Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Phóng sinh những cánh chim trời





             Đó là những gì diễn ra vào một buổi sáng, đầu mùa xuân, dòng Hương đầy ắp sương mù, Rosalind Graham, một nữ du khách người Bỉ còn khá trẻ, trên đường xuống bến sông để làm một chuyến thủy du ngược dòng sông Hương, chị đã gặp một phụ nữ nghèo bán những con chim én trong một chiếc lồng to. Rosalind Graham đã mua mà không hề trả giá. Cả bầy chim ba mươi đô-la. Trong tay Rosalind, những con chim én hiền lành, lưỡng lự một chút rồi bất ngờ tung mình sải những đường bay dài vào bầu trời cao rộng.

                  Và giờ đây, sau khi đã thả chúng, chị mê mải nhìn theo cho đến khi những cánh chim vừa mới bị cầm tù kia bay cao, cao mãi và khuất dạng trong sương mù.

                  Mùa xuân ở Huế cũng là mùa của phóng sinh. Ngoài những ý nghĩa rất nhà Phật, tránh sát sanh hại vật, phóng sinh còn mang một ý nghĩa khác có tính dự phóng thế giới, rằng với một cánh chim trời được tự do, thiên nhiên sẽ có thêm một tỉ lệ cân bằng, và ở đó thế giới được duy trì trong một trật tự lợi ích có sẵn, định hình qua một quá trình  chọn lọc tự nhiên hài hòa và khắc nghiệt.

                 Điều đáng tiếc là trừ những nhà khoa học, với những thông số rút ra từ khảo sát và suy luận, không phải ai cũng thấy được bằng mắt thường cái gọi là sự cân bằng sinh thái. Và chính sự mưu sinh đã thúc ép họ phải làm ngược lại, thay vì bảo vệ sự cân bằng này.

                 Bằng chứng là gần đây chuột đã hoành hành dữ dội, do con người đã ăn nhiều quá rắn và mèo. Thống kê của FAO-tổ chức lương thực thế giới, ít nhất trong năm 1999, loài chuột đã ngốn hơn 30 triệu tấn lương thực, và lượng lương thực này đủ nuôi 150 triệu người. Nhưng trên thực tế, con số tổn hại còn lớn hơn nhiều.

                  Từ chuyện chim lại nói sang chuyện chuột, nghe có vẻ lạc đề, nhưng với sự cân bằng sinh thái, chúng là những mắc xích nhỏ có ý nghĩa như nhau, và thậm chí còn quyết định cả sự tồn vong của con người.

                  Chuyện một nữ du khách Bỉ thả chim én bên bờ sông Hương vào một buổi sáng, nó cũng thường tình như chuyện một phụ nữ Việt Nam nghèo sống bằng món tiền lời từ món hàng mua đi bán lại là những cánh chim. Nhưng ít nhất cũng đã có đến hai sự thật từ một cuộc mua bán: đó là nền văn minh mà chúng ta chưa theo kịp, cũng như sự nghèo khó mà bằng mọi cách những gia đình nông dân đã chẳng làm sao giảm nhanh được.

                   Trước khi chúng ta kịp hiểu điều gì đã xảy ra, thì những con chim én tội nghiệp vẫn tiếp tục bị những người tội nghiệp săn đuổi. Trong cái vòng lẩn quẩn của cơm áo, thiên nhiên đã bị rẻ rúng đến tăm tối.

                    Và trên cao, những con chim én hiền lành, vô hại, mang mùa xuân đến đang sải cánh tung bay, bất chấp những cạm bẫy đang rình rập giăng há từ phía con người.



(Nguyễn Xuân Hoàng-Tuỳ bút Hương Mùa Thu-2001)

"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Bài viết nói lên một tâm hồn đẹp nhưng chưa phải là một đoản bút hay.Rất đồng cảm với NXH về điều cả thế giới đang quan tâm.Chia sẻ chút nghe NT.
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Đọc "Bánh canh Nam Phổ" của Xuân Hoàng lại nhớ tới canh cá Thái Bình- quê hương thứ hai của mình. Yêu những món ăn quê mùa, dân dã được làm nên từ bàn tay khéo léo của con người và thấm đẫm hương vị đất trời...Còn đọc "Phóng sinh những cánh chim trời" thì lại thấy xót xa trước sự tàn nhẫn cũng của con người. Suy cho cùng, bảo vệ thiên nhiên thì sự sống của loài người sẽ được kéo dài ra và đẹp đẽ hơn. Nhưng đói nghèo thì lại làm cho sự sống chấm dứt trước khi người ta thấy được điều tốt đẹp. Và vì thế mà người ta cứ phải tàn nhẫn, dù có khi chẳng muốn (như người phụ nữ nghèo kia chẳng hạn)...
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Cảm ơn bạn Quang Tri và hoa cỏ đã ghé vào đọc và chia sẻ cảm nhận. Bận quá hoa cỏ ạ. Chị không có thời gian gõ tùy bút của Hoàng để gửi lên trong giai đoạn này nữa.

Hay đọc, thu và gửi lên cho... nhanh hơn nhỉ! :D
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Nếu được thế thì tốt quá chị ạ! Tuỳ bút của Xuân Hoàng sẽ vì thế mà hay hơn đó chị! Luôn mong chị khoẻ, nhất là ...thanh quản!
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Lên non mới biết non cao!



                     Thời tôi đi học, nhà nghèo vô kể. Cả năm anh em đèn sách đều trông vào ba sào ruộng khoán của mạ và chiếc xe thồ ọc ạch của ba. Ngày nào ba cũng dậy từ khi đêm còn. Bất kể mùa mưa mùa nắng, chưa bao giờ tôi thấy ba tôi nghỉ một ngày nào. Cũng chưa bao giờ tôi nghe ba tôi than thở. Ông làm việc với niềm tin của một núi Thái Sơn, rằng năm anh em tôi đứa nào cũng phải vào đại học, đèn sách nên người. Ông bảo không phải học để có cái nhà vàng, mà học để có tấm lòng.

                          Hơn mười năm ròng rã đạp xe thồ, hai bàn chân ông- bàn chân của một viên chức có thời sống trong nhung lụa, bỗng bè ra thành từng múi, trông rất lạ. Còn tấm lưng vốn rất thẳng, bây chừ xem ra hơi cong cong, tồi tội. Nhưng đôi mắt, ôi đôi mắt cha chưa bao giờ khác, vẫn chói ngời một đức nhẫn, và sự hi sinh không có bến bờ.
 
                            Sau này, mạ mới cho chúng tôi biết, những tháng đầu tiên hành nghề xe đạp thồ, đêm nào ba tôi cũng dậy vài lần, bóp hai bàn chân bằng nước muối. Ông giấu cả nhà, làm lặng lẽ sau chái bếp.

                            Mang ơn sâu như trời bể của ba, tôi vào đại học. Rồi cũng như bao nhiêu người khác tôi có gia đình. Con đầu lòng của tôi là một cậu bé trai. Thằng bé lẻo khẻo, hay cam sài, thuộc loại khó nuôi. Ngoài đồng lương tập sự èo ọp, chúng tôi phải nhờ vả nhiều ở nhà ngoại, mới kham nổi một khẩu nhân trong nhà. Cuộc sống mệt mỏi, nhiều áp lực, dễ làm những người hiền nhất cũng phải phát cáu. Có lần thằng bé phạm lỗi, một lỗi rất nhỏ của tuổi thơ nghịch ngợm. Tôi vô cớ đánh con rất nặng. Vết roi tím bầm phải nhiều ngày sau mới tan. Lần đầu tiên mất ngủ với niềm ân hận, tôi chợt nhớ những năm tháng tuổi thơ. Nhớ cánh đồng lúa nghèo màu của mạ. Nhớ đôi mắt ba và những cuốc xe thồ vất vả trong mưa gió. Rồi những đồng tiền cóp nhặt gửi qua đường bưu điện cho tôi ăn học. Đã bao giờ cha nói nặng với tôi đâu.

                       Tôi xoay người ôm con. Dường như thằng bé đang mơ và nó cười thành tiếng. Đêm đã khuya, chợt trước hiên nhà có tiếng gọi giật "xe thồ". Tôi nghe tim mình nhói lên. Có tiếng lằm bằm của một gã say mặc cả. Rồi tiếng nói khàn khàn của một người đạp xe thồ già trả lời. Thằng bé bỗng cười khanh khách trong mơ. Tôi lại ôm con. Nước mắt lưng tròng, ừ thì lên non mới biết non cao...


                              (Nguyễn Xuân Hoàng- Tuyển tập bút kí "Hồn mai"- Năm 2007)
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quang Tri

Đọc văn người sao lại ngẫm về mình.Hình như ở khúc ruột miền Trung này,những phận đời giống nhau chi lạ.Nghĩ đến những người cha và những lằn roi đã hằn trên người của mình ,của con mình mà bỗng xót xa.Chúng ta đọc có thể chưa cảm thông được sâu sắc sự hy sinh ấy,nhưng nếu hình dung dưới nắng gắt,mưa dầm,gió bắc từng cơn buốt thổi của khí hậu khắc nghiệt miền Trung thì sẽ thấy điều ấy to lớn đến chừng nào.
Tiếng rao khuya vang lên ngoài xa cho lòng tôi quặn lên khi nhớ đến dáng lưng còng của mẹ liêu xiêu,lê bước chân với đôi quang gánh cùng tiếng rao khàn đục vang lên nhói vào tim tôi "Chè đây,chè ...đây".Tôi lại nhớ dáng cha sau một ngày dặm vá đường,trở về ghé quán bên đường nhắp li rượu thuốc cho đỡ mỏi mệt.Những thằng con đòi nghĩ học vì thấy xót đau cho cha mẹ quá."Cha dù có đi ăn mày ,các con cũng phải học"Lời nói ấy đi theo tôi đến suốt đời và tôi chưa làm gì để xứng với sự hy sinh lớn lao của hai người.
 Hôm nay đọc đoản văn mà chênh chao,mà xót xa .Hạnh phúc thay khi có một người cha vĩ đại như người cha của XH và tôi cũng hảnh diện bởi hình bóng cha mẹ ngời ngời hiển linh với nụ cười dầy bao dung trên môi ai đó.Lá xanh rồi lá vàng,mùa xuân rồi sẽ có mùa đông.Hãy sống thế nào với cái tâm thật trong sáng,thẳng ngay để không làm tủi hổ người.
Hoa đào ngày cũ còn đâu nữa,
Thấp thoáng bên song một đoá hồng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@hoa cỏ: Cảm ơn em nhiều lắm vì đã rất chịu khó gõ bài tản văn của Xuân Hoàng lên Thi viện. :x
Chị lười quá, chả chiu khó chút nào! :)
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

@ chị Thu: Không phải chị không chịu khó đâu mà chị ít thời gian quá thôi, chị có nhiều việc phải làm mà!
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoa cỏ

Ngu mỹ nhân thảo



                    Cỏ thì có đến trên ngàn loài. Người bạn thông thái nhất trong đám chúng tôi thời sinh viên, học khoa lâm sinh đã cho biết như vậy. Có thể kể mỏi miệng, mỏi tay về dòng họ nhà cỏ: cỏ gấu, cỏ mật, cỏ lá mía, cỏ chỉ, cỏ chát...Đó là chưa kể hàng trăm loại cỏ nhập ngoại, vốn chỉ có mặt ở những nước hàn đới, giờ nằm mọc thanh thản ở nhiều khách sạn, công viên.

                      Hàm chứa nhiều kỉ niệm nhất của tuổi thơ, vẫn là cỏ mồng gà. Đá gà cỏ là một trò chơi trường kì của đám trẻ nghèo nông thôn. Và thắng cuộc bao giờ cũng là những chàng cỏ mồng gà can trường, tuổi tác và có nhiều kinh nghiệm nhất. Một vài lần khóc nức nở vì thua cuộc, tôi hiểu cỏ mồng gà sinh ra trên đời đâu phải để chọi gà. Khi có trong tay chiếc mồng gà to nhất, nghĩa là đã có nhiều cỏ mồng gà khác mất "đầu". Với tuổi thơ nhân hậu, thắng cuộc là một nỗi xót xa, dù chiến thắng ấy là một chiến thắng trung thực.

                        Nhớ lần đi thực tập ở Yên Bái, viếng mộ nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Khu mộ nằm ven sông Hồng, thấp và không có la thành. Ở đây, cỏ dại mọc vàng như mùa thu. Hai mươi chín tuổi làm nên một công nghiệp, cuộc đời Nguyễn Thái Học dài hơn rất nhiều so với quãng đời cách mạng ngắn ngủi của ông.

                         Một lần khác thăm Côn Sơn, đúng vào ngày kỵ của thi hào Nguyễn Trãi. Giữa trưa nắng, cổ họng khát đắng, vốc một ngụm nước suối Côn Sơn, bỗng dưng tôi nghe có mùi cỏ dại mơ hồ như kỉ niệm. Sống với ba đào hoạn lộ, Nguyễn Trãi là một nhân cách đặc biệt, ông cô độc và tài hoa như cỏ dại đại ngàn. "Lưng khôn uốn lộc nên từ", sống và chết vì nhân dân. Còn nghe bảo cỏ trên mộ Nguyễn Công Trứ đêm nào cũng hát ca trù. Tiếng hát nhỏ, rủ rỉ như tiếng con dế hoa nằm sâu trong cỏ. Chỉ rất ít người nghe được.

                          Trong thành nội Huế có một khu vườn cỏ rất độc trước đây là vườn thượng uyển của nhà vua. Nhiều người bảo cỏ ấy có tên là "Ngu mỹ nhân thảo". Lá dài, thân mỏng, cao là là trên mặt đất. Hễ đêm trăng, thoáng có hơi rượu, lá như tay người vươn vươn. Đó là lúc hồn nàng Ngu Cơ bồi hồi nhớ người tình chung thuỷ Hạng Vương. Vì sinh thành từ máu huyết Ngu Cơ nên mủ cỏ có màu đỏ thắm. Cứ chín tháng mười ngày cỏ lại ra hoa một lần.

                        Chuyện về cỏ là vậy. Như chuyện của người.


                      (Nguyễn Xuân Hoàng- Tuyển tập bút kí "Hồn mai"- Năm 2007)
Tôi yêu cuộc sống hôm nay
Bởi trong tôi có những ngày hôm qua...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối