TỪ "BÍCH CÂU THƠ 1" ĐẾN "BÍCH CÂU THƠ 2"...(Tiếp)
Bích Câu Thi Quán có 5 thành viên ở xa nhưng trước ngày 28 hàng tháng, vẫn đều đặn gửi bài về tham gia sinh hoạt CLB. Trong 5 thành viên đó, có 2 người đang ở xa Tổ quốc.
Nhà thiết kế Thời trang Bùi Nguyệt, sinh năm 1956, hiện sinh sống và viết tại Thành phố Chemnitz- CHLB Đức, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Chemnitz. Tháng 8 năm 2012 , chị về thăm Tổ quốc và xuất bản liền 2 tập thơ “ Bến xa” và “Hồn núi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).Lần đầu tiên chị gặp các thành viên Bích Câu Thơ ngoài đời như tình cảm người con đi xa trở về bên mẹ hiền.Thơ chị viết về nỗi nhớ thương gia đình, quê hương, đất nước với tình cảm thiết tha, đằm thắm. Nhớ từ “lối cũ” thơm mùi “hoa sữa”: “Bồi hồi tiếng vạc đẫm trời khuya”(Đêm thu) nhớ đến “Bông hồng trong sắc nắng” nơi có “nụ hôn nồng” và “hơi thở xa xăm” ( Biển mơ).
Tôi hằng nghĩ :Tình cảm thiêng liêng, vô tư nhất đối với mỗi con người ấy là tình mẫu tử. Trong những lúc ốm đau, buồn tủi hay xa cách, người mà ta nhớ nhất chính là người mẹ hiền và đứa con thơ dại.
Chị Bùi Nguyệt ở nơi xa xứ cũng luôn đau đáu nhớ đến mẹ già và con nhỏ.
Nỗi nhớ mẹ:
“Mẹ ơi! Nhớ mẹ mỗi chiều
Băn khoăn trăn trở nhiều điều thương con ”
(Tình mẹ )
Nỗi nhớ con:
“Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm “Mẹ ơi”
(Viết cho con)
Cùng viết về tình mẫu tử nhưng khi viết về “Tình mẹ”, chị thường so sánh , liên tưởng đến những hình ảnh lớn lao, có tính khái quát: “ nước non”. “ngọn núi”, “con đê”, “ngọn lửa”,”đại dương” mà vẫn rất thân thương gần gũi:
“Mẹ là người bạn đường đời
Chia cay sẻ ngọt nỗi người tha hương”
Còn khi “Viết cho con” chị thể hiện nỗi nhớ rất cụ thể : “tiếng con gọi mẹ trong đêm” với “vòng tay ấm áp” với vẻ mặt, giọng nói “ngây thơ trong trẻo” …mà ở nơi xứ người đêm đêm thổn thức:
“Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ…thả vần mờ đêm sương”
Người phụ nữ nào đã tững làm mẹ mà không rơi lệ trước câu thơ chảy máu của người mẹ trẻ cố nuốt lệ vào trong, rời xa đứa con thơ dại vì phải bươn trải mưu sinh nơi đất khách quê người?Chị ru mãi, ru mãi cho đến khi:
“ Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con”
Một hình tượng thơ đẹp, thấm đẫm tình mẫu tử.
Cũng như chị Bùi Nguyệt, nhà thiết kế Thời trang Hồ Thanh Bình, sinh năm 1972 đang sinh sống và làm việc tại thành phố Cheb, cộng hòa Séc.Tháng 8 vừa qua, chị về nước và cùng chị Bùi Nguyệt thăm Bích Câu Thi Quán. Chị gửi lại những bài thơ chứa chan tình cảm của người con xa xứ đối với quê hương, đất nước, với cha mẹ, chị gái:
“Cánh cò trắng chao nghiêng theo câu hát
Mái tranh xưa mẹ vẫn đợi cha về.
Cha ra đi hóa thân vào cổ tích
Mẹ sinh con trên đất Việt, máu và hoa!
Con đã đi xa
Chốn trời Âu dẫu rực rỡ nắng vàng
Vẫn ngỡ ngàng mơ…rơm nếp mới
Lúa chín, thơm lừng hương cốm
Trên đồng vàng, chị gặt cả mùa thu
Bến sông xưa, con đò cũ, gốc đa già
Nghiêng lưng trâu, trẻ mục đồng vắt vẻo
Tiếng sáo trúc gọi nhau về xóm nhỏ
Lá sen non xòe rộng trên đầu…”
(Cha, mẹ và…con)
Phần lớn các bài thơ của Thanh Bình viết theo thể tự do, nhịp điệu phóng túng nên dễ diễn tả tâm trạng bâng khuâng, mang mác hoài niệm và nhiều cung bậc tình cảm khác… Chị có những tìm tòi trong việc lập tứ, xây dựng hình tượng thơ :“Cánh cò trắng chao nghiêng theo câu hát”, “ Cha ra đi hóa thân vào cổ tích”, “Trên đồng vàng, chị gặt cả mùa thu”…Ta còn thấy nhiều hình ảnh sáng tạo trong các bài thơ khác của chị như “Mùa em” hay “Thu chín quá thêm chạnh lòng viễn xứ”… Tôi ước ao được đọc thêm nhiều câu thơ hay của Thanh Bình như thế !
Một thành viên từ xa của Bích Câu Thơ ở Hải Phòng là Nhà giáo Quốc Dũng, sinh năm 1952. Thơ anh thiên về đề tình yêu lứa đôi . Tác giả khiêm nhường tự ví thơ mình như “lá cỏ”, thơ “lá cỏ” ấy chỉ thăng hoa “rập rờn”, “đu đưa” khi “có em”. “Em” quan trọng với thơ anh, với đời anh biết nhường nào:
“Thơ anh chỉ là lá cỏ
Rập rờn xanh mặt hồ em
Thơ anh chỉ là lá cỏ
Dập bầm dưới gót chân em
Xa em thơ là lá cỏ
Dập vùi mưa gió đêm trường
Bao đêm thơ anh lá cỏ
Khát khao một giọt sương mai
Có em thơ anh lá cỏ
Đu đưa trong gió xuống chiều
Mất em- thơ anh lá cỏ
Úa vàng trong một sớm mai
(Lá cỏ)
Đại đức Thích Cát Tường (Bút danh : Đông Tùng) sinh năm 1974 ở thành phố Hồ Chí Minh là thành viên trẻ nhất Bích Câu Thi Quán. Thơ anh mang bóng dáng thơ thiền phóng khoáng. Đọc thơ anh, thấy những gì hiện hữu trong ta và xung quanh ta là sự hiện hữu nhiệm màu, thơ anh toát lên từ đời sống an bình trong thực tại, tinh thần khai phóng, cởi mở, vừa siêu thoát vừa gần gũi:
Thành viên từ xa ở Lai Châu là Nhà giáo Bùi Thị Sơn, sinh năm 1957. Năm 1975, những người bạn trai cùng học vói BTS xung phong ra Mặt trận khi vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đã chớm biết yêu mà chưa dám ngỏ. Họ là những người lính tình nguyện đợt cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Có người vừa đánh trận đầu tiên đã hy sinh, có người ngã xuống đúng vào ngày 29 tháng 4- một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bài thơ “Tình yêu trong chiến tranh” BTS ghi lại theo lời kể của một người bạn từ chiến trường trở về:
“Tình yêu trong chiến tranh
Mong manh
Ngời ngợi như trăng rằm
Long lanh.
Phút rạo rực nhọn hoắt như chiếc dằm
Găm chặt trong lồng ngực chàng lính trẻ
Không dám vượt một tầm với rất gần
Để vuốt ve một niềm mơ thật khẽ
Nuốt lịm nỗi khát khao lặng lẽ
Giữa hai đầu võng đưa
Cô dân công
Tay bấu víu khoảng thừa
vờ ngủ…
Bốn mươi năm trở về thăm ngôi mộ cũ
Chàng lính xưa tóc đã bạc phơ
Thương cô gái đã ra người thiên cổ
Vẫn trắng trong mãi một giấc mơ…”
(Tình yêu trong chiến tranh)
Có thể một số bạn trẻ hôm nay không tin điều đó! Họ nghĩ rằng: Giữa chiến trường khốc liệt, chuyện nay sống mai chết xảy ra như cơm bữa, sao không giành trọn vẹn những gì thiêng liêng nhất cho nhau? Đó cũng là suy nghĩ nhân văn mà nhiều người trong cuộc đã thực hiện cho dù sau cuộc chiến không ai trở về nữa, hoặc kẻ còn người mất, hoặc vẫn tồn tại nhưng không thuộc về nhau nữa… Nhưng những người bạn tôi còn trẻ quá, họ chưa dám ngỏ lòng…Những linh hồn trinh nữ ấy xoáy trong ta nỗi đau âm ỉ…
“Hữu xạ tự nhiên hương”. Tiếng thơ của “các tiên lão sông Tô” đã làm nao lòng những người thơ trẻ ở phương xa. Họ tự nguyện ra nhập CLB “Bích Câu Thơ”, tìm đến nơi đây như tìm đến một thú chơi tao nhã để trải lòng. Từ thành viên cũ đến thành viên mới, từ thành viên gần đến thành viên xa, từ thành viên cao tuổi nhất (83 tuổi) đến thành viên trẻ tuổi nhất (38 tuổi) đều coi Bích Câu Thi Quán là mái nhà Thơ ấm áp, thân thương của mình…
“Tiếng lành đồn xa” Buổi sinh hoạt thường kỳ nào của Bích Câu cũng có thêm những người bạn yêu quý mến mộ đến dự, giao lưu thơ cùng.
Trong tập thơ “ Bích Câu Thơ 2”, ngoài các bài thơ của 22 thành viên cũ- mới, xa- gần còn có sự góp mặt Thơ của 6 gương mặt thơ thân thiết, gắn bó với Bích Câu Thi Quán.
Ngày 4/1/2012, lần đầu tiên tôi đến thăm Bích Câu Thi Quán trong tâm trạng bồi hồi xúc động của đứa con đi xa trở về ngôi nhà thân thương của cha mẹ, tình cờ được gặp lại Nhà giáo- Nhà thơ- Đạo diễn Điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1952. Nhớ lại lần gặp trước – năm 1999, thầy cùng Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc lặn lội leo đèo vượt suối đi tìm lại những thầy cô giáo lớp đầu tiên “cõng chữ lên non” từ năm 1959 ở Lai Châu, Điện Biên,Sơn La để làm bộ phim tài liệu “Tiếng gọi thiêng liêng” tôn vinh họ. Trong chuyến đi ấy, thầy Hoàng Đạo Chúc đã làm một nghĩa cử rất đẹp là đi tìm các nhân chứng hoàn tất thủ tục đề nghị xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho thầy giáo Trần Duy Thời- quê ở Nam Sách Hải Dương đã ra đi ở tuổi 20 khi vượt sông Đà đưa các em học sinh dân tộc đi cắm trại…rồi đem hài cốt thầy Thời làm lễ Truy điệu tại Trường Phổ thông vùng cao tỉnh Lai Châu , rồi đưa hài cốt thầy Thời về quê hương… Thước phim ghi lại hình ảnh của thầy Hoàng Đạo Chúc mái tóc bạc phơ đứng bên bờ sông Đà thao thiết gọi “ Thời… ơi…” đã làm rung đông trái tim bao thế hệ thầy trò và nhân dân các dân tộc Tây Bắc ! Mới đó mà đã tròn một giáp, nhiều thầỳ giáo, cô giáo trong bộ phim tài liệu đó đã yên nghỉ chính nơi họ lập nghiệp “trồng người” trong gần nửa thế kỷ…
Được biết thầy Nguyễn Anh Tuấn là một trong những vị khách thân thiết thường xuyên có mặt trong các buổi sinh hoạt của Bích Câu Thi Quán. Tình thơ không có tuổi, thầy đến để lòng mình lắng lại khi ngắm:
“Những mái đầu bạc phơ gật gù ngâm ngợi
Cuộc xướng họa “Tao Đàn” trong nắng mới
Mây trắng ngàn năm bay qua cũng ngẩn ngơ…”
(Tiên lão sông Tô)
Trong nhịp sống hối hả, bộn bề và cả xô bồ đời thường, có những giờ phút thảnh thơi được đắm mình trong bầu không khí trong lành bên những “Tiên lão” cùng thưởng thơ là một niềm hạnh phúc không phải ai cũng dễ tìm thấy !
Một trong những bài thơ tôi thích nhất của thầy Nguyễn Anh Tuấn là bài “Về Yên Tử nhớ vua Phật” viết về vua Trần Nhân Tông- người thành lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử- người được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh:
“ Như có hẹn tự bao kiếp bao đời
Nay người xưa mới vời về Yên Tử
Mải mê bước trên tầng tầng bậc đá
Và ngẩn ngơ nơi rừng trúc, đường tùng
Sương mù khuất che vùng sông nước mênh mông
Không gói được lời thề đoàn quân Thánh Dực
Những giọt sương trên cành thông, lá trúc
Lệ của người chợt thương Nước, thương Dân
Cứ mỗi bước tới gần sương khói Vân Yên
Lại đến gần hơn cõi lòng sâu thẳm
Ta là Phật, Phật là ta, chuông ngân nga lời dặn
Sừng sững không gian vị hoàng đế- thiền sư
Cởi bỏ hoàng bào bọc thủ cấp Toa Đô
Mặc áo sô gai, chân đi hài cỏ
Lời ngâm kệ đằm nỗi đau nhân thế
Bóng hoa rơi vấn vít chuyện dương gian
Lòng chợt thầm thì: Điều Ngự Giác Hoàng
Người bôn ba chốn thị phi, nơi trận mạc
Rồi trở về với bóng trăn cô tịch
Để ngàn năm lưu lại một rừng thương…”
Đọc xong bài thơ, mà dư ba còn ngân vọng mãi…Ước gì đời nào cũng có nhiều “ vua Phật” như thế cho con dân đất Việt được nhờ !
Cũng trong buổi giao lưu thơ đó, tôi gặp được thêm một người bạn thơ thân thiết của Bích Câu Thi Quán là Nhà giáo- nhà thơ- Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Trần Vân Hạc, cùng tuổi với thầy Nguyễn Anh Tuấn. Đã quen đọc những bài thơ mộc mạc, phóng khoáng mang âm hưởng đại ngàn nơi anh đã cùng người bạn đời thân yêu “cõng chữ nên non” suốt mấy chục năm ròng, tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc những bài thơ thế sự chất chứa những suy tư trăn trở của anh về nhân tình thế thái. Một trong những bài thơ của anh mà tôi tâm đắc nhất là bài thơ “Hà Nội nửa tôi” anh viết tặng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy:
“Anh mải miết trong “Kinh thành cổ tích”
“Nhật nguyệt” vần xoay kiếp bụi luân hồi
“Một vài trống canh” điểm nhịp
Một mình “Tụng”với mình thôi
Anh viết cho anh hay viết cho tôi
Sao day dứt những cảnh đời nhân thế
Hà Nội trong anh vẹn nguyên như thể
Mối tình đầu thơm ngát tuổi hoa niên
Từng câu thơ đâu chỉ có hoa sen
Thơm mỗi sáng em về như cổ tích
Hà Nội máu và hoa nhịp đời mải miết
Bừng lên trong mỗi nét cười
Mỗi căn nhà dãy phố yên vui
Một chiếc lá thu trở đầy kỷ niệm
Tà áo Hồ Gươm bồi hồi xao xuyến
Chợ xuân long lanh ánh mắt đương thì
Hà Nội trong anh là kinh thành cổ tích
Lặn vào mỗi tứ thơ anh
Xuân về ngân khúc nhạc xanh…”
Hẳn những người yêu thơ thập niên 70 của thế kỷ trước không thể quên gương mặt thơ của đôi vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bẩy cùng cuộc sống thăng trầm dâu bể mà tràn đầy thủy chung ân nghĩa của họ suốt 40 năm qua. Để rồi sau 40 năm, chị đã ra tập thơ “ Ca bình minh”, anh ra liền 7 tập tiểu thuyết, 5 tập thơ và 1 tập tản văn trong sự vui sướng ngỡ ngàng của độc giả mến mộ xa gần.
Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy sinh ra ở Hà Nội, tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên hồn thấm đẫm tình đất- tình người Hà Nội. Suốt mấy chục năm sống ở thành phố phương Nam, anh luôn đau đáu nhớ về Hà Nội. Tôi rất thích những câu kết trong bài thơ anh Trần Vân Hạc viết tặng anh Nguyễn Nguyên Bẩy:
“ Có một Hà Nội khác
Một Hà Nội anh
Hà Nội tôi
Hà Nội của con dân đất Việt”
“Hà Nội” ở đây không còn dùng như một danh từ riêng nữa mà được tác giả dùng như một tính từ - tính từ chỉ phẩm chất tốt đẹp nhất !
Ngoài thầy Nguyễn Tuấn Anh và anh Trần Vân Hạc là hai người bạn thơ thân thiết của Bich Câu Thơ mà tôi đã được gặp, còn 4 người bạn nữa có thơ in trong “Bích Câu Thơ 2” là anh Dương Tùng Giang, chị Thanh Mến, chị Vũ Thị Phin và anh Lê Thường. Tôi rất lấy làm tiếc vì chẳng những chưa một lần được tao ngộ cùng các anh, các chị mà còn chưa biết rõ năm sinh, nghề nghiệp của từng người. Lại tự mượn lời cổ nhân “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” để tự an ủi mình…
Anh Dương Tùng Giang mượn hình ảnh “ Cây tùng già ”để nói lên chí khí, cốt cách thanh cao của những bậc cao niên:
“ Cây tùng già lặng lẽ đứng bên sông
Cứ ngạo nghễ sau bao mùa bão táp
Cứ trầm mặc lắng nghe dòng sông hát
Cứ âm thầm đón đợi mỗi ban mai
Kiêu hãnh vươn thẳng giữa trời
Dáng thanh thản trên đất cằn sỏi đá
Cả cuộc đời cứ ung dung như thế
Mặc trái đất này giông tố nhiều thêm”
(Cây tùng )
Chị Thanh Mến lại có bài thơ tình nhỏ xinh, dịu dàng, say đắm:
“Nếu ngàn năm sóng vu vơ
Chắc gì biển đã có bờ cát êm
Nếu trời định số tiền duyên
Chắc gì ta đã đắm thuyền vì nhau?”
(Nếu)
“Nếu” như một giả định mà thực chất là một sự khẳng định : “Sóng” không hề “ vu vơ”nên “ biển” mới có “ bờ”; trời không “định số tiền duyên” đâu nên ta mới “đắm thuyền vì nhau” !
Chị Vũ Thị Phin viết những dòng thơ ngập tràn cảm xúc tặng các mẹ, các chị thành phố dệt quê mình:
“Thoi đưa thao suốt đêm dài
Guồng theo tay Mẹ miệt mài cuộn tơ
Bông lồng chân tóc bạc phơ
Sông Đào chuốt mãi…
đến giờ…
chưa xanh…”
(Như cánh vạc bay)
Hình ảnh “ bông lồng chân tóc bạc phơ” là một hình ảnh tả thực mà chỉ có người con ở đất dệt mới có sự quan sát, cảm nhận tinh tế thế !
Câu kết bài thơ rất gợi hình, gợi cảm !
Anh Lê Thường hoài niệm về “Dòng sông quê hương”:
“Trải mấy ngàn thu đất lở bồi
Hỡi dòng sông nhỏ mến yêu ơi!
Bao giờ thấy lại hình bóng cũ
Thuyền xuôi cá ngược đớp sao rơi”
Bài thơ ngắn mà có sức gợi lớn: Người đọc có thể hình dung ra tâm trạng nhớ nhung của người con đi xa quê hương hoặc liên tưởng đến một dòng sông mới vì một lý do nào đó không còn lại những “hình bóng cũ” với cảnh tấp nập mà thơ mộng “Thuyền xuôi cá ngược đớp sao rơi”…
Từ “ Bích CâuThơ 1”của mười “Tiên lão sông Tô” đến “ Bích Câu Thơ 2” của 22 thành viên xa- gần, cũ- mới cùng 6 người bạn thân thiết với Bích Câu Thi Quán, ( gồm 179 bài thơ mở rộng đề tài cũng như khuynh hướng, nghệ thuật sáng tác) là một sự khẳng định: Nhành thơ thơm Bích Câu đã, đang và sẽ mãi vươn cành nẩy lộc…
Lai Châu, ngày 28/9/2012
Bùi Thị Sơn
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...