Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại (Xuân Quỳnh): Bài thơ “Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại” - một nỗi nhớ tràn đầy niềm lạc quan tin tưởng

Trong những nỗi khổ của con người thì “Ái biệt li khổ” là một. Yêu nhau mà phải xa nhau thì khổ lắm. Khổ vì ngóng đợi, khổ vì những lo lắng cho người xa nhà. Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại của Xuân Quỳnh là một bài thơ như thế.

Bài thơ được viết năm 1985, lúc này, chồng bà, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đang hăg say làm việc và đã cho ra những vở kịch mang hơi thở thời đại, phản ánh những mặt trái của xã hội trong những năm cuối của chế độ quan liêu bao cấp. Ông thường phải đi xa, đến các tỉnh để dựng vở. Lúc này, đất nước không còn chiến tranh, nhưng những khó khăn thì vẫn còn và tâm trạng một người phụ nữ yêu chồng có thể có những lúc suy diễn quá lên. Nhưng cũng bởi tình yêu chồng thiết tha mãnh liệt bằng một trái tim riêng của Xuân Quỳnh.

Bài thơ được bắt đầu bằng một câu hỏi:

Thị trấn nào anh đến chiều nay
Mảnh tường vắng, mùa đông giá rét
Dẫu em biết không phải là vĩnh biệt
Vẫn thấy lòng da diết lúc chia xa
Tâm trạng một người phụ nữ ngóng chồng. Thời đó phương tiện thông tin chưa hiện đại như bây giờ nên không thể anh đến nơi nào rồi gọi điện về nhà cho vợ yên tâm. Thế nên, khi anh đi rồi cũng chỉ biết rằng anh đi về phương ấy. Nỗi thắc thỏm trong lòng chỉ yên khi anh trở về. Người vợ ở nhà suy đoán, có thể nơi anh đến là một thị trấn nào đó heo hút và nỗi nhớ càng trở nên da diết. Câu thơ “Dẫu em biết không phải là vĩnh biệt” như là tự trấn an mình vậy.

Cuộc đời anh là những chuyến đi xa, hết chuyến công tác ấy anh về, nhưng là để chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Và nỗi nhớ lúc này đã chuyển thành sự suy tính thay cho anh:
Xóm làng nào anh sẽ đi qua
Những đồng lúa, vườn cây, bờ bãi...
Dẫu em biết rằng anh trở lại
Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh.
Nơi anh sẽ đến có thể là những nơi phố xá đông người, có thể là miền đồng bằng thanh bình yên ả. Nhưng dù ở đâu thì lòng em vẫn theo anh. Anh đi rồi em buồn nhưng cố nén, vẫn tin rằng anh trở lại và tự an ủi mình, tự động viên mình “Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh”. Còn phía có anh thì luôn vui vẻ. Em luôn ở bên anh dù trong tâm tưởng nên ngọn gió buồn không thổi về nơi đây. Niềm vui của anh cũng là niềm vui của em và em hy vọng xua đi nỗi buồn trong anh.

Chờ đợi và chờ đợi, thời gian trôi đi trong nỗi nhớ của em:
Thời gian trôi theo cánh cửa một mình
Hạt mưa bụi rơi thầm trên mái ngói
Tờ lịch mỏng bay theo lòng ngóng đợi
Một con đường vời vợi núi cùng sông
Một mình em ra vào trong ngôi nhà vắng, xa nhau một ngày dài tựa trăm năm, vì thế mà có thể đếm được những hạt bụi rơi dù rất nhẹ, rơi thầm xuống mái nhà, nỗi nhớ dầy lên theo từng tờ lịch. Một con đường vời vợi núi sông cũng chính là nỗi nhớ trong lòng em vời vợi.

Rồi khi kiên nhẫn đã cạn, sự lạc quan dù vẫn còn nhưng dần dần thay vào đó là sự lo âu, không thể chịu được nữa, em đã gọi tên anh:
Gọi ngàn lần tên anh vẫn là không
Chỉ lá rụng dạt dào lối phố
Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên.
Tiếng gọi thầm cứ rơi vào thinh không mà chẳng có phản hồi. Như một viên sỏi ném xuống một cái giếng sâu vô tận. Rồi tác giả lại chợt nhận ra sự lo lắng của mình là thái quá. Nên lại tự trấn an mình:
Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên.
Câu kết của bài như vỡ oà trong nỗi nhớ. Sự dồn nén đến lúc không kìm nén được nữa, tâm sự từ đáy lòng mới bật ra. Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại nhưng vẫn nhớ vô cùng, nhớ không một phút nguôi quên.

Xin trở lại với tên bài thơ, ở đây có hai cách đọc. Cách thứ nhất: “Dẫu em biết/ chắc rằng anh trở lại”, cách này cũng chưa thật chắc vì cụm từ “chắc rằng” đó còn mơ hồ. Cách thứ hai: “Dẫu em biết chắc/ rằng anh trở lại”, đây mới là cách đọc đúng, mới thể hiện đúng nội dung của bài thơ. Còn tại sao không phải là “trở về” mà lại là “trở lại”, có thể hiểu do áp lực của vần mà phải thay “về” bằng “lại”. Nhưng nếu xét về nghĩa thì “về” vẫn hay hơn.

Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, nỗi của người vợ có chồng xa nhà thời nào cũng thế. Nhưng với Xuân Quỳnh có những nét rất riêng, rất Xuân Quỳnh.

Nỗi nhớ chồng của người thiếu phụ trong Khuê oán:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu
Thiếu phụ chỉ chợt nhớ chồng khi nhìn phía đường xa cây lá đổi màu, trời đã chuyển mùa, lúc này mới cần đến hơi ấm của chồng và phong hầu trở nên vô nghĩa.

Nỗi nhớ của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
...........
Nỗi nhớ trong lòng người chinh phụ cũng chỉ là nỗi sầu:
Lúc ngảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?
Lòng chàng ví cũng bằng như thế
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Và trong đó có cả sự hoài nghi đối với chồng, sự hối tiếc vì đã không khuyên chồng đừng bước vào con đường công danh mà phải chịu cảnh một mình đơn chiếc.

Thế mới biết cái nhớ chồng của Xuân Quỳnh vừa cao cả, vừa lạc quan biết bao nhiêu. Bởi vì việc đi xa của anh là việc dân việc nước chứ lợi ích về kinh tế thì chẳng khác gì so với ở nhà, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Đó cũng là sự hi sinh tình cảm riêng tư cho sự nghiệp chung của dân tộc dù cho đất nước đã im tiếng súng nhưng vẫn còn đó những kẻ thù. Kẻ thù là cái xấu, là cái ác, là cái lạc hậu... và chồng cô, người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá.

Nỗi nhớ chồng như thế thật đáng khâm phục làm sao!

Ảnh đại diện

Em đến những nơi anh qua (Xuân Quỳnh): Em đến những nơi anh qua - một bài thơ tình thời chiến - một niềm tin son sắt, thuỷ chung

Bài thơ Em đến những nơi anh đi qua được Xuân Quỳnh viết năm 1969. Lúc này bà đã là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Công việc đòi hỏi bà phải đi nhiều nơi, thêm nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào thời kì ác liệt. Bài thơ được ra đời trong một chuyến đi công tác như đầy gian khổ như thế. Mở đầu là một không gian thơ đầy dấu vết chiến tranh. Người yêu của cô gái là một chiến sĩ. Những bước chân anh đã đi qua nhiều chiến trường, hành quân qua nhiều miền quê hương đất nước. Nơi hôm nay cô đặt chân đến có thể là nơi anh đã đi qua. Cuộc đời người chiến sĩ hành quân chiến đấu theo mệnh lệnh và phải đảm bảo bí mật. Cảm giác như dẫm lên những bước chân người yêu khiến cô bồi hồi. Trên những con đường đầy vết đạn bom, nơi nào in dấu chân anh.

Em đến những nơi anh qua
Nên gặp anh em chẳng gặp
Thầm nhớ dấu chân trên đất
Dẫu đường đầy vết đạn bom
Nỗi nhớ người yêu trong cô không phải chốc lát mà theo cô đi tiếp:
Em dừng chân bên cửa sông
Nghe gió xa về bát ngát
Dáng anh như một cánh buồm
Vượt tầm thuỷ lôi phía trước
Nơi cửa sông gió về bát ngát, nhớ anh và liên tưởng hình ảnh của anh như một cánh buồm căng gió vượt qua khó khăn nguy hiểm. Người yêu của cô nhất định là một chàng trai khoẻ mạnh và dũng cảm.

Nỗi nhớ ấy tiếp tục theo bước chân cô:
Chiếc cầu ngang sông em bước
Nhớ chuyến phà đêm anh qua
Giữa bom đạn giặc như mưa
Quyết liệt giành từng sải nước
Nơi mà cô đến là một chiếc cầu, còn có thể nơi anh đi qua đêm nào trong mưa bom bão đạn là một chiếc phà nào đó cũng trên dòng sông này. Cuộc chiến đấu của anh vẫn đang diễn ra gay go từng giờ từng phút. Bom đạn như mưa, quyết liệt giành từng sải nước đủ để nói lên nguy hiểm, khó khăn và tính chất gay go của cuộc chiến đấu. Không chỉ trực tiếp đối mặt với kẻ thù ở mặt đất mà còn đối mặt với giặc trời.

Nỗi nhớ ấy tồn tại trong cả những bữa ăn vội vã thời chiến:
Bát cơm ăn trên mặt đất
Nghĩ đến bát cơm trộn cát
Nắng gió trải khắp đồi cây
Thương căn hầm anh ngột ngạt
Thương anh trong những căn hầm ngột ngạt dưới những đồi cây, bát cơm lẫn cả cát vào. Thật là gian khổ. Trong chuyến công tác của cô cũng chứa đầy sự nhọc nhằn nhưng chưa bằng nỗi vất vả của anh. Hình ảnh “nắng gió trải khắp đồi cây” tương phản với “căn hầm ngột ngạt” càng làm tăng lên những gian khổ mà bộ đội ta phải chịu đựng.

Rồi nỗi nhớ thương đó không phải chỉ một hai ngày:
Tháng tám về cùng biển động
Bão cuồn cuộn từ ngoài khơi
Lòng đất rùng rùng bom giặc
Ngủ yên sao được anh ơi!

Tháng năm rát mặt gió lào
Hoa héo trước khi hoa nở
Trận địa anh bên Trường Sơn
Đứng vững giữa vòng toạ độ
Người đọc nhận ra rằng điều kiện thời tiết liên tục bị thay đổi theo hướng bất lợi. Bắt đầu là “gió về bát ngát” rồi đến “nắng gió”, tăng lên “biển động”, “gió lào”. Nhưng người yêu của cô vẫn băng băng ra trận, nơi trực tiếp chiến đấu với quân thù, đồng thời phải chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt.

Bữa ăn của anh đã không ngon lành, giấc ngủ cũng chẳng yên. Thế nhưng trận địa của anh vẫn đứng vững. Chân dung người yêu của cô, người chiến sĩ dần dần được hiện ra một cách rõ nét hơn. Như một tượng đài sừng sững tạc vào trái tim cô.

Cứ như thế, nỗi nhớ thương người yêu, lo lắng cho người yêu theo từng bước chân cô:
Bãi dương trải bọt na pan
Xen lẫn bốn bề cỏ mọc
Pháo ơi giờ chuyển về đâu
Thương anh xém ngang mái tóc!
Đi qua bãi dương, nơi vừa mới đây một trận bom na pan trút xuống, đơn vị của anh bây giờ ở nơi nào? Qua bao nhiêu hiểm nguy như thế nhưng ta không nhận thấy trong đó một chút lo sợ, bi quan nào mà tiềm tàng chứa trong đó là sự lo lắng nhưng tích cực. Cô vẫn tin anh vượt qua được những khó khăn đó, đơn vị anh, những khẩu pháo bây giờ đang giàn trận ở đâu để chuẩn bị giội lửa xuống đầu thù. Nỗi nhớ ấy như một nguồn sức mạnh, để anh bình an, khoẻ mạnh và dũng cảm hơn trên trận tuyến chống quân thù. Niềm tin, tình yêu và hy vọng một ngày mai non sông thống nhất, Bắc Nam sum họp, anh về với em:
Thời gian không gian cách xa
Nhớ đến anh em chỉ nhớ
Nét mặt vừa quen vừa lạ
Trẻ như mặt những anh hùng.
Cuộc kháng chiến có thể năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn thế thì thời gian ấy cũng không có gì đáng kể. Những nơi anh đi qua, có nơi em cũng đến, nhiều nơi em chưa đến, nhưng trong tim em cháy mãi một niềm tin. Sự nhớ thương và niềm tin đó kết thành một đoá hoa tươi thắm:
Nhớ đến anh em chỉ nhớ
Nét mặt vừa quen vừa lạ
Trẻ như mặt những anh hùng.
Quen vì anh là người yêu của cô, lạ vì những chiến công anh đạt được. Và anh mãi mãi là thanh xuân, là tuổi trẻ. Câu thơ “Trẻ như mặt những anh hùng” khiến tôi nghĩ đến chàng trai làng Gióng. Tình yêu anh trong lòng cô lúc nào và ở đâu cũng phơi phới như mùa xuân, mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ và vì vậy trong lòng cô, anh mãi mãi trẻ.

Cả bài thơ là một lời khẳng định, người yêu của cô là một chàng trai khoẻ mạnh, dũng cảm và kiên cường. Đạn bom kẻ thù không làm anh chùn bước, điều kiện thời tiết, điều kiện của cuộc kháng chiến gian khổ không làm anh sờn lòng. Anh luôn tiến lên chiến đấu vì quê hương đất nước, chiến đấu để giành lại hoà bình, để cho anh được về bên em. Niềm tin của tác giả cũng chính là niềm tin của dân tộc, là sức mạnh diệu kì làm nên đại thắng Mùa Xuân.

Ảnh đại diện

Tự hát (Xuân Quỳnh): Vài cảm nhận về bài thơ “Tự hát” của nhà thơ Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc của những năm cuối thế kỉ XX, thơ của bà đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống bằng những trải nghiệm cá nhân rất riêng. Thơ tình của Xuân Quỳnh rất giàu nữ tính, đó là sự e ấp, nhẹ nhàng nhưng đầy những trăn trở về tình yêu, về hạnh phúc. Yêu như là lẽ sống và nhìn nhận tình yêu bằng cả trái tim mình.

Nếu như phần nhiều bài thơ tình của các tác giả khác chỉ dừng lại ở việc chinh phục tình yêu, ca ngợi tình yêu hoặc thể hiện tình yêu thì với Xuân Quỳnh, việc nuôi dưỡng, chăm chút cho tình yêu là vấn đề được nhà thơ quan tâm hơn cả. Tự hát là một bài thơ như thế.

Bài thơ được viết năm 1984, in trong tập thơ cùng tên do nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành.

Khổ thơ đầu tiên được bắt đầu bằng một sự cân nhắc như trước khi quyết định một vấn đề quan trọng:

Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Tác giả không mong muốn trái tim mình bằng vàng? Vì sao vậy? Người ta chả bảo “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” đó thôi? Nhưng đọc cả khổ thơ người đọc sẽ thấy, vàng mà tác giả nhắc đến ở đây là vàng kim loại- có giá trị cao về mặt kinh tế. Bởi vì anh là đàn ông, mà người đàn ông cụ thể là anh thì coi thường của cải. Vật chất dù có là quý giá thì cũng phải dùng đến khi cần. “Chả dại gì” là cách nói có tính nhấn mạnh, nhằm khẳng định một điều em không mơ ước trái tim mình như vàng thật. Còn “anh đã từng biết đấy” là cách nói nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ của người nghe đối với người nói. Khổ thơ vì thế mà sinh động hơn như là một đoạn đối thoại.

Không mơ ước trái tim mình bằng vàng, vậy thì so với Mặt trời thì sao?
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Bởi sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Mặt trời thì rực rỡ thật đấy, chói sáng thật đấy, nóng bỏng thật đấy nhưng chỉ là ban ngày thôi, còn ban đêm bóng tối bao phủ, khi đó em cũng không thể có anh ở bên, một mình anh với sự im lặng, cô đơn em cũng không có anh ở bên. Cái mà em quan tâm, cái mà em cần đó là anh. Em muốn bên anh cả ban ngày, cả ban đêm, cả khi vui, cả những lúc buồn. Ánh hào quang của mặt trời có thể giúp anh chói sáng, nhưng cái chói sáng đó cũng không bền. Không ít những người đàn ông thành đạt là nhờ vợ, nhưng những thành quả đó người vợ có được hưởng không? Ít lắm.

Hai khổ thơ đầu đã làm rõ một mong muốn còn cao hơn, đó là em được ở bên anh thường xuyên trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vàng tượng trưng cho vật chất, mặt trời tượng trưng cho danh vọng. Mang vật chất và danh vọng để đắp xây hạnh phúc đều là những phương án bất khả thi.

Không là vàng, cũng không là mặt trời, vậy thì tác giả xác định trái tim mình là gì?
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Nếu như trái tim được coi là biểu trưng của tình yêu thì chức năng của nó là duy trì sự sống. Trái tim không thể làm sống lại những hồng cầu đã chết xét về mặt khoa học, nhưng trái tim có khả năng làm cho sự sống sinh sôi, nảy nở, câu thơ “Biết làm sống những hồng cầu đã chết” hoàn toàn có lí. Người ta nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Một mái ấm gia đình hạnh phúc không thể thiếu bàn tay của người phụ nữ biết vun vén, đảm đang, lo lắng cho những người thân trong gia đình đặc biệt là người chồng.

Xin trở lại với học thuyết phân tâm của Sigmun Freud, lần thất bại thứ nhất trong hôn nhân đã khiến tác giả hoang mang lo sợ và mất định hướng khi tiếp tục yêu. Vẫn con người ấy, vẫn tính cách ấy, vẫn trái tim ấy nhưng đã không thể có một mái ấm hoàn hảo. Những vô thức cá nhân dù cố tránh cũng vẫn bộc lộ, tác giả luôn lo lắng, luôn canh cánh trong lòng chức năng của mình và mình phải làm gì để có hạnh phúc. Đúng, phải là một trái tim hoàn thiện mới mong có được một tình yêu thực sự. Gia đình bất hạnh cũng như một dòng máu thiếu hồng cầu khiến cơ thể xanh xao vàng vọt, hạnh phúc mất vì khoảng cách giữa em và anh quá xa. Cái làm nên sự xa cách đó chính là thiếu đi tình yêu thương, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

Và đây nữa, tác giả tiếp tuc khẳng định:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Đọc khổ thơ, ta thấy hiện lên chân dung một người phụ nữ cổ điển với nhiệm vụ là “nâng khăn, sửa túi cho chồng”. Nếu như trong gia đình hiện đại, vợ chồng có nhiệm vụ kiếm tiền và nuôi con bình đẳng thì với quan niệm gia đình truyền thống, người vợ có nhiệm vụ chăm lo cho chồng con, phục vụ gia đình.

Trở về đúng nghĩa trái tim nghĩa là chăm lo cho chồng, cho những ước mơ của anh. “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đảm đang” là như thế. Em mong muốn anh hạnh phúc, vậy thì những gì anh mơ ước em cũng quan tâm và mong nó thành công. Đó là điều cốt yếu của một lứa đôi hạnh phúc, biết quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Qua những gì em nhận thức được làm cho trái tim em cảm động, đó là khi em nhận biết được những gì anh đã làm em hạnh phúc hơn. Sự tương tác qua lại, giúp đỡ lẫn nhau được thể hiện qua những câu thơ đó. Rồi “Biết yêu anh và biết được anh yêu”. Yêu và biết yêu là hoàn toàn khác nhau. Có người không biết thể hiện tình yêu của mình bằng những hành động cụ thể thì cũng không thể gọi là biết yêu. Có người được yêu nhưng không cảm nhận được, không biết đón nhận, như thế tình yêu cũng không thể gọi là trọn vẹn. Khổ thơ cho thấy một triết lí: Trong tình yêu, trong gia đình, vợ chồng phải biết quan tâm, chia sẻ với nhau, phải biết thể hiện tình yêu và đón nhận tình yêu.

Hai khổ thơ ở trên có 8 câu thì có đến 6 câu được bắt đầu bằng “biết”. Đó là những hành động cụ thể có ý nghĩa thiết thực để có một tình yêu bền vững. Nhưng đạt được như vậy phải đâu dễ dàng thực hiện được, bởi vì thế giới khách quan và cuộc sống luôn tồn tại những rủi ro, những khó khăn không lường hết được:
Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Bão giông thường xảy ra vào mùa hè. Bây giờ đã là mùa thu mà giông bão chưa yên. Hình ảnh “Những cửa sổ con tàu chẳng đóng” là điều kiện bất lợi khi giông bão đến. Ngoài kia “Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm” càng làm cho người khách đi tàu thêm lo lắng. Tác giả so sánh mình với một hành khách đi tàu, con tàu sẽ tới ga cuối cùng có tên là “Hạnh Phúc”. Nhưng trên hành trình của nó thì khó khăn quá, mong manh quá, nếu có xảy ra vấn đề gì thì ở bên ngoài cũng chỉ là dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm ấy sẽ không có người đến giúp đỡ. Một mình trước nguy cơ phong ba bão tố, biết tính sao đây. Tất cả để chỉ sự cô đơn, sự lạc loài khi em dấn thân vào cuộc đời anh. Anh cũng khó lường như đại dương, bình yên đó mà bão tố đó. Đàn ông là một thế giới bí hiểm khôn lường. Vì vậy mà em hoang mang lo lắng khả năng và sức mạnh của mình có vượt qua được hay không. Khổ thơ này khác với hai khổ thơ đầu. Nếu như hai khổ thơ đầu là sự cân nhắc, đắn đo khi lựa chọn cách thức để đi tìm hạnh phúc thì trong khổ thơ này, những khó khăn, thử thách được đặt liên tục, hết lớp này đến lớp khác, sự khó khăn càng cao hơn, càng chồng chất lên. Đúng vậy, cuộc sống là như thế, có khi nào bình yên.
Em lo âu trước xa tắp đời mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Cuộc đời thì dài, những lo toan không khi nào hết. Làm thế nào để giải quyết được hết những khó khăn đó? Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc đó, em không có bạn đồng hành. Có cách nào giúp em vượt qua những khó khăn đó không? “Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn” phản ánh cái tâm trạng hoang mang đến vô cùng, lo lắng đến vô cùng. Lo lắng chứ không lo sợ, em vẫn tìm cách vượt lên mà không hề có ý định quay lại hay chối bỏ. Em dám đương đầu với mọi hiểm nguy. “Trái tim đập cồn cào cơn đói”. Một sự thúc giục từ bên trong để thoả mãn nhu cầu của mình. Cái đói cũng là cái thiếu, là cái mình cần. Em cần có hạnh phúc, em cần có anh.

Trở lại với hai khổ thơ đầu, nếu trái tim em là vàng, là mặt trời thì biết đâu có thể giải quyết được. Những lo toan vật chất đã có vàng thay thế, khi chỉ cần một ngọn lửa le lói thì đã có hẳn một vầng mặt trời rực rỡ? Nhưng không, tác giả có lí do của mình:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Dù thế nào em cũng chỉ cần trái tim mình theo đúng nghĩa. Xét về mặt sinh học nó cũng là máu thịt, nếu trái tim ấy ngừng lại thì có nghĩa là cơ thể sẽ chết. Ba câu thơ ấy hàm chứa một sự so sánh. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, họ cũng có trái tim bằng máu thịt, họ cũng phải trải qua những khó khăn thử thách khắc nghiệt rồi họ cũng đến được bến bờ hạnh phúc. Vậy tại sao ta lại không làm được?

Nếu như hai câu đầu trong khổ thơ thứ ba và thứ tư được nhấn mạnh “Em trở về đúng nghĩa trái tim” thì ở khổ thơ này, câu thơ ấy có sự phát triển “Em trở về đúng nghĩa trái tim – em”. Ở hai câu trên là trái tim chung chung còn ở câu thơ đầu trong khổ thơ này, tác giả chỉ rõ “trái tim em”. Trái tim em khác với những trái tim khác ở chỗ “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

Vàng không mua chuộc được, danh vọng không làm mờ mắt, khó khăn vất vả không làm em chùn bước, kể cả khi em không còn sống nữa thì tình yêu yêu em vẫn dành cho anh. Chao ôi! Một trái tim yêu đến như thế chắc chắn là mức độ yêu tuyệt đối, không thể còn có ai yêu mãnh liệt hơn thế. Yêu anh cả khi đã về thế giới bên kia. Một tình yêu sắt son chung thuỷ, yêu như một con chiên ngoan đạo yêu chúa, yêu như là tình yêu máu thịt. Câu thơ đọc lên mà thấy rưng rưng.

Nhà thơ Rasul Gamzatov (РАСУЛ ГАМЗАТОВ 1923-2003) đã viết:
Tình yêu tôi như cây tiêu huyền hai nhánh
Một nhánh vừa khô thì một nhánh đâm chồi
Tình yêu tôi như chim đại bàng hai cánh
Một cánh sải dài khi một cánh khép hờ thôi!

Trong ngực tôi, hai vết thương nhức nhối
Một vết còn đau khi một vết liền da
Và cứ thế, suốt cuộc đời bất tận
Niềm vui với nỗi buồn, từng phút nối nhau qua!

Đaghextan của tôi
Tình yêu mà Rasul Gamzatov nói tới là thứ tình yêu liên tục gặp những đớn đau, những khó khăn, thử thách. Như một cái cây, khô nhánh này lại mọc ra nhánh khác, như đại bàng không ngừng đập cánh dù những vết thương cứ liên tục hành hạ. Cứ thế cuộc đời trôi qua. Niềm vui và nỗi buồn đi qua cuộc đời có tính quy luật và tác giả thụ động tiếp nhận không có tác động nào để chống chọi lại. Còn tình yêu của Xuân Quỳnh là quyết tâm vượt qua những thách thức, vượt qua những khó khăn kể cả tình huống xấu nhất xảy ra, một thứ tình yêu chân thành, nồng nhiệt mà đầy nghị lực, yêu đến quên cả bản thân mình. Đó mới chính là sự hy sinh trong tình yêu.

Bài thơ khá dài được kết cấu thành các khổ thơ, mỗi dòng thơ thường có 8 chữ và cách gieo vần có sự biến hoá linh hoạt, mang âm hưởng của thơ Đường càng làm cho cái tình, cái ý thơ thêm sâu sắc.

Tự hát, tự mình hát lên bài ca về tình yêu, tự mình nói nên nỗi lòng mình, những phút trải lòng của một người đàn bà đã qua những thăng trầm trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc không thể dùng vàng mà mua, không thể dùng hào quang mà chiếm đoạt, hạnh phúc không thể trông chờ vào may rủi, hạnh phúc là chia sẻ, là gánh vác, là trách nhiệm, là một hành trình phải vượt qua những thử thách cam go và yêu cả khi chết đi rồi. Đó chính là tình yêu của Xuân Quỳnh và chính là triết lí về yêu của Xuân Quỳnh.

K.G. Paustopski, nhà thơ Nga đã nói: “Hạnh phúc sẽ tự mất đi khi nào người ta tự thoả mãn về nó. Hạnh phúc sẽ chỉ bền vững khi người ta luôn luôn vươn tới và hoàn toàn khát vọng.” Hãy khát vọng và tìm cách đạt được bằng chính trái tim mình, đó là cách để người ta yêu. Tình yêu làm cho cuộc sống đẹp hơn và đáng sống hơn.

Ảnh đại diện

Thơ viết ở biển (Hữu Thỉnh): Đọc lại bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh là một nhà thơ quân đội. Độc giả hẳn đã quen với Năm anh em trên một chiếc xe tăng và nhiều bài thơ khác của ông viết về người lính. Nhưng hẳn độc giả cũng quen thuộc với một thi phẩm của ông viết về tình yêu. Đó là bài Thơ viết ở biển in trong tập Thư mùa đông năm 1994. Ta hãy xem Hữu Thỉnh viết về tình yêu như thế nào.

Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn.
Mặt trăng và mặt trời vốn chỉ có một và tạo hoá sinh ra chúng đã lẻ. Nhưng khi anh xa em thì ngay cả những hiện tượng tự nhiên bình thường cũng trở nên bất thường.

Tác giả lấy hình tượng thuyền và biển vốn rất quen thuộc để nói về anh và em, trong đó anh được ví như biển, em được coi là thuyền. Biển nâng đỡ con thuyền, biển là nơi cho con thuyền em được thoả sức ra khơi.

Bao la là đại dương, mênh mông là biển rộng. Biển bao dung thu nhận tất cả và cho con người bao khoáng sản, hải sản. Biển thật mạnh mẽ. Mạnh mẽ như một chàng trai khoẻ mạnh. Nhưng sẽ là cô đơn, là lẻ loi, là buồn cho biển nếu như không có cánh buồm. Một chàng trai khoẻ mạnh để làm gì nếu không có người yêu? Một thứ tình yêu gắn bó, khăng khít không thể chia lìa.
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím.
Gió thổi mòn đá núi dù gió chỉ là dòng không khí chuyển động, vậy mà có khi như những nhát roi quất vào làm cho những khối đá vững chắc phải tổn thương. Em xa anh tưởng như vô hại, mà làm anh phải buồn khổ đến thế. Em cũng không phải là bóng chiều đe doạ tắt đi ánh sáng rực rỡ của ban ngày mà bao trùm lên bằng một màn đêm đầy bóng tối. Nhưng em đã nhuộm anh đến tím vì sao? Sự ảnh hưởng này không phải xuất phát từ người con gái mà chính từ người con trai, người con trai đã yêu người con gái và cảm giác này tồn tại riêng ở anh. Sự “nhuộm anh đến tím” ở đây phải chăng là sự thay đổi ở người con trai. Bởi vì anh yêu cô ấy. Có những câu thơ mà người đọc chỉ có thể cảm nhận mà không thể phân tích được rạch ròi, nhất là mang thi pháp học ra để soi chiếu thì lại càng không được. Hai câu thơ này là như thế chăng?

Xuân Quỳnh cũng dùng hình ảnh thuyền và biển để nói về tình yêu:
Nêu biển phải xa thuyền
Biển bạc đầu sóng vỗ
Xuân Quỳnh chỉ nêu ra một giả thiết, còn Hữu Thỉnh thì đang ở trong hoàn cảnh đó bởi câu đầu tiên “Anh xa em” nên tính thuyết phục cao hơn? Thêm nữa biển có bao giờ thiếu sóng bạc đầu?
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Vì sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em…
Cuộc đời của một con sóng được bắt đầu từ khi nó hình thành và kết thúc khi nó đã vào bờ. Khi phổ nhạc bài thơ này, người nhạc sĩ đã rất có lí khi thay cụm từ “chẳng đi đến đâu” bằng “có nghĩa gì đâu” để nói rằng chẳng để làm gì, chẳng có tác dụng gì, chẳng có ý nghĩa gì... Sóng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như nó không mang cô gái đến với anh. Hiểu một cách trực quan, con thuyền mà lại là thuyền buồm muốn chuyển động phải nhờ đến gió, mà gió thì tạo ra sóng. Thuyền và sóng chuyển động cùng chiều với nhau. Gió thổi mà làm gì, sóng vỗ mà làm gì nếu thiếu cánh buồm. Biển dài rộng mà làm gì nếu thiếu sự sống. Anh sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có em. Người đọc có thể nhận thấy có hai thứ sóng. Một là sóng của biển và một là sóng trong lòng. Sóng biển chỉ làm anh nghiêng ngả thân mình còn sóng trong lòng làm anh thay đổi như thế nào phần trên bài thơ đã nói đến. Theo tôi ba dòng thơ cuối chứa hai mệnh đề. “Vì sóng đã làm anh /nghiêng ngả”. Còn “Vì em.../...) thì khuyết vế sau mà thực ra tác giả đã làm rõ ở bên trên. Đây cũng là cách so sánh nhưng là so sánh ngược.

Mặt trời, mặt trăng, sóng, gió, biển. Tất cả đều cô đơn, đều lẻ loi khi anh xa em.

Cả bài thơ là một không gian rộng rãi nhưng mang màu sắc trầm buồn, một sự cô đơn, trống vắng đến mênh mang.
Tình yêu là như thế này đây.

Yêu nhau mà phải xa nhau khổ thế này đây.

Biển có khi đầy, có khi vơi. Tình yêu có khi mặn mà, có khi giông bão. Nhưng khi người ta đã yêu nhau thì trọn vẹn một tình yêu với nhau để khi xa nhau thì nhớ còn gặp nhau thì hạnh phúc vô bờ.


Huy Tráng

Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: