VĨNH BIỆT "NHÀ THƠ TÂN CỔ ĐIỂN" HOÀNG CẦM
Với tôi, Hoàng Cầm là nhà thơ lớn với bút pháp tân cổ điển. Ông làm mới thơ Việt cuối thế kỷ XX trên nền tảng văn hóa Việt mà nổi bật là văn hóa Kinh Bắc. Người mê và thuộc thơ ông thì nhiều vô cùng. Mấy năm gần đây, tuy biết nguồn sống của ông đang cạn dần, vậy mà mỗi lần nghe điện thoại về ông, tôi cứ thắc thỏm lo ông khó chống nổi bênh tật. 12 tháng Giêng âm lịch năm nay, như mọi khi, tôi đến chúc sinh nhật thứ 89 của ông không được bình thường. Nhiều người yêu thơ ông đã đến trước tôi, ông không nhận ra ai. Con trai ông nói bố em bị lẫn. Khi tôi ngồi xuống giường ông nằm, bỗng ông hỏi: "Tạo đâu nhỉ". Hóa ra ông đã nhận ra tôi, và hỏi đùa một câu rồi nở cười cầm tay tôi. Mọi người cười theo và bảo: "Cụ còn lâu mới lẫn". Tối chủ nhật vừa rồi, tôi đang đi từ Sóc Sơn về thì nghe điện thoại của Nguyễn Đình Toán báo cụ Cầm vừa vào cấp cứu ở bệnh viện Hữu Nghị, khó qua. Tôi linh cảm điều bất ổn, liền gọi ngay cho nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội Nhà Văn và hẹn sáng mai vào viện thăm ông. Ông nằm trên giường bệnh chụp ống thở oxy nhưng mắt vẫn mở ra nhìn chúng tôi và cố nấc lên mà không nói được. Hữu Thỉnh xúc động nói: "Cố lên anh nhé. Anh là nhà thơ xuất sắc, là người thầy, người anh đáng kính của bọn em". Tôi sờ tay ông thấy lạnh toát, mồ hôi nổi hạt, và nghĩ: cây thi sĩ đang hết dần nhựa sống. Ngay lúc đó, chúng tôi bàn với gia đình việc chuẩn bị hậu sự cho ông. Hữu Thỉnh lẩm bẩm: Phải là một đám tang tầm cỡ!
Sáng 6 tháng 5, tôi đang trên đường đến hội Nhà Văn thì nhận được điện của Nguyễn Đình Toán báo tin thi sĩ Hoàng Cầm đã qua đời trước đó 5 phút, tức là 9 giờ 25 phút. Tôi dừng xe bên đường thấy lòng trào lên một nỗi buồn khó tả. Tôi nhớ ngay câu thơ ngôn truyền của ông "Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ". Những hình ảnh thân thương gần gũi của quê làng vào thơ ông bỗng trở nên sang trọng lạ lùng. "Những cô hàng xén răng đen Cười như mùa thu toả nắng"... Mảng thơ tình của Hoàng Cầm lại là một đóng góp đáng kể về cảm giác tình yêu trong thơ ta. Đấy là một cảm giác si mê hưng phấn trong ái tình, mà có người nhầm tưởng là kích động nhục cảm. Ví dụ những câu thơ rất gợi này: "Chân em dài đi không biết mỏi/ Má hồng em lại nổi/ đồng mùa nước lụt mênh mông/ Lưng thon thon cắm sào em đợi/ Đào giếng sâu rồi đừng lấp vội đầu xanh" Những chân dài, má hồng, lưng thon khiến ta nhớ tới "trường túc", "hồng nhan", "chiết yêu" trong quan niệm tính dục của người Tàu, nhưng khi những chi tiết ấy vào thơ Hoàng Cầm nó đã được Việt hóa một cách thần tình, khiến cho câu thơ trở nên lung linh tơ lụa bọc che những ẩn dụ xa xăm.
Những câu thơ gợi nhớ lại cả cuộc đời của ông.
Ông sinh ngày 22.2.1922 tại làng Phúc Tằng huyện Việt Yên (Bắc Giang) nhưngquê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh), nơi có con sông Đuống nằm nghiêng nghiêng trong thơ ông. Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt được ghép bởi tên làng và tên huyện, còn bút danh là tên một vị thuốc đắng: Hoàng Cầm. Ý ông là dùng cái tên đắng cho đời thêm ngọt. Nhưng sự đắng đót luôn theo đuổi ông suốt thời tuổi trẻ. Ông tốt nghiệp tú tài toàn phần năm 18 tuổi, bước hẳn vào nghề văn: dịch sách, làm thơ, viết truyện, viết kịch. 20 tuổi viết nên vở kịch thơ "Hận Nam Quan" tràn đầy lòng yêu nước, năm 22 tuổi viết kịch thơ "Kiều Loan" được công diễn năm 1946 và đến gần đậy được đạo diễn trẻ Anh Tú tâm đắc dàn dựng lại và đoạt giải thưởng Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc. Người vợ ông cưới năm 18 tuổi chết sớm để lại người con trai, ông lấy người vợ kế là Tuyết Khanh, người sắm vai kịch Kiều Loan, rồi tham gia Vệ quốc quân. Tài năng của ông dồn vào thơ và lãnh đạo đoàn kịch quân đội phục vụ kháng chiến. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng tại trận về bài thơ "Đêm liên hoan" trong chiến dịch Điện Biên Phủ với những câu thơ thật hào hùng: "Máu tôi mai sẽ chảy/ Trôi phăng hết kiếp ngựa trâu/ Xương tôi, tôi bắc nên cầu/ Cho đàn con bước lên lầu Tự Do!". Sau 1954, ông chuyển ra dân sự, được bàu vào Ban chấp hành hội Nhà Văn khóa đầu tiên. Nhưng ông cũng là người chủ trương nhóm Nhân văn - Giai phẩm nhằm cách mạng văn chương, vài năm sau NVGP bị đóng cửa và Hoàng Cầm cùng nhiều nhà văn khác bị "treo bút" suốt 30 năm liền. Trong những ngày "đau đớn" ấy, ông lấy bà Lê Hoàng Yến, và mở quán rượu nuôi đàn con nhỏ. Tuy nhiên, nghiệp văn chương không bỏ người thi sĩ tài hoa, ông lặng lẽ viết nên tập thơ "Về Kinh Bắc" và hàng trăm bài thơ khác. Tập "Về Kinh Bắc" là tập thơ hay nhất của Hoàng Cầm chỉ nằm trong ngăn tủ, hơn 20 năm bỗng mang họa cho ông, ấy là khi người ta cho rằng đấy là một tập thơ "ám chỉ chế độ". Tác giả bị giam, bị hỏi cung suốt cả năm trời. May thay, thời đổi mới đến, Hoàng Cầm được phục hồi hội tich hội Nhà Văn và "Về Kinh Bắc" được xuất bản cùng nhiều tập thơ khác của ông.
Những tác phẩm của Hoàng Cầm được công bố thời "Đổi mới" đã đưa ông trở lại thi đàn đúng như tầm cỡ của ông - một thi sĩ của cách mạng và tình yêu. Bạn bè yêu thơ trong nước, ngoài nước luôn tìm đến ông thăm hỏi, xin thơ, trong đó có cả những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng. Tôi còn nhớ lần nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đến thăm, và mời ông đến Nhà sáng tác của Bộ để sáng tác với chế độ ưu đãi đặc biệt. Hoàng Cầm rất vui, nhưng tiếc là sau đó ông bị ngã gãy chân, phải "nằm nghiêng nghiêng" trong ngõ phố Lý Quốc Sư cho đến lúc cuối đời.
Sự nghiệp văn chương của Hoàng Cầm cũng như con người ông luôn ẩn dấu những tầng dày văn hóa Việt Nam , sâu sắc và chân thành. Ngôn từ của ông sáng láng, dạt dào và thấm đậm tâm linh. Dân tộc và tình yêu luôn là nguồn cảm hứng thơ ca bất tận của ông, nó vừa thủ thỉ chân tình vừa hào hùng sảng khoái, nó vừa nghiêm cẩn thiêng liêng vừa yêu kiều quyến rũ. Có thể nói thơ ông ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ Việt kế tiếp với sự cách tân mang sắc thái dân tộc. Bởi cái tâm sâu xa của ông là luôn ủng hộ sự cách tân ngôn ngữ của các nhà thơ thế hệ đàn em.
Năm 2007, ông được nhà nước vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Nhưng điều quan trọng nhất, tôi tin, gia tài thơ văn của Hoàng Cầm còn tiếp tục được đông đảo công chúng tiếp nhận và chia sẻ.
Giờ thì thi sĩ Hoàng Cầm đã vĩnh viễn xa cõi đời này với 89 mùa xuân "viên mãn" như ông từng tâm sự lúc cuối đời. Câu thơ ông viết 50 năm trước lại quay về giây phút cuối cùng ông: "Cúi lạy Mẹ, con trở về Kinh bắc"...
Hà Nội, 6.5.2010
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Nguồn: Báo Tuổi trẻ 7.5.2010
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn