả với anh đều có linh hồn, có niềm vui và nỗi buồn. Có căm giận và vị tha. Với căn hầm dã chiến thì: “sao buồn day dứt, tôi thầm nghĩ/ đạn bom tan tác cả rừng cây/ … tôi đau nỗi đau người cha/ tôi buồn nỗi buồn người mẹ/ nỗi đau buồn bầm tím ruột gan. Hình ảnh cây cầu tạm không được Nguyễn Anh Nông vẽ ra bằng chữ mà bằng nỗi lòng của chính cây cầu: xọac chân dứng đỡ đòan xe/ tấm thân lấm láp xù xì đã sao. Rồi đến khi cầu cũng thốt lên: “ bây chừ bể lặng trời êm/ tôi thành cục sắt ngước xem mây vờn”, một lời trách móc chăng? Và con đường Trường Sơn, con đường thấm đẫm mồ hôi và máu, con đường làm nên sự tích anh hùng, bây giờ cũng là lời tâm sự rất nhẹ nhàng. Trong tâm sự ấy, thoáng chốc làm ta nao lòng: tôi mơ giấc mơ đẹp đẽ/ bao người nằm xuống hôm qua/ bỗng dưng đội đất sống dậy/rưng rưng niềm vui chói lòa. Nghe con đường tỏ lời tâm sự mà ta rưng rưng muốn khóc. Bao nhiêu người vì con đường mà gục chết, có người đến giờ xác vẫn còn lưu lạc trong một góc nào đó của Trường Sơn, làm sao mà đội đất sống dậy được đây. Đọc đến đây muốn thắp những nén nhang mà tuởng nhớ đến họ.

Tôi không muốn nói đến phút bừng sáng của trường ca Trường Sơn. Bởi lẽ, cái cuối cùng mà trường ca này đạt tới là: Trường Sơn một thời oanh liệt, bây giờ một Trường Sơn mới mở ra. Có một lớp cháu con sẽ tiếp tục với Trường Sơn, để Trường Sơn nay mai cùng với chất hùng ca vốn có, sẽ thêm sự lớn mạnh không ngừng. Để có được như vậy, trách nhiệm là của lớp trẻ hôm nay, và của cả lớp lớp cháu con sau này. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông là trường ca về những con người. Lớp lớp con người hiện ra trong trường ca này ( những chiến sĩ Trường Sơn, những thanhh niên xung phong, những người cha, người mẹ, những thanh niên, những trinh nữ, cả những con người được nhân cách hóa từ những cây cầu, những con đường, rừng cây, muông thú) đã tạo dựng được một Trường Sơn lẫm lẫm khí tiết và hùng vĩ. Đó là cái đạt được của Nguyễn Anh Nông.

NĐT.
Nguồn: Bài viết này của nhà văn Nguyễn Đức Thiện đã đăng báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam


http://trieuxuan.info/?pg...d=6&id=7786&fid=0


http://anhtuan123.blogtie...1/30/p5246343#more5246343

Trang trong tổng số 25 trang (244 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: