Trang trong tổng số 11 trang (103 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Ông đồ (Vũ Đình Liên): Ông Đồ tân biên

ÔNG ĐỒ TÂN BIÊN
(Nhớ : Nhà thơ Vũ Đình Liên)
    ---------

Sắp tết thời "mở cửa"
Mấy "Ông Đồ tân biên"
Bày mực màu, giấy dó
Sân Văn Miếu kiếm tiền

- Nào Hán tự phồn thể
Quốc ngữ "ngoáy" tài hoa
Vốn liếng "tam thiên tự"
Múa bút "nảy" Dollar

Không ít người "thuê viết"
Chữ "Lạ" ngời Villa
-Ngữ nghĩa đâu cần biết
Đủ "sang" khoe "con Nhà"...

Đồ trẻ nay ít chữ
Lại xoay được tiền nhiều
- Thương Đồ già xưa cũ
Hồn dạt cõi đói nghèo !

Mỗi năm xuân với tết
Thư pháp "nhái" phun mưa
Vương Hi Chi sống lại (1)
Đến xem phải chào thua.

-(1) Vương Hi Chi (303-361) nhà thư pháp đời Đông Tấn bên Tàu xưa nổi tiếng với "Lan đình tự".

      Hà Nội, tết Tân Mão 2011
          Nguyễn Khôi
     (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội)

Ảnh đại diện

Lá diêu bông (Hoàng Cầm): Bình :Về bài thơ "Lá Diêu Bông"

Theo Nhà thơ Hoàng Hưng (đăng ở Văn nghệ LaGi & Talawas ngày 19-9-2010) thì :
Nhà thơ Hoàng Cầm viết tập thơ "Về Kinh Bắc" từ 1960-8/1982,trong đó bộ 3 nổi tiếng là "Cây-lá-quả" (cây tam cúc-Lá diêu bông-Quả vườn ổi)...giới Văn nghệ Hà Nội lúc đó " xì xầm (bài Lá diêu bông) diễn giải như lời oán trách của "em" (văn nghệ sĩ) với "chị"(Đảng), đại khái "em" yêu "chị", nhưng "chị" đã lừa "em" ăn toàn "quả rụng", rồi bỏ mặc "em" để đi lấy chồng...Vì vụ này (hậu Nhân văn-Giai phẩm) mà Hoàng Cầm bị đi tù 16 tháng, Hoàng Hưng xin được bản chép tay "về Kinh Bắc" cũng vô tình mắc luỵ bị bắt đi tù 39 tháng..."
  Bình : Văn thơ quả thật là đáng SỢ , viết thơ tình mà đâu phải là thơ tình ? ! mấy chục năm qua NK đọc Thơ Hoàng Cầm cứ tin là "tình thơ đích thực" té ra là mình cũng ngây thơ...thật là đáng yêu !
           Góc Thành Nam Hà Nội, ngày 19-9-2010
                            Nguyễn Khôi

Ảnh đại diện

Lá bàng (Băng Sơn): Viếng Nhà văn Băng Sơn

VIẾNG NHÀ VĂN BẮNG SƠN

  (nhớ : Băng Hồ, Hoàng Công Khanh )

Lễ viếng thưa người...toàn những văn nhân
"Nhà tang lễ Quốc gia" hình như rộng quá tầm văn sĩ ?
Nơi đây tuần trước lễ tang Vị Quan to hoành tráng hết ý !
Văn sĩ thanh bần chỉ có những Bạn Thơ...

Thế cũng là vui : lòng sáng tựa Sao Khuê
không bồn bộn tiền nong, chức quyền ngất ngưởng
Thân phận Nhà văn muôn đời bi tráng
Được Đời yêu thì cũng hết hơi !

Yêu Hà Nội thật lòng...là thế Băng Sơn ơi,
Những Thạch Lam,Băng Hồ, Huy Linh, Thế Phong, Hoàng Công Khanh...ai yêu hơn nữa nhỉ ?
như chỉ có Băng Sơn sống chết trọn đời !

Thế cũng là vui :di ảnh Anh mỉm cười nhìn bạn bè đến viếng
Thương thương quá như con tằm con nhện
nhả hết tơ vương luỵ với Đời...
Nén nhang này
Cầu chúc Anh lên cõi thảnh thơi...

    Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội 11 giờ trưa 5-9-2010
          Tiểu đệ Nguyễn Khôi- kính viếng...

Ảnh đại diện

Đề thi hậu (Giả Đảo): Góp ý với bản dịch của Pangde

@ Pangde :Bài "tuyệt cú" này của Giả Đảo thực ra chẳng có gì đặc sắc về nghệ thuật Thơ ca,nhưng nó lại rất nổi tiếng "để đời" vì nó nói lên cái "khổ ngâm" của trường phái "thôi xao" mà Giả Đảo là Tổ sư.Xin mở ngoặc (ở ta có bài thơ "con cóc" rất kỳ cục nhưng lại bất hủ "để đời" ai cũng thuộc ?)-còn chữ "ngoạ"(nằm)mà dịch là "chơi" thì e rằng Pangde đã "bất thưởng" với Giả Đảo rồi !
 Giả Đảo có 2 câu thơ khá hay :

Quái cầm đề khoáng dã
Lạc nhật khủng hành nhân

(chim lạ kêu đồng trống
Nắng tắt hãi người đi)

Âu Dương Tu bình :"nỗi khổ sở,hãi hùng của người đi chẳng phải hiện ra ngoài lời đó sao ?"-từ cảnh mà đọc ra tình là vậy !

Ảnh đại diện

Vịnh Thái Hồ (Hồ Chí Minh): Cái chưa đạt của bản dịch Trần Đắc Thọ

@ Tiêu Đồng Vĩnh Học :Cụ Khương Hữu Dụng là bậc thầy về dịch Thơ Đường,bản dịch của Cụ khá toàn bích...Còn bản dịch của Trần Đắc Thọ đã đi xa nguyên tác và có phần "sáng tác" ? Thơ tứ tuyệt dịch bằng 4 câu thất ngôn là đã giữ được chất vị Hàn Lâm sang trọng của nguyên tác;Còn chuyển sang lục bát ( thể loại Ca dao)dễ đọc,nhưng trường hợp như ở bài này là đã hạ xuống mức "nôm na"..."triêu dương noãn"(sớm nắng ấm)mà dịch là "nắng sớm xôn xao" là không hiểu gì về Thái hồ ?nên biết  đây là xứ Ôn đới,mùa đông băng tuyết,phải sang xuân hè mới có "dương noãn".Câu 4 :chữ "mãn" mà dịch là "tô điểm" thì rất đúng với câu răn dạy xưa nay :nếu dịch kém thì "dịch là phản"...chẳng còn gì mà nói nữa !

Ảnh đại diện

Vịnh Thái Hồ (Hồ Chí Minh): Chép sai câu thứ 2

@ Tiêu đồng Vĩnh Học : Câu thứ 2 phải là " Thái hồ rộng vượt Tây hồ xa ".
Thái hồ có 70 hòn đảo như 70 hạt minh châu được Nhà Trời thả xuống tô điểm cho sơn thuỷ hữu tình bậc nhất Trung Hoa...Ngày 19-6-2006 Nguyễn Khôi vãng cảnh Thái hồ có hứng khởi hạ bút 4 câu như sau (xin được chia sẻ cùng thi hữu ):

NGẮM THÁI HỒ

Hồ rộng sương mờ tựa biển khơi
Bảy mươi hòn ngọc trời để rơi
Bờ xanh dương liễu reo xanh gió
Thái hồ ai đó thả thuyền chơi...
             khoidinhbang

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Trao đổi với bạn Ý Như về 2 bài thơ "Tây Tiến"& "Đồng chí"

@ Ý Như: Theo thiển ý của NK thì 2 bài này đều viết về NGƯỜI LÍNH ,đều do 2 Nhà thơ Lính , cùng thời viết ra nhằm ca ngợi,tôn vinh Anh Bộ đội Cụ Hồ ( thời kháng chiến 9 năm chồng thực dân Pháp xâm lược );Hai bài thơ này đều thuộc "diện" THƠ HAY (trong số 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20-nxb Hội Nhà Văn 2007 ),được nhiều người yêu thích và đều được đưa vào Sách Giáo khoa giảng dạy trong Nhà trường CHXHCN VN. Tuy nhiên,cách bình phẩm,cách thưởng thức 2 bài thơ này,với riêng NK cảm nhận thì :
-Bài TÂY TIẾN là 1 trong 5 bài thơ vào loại HAY NHẤT trong số 100 bài chọn lọc kể trên ;Với bút pháp Hàn Lâm,đó là con chim đại bàng  vẫy lên đôi cánh mênh mông trên trời thơ xứ Việt...Nó đẹp hoành tráng,kỳ bí-đọc phải suy ngẫm,rất nhiều ý tại ngôn ngoại...chắc là kể cả mai sau,TÂY TIẾN còn tốn nhiều giấy mực người đời bình phẩm về nó ?
-Bài ĐỒNG CHÍ,với bút pháp bình dân,đó là thứ ca dao được chắt lọc cô đọng: lời lẽ ngắn gọn dễ hiểu,vừa tầm với những người Nông dân (bần cố)mặc áo Lính (thời 1947),đó là Con chim Sáo,chim Bồ câu gần gũi thân thưong với quảng đậi quần chúng thời buổi đầu Cách mạng.

Ảnh đại diện

Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu): Về bản dịch của Vũ Hoang Chương

Đến nay đã có trên 50 bản dịch Hoàng Hạc Lâu...nhưng xem ra chỉ có 2 bản là đáng đọc hơn cả-đó là bản của Tản Đà và bản của Vũ Hoàng Chương ( 2 Nhà thơ lớn của Dân tộc ).
Như ta đã biết : Thôi Hiệu,con ngừơiphát ốm vì làm thơ,Thi sĩ đã vận dụng hết mười phần công lực phá vỡ luật thơ thất ngôn,sử dụng 6 thanh "trắc" liên tiếp để "vẽ" lên và gửi vào đấy nỗi lòng (của con người thời đại):
   Hoàng hạc mhất khứ bất phục phản
   bạch vân thiên tải không du du
để đến bậc Thi hào bậc nhất đương thời là Lý Bạch phải  "đạo bất đắc " chịu thua,cúi đầu ra đi...
Còn Thi sĩ Vũ Hoàng...ở Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư, thì "ung dung rút kiếm(nói như Tô Thẩm Huy)là giữa trời thơ,phóng con mắt nghìn đời dõi theo cánh hạc đã mù khơi bay mất mà thong thả dụ dắt nó quay về trong cung bậc thất ngôn niêm luật ? Đó là 2 câu dịch thực hay của Vũ bay bổng giữa trời aỏ diệu:
   Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
   Trắng một màu mây vạn vạn đời.
một màu vàng lóe lên giữa trời vụt tắt,một màu vàng tung lên rồi vĩnh viễn ra đi,không,bao giờ trở lại,nhưng mãi mãi lấp lánh trong tâm tưởng và thân phận con người(kiếp nhân sinh).Đọc đến câu cuối "Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi" thì là cả một trời Đường Thi nghìn năm bỗng lay động.Giá như Thôi Hiệu xưa sống lại đọc bản dịch của Vũ thì chắc cũng rất tri âm tri kỷ với " sóng ơi,sầu đã chín,xin người thôi giục"đó là sóng của bể dâu,hưng phế .
  Ta thử đọc lại 2 câu theo âm Hán/Việt :
-Yên ba giang thựơng sử nhân sầu
-Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi !
Sẽ thấy: nội công thâm hậu của Vũ (tài hoa,lao tâm khổ tứ khi dịch):
 Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Nếu đưa chữ "hạc" lên đầu câu :
 Hạc vàng tung cánh đi đi mãi
thì cả một trời thơ lung linh tối sầm lại ?"
Chao ôi, Thi tài là thế-và có lẽ sau Vũ Hoàng...không ai nên dịch lại(Hoàng Hạc Lâu)nữa ?

Ảnh đại diện

Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu): về bài dịch của Nguyễn Đôn Phục& Tàn Đà

*1-Về bản dịch của Nguyễn Đôn Phục:Đây là bản dịch Quốc ngữ vào loại sớm nhất(Nam Phong tạp chí 1923),là bàn dịch đọc khá chối tai (rất trúc trắc)nhưng rất công phu,rất già tay(túc Nho);Công phu ở chỗ: theo sát nhạc điệu của nguyên tác,sát cả ở những chỗ sai niêm,thất luật.Nếu xét theo Nhà dịch thuật nổi tiếng đời Thanh là Nghiêm Phục đã nêu ra  tiêu chuẩn về dịch thuật là phải TÍN,ĐẠT,NHÃ...thì bản dịch của Nguyễn Đôn Phục còn ở mức "thô",chưa Đẹp và Sang như nguyên tác.
*2-Bản dịch của Tản Đà : trái lại,bay bướm nhẹ nhàng,văn chương trầm bổng theo cung điệu lục bát(đượm hồn dân tộc )...in ở Tạp chí Ngày Nay số 80,ngày 10-10-1937.
Tuy nhiên,theo nguyên tác: ở Thôi Hiệu,đó là cái không khí mang mang day dứt,nỗi bơ vơ hiu quạnh của thân phận con người lạc lõng giữa trần gian trong buổi hoàng hôn mà thiên đường (Quê hương) thì đã mù mịt lối về ! Cái không khí ấy đã bị Tản Đà thuần hóa trở nên nhu mì mềm mại,nhẹ nhàng trôi chảy trong dòng Ca dao (lục bát). Cái HAY của Tản Đà là ở chỗ ấy,nó vào hồn Người Việt là vì lẽ ấy;Nhưng nó cũng là cái hụt hẫng khi chuyển thể như thế vậy chăng?

Ảnh đại diện

Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu): Về tiểu sử Thôi Hiệu

"Hoàng Hạc Lâu" thuộc hàng đệ nhất Luật thi đời Đường.Tác giả của thiên kỳ thi tuyệt hảo này là Thôi Hiệu(?-754)người Biện Châu(nay là huyện Khai Phong,tỉnh Hà Nam),đỗ Tiến Sĩ năm Khai Nguyên 13(725),làm Quan đến chức Tư huân Viên ngoại lang(cỡ Vụ phó ngày nay-hàm ngũ phẩm).Ông bản tính lãng mạn,ham đánh bạc,rượu chè,thích "của lạ"(thay vợ đến 4 lần).Hồi trẻ thơ ông diễm lệ bóng bẩy;đến cuối đời phong thái cốt cách mạnh mẽ rắn rỏi,sáng tạo tân kỳ có thể theo kịp Giang Yêm,Bão Chiếu.Ông khổ vì ngâm vịnh đến trở bệnh xanh xao hốc hác cả người(hết mình vì làm thơ),Bạn ông đùa nói:"không phải Bác bệnh nó đến như vậy,bởi khổ vì ngâm thơ nên gầy mà thôi !
Ở Thôi Hiệu cho ta bài học : sở dĩ con người ta "thành đạt" là do có TÀI,có CHÍ và gặp THỜI ( ở đây là thời Khai Nguyên-Thiên Bảo rất thuận cho trí thức đi thi đỗ Tiến Sĩ,làm Quan và làm Thơ...tha hồ thi thố tài năng phò Vua,chấn hưng đất nước.)

Trang trong tổng số 11 trang (103 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: