Trang trong tổng số 4 trang (37 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Mùa lá rụng (Olga Berggoltz): Chao Camy

Dành nhiều thời gian cho thiviện thì là đương nhiên bạn HXT phải có nhiều thời gian thì mới dành được. Với 1 khối lượng khủng khiếp vài ngàn bài viết, cả thơ dịch, thơ sáng tác, bình luận thì rõ ràng là HXT đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức cho thi viện này. Đó là điều đáng trân trọng.

Butgai chỉ muốn nói là dù góp ít hay nhiều công sức thì chúng ta cũng đều bình đẳng trước nghệ thuật. Nhiều nhà thơ cả đời chỉ làm được 1 bài, nhưng lại được truyền tụng qua năm tháng. Trong khi thế giới này hàng ngày có hàng triệu người đang đẻ ra những vần thơ và không được ai biết đến. Vậy tiêu chí để thơ tồn tại là gì: HAY. Còn dịch thơ thì Butgai thêm 1 tiêu chí nữa là ĐÚNG. Trước tiên là phải đúng, rồi đến hay, vừa đúng vừa hay là một bản dịch đạt yêu cầu. Còn HAY mà không ĐÚNG với nguyên tác thì mời bác sang mảng SÁNG TÁC, bác cứ sáng tác thoải mái cho hay bằng ý tưởng, tứ thơ của mình, cần gì dựa vào ý thơ của 1 người nước ngoài để "sáng tác".
ĐÚNG mà không HAY thì mời bác qua mảng DIỄN XUÔI. Đơn giản vậy thôi.

Có thể bạn hiểu nhầm cụm từ "nhiều thời gian" với "ăn không ngồi rồi". Và bạn lại nhầm trầm trọng hơn khi đang nói về HXT lại dẫn chứng Điệp luyến Hoa vào đây??? 2 người đó và 2 khái niệm đó hoàn toàn khác nhau bạn ạ.

Việc có nhiều bản dịch là lẽ tự nhiên. Thơ hay thì có nhiều người dịch, và mỗi bản dịch thì khác nhau bởi cách cảm nhận và thể hiện của mỗi dịch giả khác nhau. Sự hiểu biết, từng trải, phông văn hóa, kiến thức, bản lĩnh... và quan trọng nhất khi dịch thơ là tâm hồn  của mỗi người dịch khác nhau sẽ dẫn đế cách hiểu khác nhau về 1 bài thơ, nhất là khi nó không phải là tiếng mẹ đẻ. Và không phải ai cũng đủ những tố chất đó để cho là mình đã hiểu đúng, dịch đúng. Mìh cho là đúng thì mới dịch ra thế, nhưng người khác lại cho là khôg đúng và họ có quyền đưa ra cách dịch của họ. Vậy nó mới sinh ra nhiều bản dịch. Quyền đánh giá là ở độc giả.

Hơn nữa, gu độc giả cũng khác nhau, nhiều người cùng dịch sẽ cho người đọc sự lựa chọn phong phú hơn.

Nên câu hỏi của bạn tại sao lại phải có nhiều bản dịch, thực ra Butgai không hiểu lắm vì nó là lẽ tự nhiên như khi hỏi tại sao ta ăn, uống, hít thở vậy. Đặt câu hỏi cũng là một nghệ thuật...

Ảnh đại diện

Mùa lá rụng (Olga Berggoltz): Gửi HXT

Vì comment của bạn rơi vào trang 2 nên hôm nay Butgai mới tình cờ đọc đến và trả lời.

Xin lưu ý với bạn 1 điều là trong tất cả các bản dịch thơ của mình, Butgai đều sử dụng thơ 7-8 chữ với nhịp vần 2-3, 4-1 và không hề bị ảnh hưởng bởi âm điệu của bất cứ bản dịch nào. Nếu có, Butgai đã ghi chú. Bạn đã rất chủ quan khi nhận xét điều này khi mới chỉ đọc 1 vài bản dịch của Butgai post trên mạng

Những bài thơ nổi tiếng 1 thời thì việc Butgai có đọc bản dịch từ lâu trước đây là điều rất bình thường và đôi khi có thể bị ảnh hưởng bởi ngôn từ một cách không chủ ý. Khi dịch, bao giờ Butgai cũng chỉ đọc bản gốc, nhưng khi dịch xong thì cũng tham khảo các bản dịch trước (nếu có) để cố gắng chỉnh sửa những ngôn từ vô tình bị trùng (nếu có). Cố gắng thôi, nhưng không phải lúc nào Butgai cũng "nhường quyền sử dụng" từ đó cho người dịch trước khi nó khó thay thế trong bản dịch của Butgai, nếu thay, nó sẽ làm câu thơ kém hay chẳng hạn.

Dịch khác sáng tác ở chỗ sáng tác không có chỗ hoặc có rất ít khả năng trùng lặp ý tưởng. Còn dịch, ý thơ đã có sẵn, ngôn từ tác giả gốc sử dụng cũng đã có sẵn, nên việc 1, 2 hay nhiều người cùng sử dụng từ đó trong khi chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ là điều rất dễ hiểu, thiết nghĩ HXT cũng không nên nặng nề. Quan trọng là cái câu, cái chữ ấy vang lên ở bài dịch nào hợp hơn, hay hơn.

Thơ thì quan trọng nhất là tứ thơ, người dịch cần có cảm nhận của riêng mình về tứ thơ một cách chính xác thì mới chuyển tải đúng hồn thơ được. Hơn nũa, cần hiểu về văn hóa, bối cảnh ra đời của bài thơ để dịch chính xác hơn. Butgai không tin một người đã dịch "Tránh đụng vào cây mùa lá rụng" lại là người cảm nhận đúng hồn bài thơ. Nhân tiện, việc bài thơ này được OB tặng ai, theo Butgai, không liên quan lắm đến bối cảnh ra đời nó. Không lẽ, nhà thơ (nam) được tặng kia lại là nhân vật chính trong thơ??? Việc nhân vật nữ và mối tình đơn phương trong Mùa lá rụng là không thể phủ nhận, không liên quan đến việc bài thơ được tặng cho ai (có nhiều dẫn chứng mà có lẽ nên để dịp khác nói về chuyện này).

Thứ 2, thơ là cuộc chơi của ngôn ngữ, ta không thể tùy ý "sáng tác" thêm từ ngữ vào bài thơ 1 cách không cần thiết và làm sai ý đồ của tác giả. Dịch càng trung thành với bản gốc bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Quyền cảm nhận là ở người đọc.

Thứ 3 là vần điệu, bài thơ hay phải có vần điệu, nhạc điệu trong thơ, đây thuần túy là khả năng linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ khi chuyển ngữ và nắm chắc niêm luật thơ trong tiếng mẹ đẻ

Cuối cùng, về quan niệm đồng sáng tác: khi đọc bản dịch của ai đó mà ta thấy như được 2 bài thơ thì theo Butgai đó là Đạo thơ hoặc dịch tồi.
Đồng sáng tác thì phải có sự bàn bạc, nhất trí 1 số điểm cơ bản của tác phẩm để cùng cho ra đời nó chứ không phải là 1 người thêm mắm thêm muối vào 1 tác phẩm có sẵn của một người khác (đã chết) mà không hề hỏi ý kiến để cho ra đời "một bài thơ" khác như HXT nói.

Dịch là chuyển ngữ trung thành, chứ không phải là sáng tác trên ý tưởng của một người nước ngoài. Điều này đã bị lên án trong lĩnh vực âm nhạc. Một số nhạc sỹ đã vay mượn ý tưởng, giai điệu của ca khúc nước ngoài, chế tác thành ca khúc Việt. Hay trong lĩnh vực Văn học, các tiểu thuyết khi được chuyển thể từ ngôn ngữ Văn học sang ngôn ngữ điện ảnh (cũng là chuyển thể, hay nôm na là dịch), nếu có sự khác biệt về nội dung cũng đều phải được sự đồng ý của tác giả Văn học. Cho nên, dịch thì chỉ có khái niệm đúng và hay thôi, không có khái niệm đồng sáng tác.

Một dòng cá nhân 1 chút: những gì HXT thể hiện ở trên Thiviện này, cả về thơ và bài viết, nói lên một điều là bạn có rất nhiều thời gian, và vì thế, bạn dịch rất nhiều. Còn hay và đúng không thì còn phải xem. Mà với Butgai, hay và đúng mới là 2 tiêu chí cơ bản của dịch nói chung và dịch thơ nói riêng, chứ không phải nhiều, hay "sáng tác" 1 cái gi đó trong bản dịch.

Vài dòng như vậy, rất tiếc là đọc bài này muộn quá nên trả lời HXT muộn.

Ảnh đại diện

Em ơi đã đến lúc rồi (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Butgai

Bạn ơi, đã đến lúc rồi,
Con tim mong mỏi cuộc đời bình yên
Hết ngày qua lại đến đêm,
Mỗi khắc giờ lấy đi thêm một phần
Cuộc đời và sự an bình
Bạn, tôi cùng sống muôn phần ấm êm
Nhưng rồi thử ngoảnh lại xem
Chỉ trong chớp mắt đã lên thiên đàng

Hạnh phúc nào ở thế gian
Tự do hiện hữu, bình an đi cùng
Đã lâu ta nghĩ mông lung
Trong đầu luôn có ước mong vô ngần
Và kẻ mệt mỏi bần hàn
Đã thoáng nghĩ đến thoát thân cho rồi
Thánh đường nào đó xa xôi
Miệt mài lao động vui đời bình yên

Ảnh đại diện

Em ơi đã đến lúc rồi (Aleksandr Pushkin): Butgai

Bài này Tế Hanh dịch như trên là sai hẳn với nguyên tác. Đây không phải là bài thơ tình.

Pushkin viết bài thơ trên cho một người bạn quí tộc (lưu ý chữ мой друг: bạn nam, giống đực, chứ khôg phải là Em, giống cái). Người bạn này đã bị bắt trong vụ Nổi dậy Tháng Chạp, cuộc nổi dậy mà ông ta cho là đấu tranh vì Hạnh Phúc. Vì thế nên mới có câu:

На свете счастья нет, но есть покой и воля.
Hạnh phúc có đâu, nhưng bình yên và tự do là có thực. (Ông bạn đã bị bắt và kết án)

Xin dịch lại cho đúng tinh thần nguyên tác

BẠN ƠI, ĐẾN LÚC RỒI (bản dịch của Butgai)

Bạn ơi, đến lúc,
            con tim ta mong mỏi sự bình yên
Ngày nối tiếp ngày,
            mỗi khắc giờ lại lấy đi thêm
                    Một phần cuộc sống
Cả bạn và tôi
            Cùng đang sống đó
                    Nhưng chỉ ngoảnh lại là đã lìa trần

Hạnh phúc có đâu
            nhưng bình yên và tự do là có thực
Đã từ rất lâu
            Trong ta thầm ao ước
Đã lâu lắm rồi,
             kẻ nô bộc mệt nhoài này,
                   đã thoáng nghĩ đến điều chạy thoát
Thánh đường xa xôi,
             để sống yên bình, và hồn được chở che

Ảnh đại diện

Mùa hè rớt (Olga Berggoltz): Dấu má

Butgai rất đồng tình với quan điểm của HXT, đặc biệt là chỗ "lanh lảnh bầy chim bay đi muôn nhặt" hay là "...bay đi muộn nhất", sao lại có chữ "Nhất" ở đây được??? Nhất so với cái gì, và bản gốc cũng chỉ viết là "Muộn". Muôn nhặt thì dù sao cũng còn có sự liên tưởng: tiếng chim hót lanh lảnh và khoan nhặt. Muôn nhặt: khoan nhặt và muôn hình muôn vẻ.

và ở đoạn nữa:

Ta vẫn nhớ, Trời ơi, ta vẫn nhớ,
Tình yêu đầu....

thì nghe đúng với mạch ý hơm là "Tình yêu đâu?":
Đã nhắc lại 2 lần "ta vẫn nhớ" và than "Trời ơi" thì khó có thể lại hỏi một câu loãng toẹt, tình yêu ở đâu!? Nhớ như thế mà lại không biết ở đâu???
Rồi cái "rừng lặng, bóng sao im" cũng trở nên nhạt nhẽo và khó hiểu nếu đằng trước hỏi 1 câu như thế. Nếu nó được đặt sau dấu 2 chấm thì còn có nghĩa là trả lời cho câu hỏi....

Cái kiểu nhớ đó đúng là nhớ về Tình Yêu ĐẦU

Ảnh đại diện

Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim (Olga Berggoltz): Bản dịch của Butgai

Trái tim mình chưa bao giờ em dè xẻn:
Trong lời ca, tình bạn hay đau khổ, đam mê,
Xin lỗi anh yêu. Việc gì qua thì cũng đã qua
Em cay đắng. Nhưng dẫu sao, đó cũng là hạnh phúc.

Trong những gì đam mê và đắng cay thổn thức,
Em lo âu về bất hạnh chưa trải qua,
Em căm hờn những điềm báo, những bóng ma
Em hoảng sợ… Nhưng dẫu sao, đó cũng là hạnh phúc.

Mặc lệ rơi, mặc sầu lo và trách móc
Quất vào mình như  những cành cây khô
Chẳng đáng sợ bằng lãnh đạm thờ ơ,
Tình yêu không thứ tha. Và đó là hạnh phúc.

Giờ em biết tình yêu là hủy diệt,
Không chờ thương hại, không thể bị chia đôi
Khi tình yêu còn tồn tại, còn tuyệt vời
Chưa tàn héo, thì đó là hạnh phúc.


TTN2008

Butgai cứ tạm đặt tên bài thơ này là Hạnh Phúc
Ảnh đại diện

“Anh thật buồn khi ngắm nhìn em...” (Sergei Yesenin): Kính chào đại ca

Butgai không biết nói gì hơn ngoài việc ngả mũ kính chào Đại ca Baymuoi, người mà Butgai cảm nhận có lẽ là "bậc hiền triết" trong tiếng Nga, tiếng Việt cũng như thơ ca. Lời lẽ của cao nhân này thật ngắn gọn mà súc tích, đến độ người bình thường phải hiểu vị ấy là hiền nhân thì mới thốt lên đuợc những lời "vàng ngọc" ấy.
Ôi, giá mà được xem một bản dịch hay một cái phân tích rõ ràng hơn của "nhà hiền triết" này ở đây thì hạnh phúc cho những người trần mắt thịt như Butgai quá...

Thực ra, cách bình luận kiểu đó là hồi chuông báo động cho một cách giao tiếp trên mạng. Văn hóa nói chung và văn hóa giao tiếp thông thường không như vậy.

Khi giao tiếp qua mạng, người ta dễ dàng nói những điều mà nếu đứng trước mặt nhau, có một chút hiểu biết về nhau, người ta sẽ không nói. Người ta sẽ biết lượng sức mình, sức người trước khi phát ngôn hơn...

Butgai được học về kinh nghiệm làm việc là khi cần nói với nhau điều gì thì tốt nhất là gặp trực tiếp (face to face), nếu không thể gặp được thì dùng điện thoại (voice) và cuối cùng mới dùng cách viết thư (email). Như vậy đủ thấy viết không phải là phương thức giao tiếp hiệu quả. Bởi khi viết, người đọc, vì không nhìn được mặt, không nghe được giọng nói nên rất dễ hiểu sai thái độ của người viết. Chỉ nên viết những gì ít nhạy cảm và với thái độ xây dựng, không ngạo mạn...

Kính

Ảnh đại diện

Tình ca (Olga Berggoltz): Bản dịch của Butgai

Lang thang bước một mình trong thành phố
Em ca thì thầm bài hát không tên...
Nơi đây đã chia cắt, anh và em
Từ chỗ này ta ngậm ngùi ngoái lại

Nhìn lần cuối, rồi bước chân đi mãi,
Dẫu đôi ta cùng cảm nhận đau thương
Bụi phấn hoa đang tràn ngập phố phường
Những chiếc lá mơn man, và nước biếc.

Em sẽ bằng lòng hiến dâng đến hết -
Mặc tiếng cười chê và bất cứ giá nào
Để một lần về nhìn lại chốn nao
Được một lần thấy anh đi, xa mãi

Ảnh đại diện

Bài thơ cuộc đời (Gửi Boris Kornilov) (Olga Berggoltz): Bản dịch của BútGai

...Và tất cả đổi thay, và em nay cũng khác
Em hát khác xưa, khóc cũng vì điều khác mất rồi
B. Kornilov

Gửi Boris Kornilov

Đã khác xưa rồi, vâng, em đã khác!
Cuộc đời này sao vụt mất quá nhanh.
Em già nhiều, còn nhận ra nữa không anh,
Hay vẫn nhận ra?... Nói với em anh nhé!

Em không cầu xin một lời tha thứ
Thề thốt ư - vô ích - chẳng làm gì,
Nhưng, em tin, nếu anh lại quay về
Nếu như anh còn nhận ra em được...

Thì chúng mình, giận hờn quên được hết
Chung bước bên nhau, như trước, trọn đời
Chỉ khóc, khóc ròng và khóc mãi không thôi
Anh và em, ta sẽ hiểu vì sao mình khóc!...

2.
Trong trí nhớ chuyện ngày xưa xa lắc
Em hồi tưởng những bài hát đầu tiên:
"Sao trên dòng Nhêva cháy lung linh
Họa mi hót nơi vùng ven sâu lắng..."

Năm tháng trôi càng ngọt ngào cay đắng
Trái đất này vẫn bát ngát xanh
Nên bây giờ - anh đã đúng đó anh,
Hỡi tình đầu, hỡi tình em đã mất:

“Em khóc đã vì một điều khác trước
Bài hát xưa cũng không hát nữa rồi..”

Những cô bé, cậu trai lại nối dòng đời
Vẫn hoàng hôn, sóng Nhêva thuở trước
Vẫn bài hát xưa, lại vui mừng, thổn thức...
Tuổi thanh xuân, muôn thuở vẫn vậy thôi!

Ảnh đại diện

Ôi giá như... (Olga Berggoltz): Hê hê, Không đùa nữa

Butgai sửa rồi đấy. Cố gắng giữ đúng từ trong bản gốc và tránh từ HXT đã dùng. Cũng may là tiếng Việt khá phong phú.

Trang trong tổng số 4 trang (37 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: