Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

buithison

NHỚ NÚI
Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn(viết lại lần thứ hai)

Vị giáo sư khả kính - người thầy dạy bộ môn  ngôn ngữ chị từng hâm mộ và cũng là người bạn đời của chị - trong một đêm ân ái nồng nàn đã hôn lên mắt vợ và nói:
- Anh biết vì yêu anh, em mới ở lại Hà Nội cùng anh lập nghiệp. Chắc lúc nào em cũng nhờ núi lắm phải không?
Chị vùi đầu vào nách chồng, hít hà mùi mồ hôi ngai ngái, nồng nồng quen thuộc, nũng nịu:
- Làm sao anh biết?
- Chẳng phải em đã đặt tên cho con trai mình là Hoài Sơn sao?
Chị cười như nắc nẻ:
- Em chịu thầy rồi!
Người đàn ông hơn chị đến 20 tuổi mỉm cười điềm đạm. Trong thâm tâm, ông rất tự hào rằng: Dù đã trải qua bao cuộc tình lãng mạn thời sinh viên, từng hưởng thụ những mối tình chớp nhoáng với bao cô gái ngoại quốc dạn dĩ trong những năm tháng sống tự do phóng túng khi đi du học bên trời tây, cuối cùng ông vẫn cưới được một cô vợ trẻ đẹp, trong sáng như bông hoa ban rừng. Ừ, hồi mới vào học Đại học, chị - cô gái 17 tuổi, da trắng nõn như cái măng non vừa bóc vỏ, mắt đen tròn ngơ ngác như con nai rừng. Chị mặc một chiếc quần phíp đã bạc màu, rộng thùng thình, chiếc áo phin nõn cổ lá sen tuy có làm nổi bật cái cổ cao ba ngấn trắng ngần nhưng nhìn chếch xuống phần dưới một chút, phía ngoài đôi vú be bé hồng hồng ẩn hiện như hai cái nấm vừa bật nhú sau trận mưa rừng, còn loang lổ một mầu nhựa trái cây trên áo tròn to bằng nắm đấm (chắc là nhựa quả lê – ông thầm nghĩ – cô gái này chắc là con nhà nghèo hoặc rất cẩu thả). Lũ con gái Hà Nội ăn vận quần ống típ, áo ống loe cùng học với cô bé bá cổ nhau, bụm miệng cười khúc khích. Nhưng ông lại cảm thấy ở cô bé nét ngây thơ, hấp dẫn đáng yêu … “Con gái chưa biết làm đỏm là còn chưa biết yêu”. Ông đinh ninh tin ở phỏng đoán của mình … cho đến tận bây giờ, sau hơn ba mươi năm chung sống, ông vẫn rất hãnh diện khi nghĩ rằng mình là người đàn ông đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của vợ. Còn chị, sau trận cười như nắc nẻ và lời khen hào phóng ban phát cho chồng: “em chịu thầy rồi!”, chị vội quay mặt đi, khóc thầm lặng lẽ ... chị xót xa nhớ đến chằng trai bản và cũng chưa bao giờ có ý nghĩ (dù chỉ thoáng qua) sẽ phản bội chồng dù xung quanh chị vẫn có những chàng trai bảnh bao ve vãn… thế nhưng trong thâm tâm, chị vẫn cảm thấy có lỗi với chồng vì càng sống với nhau, chị càng nhận rõ tình cảm của mình giành cho chồng chỉ là lòng kính trọng xuất phát từ sự ngưỡi mộ tài năng thời xa xưa, “gái ham tài” mà ! Hình ảnh Phanh – chàng trai của núi rừng – luôn hiện về, ám ảnh chị trong từng giấc mơ...
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

… Một lần hai đứa đi lấy củi về đến dốc đá tai mèo thì Hoa  trượt chân ngã, trẹo cả mắt cá chân. Phanh vội đặt gánh củi, quỳ xuống đất, nâng bàn chân của Hoa lên xoay xoay cho vào khớp.
- Ái!
Hoa run rẩy kêu lên, nước mắt trào ra …
Phanh luống cuống như con gà bị mắc tóc:
- Tớ… tớ xin… lỗi… chẳng may…
Hoa càng khóc nấc lên, Phanh càng lúng túng thanh minh:
-Tớ không cố tình làm Hoa đau. Thật mà …
Hoa đỏ cả mặt vừa thương vừa giận cậu bé thật thà, ngốc ngếch. Lúc đó, hai đứa cũng bước sang tuổi 16. Mười sáu tuổi, Phanh còn vô tư lắm, không nhạy cảm và biết rung động sớm như Hoa đâu! Hoa khóc vì đau thì ít mà khóc vì sung sướng, cảm động được Phanh chăm sóc thì nhiều. Từ đó về sau, thỉnh thoảng đi cùng nhau vào rừng lấy củi hay hái măng, hái nấm, cô thường hay giả vờ trượt chân ngã để được Phanh chăm sóc. Cho đến một ngày, cái đầu “ngố” của Phanh cũng nhận ra chiêu lừa ngoạn mục của cô bé người Kinh láu lỉnh:
- Này! Tôi không phải là quân hầu của cậu. Cậu đừng có mà lợi dụng coi thường tôi…
Hoa ôm mặt khóc rưng rức,
- Hoa không lợi dụng Phanh… Hoa không coi thường Phanh… Hoa chỉ muốn được gần bên Phanh, thật gần…
Đôi mắt cô dại đi, ánh nhìn khát khao, van vỉ:
- Phanh ơi! Hoa rét lắm! Phanh có thể ôm Hoa thật chặt, được không?
Phanh há hốc mồm, kinh ngạc nhìn cô bạn hàng xóm thân nhau từ thủa còn thò lò mũi xanh, chưa biết nên phản ứng ra sao thì Hoa đã đổ oặt cái thân mình mềm nhũn vào Phanh. Toàn thân Phanh như đông cứng lại. Lần đầu tiên trong đời cậu cảm nhận được mùi da thịt con gái đê mê, ngọt ngào. Cậu lóng ngóng choàng tay ôm hờ thân hình Hoa trong tiếng thì thào năn nỉ của cô: “Ôm chặt nữa vào! Phanh ơi! Ôm chặt Hoa đi Phanh”. Hai đứa cứ đứng ôm nhau trong rừng như thế rất lâu.. rất lâu… tưởng như dưới gầm trời này không còn ai nữa. Cho đến lúc trận mưa rừng bất ngờ ập đến, Phanh mới từ từ buông Hoa ra:
- Bọn mình chạy vào cái hang kia trú tạm, đợi tạnh mưa mới về được Hoa ạ!
Hoa ngoan ngoãn gật đầu. Hai đứa dắt tay nhau, chạy ào dưới mưa. Vừa đến cửa hang. Hoa đã chủ động ngả vào lòng Phanh:
- Chúng mình lại ôm nhau tiếp cho đến lúc mưa tạnh, Phanh nhé!
Phanh cuống quýt, vụng về hôn khắp mặt, khắp cổ Hoa… Rồi, sợ không làm chủ được mình, cậu nhẹ nhàng gỡ tay Hoa ra:
- Lúc nãy bọn mình bị dính mấy giọt mưa, phải đốt lửa lên sửa kẻo về bị cảm Hoa ạ!...
- Hoa gật đầu nhưng ánh nhìn rõ ràng còn tiếc nuối… Lửa được đốt lên, hai đứa mặt đỏ lựng như say rượu, chẳng dám nhìn mặt nhau…
Tình cảm của hai đứa có thể còn tiến xa hơn thế nữa nếu không xảy ra một tình huống bất ngờ…
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày 26 tháng ba - ngày thành lập Đoàn, Liên đoàn nhà trường tổ chức một đêm văn nghệ vui ơi là vui. Hồi ấy, Phanh và Hoa đang cùng học lớp 10 - lớp cuối cấp. Hàng ngày đến lớp, chúng phải cuốc bộ vượt hơn 5 cây số đường rừng quanh co khúc khuỷu toàn những đá tai mèo lởm chởm. Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, là hạt nhân văn nghệ của trường, chỉ phải cái tính vụng về, cẩu thả và đoảng vị. Thấy con gái cứ đi ra đi vào săm soi cái quần phíp bạc màu và cái áo sơ mi bằng vải pô pơ lin đã cũ, mẹ bèn lục dưới đáy hòm gỗ, lấy ra một mảnh lụa hoa màu đen và một mảnh vải phin màu xanh da trời giành dụm từ bao giờ, cặm cụi thức cả đêm, cắt và khâu tay bộ quần áo mới cho Hoa. Hoa còn nhớ như in buổi sáng sớm hôm đó, Hoa vừa dậy đánh răng, rửa mặt xong đã nghe mẹ gọi:
- Hoa ơi! Vào đây mẹ bảo này!
Nét mặt rạng rỡ, mẹ đưa cho Hoa bô quần áo vừa khâu xong đêm qua:
- Con vào buồng mặc thử. Hôm nay là chủ nhật, nếu không vừa mẹ sẽ sửa lại ngay cho con…
… Từ trong buồng bước ra, Hoa xúng xính trong bộ quần áo mới, nom xinh đẹp bội phần ngày thường:
- Trời ơi! Chị Hoa nom đẹp như cô tiên…
Cái Hằng - em gái Hoa, kém cô hai tuổi suýt xoa ngắm nghía chị, ánh mắt lộ rõ vẻ khát khao thèm muốn… Mẹ tinh ý nhận thấy bèn ôm nó vào lòng, an ủi:
- Hằng ạ! Chị Hoa lớn rồi, chỉ còn mấy tháng nữa lại sắp đi học xa, mẹ may quần áo mới cho chị ấy trước. Gần tết, mẹ sẽ giành phiếu vải may bộ mới cho con.
Hằng “vâng” thật ngoan nhưng ánh mắt đượm một vẻ buồn man mác. Sau này, cuộc sống khá giả lên, Hoa có biết bao bộ cánh mốt ôm sát những đường cong gợi cảm để sánh bước bên vị giáo sư khả kính mỗi khi ra đường, làm bao quý ông ngây ra ngắm nghía, ước ao, thèm muốn; làm bao quý bà giả vờ quay mặt đi không thèm để ý nhưng trong lòng lại sục sôi ghen tỵ… Hoa vẫn không sao quên được ánh mắt  cô em gái một thời nghèo khó và tình yêu sâu nặng của mẹ…
…Đêm hội diễn hôm ấy, ngoài các tiết mục đồng ca, tốp ca tham gia cùng tập thể ra, Hoa còn hát đơn ca một bài và tham gia một điệu múa Thái cùng các bạn gái trong bản Hon. Tham gia màn đồng ca xong, Phanh kín đáo lui ra ngoài gốc muỗm chênh chếch phía cánh gà để được ngắm nhìn Hoa thoải mái… Trên sân khấu, dưới ánh sáng của những ngọn đèn măng- xông, Hoa thoắt ẩn thoắt hiện, biến đổi diệu kỳ. Vừa mềm mại, duyên dáng trong chiếc áo màu xanh da trời, chiếc quần lụa hoa óng ả, hai bím tóc vắt vẻo trên vai với giọng hát trong trẻo, cao vút: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?” khiến bao bạn trẻ hâm mộ hét lên: “Hát lại! Hát lại!”, Hoa đã nhanh chóng trở lại sân khấu trong trang phục váy áo cóm bó sát lưng ong cùng năm cô gái Thái trong điệu múa nón nhịp nhàng, duyên dáng… Phanh ngây ngất thầm kêu:”Hoa ơi! Em đẹp nhất đêm nay! Sao bây giờ anh mới nhận ra?...”
…Đêm hội diễn kết thúc. Cô Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 10 thông báo cho các bạn thu dọn tư trang, chuẩn bị liên hoan bữa cháo gà do  phụ huynh học sinh nấu để bồi dưỡng cho Đội văn nghệ. Thấy Hoa cứ quanh quẩn mãi sau cánh gà không ra, các bạn chạy vào hỏi thì Hoa khóc nấc lên:
- Mình…bị… bị… mất cái quần lụa mới…
- Em để chỗ nào?
Cô Mai sốt sắng hỏi:
Em vắt lên cái mắc ở đây! Vì lúc ấy thay đổi chương trình đột xuất, em phải vội thay váy để tham gia điệu múa nón nên em chưa kịp cất vào trong túi…
Cô Mai nghiêm túc đảo mắt khắp lượt  bọn con gái:
-  Em nào đã trót cầm nhầm của bạn Hoa thì cho bạn xin lại. Cái quần lụa đẹp như thế!
Bọn con gái nhao lên:
- Em không cầm ạ!
Cô Mai nhìn xoáy vào từng đứa, rồi dằn giọng:
- Thôi, thế này vậy: Bây giờ khuya rồi, một số bạn nhà còn ở xa. Để cho nhanh chóng, tôi đề nghị: Tất cả các bạn gái bỏ túi của mình lên bàn. Ở đây có bạn Nam, bạn Thắng và bạn Phanh trong Đội cờ đỏ của nhà trường, các bạn kiểm tra, xem xét kỹ cho tôi…
Phanh cau mày. Cậu cảm thấy làm thế như có gì bất nhân. Đành rằng: Cậu rất thương Hoa, cậu biết đối với Hoa, chiếc quần lụa ấy vô cùng quý giá; đành rằng đứa con gái nào tham lam trót lấy quần của bạn thật đáng lên án, song trong thâm tâm, cậu thấy cô giáo xử lý như thế là không phải. Vốn tính thẳng thắn, cậu đáp ngay:
- Thưa cô! Em không làm được đâu ạ!
- Vì sao vậy?
         - Vì em thấy làm như thế là không tốt.
- À, ra cậu bảo tôi xúi các cậu làm việc không tốt à? Cậu muốn bao che cho kẻ ăn cắp à? Được rồi, tôi sẽ xử lý cậu sau. Bây giờ cậu đứng yên ở đây cùng các bạn nữ chứng kiến tôi và cậu Nam, cậu Thắng cùng khám. Nhất định phải lôi thủ phạm ra ánh sáng...
          Phanh đưa mắt nhìn Hoa thì bắt gặp cái nhìn khinh bỉ và căm thù tột độ của cô, cậu vội vàng quay mặt đi ngay. Chỉ vài phút mới đây, trên sân khấu, Hoa hiền lành và lộng lẫy như nàng tiên giáng trần... Vậy mà... không ngờ sự việc lại diễn ra căng thẳng, nặng nề đến thế! Phanh vừa mong Đội cờ đỏ chóng tìm được chiếc quần lụa cho Hoa vừa mong không phải nhìn thấy nét mặt đau khổ, bẽ bàng của một bạn gái nào đó trót dại... Nhìn nét mặt đứa con gái nào Phanh cũng thấy nó thật thà chất phác chứ không đến nỗi...
Kết quả đúng như Phanh phỏng đoán: Không có bạn nào lấy quần của Hoa. Nghe tiếng thở dài nhẹ nhõm của các bạn nữ, Phanh như cất đi được một gáng nặng trong lòng nhưng lại cảm thấy thương Hoa quá chừng!
Chợt một đứa con gái vỗ trán, kêu lên:
- Thưa cô! Em nhớ ra rồi: Thúy hát xong tiết mục tốp ca  được một lúc thì bỏ về…
- Sao? Thúy về sao không báo cho tôi biết?
- Dạ! có bà hàng xóm đạp xe đến gọi Thúy…
Cô giáo cả quyết:
- Thôi! Thế là đã rõ. Chúng ta đi ăn cháo kẻo nguội hết cả rồi. Sáng mai, tiết 5 ta sẽ họp lớp để kiểm điểm bạn Thúy!
Nồi cháo gà phi hành mỡ thơm phưng phức mà sao thấy nhạt phèo, vô vị. chẳng ai có hào hứng mà ăn, mà nói chuyện vui vẻ như mọi ngày. Bình thường Hoa vốn không mấy cảm tình với Thúy. Nó hơn Hoa hai tuổi, học dốt hơn Hoa, lại lầm lỳ, xấu gái. Từ nhỏ, bọn con trai đã gọi nó là “Thúy trề” bởi môi dưới nó dày và trễ xuống như quả chuối mắn, cái mũi thì ngắn tin hin, đôi mắt đã bé lại trông ngây ngây, đần đần… “Đã xấu người lại còn xấu nết” - Hoa vừa soàn soạt húp cháo gà vừa thầm nghĩ. Phanh liếc sang, nhìn nét mặt hể hả và cái cách húp cháo của Hoa, thấy ghét.
Dọc đường về nhà, chỉ có ba người cùng đi một lối (Phanh, Hoa và cái Hằng - em gái Hoa). Phanh tìm cách làm lành với Hoa nhưng Hoa lờ đi như không nghe, không nhìn thấy gì sất. Phanh quay sang, nói nhỏ với Hằng: “Em về đừng nói vội với mẹ chuyện chị Hoa bị mất quần nhé!”
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Hôm sau, cái Thúy nghỉ học làm bọn con gái càng tăng thêm nghi vấn. Giờ ra chơi, dưới gốc nhãn nào cũng thấy chúng chụm đầu vào nhau như những con kiến khổng lồ, thì thào bàn tán chuyện cái Thúy ăn cắp quần của cái Hoa…
… Giải lao tiết thứ hai, cô Mai vẫy cái Đào - lớp trưởng, lại gần:
- Hôm nay, bạn Thúy nghỉ học không có lý do. Tiết 5, em vẫn báo cả lớp ở lại họp. Phải làm việc cho ra lẽ để còn răn đe người khác…
Thoáng thấy bóng cái Hằng đi ngang qua sân, Phanh vẫy nó lại gần, hỏi nhỏ:
- Tối qua, em có nói với mẹ chuyện cái quần không đấy?
- Anh này! Anh đã dặn em thế rồi, làm gì em còn kể…
Hằng hạ giọng xuống:
- À, mà anh Phanh ơi, chị em tìm thấy quần lụa rồi đấy!
Thấy Phanh tròn xoe mắt ngạc nhiên, Hằng vội kéo cậu ra gốc nhãn, thì thào:
- Chị Hoa bảo em không được nói lại với ai… chị ấy xấu hổ…
- Nhưng mà… chị ấy tìm thấy quần ở đâu?
Hằng đỏ mặt, ấp úng:
- Thấy ở… thấy ở… trong chiếc váy Thái chị ấy… đang mặc. Lúc qua đoạn đường rẽ vào nhà anh rồi, hai chị em rủ nhau tạt vào bụi chuối đi vệ sinh… chị ấy mới nhớ ra: vì vội chạy ra sân khấu, chị chỉ kịp vo viên hai ống quần lên ngang bẹn bên trong chiếc váy Thái rộng thùng thình mượn của chị Lả… Ở nhà, chị em vẫn thường hay đãng trí như thế đấy anh Phanh ạ!
“À, ra thế! Suýt nữa thì cái Thúy bị tiếng oan” - Phanh thầm nghĩ.
Giải lao tiết thứ ba, thứ tư, Phanh đều tìm cách lân la lại gần để nói chuyện với Hoa nhưng Hoa cố tình lảng tránh thật nhanh. Phanh cố  nhủ lòng: “Chắc Hoa tự biết nên xử  trí thế nào cho phải…”.
… Giờ sinh hoạt của lớp diễn ra trong không khí nặng nề, căng thẳng.Cô Mai dặng hắng mấy tiếng trước khi nói lời mào đầu:
- Hôm nay, chúng ta tổ chức cuộc họp lớp bất thường, chắc các em đã rõ lý do. Thực lòng tôi không muốn thế nhưng buộc phải làm thế vì danh dự chung của cả lớp, không thể để  “con sâu làm rầu nồi canh” được. Trước khi cả lớp phân tích khuyết điểm của bạn Thúy, xử lý bạn Thúy để làm gương cho người khác, tôi đề nghị bạn Hoa đứng dậy trình bày đầu đuôi việc bị mất quần diễn ra như thế nào.
Hoa từ từ đứng lên, mặt đỏ lừ đến tận mang tai. Cô liếc qua Phanh một cái thật nhanh rồi nói liến láu:
- Thưa cô! Em không nghi ngờ gì cho bạn Thúy. Nhưng em nghĩ chắc chắn chiếc quần lụa chỉ mất ở đấy -  sau cánh gà  sân khấu ngay sau khi em thay trang phục Thái để múa nón…
Phanh không ngờ cái miệng Hoa trơn tru như bôi mỡ, bảo không nghi cho bạn nhưng lại ngầm ý khẳng định bạn lấy của mình. Thì tất cả bọn con gái (trừ Thúy) đã bị khám và được minh oan rồi đấy thôi! Vì ác ý hay vì xấu hổ đã trót kêu mất quần nên Hoa phải lấp liếm? Dù vì lý do gì đi chăng nữa, thái độ ấy của Hoa cũng không thể chấp nhận được…
Phanh vụt đứng dậy:
- Thưa cô! Bạn Hoa nói không đúng! Bạn ấy đã tìm thấy quần rồi.
Cả lớp nhao nhao lên:
- Tìm thấy quần rồi?
- Tìm thấy ở đâu mới được cơ chứ?
- Sao Hoa bảo chưa tìm thấy mà Phanh lại bảo là tìm thấy rồi nhỉ?
Cô Mai gõ thước lên bảng:
- Cả lớp trật tự! Đề nghị em Hoa nói lại chuyện này!
Hoa vụt chạy ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở…
Kết cục thật buồn: Trưa hôm ấy, mẹ cái Thúy chết. Đêm qua, lúc đang xem biểu diễn văn nghệ, bà hàng xóm tất tả đạp xe đến gọi cái Thúy về ngay có việc. Thì ra, đã khuya mẹ nó còn mò mẫm ra ao rửa rau lợn, chẳng may lên cơn động kinh, trượt chân ngã xuống ao. Lúc bà hàng xóm chạy sang vay dầu hỏa thì thấy bà đang chới với giữa ao… Mặc dù được mọi người trong xóm nhanh chóng đưa xuống bệnh viện huyện, mặc dù được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, bà cũng không qua khỏi…
Hôm cả lớp đến đưa tang mẹ cái Thúy, nghe bà Mận - hàng xóm của cái Thúy kể, các bạn mới vỡ lẽ cái Thúy không phải là đứa con hoang như mọi người đồn thổi. Nó có bố - một người bố dũng cảm đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ….Chỉ có điều: Bố mẹ nó chưa kịp cưới nhau thì bố nó đã hy sinh… Hồi ấy. chuyện một người con gái chưa có chồng mà chửa hoang là chuyện tày đình, mang tội làm ô danh dòng họ. Mẹ nó - cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp sau khi khóc cạn khô nước mắt vì thương nhớ người yêu đành phải trốn gia đình, vác cái bụng lùm lù lên vùng đất hoang vu này, xới đất trồng chè, chờ ngày sinh con. Cái Thúy sinh ra không bình thường như những đứa trẻ khác. Nghe mọi người xầm xì sau lưng: “Đúng là mẹ tiên, con cú”  mẹ nó càng buồn, càng thương nó vô hạn… Bà thường nhớ lại cánh rừng năm xưa nơi hai người yêu nhau say đắm, vội vã giữa hai trận đánh, rồi những trận sốt rét triền miên, trận cảm cúm bất ngờ khi bà mang thai Thúy…
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

…Chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm học - kết thúc cuộc đời học sinh với bao kỷ niệm vui buồn ngờ nghệch.Thời gian ấy đối với Hoa thật căng thẳng, nặng nề. Cô không đủ can đảm để xin lỗi Thúy, cũng không đủ tự tin để làm lành với Phanh… cô Mai bị kỷ luật khiển trách của Ban giám hiệu. Thúy thi trượt .Còn Hoa cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với số điểm bình bình… Cô vội vã xin phép bố mẹ về nhà ông bác ruột ở Hà Nội để ôn thi Đại học. Thực chất cô muốn trốn chạy mối tình đầu, trốn chạy những kỷ niệm buồn và trốn chạy chính mình… Năm sau, bố mẹ cô được nghỉ chế độ, chuyển vùng về Thái Bình. Hoa  không có dịp trở lại mảnh đất ấy…
…Hơn ba mươi năm rồi còn gì… Sao mình mãi không quên chuyện cũ? Sao mình mãi không quên nổi Phanh? Trước đây Hoa nghĩ: tình đầu rất khó phai. Chẳng phải Thế Lữ đã từng thốt lên rằng: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa mấy đã ai quên” đó sao? Đó phải chăng là cảm xúc nhớ đời của lần đầu tiên được ôm ấp trong vòng tay vụng về của một người trai trẻ? Là nụ hôn trao nhau vội vã không gợn chút dục tình?... Bây giờ, chiêm nghiệm kỹ, Hoa mới thấy đó  chính là nỗi ân hận, day dứt vì cách xử sự dại dột, nông nổi và ích kỷ của mình… Và, chính thái độ  thẳng thắn, dứt khoát của Phanh đã dấy lên trong lòng cô niềm cảm phục sâu sắc. Chỉ tội anh ấy xử sự không khéo, làm mất mặt Hoa - nhưng anh ấy là một con người chân chính, biết bênh vực lẽ phải… Nếu ngày ấy Phanh a dua, tìm cách lấy lòng Hoa thì bây giờ liệu Hoa còn nhớ đến anh không? Liệu Hoa còn biết ân hận, day dứt vì việc làm sai trái của mình?
Sau khi đã có chồng, Hoa vẫn được những người  đàn ông hào hoa, lịch lãm săn đón, buông bao “lời hay, ý đẹp”,thậm chí còn tặng thơ tình ca ngợi… nhưng không ai để lại cho cô cảm xúc luyến nhớ như Phanh - chàng trai rừng  thật thà,
khờ khạo…
          Hoa từng đọc ở đâu đó một câu nói, đại ý là: Sự ngoại tình trong tư tưởng còn tệ hại, nguy hiểm gấp trăm lần việc ngoại tình thể xác. Thực lòng, Hoa không muốn dối chồng nhưng suốt hơn ba mươi năm qua, chưa bao giờ cô quên nổi Phanh. Tính hiếu thắng, kiêu kỳ của một cô gái đẹp khiến Hoa cố tình không bao giờ nhắc đến Phanh mỗi lần gặp lại bạn cũ nơi xóm núi. Nhưng sự đời không đơn giản như cô tưởng. Hoa có thể giấu chồng, giấu con song không thể dối lòng mình được. Hình ảnh Phanh đẹp trai, hiền lành, trung thực… luôn hiện về, ám ảnh cô trong từng giấc mơ…
   … Hoa về đến đồn biên phòng H thì trời đã tối hẳn. Trên hội trường,dưới ánh điện sáng choang, các anh bộ đội trẻ măng đang quây quần bên chiếc ti vi 29 inc, chăm chú theo dõi chương trình “Chúng tôi là chiến  sĩ”. Đồn trưởng chừng ngoài 50 tuổi, tóc đã hoa râm, dáng vẻ phong trần, ân cần mời chị sang phòng khách của đơn vị… Sau khi nghe chị tự giới thiệu là mẹ của Hoài Sơn, anh bình tĩnh nói:
      - Thế này chị Hoa ạ! Lẽ ra Hoài Sơn được đơn vị cho nghỉ từ ngày 27 tết để về Hà nội đón xuân cùng gia đình… thế nhưng…
        Qua lời kể chậm rãi, điềm đạm của đồn trưởng, Hoa mới vỡ lẽ: ngày 26 tết, Hoài Sơn cùng một số anh em trong đơn vị trong đơn vị vào bản Mới, lợp lại prôximăng cho một số gia đình chính sách… Đến đầu chiếc cầu treo bắc qua dòng suối lớn, Sơn và Toàn (bạn cùng đơn vị) nhìn thấy một đoàn con trai khoảng 12, 13 tuổi cởi truồng tồng ngồng đang hò hét thi nhau nhảy từ giữa cầu xuống suối… Thấy bọn trẻ nghịch dại, cậu chưa kịp chạy đến can ngăn đã nghe chúng la lên thất thanh:
     - Ai cứu… cứu với! Thằng Kẻo chìm rồi!
       Sơn nhảy tùm xuống dòng nước xiết, túm được chân thằng Kẻo, hì hục lôi lên được gần bờ thì đuối sức. May mà Toàn kịp nhảy xuống tiếp sức, kéo được cả thằng Kẻo và Sơn lên bờ. Thì ra,chỗ suối ấy không sâu lắm nhưng lại ôm cả tảng đá ngầm nhọn hoắt trong lòng. Thằng Kẻo nhảy đúng vào tảng đá ấy, cú va đập từ độ cao xuống làm cánh tay nó dập nát, không đủ sức bơi được. May thay, nó vừa chìm xuống thì Sơn kịp lao tới, lôi nó lại gần bờ. Không ngờ, Sơn lại va vào tảng đá ngầm khác, bắp chân cậu đau điếng, máu phun xối xả… Sơn và cậu bé Kẻo cùng được đưa vào bệnh viện huyện ngay  hôm ấy, giờ đã sắp khỏi… Có lẽ chỉ độ hai, ba ngày nữa, Hoài Sơn sẽ được ra viện….
       Nghe đồn trưởng kể, nước mắt Hoa lã chã tuôn rơi. Chị vốn là người đa cảm và rất đỗi thương con:
    - Thế mà, nó giấu cả gia đình, linh tính báo tôi mà…
      Đồn trưởng đưa cho chị một ca nước âm ấm, lựa lời an ủi chị:
    - Hoài Sơn là một chàng trai dũng cảm. Cháu không muốn để gia đình lo lắng cho cháu. Ngày nào đơn vị cũng cử người ở lại bệnh viện chăm sóc Hoài Sơn. Khua rồi, đêm nay chị nghỉ tạm tại đơn vị. Sáng mai chúng tôi sẽ bố trí xe cho chị xuống bệnh viện thăm cháu.
         Hoa cám ơn Đồn trưởng, nói chị có ở lại đơn vị cũng không thể chợp mắt nổi. Quay sang người lái xe ôm, chị khẩn khoản nhờ anh ta chở tiếp chị xuống ngay bệnh viện.
         Đồn trưởng thấy chị nóng lòng muốn gặp con trai quá, bèn nói:
      - Thôi được rồi, chúng tôi sẽ bố trí cho chị xuống gặp Hoài Sơn ngay bây giờ…
    … 21 giờ, cửa buồng bệnh nhân vẫn mở. Có tiếng nói chuyện nho nhỏ, nghe rất vui vẻ cùng giọng cười trong vắt của một cô con gái …
        Hoài Sơn khập khiễng nhào ra cửa, ôm choàng lấy mẹ:
      - Mẹ! Sao mẹ biết con ở đây?
        Chợt nhận ra có Đồn trưởng và người lái xe của đơn vị đi cùng mẹ, cậu đỏ mặt, lúng búng:
     - Cháu… chào hai chú.
       Một anh bộ đội trẻ, một cô gái Thái và một cậu bé con đứng dậy, lễ phép chào mọi người. Nhìn thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô, lanh lợi, tay trái bó bột, chị tươi cười ôm lấy nó:
     - Kẻo! Cháu là Kẻo phải không?
       Thằng bé”Vâng ạ!”. Tiếng “Vâng” nghe thật ấm, thật ngoan. Như có một luồng điện chạy dọc khắp sống lưng Hoa khi cậu bé ngước mắt lên chị bắt gặp cặp lông mày hình lưỡi mác, đôi mắt đen ngời sáng, kiên nghị… giống như đôi mắt từng ám ảnh chị suốt mấy chục năm trồi…ột đôi mắt âm thầm biết nói.
      Hoài Sơn mời mọi người ngồi giường và giới thiệu với mẹ:
    - Đây là Toàn - bạn cùng đơn vị với con. Em Kẻo nằm điều trị phòng bên. Còn đây là Hoa - chị gái của em Kẻo, về chăm sóc em ấy. Hoa đang học trường sư phạm tỉnh.
    - Hoa? Cháu cũng tên là Hoa ư? Thế là cô cháu mình trùng tên với nhau rồi…
      Hoa kín đáo liếc nhìn cô bé. Hai chị em nó thật giống nhau: cũng sống mũi dọc dừa thanh tú, cũng đôi lông mày rậm và đặc biệt là đôi mắt - đôi mắt như
     Đồn trưởng ra ngoài một lát rồi quay lại, vui vẻ nói:
  - Thôi, khuya rồi, xin phép chị Hoa, chúng tôi trở lại đơn vị. Tôi đã liên hệ với phòng trực bệnh viện bố trí cho chị một phòng nghỉ.
  - Xin cảm ơn anh! Anh chu đáo quá!
    Đợi Đồn trưởng và người lái xe đi khỏi phòng, cô nữ sinh sư phạm rụt rè đề nghị:
  - Phòng em cháu điều trị có bốn giường bệnh mà chỉ có mỗi em Kẻo cháu là bệnh nhân. Cháu ngủ giường bên cạnh chăm sóc em, còn hai giường bỏ trống. Hay là… hay là cô sang ngủ cùng chị em cháu cho vui.
       Cậu Toàn nãy giờ im lặng chẳng nói câu nào bỗng lên tiếng:
    - Em Hoa nói phải đấy cô ạ! Bây giờ đang còn Tết, bệnh nhân điều trị nội trú ít.Cô sang ngủ cùng với các em cho vui. Hàng ngày, bố mẹ hai em vẫn đixe ôm xuống tiếp tế đồ ăn cho chúng cháu…
      Chị cười thật tươi:
    - Ờ, thế để cô lên xin phép phòng trực…
     … Hoa sang phòng bé Kẻo thì thấy chị của bé đã trải giường tinh tươm cho chị nghỉ. Ngắm cái eo thon lẳn trong bộ  váy áo cóm cô bé đang mặc, Hoa chợt nhớ tới giọng đùa vui vẻ của Hoài Sơn qua di động hôm nào: “Con sẽ đem về cho mẹ một cô sơn nữ xinh và ngoan lắm, mẹ ạ!”. Chị ý tứ thăm dò cô bé:
   - Cháu và anh Hoài Sơn quen nhau lâu chưa?
   - Dạ, cháu mới biết anh Sơn và anh Toàn từ hôm hai anh cứu em Kẻo cháu. Cháu đang nghỉ tết nên đỡ bố mẹ đi chăm em ở viện. Anh Toàn cũng được đơn vị cử đi chăm sóc anh Sơn. Mà ở đồn, mọi người quan tâm đến anh Sơn lắm, cô ạ! Ngày nào cũng có người xuống thăm, đem quà cho anh Sơn và em Kẻo. Cháu và anh Toàn phải “cố gắng giúp đỡ giải quyết” mới hết được.
“À, ra thế! - Chị thầm nghĩ- cô bé này thật hồn nhiên đáng yêu…”
  - Bố mẹ cháu ở bản Mới à?. Từ đó sang bản Hon có xa không cháu?
  - Cháu nghe bà nội cháu kể: Trước đây bản Mới có tên là bản Hon đấy! Bản Hon ở gần đội chè của bà con Thái Bình lên khai hoang nên cả bản ai cũng nói thạo tiếng phổ thông. Sau, bản Hon bị Đế Quốc Mỹ thả bom cháy cả bản nên phải dời lên đây xây dựng bản Mới.
   - Thế… thế bà con trong bản có ai bị thiệt mạng không cháu?
   - Bà nội cháu bảo: Rất may hôm ấy những người còn khỏe, trẻ đều đi nương; còn người già, con trẻ đều đi sơ tán tận hang Thẳm nên không ai thiệt mạng…
Hoa thở phào nhẹ nhõm:
   -Thế thì may quá rồi…
Ngập ngừng một lát, chị nhìn thẳng vào măt cô bé:
  - Thế trong bản có bác nào tầm tuổi cô, tên là Phanh không cháu?
  - Trong bản chỉ có bố cháu tên là Phanh thôi. Thế…thế cô quen bố cháu ạ?
Thảo nào lúc mới gặp hai đứa, chị đã ngờ ngợ như tìm thấy một dáng hình thân quen từ thưở xa lắc xa lơ nào đó…
  - Ừ, ngày cô còn nhỏ, bố mẹ cô dạy học ở bản Hon. Cô học cùng bố cháu từ năm học lớp vỡ lòng cho đến hết cấp ba, cô về Hà Nội học, bố mẹ cô được nghỉ hưu cũng chuyển vùng. Từ đó đến nay, cô không được tin của bố cháu. Thế bố cháu không đi công tác à? Mẹ cháu cũng là người bản Hon à?
 - Cháu nghe bố cháu kể: Năm 1974, tốt nghiệp lớp 10, bố cháu xung phong đi bộ đội. Mùa xuân năm 1975, trong một trận chiến đấu, bố cháu bị thương cụt một tay, một chân, phải đưa về trạm giải phẫu. Ở đó, bố cháu gặp lại mẹ cháu- người bạn gái cùng học từ nhỏ, lúc đó là y tá trong quân đội, được mẹ cháu chăm sóc tận tình, chu đáo… Sau ngày thống nhất đất nước, hai người mới gặp lại nhau ở bản Mới…
         Hoa cắn chặt môi đến chảy máu. Chị cố ghìm nén xúc động để khỏi bật khóc thành tiếng. Rút khăn tay lau vội dòng nước mắt nhạt nhòa, chị hỏi cô bé bằng cái giọng ngàn ngạt:
- Thế mẹ cháu là con nhà ai vậy?
Thấy chị khóc, cô bé cũng sùi sụt lây:
    - Mẹ cháu… là con liệt sĩ, quê… ở mãi tận Thái Bình. Khi ông ngoại cháu… hy sinh, mẹ cháu… vẫn… đang còn… nằm trong bụng bà ngoại. Bà ngoại cháu … hàng ngày chăm nom đồi chè ngay cạnh bản Hon… nuôi mẹ cháu học sắp hết lớp 10 thì… bà mất. Mẹ cháu buồn rầu… thương nhớ bà mà thi trượt… đành theo học một lớp y tá, sau đó xin đi phục vụ mặt trận…
- Có phải… mẹ cháu… tên là… Thúy không?
- Vâng! Thế cô … cũng quen… cả mẹ cháu nữa ạ?
- Ừ, cô là bạn của bố mẹ cháu mà
     Giọng Hoa chùng xuống, thầm thì như tự nói với chính mình:
“Ngày mai… cô sẽ vào bản Mới… thăm bố mẹ cháu…”
Đêm nay, trong bệnh viện, chị thao thức không chợp mắt được…

B.T.S
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

CHIẾC NÔI
                                                                    Tùy bút của Trai rừng
(Kính tặng các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu)

     Hải Yến!Con gái yêu của cha!
     Cha đến thăm con vào một ngày cuối đông. Trống trường điểm giờ ra chơi đã đến. Ôi tiếng trống làm lòng cha xao xuyến, dù bao năm xa trường, cha mãi mãi không quên.
     Các con ùa ra sân như một đàn chim trắng. Cả sân trường bỗng bừng vui xao động. Cha dõi mắt tìm hình bóng của con… Con bé bỏng như một con chim én. Nhớ năm xưa con xa nhà đi học… xe chuyển bánh con bỗng òa lên khóc, mẹ con cũng giàn giụa nước mắt, vì lần đầu tiên con cất bước đi xa.
       Con gái yêu hãy hiểu thấu lòng cha. Ai trong đời chẳng có lúc đi xa, đừng quẩn quanh bên vòng tay cha mẹ, con phải nghĩ được điều xa hơn thế…

***

      Tuổi ấu thơ cha ngập tràn đau khổ: Cha lên ba, bà nội đã qua đời. Ông nội con nghiện thuốc phiện con ơi. Ông đem cha đổi lấy tiền hút thuốc. Cha đi ở địu con cho người khác, lên năm tuổi như mèo tha con chuột. Cũng có lúc cùng trẻ con nô nghịch, cha ngã bươu đầu, con người ta thì khóc, người ta xót con tát mặt cha tới tấp. Cha đau đớn mà không dám khóc vì biết phận mình như cái kiến, con ong. Bẩy tuổi rưỡi cha lại mất nốt ông. Ngày ông mất cha không rơi nước mắt, trái tim cha lạnh cóng tự bao giờ. Không mẹ cha, cha lại sống bơ vơ, nay địu con nhà này, mai chăn trâu nhà khác, quanh năm chỉ bộ quần áo rách, làm cho người mà chả dám ăn no.
   Cha nhớ mãi một sáng mùa thu,có ông Suyền  ở bên huyện ủy,vợ ra đi để lại hai em nhỏ, đón cha về cùng rau cháo nuôi nhau. Là cán bộ xuôi ông lại biết tiếng Dao, ông dạy cha nói tiếng kinh bập bẹ. Ông thương cha như thương hai con đẻ. Có một lần cha thỏ thẻ hỏi ông: “Cháu muốn đi học có được không? Cứ địu trẻ con mãi thế này chán lắm!Cháu chỉ muốn đến khi cháu lớn, được làm cán bộ tốt như ông”. Ông ôm cha xiết chặt trong lòng: “Được, bố hứa sẽ cho con đi học”.

***
        Năm sáu mươi (1960) cha xuống trường ký túc  cùng chú Sơn, chú Páo học vỡ lòng. Ông Cán cho cha hai chín đồng. Ông Suyền cho cha  bộ quần áo mới.
       Ký túc xá đông vui như hội, các bạn học sinh mặc quần áo đủ mầu. Cha lớn hơn các bạn một cái đầu, được thầy giáo chỉ định làm lớp trưởng. Cha thấy mình thật tự hào sung sướng, càng gắng lao động giỏi, học chăm.Bác Mỷ  làm liên đội trưởng nhi đồng (bác nhanh nhẹn, hát hay, học giỏi). Bác thường đưa cha ra sông Đà tắm gội, đơm cho cha từng chiếc áo tuột khuy. Bác Phà  rất đẹp trai lại thảo (mỗi khi bác được mẹ gửi quà,bao giờ cũng chia cha một nửa, khi củ khoai lúc thì cuốn vở, những kỷ niệm này cha mãi mãi không quên)
        Trường chuyển xuống Pá Ham, Phong Thổ rồi chuyển về mảnh  đất Điện Biên. Ký túc xá xưa chuyển thành trường Thiếu niên . Con em các dân tộc đua nhau về học. Những thầy giáo mà cha nhớ nhất là thầy Hoàng Đạo Chúc, thầy Nguyễn Văn Huân, thầy Đào Tiến Minh, thầy Lê công Lựu… Những kỷ niệm cha không kể nổi… suốt đời cha không đáp hết ơn thầy, (từ nét bút thầy cầm tay cha tập viết, đến những đêm cha sốt râm ran, thầy bón cho cha từng thìa đường, viên thuốc). Mỗi thầy cô chuyển đi là một lần cha khóc, như đánh rơi vật báu nhất đời mình. Mái trường này là mảnh đất hồi sinh, tuổi thơ cha đã biết cười, biết hát…
        Mỗi mùa xuân sang, mỗi khi hè đến, các học sinh được về với gia đình. Họ vui lắm,cứ mong hoài , nhắc mãi. Cha tủi thân ra sân đứng một mình… Những ngày đó cha lên rừng kiếm củi hoặc làm nương cho cô bác trong trường. Ai nhìn cha cũng ái ngại xót thương. Họ nuôi cha trong những ngày hè, tết.
    Tục ngữ nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cha giờ không thèm cơm, thịt nữa, vẫn không quên những bữa cơm bí đỏ, bên những ánh mắt yêu thương thấm đậm tình người. Cha nhớ mãi ông Huỳnh, ông Ban, bà Lẩu, ông Lương, bà Sành… nhiều người nữa con ơi! - những công  nhân viên giản dị suốt  đời, lo cơm, thuốc cho con em dân tộc.

***

        Sau bao năm dùi mài đèn sách, cha quyết tâm nối nghiệp cô thầy. Ra trường, cha lại trở về đây, đem cho trường một cô giáo trẻ. Con biết đó là ai không? Đó chính là người mẹ - mẹ của con - người thân nhất của cha. Mái trường này là nơi mẹ sinh ra hai anh và con giữa thời kỳ vất vả. Mẹ gầy nhom, xương nhô đôi gò má, chỉ ánh nhìn vẫn vời vợi sáng trong. Mẹ yêu thương các em nhỏ vô cùng, bao nhiêu đêm miệt mài bên giáo án. Từ cô bé mộng mơ lãng mạn mẹ cùng cha san sẻ đói nghèo. Mái trường này là chiếc nôi mến yêu đã chở che đời cha từ tấm bé. Mái trường này là nơi cha tuyên thệ trước Đảng kỳ lời hứa một Đảng viên...
    Năm bẩy sáu (1976) từ tên gọi Thiếu niên, trường đổi tên thành Phổ thông Dân tộc . Học trò mẹ cha nay trưởng thành khôn lớn, mẹ cha tự hào được góp chút công lao. Mỗi lúc đi đâu học sinh hớn hở chào, mẹ cha thấy hạnh phúc này vô giá.
    Con biết không? Hai anh con cũng thế. Từ chiếc nôi này hai anh đã lớn lên trong vòng tay cán bộ, giáo viên và trong từng luống rau thấm mồ hôi cha mẹ. Thấm thoắt đã mười năm có lẻ, mẹ cha xa trường do tổ chức phân công. Đêm đêm vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ về chiếc nôi thân thuộc.
    Nay trường con đã khác xa thuở trước, đẹp đẽ khang trang,thầy cô cũng giỏi hơn... song trong cha vẫn vẹn tấm lòng son về mái trường nuôi cha từ tấm bé.
        Hải Yến! Con gái yêu của cha, của mẹ!
      Cha rất vui thấy con khỏe, con ngoan, bạn bè khen con hát hay, học giỏi, thầy  cô khen thật thà nhanh nhẹn, bác cấp dưỡng khen con xinh như con chim én. Nhưng con ơi xin con chớ hợm mình. Sống trên đời con phải biết nghĩ suy, biết khiêm nhường để tiến xa hơn nữa. Con hãy hướng tấm lòng rộng mở đến bạn bè còn nghèo khổ hơn con,như xưa cha thường nhớ công ơn của bao người thương cha côi cút.
   Ở trong trường các thầy cô chú bác đều là người thân những đồng nghiệp của cha. Con hãy yêu như yêu kính mẹ cha nhưng đừng bao giờ nghĩ đó là chỗ dựa bởi mẹ cha không bao giờ muốn  thế. Cha muốn con soi tấm gương của mẹ: Hãy vào đời bằng trí tuệ của mình và lòng bao dung, trái tim biết hy sinh, biết quên mình đấu tranh cho lẽ phải
    Con gái ơi! Hãy nghe cha nhắc lại: Mái trường này là chiếc nôi mến yêu đã nuôi bao người con khôn lớn. Như đàn chim các con tung đôi cánh bay muôn phương hãy nhớ mãi mái trường này...

               
                                                                                                  Sìn hồ, ngày 25/12/2000
                                   PCS
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Thơ văn xuôi

LỜI RU CHO CON

(Tặng con gái yêu Hải Yến- trước ngày con tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn Quốc gia, lớp 12)

Ngày mai con bước vào phòng thi, sau bao tháng miệt mài ôn luyện. Tối nay con hãy đi ngủ sớm. Chúc con mơ giấc mơ đẹp tuyệt vời.
Con hãy mơ về ký ức xa xôi...Thuở ấu thơ tiếng à ơi của mẹ...Tiếng võng tre kẽo kẹt đêm hè, tiếng sáo diều vi vút triền đê.
Ai sinh ra cũng có một miền quê- nơi cắt rốn chôn nhau, nơi để thương để nhớ. Trái tim rung sợi dây đàn muôn thuở, sợi yêu thương, sợi dây nhớ cội nguồn.
Con đừng quên bước chập chững đầu tiên. Cha dìu con bước đi thật vững, để suốt đời con luôn đứng thẳng; không khom lưng, quỳ gối bao giờ...
Đất quê mình- đất nhạc- đất thơ. Người quê mình thật thà, đôn hậu. Con đừng quên hỡi con yêu dấu: Người thầy cầm tay con viết nét chữ đầu tiên.Theo năm tháng con dần lớn khôn. Bao thầy cô dạy điều hay lẽ phải. Trang sách cuộc đời cứ trải ra dài mãi...cho con hiểu thêm thế thái nhân tình. cho con biết yêu, biết ghét, biết tin...Và hơn cả là sống sao cho Đẹp.
Con gái ơi!Mẹ yêu con tha thiết. Mẹ muốn dâng con cả cuộc sống của mình. Nhưng con ơi, trí tuệ, trái tim...là của con, mẹ không thay con được. Con hãy nghĩ suy và con hãy viết những điều chắt chiu từ chính óc tim mình. Con chớ quen bước theo những lối  mòn và đừng bao giờ làm nhành cây tầm gửi. Và con ơi dù con học giỏi, mẹ vẫn mong con khiêm tốn hết mình. Trong khiêm nhường con sẽ đẹp hơn lên.thầy cô thêm quý yêu, bạn bè thêm tôn trọng
Con yêu ơi! Đêm nay trong mộng, con nở nụ cười tuổi mười bẩy thần tiên. Ôi nụ cười- ơi kho báu thiêng liêng, của đất trời ban cho cha mẹ...Gái yêu ơi! Hãy ngủ ngoan con nhé, để sáng mai con bước vào thi...
                               Điện Biên Phủ, đêm 15/3/2003.
                                       BTS
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cuctim999

Chị ơi ! Cúc Tím gửi một truyện ngắn vào trang này với chị nhé !
              
                     Xin việc

Nó lê bước giữa trưa, trời nóng như đổ lửa. Mồ hôi túa ra ướt nhượt lưng áo,mái tóc bết vào trán. Mặc kệ, nó vẫn bước...Cuộc gặp gỡ với ông giám đốc công ty X như cuốn phim quay chậm đang tua lại trong đầu nó.
   Cả đêm qua nó ngủ không ngon , sáng nay, nó dậy từ rất sớm, mặc bộ quần áo bảnh nhất và bắt đầu trang điểm thường thì không mấy khi nó trang điểm nhưng hôm nay thì khác: Đi phỏng vấn đấy. Có thể cuộc đời nó sẽ được mở ra với chân trời mới đầy sán lạn, nó sẽ làm việc hết mình, nó sẽ hoàn thành tốt công việc được giao, nó tin là như thế vì nó vốn được khen là thông minh mà. Nó sẽ........Vừa tô thêm chút phấn nó vừa nhoẻn cười trong gương, khuôn mặt rạng rỡ.
Cầm bộ hồ sơ trên tay nó bước vào công ti X đầy vẻ tự tin. Sau khi làm tất cả mọi thủ tụcvà nộp lệ phí hồ sơ là 300.000đồng, nó được người ta chỉ vào phòng phỏng vấn. Trong phòng một người đàn ông trung niên có gương mặt béo múp míp đang ngồi trước mặt là một đống giấy tờ gì đó. Nó nhoẻn miệng cười và cất tiếng chào. Một phút, hai phút ....năm phút trôi qua Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn nó, cái nhìn có vẻ hơi sững lại, sau rồi đôi mắt đó ngắm nhìn nó từ đầu đến chân. Cái nhìn có vẻ sống sượng làm nó bất giác đỏ mặt, ngượng ngùng
- Thưa chú...cháu đến xin được phỏng vấn...Bỗng dưng nó thấy ấp úng.
Người đàn ông ( lúc này nó mới nhìn rõ tấm biển trên ngực áo ông ta: Nguyễn Hoàng A - Giám đốc ) xởi lởi :
- Ngồi xuống đây......xin việc chứ gì? .....ngồi đây....
Nó rón rén ngồi xuống ghế đặt tập hồ sơ trên bàn. Ông giám đốc mở tập hồ sơ lật lật mắt liếc vào đó rồi lại nhìn nó. Lần này, đôi mắt dừng lại lâu hơn một chút nơi lồng ngực nó đang phập phồng vì hồi hộp. Nó lại đỏ mặt...
Tay vẫn lật giở đám giấy tờ, ông ta hỏi: Em tên Thuỳ Trang? Nó lúng búng : Vâng.
Ông ta hỏi tiếp : Em hai mươi tư tuổi? nó lại:  Vâng
_ Tại sao em muốn xin vào làm việc ở đây?
Được dịp nó tuôn ra một tràng giang đại hảinhững ước mơ, những hoài bão, những dự định và cả những lời hứa mà nó đã chuẩn bị từ mấy tuần nay. Đến khi nó ngưng nói thì đã thấy ông giám đốc đứng đằng sau nó từ lúc nào. Bất chợt ông ta choàng tay ôm chầm lấy nó. Nó thấy rõ hơi thở hổn hển, dồn dập lẫn trong tiếng nói của ông ta phả nóng phía sau gáy :
Được rồi... được rồi.....Công ti chúng ta đang rất cần những người như em...
Nó giật nảy người vùng đứng dậy Ông giám đốc cũng tiến lại gần nó hơn, vòng tay xiết chặt hơn, giong mơn trớn : Ngoan nào..Hồ sơ của em tốt lắm đấy.....
Nó đỏ mặt tức giận rồi chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào nó vung tay.  Đốp...đốp...Gương mặt núc ních thịt của ông giám đốc hứng trọn hai cái tát như trời giáng của nó. Vơ vội túi hồ sơ nó lao ra khỏi cửa. Bên ngoài hành lang vài ba người ngạc nhiên nhìn nó.
      Nó vẫn bước trên hè phố. Mùi thức ăn ở mấy quán cơm bên đường làm nó sực nhớ ra từ sáng tới giờ chưa bỏ cái gì vào dạ dày. Mặc kệ, phải ăn cái gì đã.Nó bước xuống điịnh sang đường. Bất chợt có tiếng kêu thất thanh, trước mắt nó một cảnh tượng khủng khiếp chuẩn bị diễn ra.Một bé trai khoảng 5,6 tuổi đang chạy đuổi theo quả bóng nhựa giữa đường phố. Tiếng phanh xe kin kít..tiếng la, hét xôn xao . Phía trước một chiếc xe màu đen vun vút lao tới. Không kịp nghĩ suy điều gì nó lao ra ôm lấy đứa bé lăn sang vệ đường. Tập hồ sơ rơi tung toé,...
Khi tỉnh dậy nó ngơ ngác thấy mình nằm trong bệnh viện, khắp người đau ê ẩm, nó khẽ cựa quậy. Tiếng mọi người lao xao : May quá cô ấy tỉnh rồi! Thật may mắn!
Một người phụ nữ xa lạ ngồi bên mép giường nắm chặt tay nó xuýt xoa : Đội ơn cô! Không có cô thì không biết con tôi sao đây !Nó thở phào : Vậy là cậu bé không sao!
   Ngày hôm sau người phụ nữ dắt theo cậu bé vào viện thăm nó .Phía sau họ là cha cậu bé. Đón bó hoa trên tay người mẹ nó ngượng ngiụ cảm ơn. Cha cậu bé tiến đến chìa bàn tay ra phiá nó : Thật may mắn quá ! Thật không biết lấy gì đền ơn cô đây! Giọng nói này sao nghe quen quen hình như nó đã gặp ở đâu đó. Nó ngẩng lên, cha cậu bé tái mặt chết sững, còn nó tiếp tục cúi xuống chơi với đứa bé. Họ ra về,ông giám đốc công ti X nán lại xin lỗi nó và tỏ ý muốn trả ơn nó đã cứu con trai ông ta bằng cách nhận nó vào làm nhưng nó từ chối.

Hôm nay nó ra viện.

Một tuần sau, trong bộ đồ thật bảnh, với bộ hồ sơ mới, nó tự tin tìm đến công ti Y xin phỏng vấn.
Mong rằng một con người kiên cường, dũng cảm như nó sẽ sớm tìm được cho mình một công việc mà nó mơ ước./.
                 ( Cúc Tím )
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lại Duy Bến



Anh góp với em 1 truyện ngấn nhé


KHOẢNH KHẮC

Đò súc sinh !Quân khốn nạn !Đồ khốn...
Thịnh giận dữ,hai tay om đầu nhao về phía màn hình ti vi.Thuỳ đang rửa bát,nghe tiếng quát trầm đục của chồng vội chạy đến.Biên tập viên truyền hình đang nói về hành vi của người phụ nữ có khuôn mặt nanh ác như phù thuỷ vừa nắm tóc cháu bé bửa ra đằng sau rồi ấn thìa đầy cơm vào miệng làm cháu bé khóc thét lên vì sợ hãi.Hình ảnh quay lén làm người xem căm giận người đàn bà mất hết nhân tính

Thuỳ tắt ti vi ,đỡ chồng vào phòng ngủ.Đêm ấy,gần như thức trắng,kỉ niệm ở chiến trường hiện ra như cuốn phim quay chậm...
 Mùa hè đỏ lửa năm 1972 thành cổ Quảng Trị ta và địch giành nhau từng mét đất.Địch ném xuống đây một khối lượng bom pháo khổng lồ (328 nghìn tấn bom,tương đương 7 quả bom nguyên tử)Đơn vị của Thịnh được lệnh hành quân gấp vào Tây Nam Huế khu vực Động Tranh đường 12,điẻm cao 360,372...Có nhiệm vụ giữ chân trung đoàn 54 sư đoàn 1 nguỵ

 Trong trận chiếm cao điểm 360 Thịnh bị thương vì mảnh M79 găm vào đầu ngất đi.khi tỉnh dậy biết mình đang ở viện quân khu.Thương binh chuyển đến phần lớn là nặng.Có trường hợp hy sinh dọc đường.Trong hầm hậu phẫu thương binh nằm la liệt,băng trắng toát thấm máu.Nằm cạnh Thịnh là ca mới phẫu thuật cắt cụt bên chân đến gần háng máu rỉ nhiều.Tiếng rên cố ghìm
 Thịnh lơ mơ ngủ thì đất rơi rào rào,hầm rung lên vì bom.Y tá Lựa đến báo cáo cho bác sĩ Thấu có hai trường hợp hi sinh vì vết thương quá nặng.Hầm hậu phẫu nằm sâu dưới đất,tránh được các loại pháo.Khi tiếng bom vừa dứt,khói hắc nồng nặc...Từ hầm hậu phẫu bật tiếng trẻ khóc chào đời.Tất cả thương binh,không ai bảo ai đều nhỏm dậy.có người băng kín bụng và chân cũng ngọ nguậy hướng về tiếng trẻ khóc.Một sinh linh mới chào đời trong làn khói bom chưa tan trên mặt đất...

 Xung quanh vẫn ì ầm súng nổ.Tiếng trẻ khóc trồi lên giữa âm thanh của bom,đạn pháo.Vào lúc này thứ âm thanh của tiếng khóc kỳ diệu làm sao!Nó xoa dịu đi những cơn đau dữ dội.Có tiếng hát khe khẽ vẳng ra từ một thương binh...Khi tiếng trẻ vỡ oà như một thông điệp thiêng liêng về một sự sống ra đời.Chính lúc ấy,trên bàn mổ người thương binh đang đau đớn vì thiếu thuốc mê,lặng im...Khuôn mặt ngời rạng hé một nụ cười.Như hiểu ra sự kì diệu ấy các bác sĩ ,y tá đã khẩn trương mổ thành công ca phẫu thuật ngoài dự kiến

  Tiếng trẻ ngưng bặt,không gian lặng đi chưa được bao lâu thì một loạt đạn pháo cấp tập mảnh văng rít ghê rợn,cành cây rơi lả tả.như một phản xạ tự nhiên của người lính đã trải qua chinh chiến,những thương binh đi được hoặc nằm bắt động đều đồn về hai mẹ con muốn làm lá chắn che đỡ cho sữ sống kế tiếp

  Thịnh thấy lòng mình xao động.Đã chứng kiến bao nhiêu cái chết của đồng đội.Từng cáng cả một khẩu đội cối 82 trong chiếc võng dù những mảnh thi thể nát bấy...Nhưng lần này cái khoảnh khắc là tiếng khóc làm Thịnh không thể quên,như sự mách bảo thiêng liêng

   Người thương binh nằm cạnh Thịnh ngọ nguậy,ú ớ,máu rỉ ngày càng nhiều chỗ sát háng...Thịnh giơ tay huơ huơ báo cho bác sĩ,y tá Lựa đến cúi xuống ghé sát nghe tiếng thều thào...Bác sĩ Thấu cũng vừa đến,sau khi nghe y tá Lựa trình bày,cả hai đi nhanh tới chỗ hai mẹ con.Sau phút lưỡng lự bác sĩ Thấu nói nhỏ với người mẹ trẻ

  Tiếng khóc đột ngột nhưng rè hơn lần đầu ,ngừng lại rộ lên...Y tá Lựa cầm chiếc áo mầu trắng thay tã lót đến chỗ người thương binh nặng.Bàn tay người thương binh ghì lấy chiếc áo ướt nước đái của đứa trẻ áp vào mặt mình rồi tay buông thõng xuống...

   Y tá Lựa  nhấc áo lên,trên khuôn mặt người thương binh còn ướp lại nụ cười mãn nguyện.Bác sĩ Thấu,y tá Lựa đứng yên rồi cúi đầu.Thịnh và các thương binh nước mắt trào ra vĩnh biệt đồng đội.Theo yêu cầu của mọi người y tá Lựa đưa chiếc áo thấm nước tiểu của đứa trẻ cho từng người hít hà.Đến lượt Thịnh nâng nhẹ chiếc áo rồi từ từ ấp vào mặt.Mùi khai dễ chịu ấm cả hơi người mẹ làm Thịnh lâng lâng

  Khi biết tin chuyển viện một số thương binh ra Bắc điều trị Thịnh được biết người thương binh ấy tên là Mão quê Quảng Bình,là một tiểu đoàn trưởng dũng cảm lập nhiều chiến công được quân khu gửi đào tạo phát triển nguồn,nhưng Mão xin ở lại vì toàn bộ kế hoạch Mão trực tiếp đi trinh sát.Lần về trước ra Bắc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị vợ Mão sinh đứa con trai đầu lòng.Khi biết mình không qua khỏi đã đề nghị được nghe tiếng khóc lần cuối và hôn chiếc áo có mùi người mẹ...

 Cuoi năm 1977 Thịnh được chuyển về khu điều dưỡng thương binh của bộ.Năm 1991 gia đình làm đơn đề nghị đưa Thịnh về nhà chăm sóc.Bị thương ở sọ não,bên ngoài lành lặn gặp Thịnh ít ai biết là thương binh,mà thương binh nặng có tiêu chuẩn người phục vụ.Về sống với gia đình và bà con hàng xóm Thịnh thấy thoải mái.Thịnh hay chơi với trẻ con,nhà nào có trẻ là anh đến.Trong túi quần lúc nào cũng có kẹo hoặc hoa quả.Nhìn Thịnh nô đùa với trẻ,nhiều người quí anh,thông cảm muốn chia sẻ ,cũng có ai đó cho Thịnh là hâm thần kinh

 Cuộc sống nơi miền quê Thịnh còn nghèo.Ngày thương binh liệt sĩ có quà của trại điều dưỡng thương binh,của huyện,xã Thịnh đều san sẻ cho các cháu ở nhà trẻ mẫu giáo.Còn cân đường hộp sữa định mang về biếu mẹ lại nhớ chị Hân ở đầu gõ mới đưa con mổ ở bệnh viện nhi Thuỵ Điển về,liền ghé vào thăm cho quà

 Được các bác sĩ và đồng đội ở khu điều dưỡng hướng dẫn và phổ biến kinh nghiệm chăm sóc thương binh sọ não,Thuỳ biết cách để không gây ức chế.Tình yêu trẻ và những kỉ niệm chiến trường dược nghe từ chồng,Thuỳ càng thương chồng hơn,cố gắng bù đắp những mất mát mà chồng đã gánh chịu

  Biết mình không có khả năng có con,Thịnh nhiều lần khuyên Thuỳ đi tìm hạnh phúc .Với Thuỳ được yêu và chăm sóc chồng  với lòng biết ơn đã là hạnh phúc.Nhà Thịnh ít khi vắng tiếng trẻ.Ngày nghỉ các cháu đến chơi nhà bác Thịnh được ăn kẹo,nghe bác Thịnh kể chuyện bác Thuỳ hát rất hay.Một lần,Thịnh qua nhà Khoán,thấy đứa con khoảng ba tuổi mặt bầm tím đứng khóc. (còn nữa)
Vàng son rồi cũng qua đi
Câu thơ ẩn dật cháy khi bão lòng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lại Duy Bến


Thịnh vào thấy Khoán say rượu cầm que đánh con thì giằng lấy, không kìm nổi sự tức giận chỉ thẳng vào mặt Khoán
   -Anh là thằng đàn ông,là bố đánh con thì thật là ...khốn nạn!
Thịnh có thói quen ít khi bỏ chương trình thời sự trên ti vi.Nhiều lần xem xong,anh tắt ti vi trầm ngâm ôm đầu vì những cơn đau.Hôm xem truyền hình đưa tin về vụ án ở miền Trung:Những kẻ bất lương lợi dụng chính sách chia những bộ hài cốt liệt sĩ làm nhiều phần để lấy tiền chia nhau.Những người đã đổ một phần xương máu nơi chiến trường vì mất giấy tờ vì những nguyên tắc thủ tục cứng nhắc cửa quyền vô trách nhiệm mà báo chí đài truyền hình đã đưa tin .Sau hơn 30 năm chưa được giải quyết.Một số người do vết thuong,bệnh tật đã mất.Trong khi đó nhiều người không hề bị thương lại được hưởng chính sách thương binh...Rồi nạn buôn bán trẻ em,những hành vi thô bạo đối với trẻ em.Nạn tham nhũng hoành hành như một đại dịch làm nhức nhối xã hội...làm Thịnh buồn.Những ngày mồng một,ngày rằm người làng thấy Thịnh ra nghĩa trang liệt sĩ của xã thắp hương.
  Nỗi buồn chồng lên nhau làm nỗi đau quặn thắt.Mỗi khi thấy những đứa trẻ bị người lớn đánh khóc ré lên là Thịnh lại nhớ tiếng trẻ khóc trong rừng.Cũng là tiếng khóc từ đứa trẻ mà âm vang bao nỗi niềm.Có khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời.
  Lũ trẻ kéo đến ríu rít nô đùa trong sân nhà Thịnh.Những đôi mắt đen như hạt nhãn nhìn anh với nụ cười như hoa làm Thịnh quên đi mọi vướng bận và tục luỵ,chỉ còn cảm giác nhẹ nhàng,thấy lòng mình trong suốt như giọt sương mai.Nhìn những đứa trẻ nô đùa Thịnh thấy mình hạnh phúc.Một đôi mắt trong veo nhìn Thịnh:

       -Bác Thịnh ơi !Sao bác lại khóc

                               4-2007
Vàng son rồi cũng qua đi
Câu thơ ẩn dật cháy khi bão lòng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối