Trang trong tổng số 22 trang (220 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa huệ (William Blake): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Hoa hồng e lệ có gai che chở
Còn cặp sừng bảo vệ chú cừu non
Nhưng hoa huệ với sắc đẹp trắng trong
Chỉ tình yêu – huệ không cần gì cả.

Ảnh đại diện

Chúa sơn lâm (William Blake): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Chao ôi hổ! Hổ cháy bừng như lửa
Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm
Ánh mắt nào, bàn tay nào bất tử
Có thể tạo ra cái vẻ kinh hoàng.

Giữa trời cao, hay chốn nào sâu thẳm
Đôi mắt của ngươi rực lửa cháy lên?
Và nỗi khát khao nào trên đôi cánh?
Bàn tay nào ngọn lửa dám tịch biên?

Bờ vai nào, và từ đâu nghệ thuật
Tạo đường gân thớ thịt của con tim?
Mỗi khi con tim dồn lên nhịp đập
Chân tay nào tạo nên vẻ khiếp kinh?

Đe búa nào, và từ đâu xiềng xích?
Trong thử thách nào trí tuệ của ngươi?
Đã nhào nặn ra vòng vây khủng khiếp
Và cái ôm choàng sợ hãi không thôi?

Khi những vì sao tung ngọn giáo của ngươi
Và khi bầu trời tuôn ra dòng lệ
Thấy việc làm của mình có mỉm cười?
Cái người tạo ra cừu non và hổ?

Chao ôi hổ! Hổ cháy bừng như lửa
Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm
Ánh mắt nào, bàn tay nào bất tử
Dám tạo ra ngươi với vẻ kinh hoàng?

Ảnh đại diện

Đất hoang (Thomas Stearns Eliot): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

“Nam Sibyllam quidem Cumis ego ipse
oculis meis vidi in ampulla pendere, et cum
illi pueri dicerent: Σίβυλλα τί θέλεις;
respondebat ilia: άποθανείν θελω”.
(Tôi từng nhìn thấy Xibila ở Cumai ngồi trong chai.
Khi bọn trẻ hỏi: “Bà muốn gì, Xibila?”
Xibila trả lời: “Muốn chết” (tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ).

Tặng Ezra Pound
il miglior fabbro.
(bậc thầy cao hơn tôi (tiếng Italia)(1).

I. LỄ MAI TÁNG NGƯỜI CHẾT

Tháng tư là tháng khắc nghiệt, gây ra
Màu tím tử đinh hương của đất, rồi hoà
Ký ức với ước mong, và gây xúc động
Nguồn cội mơ màng bằng mưa xuân trút xuống.
Mùa đông sưởi ấm lòng ta
Chở che mặt đất bằng tuyết dày quên lãng
Nuôi cuộc đời bằng những cọng cây khô.
Mùa hè đến bất chợt trên hồ Starnbergersee(2)
Với những cơn mưa, chúng em dừng chân bên dãy cột to
Sau đó đi về Hofgarten trong ánh nắng
Chúng em uống cà phê và suốt cả giờ trò chuyện.
Bin gar keine Russin, stamm’ aus Litauen, echt deutsch.
(Em không phải người Nga, sinh ở Lít-va, là người Đức chính cống)
Ngày còn bé chúng em thường đến chơi với người anh
Hoàng tử Áo – anh ấy rủ em đi xe trượt tuyết
Thấy em sợ hãi thì anh ấy động viên:
Marie, em giữ cho chắc vào. Ta bắt đầu đầu trượt.
Giữa núi đồi sẽ thanh thoát nhẹ nhàng.
Em đọc sách ban đêm và đi về phương Nam mùa đông.

Rễ nào bám vào, cành nào mọc lên
Từ đá vỡ này? Con người trần(3)
Không thể nói ra, ước chừng, vì chỉ biết
Một đống hình vỡ, nơi ánh mặt trời đập
Cây chết không cho bóng, cào cào chẳng làm khuây(4)
Đá khô không có nước, mà chỉ có ở đây
Chiếc bóng của loài đá đỏ(5)
(Hãy đứng dưới bóng của loài đá đó)
Và em sẽ chỉ cho anh một cái gì đó
Không như cái bóng người buổi sáng ở sau lưng
Hay cái bóng buổi chiều ở trước mặt anh
Em sẽ chỉ ra trong một nắm tro tàn sợ hãi.
(Mát lành cơn gió thổi(6)
Gió thổi về quê hương.
Em nơi mô chờ đợi
Hở cô bé Ai-len?)
“Năm ngoái người trao em hyacinths(7) lần đầu tiên
Người ta gọi em là lan dạ hương thiếu nữ”.
– Nhưng khi ta trở về từ vườn Hyacinth đó
Tay em đầy hoa và mái tóc đầy sương
Anh không nói nên lời, đôi mắt anh mơ màng
Dở sống, dở chết, anh không biết gì hết cả
Anh nhìn vào con tim ánh sáng – và lặng lẽ
Od’ und leer das Meer(8).
(Biển hoang vu, vời vợi, triền miên).

Bà Sosostris(9) nhìn thấu được cả những cái vô hình
Dù bà có bị cảm lạnh nhưng mà vẫn
Nổi tiếng khắp châu Âu là người đoán đúng
Với một cỗ bài. Bà nói: con bài của anh kia
Người thuỷ thủ bị chìm của xứ Phê-ni-xi(10).
(Hãy xem kìa: đôi mắt như ngọc châu lấp loá)
Còn đây là Belladonna(11), bà chúa tể của bao vách đá
Bà chủ của những tình thế nọ kia.
Người đàn ông với ba cây gậy, và đây bánh xe
Còn đây là nhà thương gia một mắt
Quân này trống, có vật gì trên lưng được đặt
Thì ta chẳng nhìn ra. Không nhận ra
Người treo cổ. Hãy coi chừng chết đuối.
Ta thấy một đoàn người đi quanh vòng ấy.
Cám ơn. Nếu anh nhìn thấy ngài Equitone(12)
Thì nói rằng lá số ta mang đến cho ông
Thời buổi này hãy nhớ dè chừng, cẩn thận.

Thành phố có vẻ như trong tưởng tượng
Dưới làn sương mù của buổi sáng mùa đông
Người ta chen chúc nhau trên cầu Luân Đôn
Tôi đã không nghĩ rằng thần chết bắt nhiều người ghê gớm(13).
Những tiếng thở dài trong không trung hiếm hoi và ngắn(14)
Và mỗi người đều đưa mắt nhìn xuống bàn chân.
Đi lên đồi và đi xuống phố King William(15)
Nơi đồng hồ chuông Saint Mary Woolnoth buông xuống
Âm thanh chết của giờ thứ chín.
Tôi nhìn thấy một người quen và tôi gọi: “Stetson!
Có phải ta đã cùng chiến đấu trên tàu ở Mylae(16) không?
Cái xác mà anh chôn ở trong vườn năm ngoái
Có xanh tốt? Có nở hoa, kết trái?
Có sống qua được băng giá của đời?
Hãy tránh xa chó, chó không hẳn là bạn của người
Kẻo nó dùng móng chân của mình đào bới lại!(17)
Anh! Hypocrite lecteur! – mon semblable, – mon frère!”(18)
(Anh! Bạn đọc đạo đức giả! – người giống tôi, – người anh em của tôi!)


(1) Đề từ của trường ca lấy từ tác phẩm Satyricon (chương 48) của nhà văn La Mã Arbite (Gaius) Petronius (? – 66). Xibila ở Cumai (the Cumaean sibyl) xin thần Apollo cho một cuộc sống vĩnh cửu nhưng quên xin một tuổi trẻ vĩnh cửu. Cơ thể của Xibila nhăn nheo, teo tóp bỏ được vào trong chai. Trong Đất hoang Xibila trở thành bà Sosostris, là người giống như nhà tiên tri mù Tiresias trong thần thoại Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, Tiresias biến thành phụ nữ trong bảy năm rồi lại trở về làm đàn ông, sau đó trở thành người trọng tài trong cuộc tranh luận giữa các vị thần (Zeus và Hera): Ai là người nhận được nhiều hơn khoái cảm của tình yêu – đàn ông hay phụ nữ? Khoái cảm của phụ nữ mạnh hơn khoái cảm của đàn ông gấp chín lần – kết luận của Tiresias. Vì điều kết luận này mà nữ thần Hera tức giận, đã làm cho Tiresias trở thành mù nhưng được thần Zeus ban cho một cuộc sống trường thọ. Bậc thầy cao hơn tôi (il migllior fabbro) – đây là câu trả lời của Guido Guinizelli nói về A. Daniel trong những lời trò chuyện với Dante. (Dante. Tĩnh ngục, XXVI, 112-118).

(2) Starnbergersee – hồ nước ở gần Munchen (Munich). Hofgarten là tên một công viên.

(3) Xem: Cựu ước Ê-xê-chi-ên 2:1 (chú thích của Eliot): Hỡi con người, chân ngươi hãy đứng, ta sẽ phán cùng ngươi. ở chương 37:3 Chúa hỏi Ê-xê-chi-ên: Hỡi con người, những hài cốt này có thể sống chăng? Và Ê-xê-chi-ên trả lời: Lạy Chúa Giê-hô-va, chính Chúa biết điều đó!

(4) Xem: Cựu ước_Truyền đạo 12:5 (chú thích của Eliot), nơi người truyền đạo nói về những ngày gian nan, khó nhọc:
Lúc ấy người ta sợ hãi lên cao
Đi trên đường sẽ vô cùng khiếp sợ
Và sẽ trổ bông những khóm hạnh đào
Cào cào nặng, ước ao không còn nữa.

(5) Xem: Cựu ước_Ê-sai 32:2: Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi.

(6) Mát lành cơn gió thổi... lời thơ trích từ vở nhạc kịch câu chuyện tình Tristan und Isolt (Trixtăng và Iđơn, tiếng Đức) của Richard Wagne (1813-1883).

(7) Hyacinth – theo thần thoại Hy Lạp là một chàng trai trẻ đẹp. Sau khi Hyacinth chết thần Apollo lấy xác của hyacinth gieo thành loài hoa lan dạ hương.

(8) Biển hoang vu... tiếng kêu của người đầy tớ mà vua Mác sai đi nhìn ra biển xem có thấy con tàu chở Iđơn.

(9) Thầy bói có tên một Pharaon Ai Cập, Eliot lấy từ một bi kịch của A. Huxley.

(10) Xứ Phê-ni-xi (Phoenicia) – quốc gia cổ đại ở vùng biển Địa Trung Hải.

(11) Belladonna – tên Italia của một quân bài.

(12) Equitone – cũng là tên một trong các quân bài.

(13) Xem: Dante. Địa ngục, III, 55-57 (chú thích của Eliot):
Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc
Đông đến mức tôi không thể nào tin được
Rằng thần chết đã nhanh tay như thế!
(Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).

(14) Xem: Dante. Địa ngục, IV, 25-27 (chú thích của Eliot):
ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu van mà là tiếng thở dài
Làm xáo động cả bầu không khí.
(Nguyễn Văn Hoàn dịch, nxb KHXH. H., 2005).

(15) Đồng hồ chuông của nhà thờ Saint Mary Woolnoth trên phố King William là nơi Eliot thường qua lại khi sống ở Luân Đôn. Để đi đến khu trung tâm tài chính của Luân Đôn (City) cần đi qua cầu Luân Đôn sang bờ bên kia của sông Thames.

(16) Trận đánh Mylae (Battle of Mylae) trong chiến tranh Punic giữa người Roma và người Carthaganian năm 260 – 146 tr. CN.

(17) Eliot dẫn John Webster (1580-1625), tác giả của bi kịch Con quỷ trắng (The White Devil, 1612): “Hãy đuổi chó sói/ Kẻ thù của con người/ Để nó không dùng móng chân đào xác chết”. Đây là tiếng khóc của một phụ nữ có đứa con trai đã giết người anh em của mình rồi đào mồ chôn người anh em bị giết.

(18) Đây là một câu trong Những bông hoa ác (Les fleurs du mal) của Charles Baudelaire (1821- 1867).
Ảnh đại diện

Bản tình ca của cô gái điên (Sylvia Plath): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

“Nhắm mắt lại, cả thế giới lụi tàn
Mở mắt ra, tất cả đều mới mẻ
(Em cứ ngỡ rằng em đã nghĩ ra anh).

Những ngôi sao với màu đỏ và xanh
Dưới trời hoàng hôn tối đen như mực
Nhắm mắt vào, cả thế giới lụi tàn.

Hướng về ánh mắt, bờ môi dịu dàng
Và những bài ca dưới trăng em đợi
(Em cứ ngỡ rằng, em đã nghĩ ra anh).

Cả cơn nóng địa ngục và Thượng Đế không còn
Biến mất hết cả thần tiên, quỷ sứ
Nhắm mắt vào, cả thế giới lụi tàn.

Em mơ màng những câu nói của anh
Rồi lớn lên, và rồi em quên lãng
(Em cứ ngỡ rằng, em đã nghĩ ra anh).

Yêu con chim tiếng sấm, trong cái lần
Giữa mùa xuân, không dữ dằn đến nỗi
Nhắm mắt vào, cả thế gian tàn lụi
(Em cứ ngỡ rằng, em đã nghĩ ra anh).”

Ảnh đại diện

Ngày thứ hai muôn thuở (Sylvia Plath): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Anh sẽ là ngày thứ Hai muôn thuở
Và sẽ đứng trong trăng.

Người trăng đứng trong vỏ bọc của mình
Thích ẩn mình sau đống củi
Ánh sáng rơi như phấn và lạnh lẽo
Trên vải trải giường.
Răng đập vào nhau giữa những đỉnh bệnh phong
Và những miệng hoả diệm sơn đã tắt.

Nó cũng chống lại thứ đen ngòm giá buốt
Có thể chặt củi mà chẳng nghỉ ngơi
Cho đến một khi cái bóng ma của mặt trời
Chưa bị phòng sáng của nó làm cho mờ nhạt
Còn bây giờ công việc của địa ngục ngày thứ Hai trên quả cầu trăng
Không còn lửa, bảy biển lạnh trói vào mắt cá của chân.

Ảnh đại diện

Tình địch (Sylvia Plath): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Nếu trăng mỉm cười, trăng cũng giống như cô
Cô cũng gây ấn tượng như trăng, y hệt
Ấn tượng của một cái gì đó đẹp, nhưng hủy diệt
Đều là những kẻ ưa gom ánh sáng về mình
Miệng trăng làm khổ đời, còn miệng cô thản nhiên.

Làm mọi thứ trở thành đá, là tài năng đầu tiên
Của cô ở đây, còn tôi thấy mình trong lăng mộ
Gõ ngón tay trên bàn cẩm thạch, cô tìm thuốc lá
Hằn học như phụ nữ nhưng không cáu bẳn bực mình
Rồi thốt ra một điều gì có chứng cớ hiển nhiên.

Trăng cũng lăng mạ những thần dân của mình
Nhưng giữa ban ngày trăng quả là lố bịch
Sự bất mãn của cô ở trong bàn tay khác
Xuyên qua đường bưu điện, vẻ quyến rũ thường xuyên
Trắng và trong, nhưng như thán khí lan truyền.

Không ngày nào không nghe về cô những cái tin
Có thể cô đi dạo ở châu Phi, nhưng nghĩ về tôi đấy.

Ảnh đại diện

Khúc hát ban mai (Sylvia Plath): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Tình yêu dẫn dắt anh như chiếc đồng hồ vàng
Bà mụ vỗ vào chân, vào tiếng kêu của anh
Chiếm chỗ của mình trong từng nguyên tố.

Những lời vang lên đón chào anh. Bức tượng mới
Trong bảo tàng, anh trần truồng che chở
Bóng của chúng tôi. Quanh anh như những bức tường.

Em sẽ là mẹ của anh, không hơn
Một đám mây tan trong gương, phản chiếu
Trong bàn tay của gió sự ra đi chầm chậm của mình.

Hơi thở của anh như sâu bướm suốt đêm
Nhấp nháy giữa hoa hồng, và em tỉnh giấc
Nghe tiếng rì rào của biển chốn xa xăm.

Một tiếng kêu, em suýt ngã xuống từ giường
Như một con bò sữa trong chiếc áo đêm
Miệng anh mở như miệng mèo. Hình vuông cửa sổ

Có màu trắng, nuốt những ngôi sao. Còn anh thử
Nắm bàn tay của bao nhiêu câu chữ
Những nguyên âm sạch vẫy vùng như những quả bóng giữa không trung.

Ảnh đại diện

Cây anh túc tháng mười (Sylvia Plath): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Ngay cả mây trời sáng nay cũng không sai nổi váy
Không có người phụ nữ ở trong xe cấp cứu
Trái tim đỏ của nàng ánh lên áo khoác đến sững sờ –

Tặng vật của tình yêu
Tự ý và dứt khoát
Dưới trời

Cháy như lửa và nguôi
Thán khí bừng trong đôi mắt
Lờ đờ dưới vành mũ quả dưa.

Ôi, lạy Chúa, ta là ai
Sẽ kêu lên những lời đã muộn
Trong rừng băng, trong bình minh của những bụi thỉ xa.

Ảnh đại diện

Gương (Sylvia Plath): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Tôi bằng bạc. Tôi không thành kiến, mà chính xác
Nhìn thấy thứ gì, hấp thụ hết vào gương
Như vốn có – không bị phủ mờ bởi ghét và thương
Tôi không dữ dằn, tôi chỉ yêu sự thật.
Con mắt của Chúa, con mắt trong bốn góc
Thường suy tư, nhìn đối diện bức tường
Bức tường hồng vấy bẩn. Tôi nhìn, tôi suy ngẫm
Tường là một phần của trái tim. Nhưng tường run bắn
Bóng tối và mặt người làm cho cách biệt thường xuyên.

Tôi là mặt nước hồ. Phụ nữ cúi trên gương
Họ nhìn vào tôi để tìm ra con người thật
Rồi hướng về nến và trăng – những kẻ chuyên lừa lọc
Tôi nhìn thấy lưng nàng và phản chiếu trong gương
Phụ nữ khóc lên, hai bàn tay phụ nữ run run
Phụ nữ cần gương. Phụ nữ đi rồi trở lại
Mỗi buổi sáng khuôn mặt hiện trước gương từ bóng tối
Phụ nữ chìm trong gương cả thiếu nữ, cả khi đà luống tuổi
Ngày lại ngày đứng trước gương như con cá khủng khiếp vô cùng.

Ảnh đại diện

“Không phải chết vì lòng thương...” (Edna St. Vincent Millay): Bản dịch của Nguyễn Hoàng Ái

Không phải chết vì lòng thương, mà phải sống
Và uống và ăn để khỏe mạnh, lớn lên
Để máu nóng, để cho vững chắc xương
Để cảm nhận và trí khôn mở rộng
Ai kẻ xoay xở, bày mưu, kén chọn
Cứ mặc người ta kén cá chọn canh
Lòng thương hại của ta chỉ có chừng
Rồi không khéo sức lực đều phí uổng!
Ngày tháng Chín màu xanh nơi này, nơi nọ
Phong đỏ bừng trên những ngọn đồi xanh
Và mây trắng bay lượn giữa không trung
Người yếu đuối có lẽ cần giúp đỡ.
Ta nhất định sẽ xua đi nỗi buồn
Uống cốc đầy, ăn hạnh phúc như cơm.

Trang trong tổng số 22 trang (220 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: