Trang trong tổng số 2 trang (18 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Những đoá hoa hồng Noël (Louis Aragon): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Khi chúng ta như chiếc cốc đổ nhào
Như giữa mưa rào cây anh đào hoa rụng
Như đất tan dưới răng bừa như bánh vụn
Như giữa Paris người chết đuối lao nhao

Khi chúng ta là cỏ vàng bị dẫm
Là lúa mì bị cướp và sàng đập tả tơi
Là tiếng hát mòn hơi là tiếng nấc giữa đông người
Khi chúng ta là con ngựa nhào kiệt sức

Giữa nước Pháp ta trở thành khách lạ
Thành kẻ ăn xin trên đường cái của ta
Khi ta chìa bàn tay trần nhục nhã
Cho những bóng ma hy vọng mơ hồ

Thì bấy giờ bấy giờ những người ấy đã đứng lên
Dù ngắn ngủi dù ngã ngay tức khắc
Giữa mùa đông họ là những hoa xuân
Và mặt họ như lưỡi gươm sáng quắc

Noël Noël ánh hồng kia thoáng chốc
Đã cho các người mà tin tưởng quá mong manh
Tình yêu lớn đã hồi xuân thuở trước
Một tình yêu từ nay đáng sống đáng hy sinh

Có dám chăng như họ đã làm trong tháng Chạp
Vượt gian nguy nở đẹp những mùa xuân
Có nhớ chăng hương hoa hồng thơm ngát
Khi trên đầu kẻ chăn cừu sao thánh mọc sáng trưng

Quên được sao chăng khi nắng trời rực rỡ
Có quên chăng khi bóng tối tan đi
Khi nhìn những cánh buồm xa lộng gió
Có quên chăng cái chết Iphigénie

Cúc trắng mi thanh nhuỵ son đã khóc
Hay đọng lòng hoa giọt máu châu rơi
Quên chăng lưỡi búa sẵn sàng giết chóc
Nỡ nhìn chăng vớ đôi mắt lánh đời

Máu đổ ra không thể mãi lặng im
Có quên chăng nhờ đâu ta đến gặp
Môi ngọt lịm mùi nho trên mặt đất
Và rượu nồng còn giữ vị say men


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hai mươi năm sau (Louis Aragon): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Đoàn xe thời gian lại lê đi buồn nản
Thắng đàn bò đỏ chậm Ấy thu sang
Từng huyệt trời sâu giữa những lá vàng
Tháng Mười nhạy bén rung lên mà ngủ lặng

Ngày trung cổ Chúng ta những tên vua hèn nhát
Giấc mơ theo bước yếu chân bò đi
Ta thoáng nghe họ chết bên đầu kia khoảng đất
Hoàng hôn đâu biết bình minh làm được những gì

Qua những ngôi nhà vắng lạnh ta lang thang
Không xích cài không đệm trắng không lời than không ý nghĩ
Hồn hiện giữa trưa ban ngày bóng quỷ
Bóng ma một cuộc đời ta đã nói đến yêu đương

Hai mươi năm sau ta trở về thói cũ
Trên nghĩa trang nghìn liệt sĩ đã nằm
Họ lại làm những việc lúc còn giam
Chắc ấm lạnh họ không còn biết nữa

Lại bắt đầu thời những câu máy móc
Kiêu hãnh đã buông rơi và khúc nhạc ân tình
Kéo mãi trên môi một điệu đàn ngu ngốc
Đã nhàm tai qua chiếc máy phát thanh

Hai mươi năm gần trọn thời thơ ấu
Bậc đàn anh có thấy xót đau chăng
Khi nhìn thấy hai mươi năm sau lũ nhỏ
Thơ dại ngày xưa cùng ta lại lên đường

Hai mươi năm sau Một tên sách mỉa mai
Ghi trọn đời ta và giấc mơ đi lạc
Theo mấy chữ khôi hài của nhà văn Dumas
Với ảnh hình của kẻ anh mê say

Chỉ một người thôi mới xinh đẹp dịu dàng
Chỉ có Nàng nổi lên như tháng mười đỏ thắm
Chính Nàng niềm lo âu hy vọng nỗi yêu đương
Mong được đọc Nàng từng ngày ta đã đếm

Đến nửa đời người em mới vui cuộc sống
Hỡi em của anh những năm tháng chín muồi
Dù rất ít nhưng vô cùng sung sướng
Nhắc đến mình ai cũng bảo Lứa đôi

Em chưa mất gì trong chàng trẻ xấu xa
Đã xa mờ như dấu ghi như nét chữ
Trên bờ cát đại dương ai đã kẻ
Em chưa rõ chàng một hình bóng một hư vô

Người đổi thay như mây trời thay đổi
Trên mặt anh em nhè nhẹ đưa tay
Khi trán anh bỗng có chiều lo nghĩ
Tay em dừng trên sợi tóc điểm mây

Hỡi em của anh em của anh chỉ em là còn lại
Trong hoàng hôn buồn bã của cuộc đời
Khi anh mát cả dòng thơ êm ái
Cả dòng đời cả tiếng nói niềm vui
Vì anh muốn tiếng yêu em anh nhắc lại
Tiếng mới đau sao khi thiếu mất em rồi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ngôi mộ của tôi (Władysław Broniewski): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Mảnh đất này tôi yêu hơn tất cả
Tôi chẳng muốn khi nào và không thể bỏ ra đi
Dòng sông Vixla và gió xứ Mazôpse
Từng thổi vào thời tôi còn trai trẻ

Cây dương, cánh đồng nhìn qua cửa sổ
Tôi hiểu rằng đây chính nước Ba Lan
Nơi kia, trán tôi niềm vui bốc toả
Nơi đây, chữ tôi dùng như lính được vũ trang

Đây quê hương sẽ hiểu những lời chữ ấy
Dù đất này đến phải dốc máu ra
Vì ngay cả tường cao ngục tối
Cũng phủ thơ như phủ đầy dây dại nở hoa

Nơi đây liễu, dương đều tin cậy ở tôi
Tâm sự cùng tôi bằng ngọn lá nào yên lặng nhất
Nhưng chỗ này lòng tôi hiểu hết
Và tôi sẽ chết ở đây, chứ ở nơi nào?

Khi ta lìa đời, hãy ôm trọn thân ta
Hỡi đất đen, đất hiền lành thân mến
Và phong cảnh sẽ theo ta đưa tiễn
Bằng những cây dương thương tiếc từng hàng

Trong run rẩy của lá cành loáng bạc
Bờ Vixla cây cối hãy ngâm nga
Tất cả những gì ta yêu thương, cảm xúc
Tất cả những gì ta chưa kịp ngợi ca


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những giấc mơ của thành phố (Eugen Jebeleanu): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Bây giờ thành phố đang mơ
Những giấc mơ
sinh từ Đau khổ
hoặc từ Niềm vui
vì cả hai
đều mơ ước...
Bình yên
Niềm vui muốn sinh sôi nảy nở
những đứa con thật giống mình
còn Đau khổ
mà bao gian truân đã biến đổi thân hình
thì muốn sinh
những đứa con mặt đẹp hơn mặt mình cay đắng

Ảnh đại diện

Ban đêm, giấc ngủ (Eugen Jebeleanu): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Các thành phố trên địa cầu yên ngủ
Và ngủ yên những làng mạc nơi đây
Những phố phường yên ngủ
trong giấc điệp, những phố phường hít thở
mùi thối hôi
nồng nặc của thi hài
những xương sườn bom rơi gãy nát
những khuôn mặt ánh đèn pha xé rách

Đô thành trằn trọc rên đau trong giấc ngủ
và cố tìm
một chỗ nấp tốt hơn
vòm trời, chiếc mũ tròn địa ngục
Đô thành trằn trọc rên đau và ngủ thiếp
và ngạt hơi
đầu, trong những hang động bê tông, chui rúc
hàng nghìn, hàng nghìn áo quan chồng chất
những ngọn núi đang gầm thét

Chỉ những ngọn đèn đêm
đứng yên ngoài phố
thê lương
như những kẻ goá chồng tuyệt vọng
Hàng cây đứng
lẻ loi
cuồng lên vì khiếp sợ
hàng cây trong những chiếc áo người điên

  mướp tả tơi...

Chẳng có ai
Than ôi! Chẳng có ai
đưa chúng đến những hầm bê tông trú ẩn!
Chúng muốn trốn đi
Chúng lắc đầu giận dữ
Chúng rủa nguyền
những dây rễ níu chân!

Ôi đêm lạnh!
Ít nhất đêm nay
cũng được yên lành

Những thành phố trên địa cầu yên ngủ
Và ngủ yên những làng mạc nơi đây
Những làng xóm rên đau, trở mình giữa giấc
và không một mảnh đất nào
chẳng có tiếng kêu rên cày nát
Khắp nơi nơi, xương trắng rải nền...

Đêm nay ai đánh giết
bằng gươm đao ?
Ôi lạy Chúa!
Có ai đâu...
Chắc chẳng ai đâu...Khói lửa
Giết chóc đã no rồi

Trên quả đất này, thành phố ngủ yên, làng mạc ngủ yên
Không gian lại tìm gương mặt cũ
tay sờ nắn vết thương
đợi giờ lành bệnh...
Những thợ điện mình trong suốt
leo lên những cột trụ vô hình
chắp những đường dây xanh
nối các vì tinh tú
vừa nghe sao thở dài
nòng thuốc súng vừa lau

Đêm phủ đầy thuốc mê
đang trôi qua lặng lẽ
Những đô thành yên ngủ
và nơi đây
yên ngủ những xóm làng

Trên chiếc tàu màu trắng
Hiroshima
yên ngủ...

Ảnh đại diện

Ngày tàn (Eugen Jebeleanu): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Ngày 5 tháng 8 năm 1945

Hoàng hôn. Hỡi ngày nóng, cút đi!
Chân đất, bóng từ trên núi xuống
và không ngừng phạt đứt của ngươi những tóc lửa dài
Cút đi, ngày nóng bừng! Hãy về đây, đêm ơi!

Ngày nóng ran, địa ngục màu da cam
chiếc ấn nung đổ xuống phố phường, mồ hôi ướt đẫm
ngày nóng cút đi ngay...Mặt trời trong bể thẳm
như con thuyền úp ngược chìm dần

nơi - vo ve trên mặt nước lặng câm
dần sống lại như bao nhiêu cây cỏ
gập mình trong hơi nóng - tàu
đổ xuống những kiện hàng, những kiện kim cương cháy đỏ...
Giữa những ngọn đồi, thành phố đứng đấy, ngắm trông
như người mẹ muốn tận mắt mình nhìn thấy cả...
Đây, một trong những dòng sông
đang rực đỏ. Tưởng như con cá
quẫy long lanh vẩy sáng
đối diện với một con cá khác lớn hơn mình
nhưng sầu thảm vì anh em của nó
một ngôi trường soi bóng dọc bờ cong

Một trường học trẻ con, thế thôi...
Nhưng mỗi sáng các em cầm tay nhau hát
tiếng hát gọi sông cười róc rách
và nụ cười xuân trẻ lại mặt già nua
Mắt vòi vọi thành phố nhìn thanh thản
như bóng đêm xoè cánh
chầm chậm lướt dần về phía biển khơi
Thành phố không chuyện gì không biết

Thành phố muốn rõ mọi vật có còn nguyên chỗ cũ
Mặt trời vẫn lặn như thường ngày
và các dòng sông như bảy tràng hoa bằng vàng nung chảy
Chẳng dòng sông nào thiếu mặt đêm nay

Biển thở...những cánh buồm trong trên mặt bể phập phồng...
Mặt trời bắn từng tia rực rỡ
như tên bay. Đây thành phố đứng trông
Ai bị thương ? Một tiếng thở dài

Người đánh cá trầm tư lau mặt ướt
Bên thái dương buộc chặt mảnh khăn tay
Lão là chúa của trùng dương bát ngát
Tơi tả áo quần. Mái tóc trắng mây

Từ mảnh khăn buộc trán, một vòng miện nặng nề
không phải của mồ hôi nhỏ giọt
mà của chì, chì nung, của những hạt cần lao mệt nhọc
như lệ trĩu đầm tuôn xuống biển sâu

Cá lụa, cá đao xanh biếc
cá hổ phách, cá gió xoay, cá thép mình dài!
Ai mang tội nếu lưới chài thủng rách
và cá kia xổng thoát ra ngoài ?

Hiroshima đứng kia, nín lặng đang nhìn:
Hằng ngày người đánh cá vẫn giờ này trên mặt nước
Trăng đã mọc cao trên biển sóng
nửa người ông già như tượng bạc trắng tinh...

Tấm lưới kia lão đang kéo lại nhà
là mạng nhệ dệt bằng tơ quý
Một lần nữa Hiroshima tự hỏi:
- Sao thở dài ? Sao ? Sao lại thở dài ?

Không một lời. Đối diện cùng biển cả
Mỗi năm người ta còn học lặng thinh hơn
Chỉ có tiếng thở dài nhắc nhở ai sự sống
Với người nghèo lời nói đắt bao nhiêu!

Ôi Đêm hiền, em bủa lưới sao khuya
trên những gánh nhọc nhằn nhân thế
đêm xoa dị những nỗi đau thân thể
trùm lặng im lên ầm ĩ tiếng ngày

Hãy lại gần, gần nữa, đêm ơi...
Để giờ đây nhìn đêm cho rõ...
Hiroshima đầy trăng giờ đã dậy rồi
và xoè múa theo màn đêm lặng lẽ
đàn công trên thành cổ nghỉ ngơi

Người với bóng. Những tiếng động ban ngày
chưa chịu tan, vẫn xôn xao ầm ĩ
Người với bóng. Những bóng còng lam lũ
mang những hòn đá tảng trên vai

những người già viện tế bần lẳng lặng
trở về nhà không phải nhà mình, hoang vắng
họ nắm tay nhau như một đàn con trẻ
hằn học, lầm lì, không có tuổi thơ

Hiroshima quay mặt buồn thương
Người với bóng. Những thân trâu ngựa
kéo cút kít bằng chì về vựa lúa
những con người trần trụi, mỏi mòn

Những bánh xe chóng mặt, bánh xe, bóng vòng thoạt biến
bánh xe hơi, ma quái chớp dài
nhìn chế giễu con ngựa - người đáng thương chạy bộ
chúng giật miếng cơm, giấc ngủ từng ngày

Hoàng hôn dệt bóng đêm hấp tấp
Bóng dài nhân ảnh. Bóng sâu
của những lâu đài, bóng thấp
những chuồng gỗ, cửa phải bò mới lọt

Chiều xanh! Những mái vẩy, những vàng son
của đình ta trong chiều xanh rực rỡ
Những nhà máy ì ầm, biển kín
Thành phố im lìm lặng ngắm chiều xanh  

Nhưng trên cầu vồng bóng ai qua đấy ?
Mặt nước kia, vòng hạt tím ai tung ?
Người khó nhọc lê mình, Hiroshima đã thấy
Lại nữa, hôm nay, thất nghiệp lão về không

Sao dưới nước lớn dần. Sao im lìm run rẩy
Không cơm ăn, nhìn sao càng day dứt lòng thay
Nước biến thành chiếc đĩa to trong suốt
hàng nghìn hạt cơm lấp lánh tràn đầy

"Xuống đây" - tiếng nước mời. Tiếng thì thầm huyền bí
chỉ riêng lão nghe. Thầm thì: "xuống đây chơi!"
Đêm tháng tám quay đi: "Không! Ánh sáng kia ơi
lê kiếp sống nặng nề, hôm sau ta sẽ đến với ngươi"
Tiéng bước chân xa dần. Một con người không chốn ở
Cây đàn của đói khát, xương sườn trông rõ
hãy ngả lưng đi, trên thềm đá, người ơi!

Ngắm trời cao người công nhân
trằn trọc thân già trên giường đá tảng
Với hai nắm tay gầy, như tượng thần khắc trên ngà trắng
đấng tạo hoá dựng nên đời, nhưng đã bị bỏ quên...

Ngoảnh nhìn Hằng Nga, lão nâng tẩu thuốc
Ba cuộn khói xanh, lão gửi lời chào
Lão ho khẽ... Áo bàn cờ rách mướp
dưới trời đêm thơm ngát cụm hoa sao

Một biển cát; người đổ ra từ xưởng máy
Cánh cửa khép vào. Sắt nghiến vào nhau
và tên lái buôn vặn chìa khoá lại
cẩn thận giữ chìa như giữ ngọc châu...

Ảnh đại diện

Gặp gỡ Hiroshima (Eugen Jebeleanu): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Tặng Kaoru Yasuy

Đất. Đất hoang tàn
Lặng câm
Da cháy. Thân trần
Hiroshima ơi, xin lỗi!
Xin lỗi cho mỗi bước chân
làm bật vết sẹo xưa, làm vết thương nhức nhối
Cho từng cái nhìn, xin lỗi
từng cái nhìn dầu ve vuốt cũng làm đau!
Xin lỗi cho từng tiếng nói
khuấy động không gian khi người còn lặn lội
tìm những đứa con của ngươi
dân chúng những đứa con của ngươi vĩnh viễn không còn nữa!
Không
mồ...Gió...Gió...Gió...Gió...
Và tiếng họ nói hôm nay đã tắt
ngày mỗi xa dần
chỉ còn âm vang trong ký ức...
Ôi nghĩa trang
không có...không hề có
Muốn khóc mà không sao siết chặt giữa vòng tay
chí ít một bình tro, chí ít một nấm mồ...
Hiroshima ơi, đàn con của ngươi đâu ?
Phải chăng đã chìm sâu đáy bể
ánh bạc lạnh lùng ?
Phải chăng trong hầm mộ vòm trời
vô tận ?
Trên chính mảnh đất này ta đang dẫm dưới chân
Mỗi bước ta đi, mỗi bước ngại ngần!
Mỗi miếng đất
một nhà táng, một đống xương vùi lấp
tưởng như nghe lời đất gọi dưới chân
- Mẹ...Ôi! Không gian
Hãy cho ta đôi cánh
đôi cánh trong ngần men sứ
để đột nhiên bay bổng
để đừng vết thương nào ta phải dẫm dưới chân
để như cánh thiên thần, ta rẽ mây bay mãi

...Nhưng với nghìn vết thương loang lổ trên mình
Hiroshima đến gần ta
đến gần ta và hiền dịu nghiêng chào
tay vẫy:
- Hãy đến đây bạn hỡi
nhìn những gì đã qua
những gì hiện tại
rồi bạn hãy kể đi!...

Ảnh đại diện

Không đề (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Nguyễn Viết Lãm

Đôi ta ở bên nhau
Khi mùa xuân gõ cửa
Hãy để cho tôi vào!

Xuân mang cho lứa đôi
Tiếng thầm của niềm vui
Tiếng nhẹ nhàng rung khẽ
Của mầm non mới hé

Ta đang mãi trầm tư
Em bên xa quay sợi
Mùa xuân dẫn đi xa
Và đột nhiên biến vội
Cùng với những đoá hồng
Nở muộn trên cành hoa

Hỡi em yêu bây giờ
Em không còn đây nữa
Mùa xuân lại gõ cửa
Hãy để cho tôi vào!
Xuân chỉ còn mang đến
Tiếng lá khô xạc xào
Tiếng gù vọng chim câu

Ta ngồi bên cửa sổ
Và một bóng mơ hồ
Ngồi bên ta lặng lẽ
Buồn se những mộng mơ...

Và mùa xuân không còn
Những nỗi đau thầm nữa
Để mang đến cho ta
Mùa xuân mà muôn nhà
Đón tưng bừng vào cửa!

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: