THỊ XÃ MỘT TÌNH YÊU (phần 2)
“Thế rồi sao hả ông? Ông có gặp lại cô gái, à không, gặp lại bà Thanh chứ?”. Cô gái sốt ruột khi ông già kể đến đây rồi bỗng dưng ngồi lặng phắc. Sình sịch, sình sịch... Con tàu vẫn nhẫn nại đi trong đêm.
“Thị xã Phú Thọ, cái ga tàu bé nhỏ ấy đã đi vào đời ông...”. Ông già tiếp tục giọng kể đều đều. Cô gái ngoan ngoãn ngồi ôm chiếc túi du lịch lắng nghe. Qua câu chuyện, cô gái được biết: sau ngày chia tay đó, ông Phương đi thẳng ra mặt trận rồi biền biệt suốt những năm chiến tranh. Hết chiến trường nọ sang chiến trường kia. Đến khi vào trước cửa ngõ Sài Gòn, đánh căn cứ kho xăng của địch thì Phương bị thương nặng. Lửa cháy xém khắp người. Phương mê man. Khi tỉnh lại thì toàn thân anh băng bó kín mít. Anh nghe lào phào ai đó nói với nhau: “Tỉnh rồi! Sống rồi!”. Và anh lại tiếp tục thiếp đi.
Mấy tháng sau, Phương trở lại bình thường tại quân y viện. Lúc này, đất nước đã thống nhất. Thương bệnh binh ôm nhau cười sung sướng. Phương soi gương và sững sờ trước bộ mặt dị dạng của mình. Trời ơi! Sao lại thế này? Ta đây ư? Không thể nào thế được! Nghĩ đến Thanh, anh ôm mặt rưng rức khóc. Đang mong mỏi ngày về, giờ thân tàn, ma dại thế này thì... Mọi người xúm đến động viên anh. Mãi rồi anh cũng chấp nhận số phận. Mình còn hơn bao đồng đội khác. Sống để trở về quê hương là hạnh phúc lắm rồi.
Cô gái vội nhìn ông già. Trong đêm tối, dưới ánh đèn điện đỏ quạch, tù mù, mặc dù ông đã đội chiếc mũ lông che gần kín mặt nhưng cô vẫn nhìn thấy những vết sẹo nhăn nheo, chằng chịt trên mặt ông già. Cô khẽ rùng mình. Như nhận ra thái độ của cô gái, ông già cởi hẳn chiếc mũ lông ra: “Đây, bộ mặt của ông thế này thì làm sao gặp lại cô ấy cơ chứ?”. Cô gái cố giữ vẻ bình thản nói: “Có sao đâu ông? Cháu thấy ông vẫn bình thường mà!”.
“Không..!”. Ông già tiếp tục câu chuyện như nói một mình vậy. Thì có bao giờ ông kể chuyện tình của mình với ai đâu. Đêm nay, trên chuyến tàu cuối năm này, trong hành trình đi kiếm tìm Thanh, cả toa tàu chỉ có một cô gái với ông, khiến ông có cảm tưởng như Thanh đang ngồi đó để ông dốc bầu tâm sự.
Trở về quê hương, mặc cảm với bộ dạng của mình, Phương không dám đi tìm Thanh. Hãy để cô ấy yên. Cô ấy xứng đáng với một tình yêu của một người lành lặn, sáng sủa. Còn ta, chấp nhận hy sinh này để Thanh hạnh phúc. Và Phương cứ sống độc thân như vậy cho đến bây giờ. Mặc họ hàng, bè bạn khuyên nhủ thế nào Phương vẫn cứ một mực như thế. Ngày lại ngày anh giở những lá thư cùng những kỷ vật của Thanh còn giữ được mân mê, nâng niu, hít hà chúng mà cầu chúc cho Thanh hạnh phúc.
Thực ra, ngay tuần sau khi về quê, Phương đã lặn lội lên tàu ra bắc để dò hỏi tung tích của Thanh. Về Hải Hưng thì anh mới ớ người ra không rõ Thanh ở Hải Dương hay Hưng Yên để tìm. Lên Phú Thọ, đi lại mấy lần đều không ai biết Thanh ở đâu cả. Ban quản lý nhà ga bảo trước có hai cô Thanh ở đây thì một cô bị bom Mỹ chết, còn một cô về quê thì phải. Vô vọng. Ôm nỗi buồn và bộ mặt dị dạng như thế, Phương quyết định sống độc thân. Thế nhưng, ở cái tuổi bảy mươi này, ký ức ngày xưa trỗi dậy, hình ảnh Thanh cứ hiện về, thôi thúc ông. Ông quyết định tìm Thanh một lần nữa. Sau mấy ngày rong ruổi ở Hải Dương, Hưng Yên, qua cả Vĩnh Phúc tìm vẫn biệt vô âm tín. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã chiều ba mươi Tết, ông đành lên chuyến tàu vét này về thị xã Phú Thọ - nơi bắt đầu tình yêu của ông. Thanh ơi! Anh đang về với em đây, em ở nơi nào hãy đưa đường, chỉ lối cho anh, em nhé.
Tàu lại hú lên hồi còi nữa. Cô gái nhìn đồng hồ. Đã mười giờ đêm. Sắp giao thừa rồi. Tàu đang chạy chậm lại để vào ga thị xã. “Bây giờ ông về đâu?”, cô gái sửa soạn đồ và hỏi ông Phương. Ông Phương giật mình: “Đến rồi hả cháu?”. “Vâng, đến ga thị xã rồi ông ạ!”. Ông Phương bần thần. Thực ra ông cũng chẳng biết đi đâu lúc này cả. Đoán được tâm trạng của ông, cô gái nói: “Cháu mời ông về nhà cháu đón giao thừa, ăn Tết xong rồi sau tính tiếp ông ạ!”. Và như có ai xui khiến, ông Phương lục tục xách ba lô theo cô gái xuống tàu. Quang cảnh ga thị xã đêm cuối năm rộn ràng quá. Bao kỷ niệm trỗi dậy trong ông. Ông lâng lâng bước đi theo sau cô gái trong làn gió xuân đêm giao thừa. Bao kỷ niệm ùa về trong ông. Ga cũ, chốn xưa đây rồi mà người xưa nay đâu hỡi Phú Thọ?
Xe tắc-xi đưa hai ông cháu về đúng trước cửa nhà cô gái. Cả nhà cô mừng rỡ chạy ra đón họ. Cô vội giới thiệu ông Phương với bố mẹ và các em. Biết hoàn cảnh sơ bộ của ông Phương, bố mẹ cô gái vồn vã mời ông vào nhà. Đây là điều may cho gia đình họ. Bởi vì, theo quan niệm nơi đây, năm mới có người đến ăn xin, ở nhờ là rất may cho năm đó. Ông Phương hiểu khá rõ điều này. Hơn nữa, biết đâu, từ gia đình này ông sẽ tìm rõ tông tích bà Thanh. Cho nên, ông khá tự tin bước vào nhà của một gia đình lạ hoắc giữa đêm ba mươi Tết.
Bà nội cô gái cũng ra tận cửa để đón cháu. Mẹ con, bà cháu, chị em líu ríu bên nhau. Đúng là vui như Tết. Cô gái cất chiếc ba lô cho ông Phương. Sau đó, bà cháu họ kéo nhau vào phòng trong. Ông Phương cởi mũ lông, khẽ ngồi xuống ghế. Theo thói quen, ông quan sát ngôi nhà. Bàn thờ bày biện tươm tất quá. Mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, hộp mứt Tết cùng bao nhiêu thứ khác nữa. Chợt ông sững người nhìn tấm hình trên ban thờ. Trời ơi! Ảnh của ông! Ông Phương dụi mắt. Đúng rồi! Chính là chân dung của ông lúc ông hơn hai mươi tuổi. Sau làn hương khói mờ ảo của vòng hương là hình ông đang nhìn mọi người. Từ lúc đó, ông Phương như người mất hồn.
Bố cô gái rót nước mời ông. Hai người hỏi thăm nhau làm quen. Giường bên, mẹ con bà cháu vừa trở ra đang tíu tít với nhau. Vừa chuyện trò, ông Phương vừa quan sát bà của cô gái. Đợi cho bà quay mặt hẳn về phía mình ông Phương nhìn chằm chằm vào gương mặt bà. Rồi ông ú ớ. Trời ơi! Thanh của ông đây rồi! Không thể ai khác được. Khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, dáng người ấy dẫu năm tháng có làm Thanh già đi nhưng làm sao ông có thể quên được cơ chứ. Trấn tĩnh lại, ông Phương quyết định giành thế chủ động trong câu chuyện.
“Xin phép bà và hai bác đây, tôi hỏi điều này khí không phải. Có phải ngày trước bà công tác ở ga Phú Thọ không?”. Mới hỏi vậy, cô gái cùng đi với ông Phương đã tròn xoe mắt nhìn ông. “Vâng. Hồi đánh Mỹ tôi làm ở ga thị xã. Sao ông biết?”. “Ngày trước tôi đóng quân ở đây mà. Tôi nhìn bà thấy quen quen. Thế ông nhà ta đâu rồi ạ?”. “Nhà tôi mất lâu rồi! Mất tích trong Nam hồi đánh Mỹ cơ”. “Thế ạ? Xin lỗi, được chia buồn cùng bà. Ông bà được mấy anh chị tất cả?”. “Được mỗi cháu nó đây thôi. May mà có được anh này tôi mới sống được đến ngày nay đó!”.
Ông Phương sởn da gà. Trong lúc mẹ mình và ông khách nói chuyện, bố cô gái sửa soạn ban thờ chuẩn bị cúng giao thừa. Theo dõi câu chuyện giữa hai người, cô gái trân trân nhìn ông Phương. “Có phải tấm ảnh trên ban thờ kia là của ông nhà ta không bà?”. “Vâng. Nhà tôi đấy!”. “Và bà tên là Thanh?”. Cô gái tròn mắt. Cả nhà cô cùng quay nhìn về ông Phương. Quái, cái ông khách lạ này sao lại biết tên bà nhà mình nhỉ? “Vâng. Tôi là Thanh. Sao ông biết?”. Ông Phương không trả lời, hỏi tiếp: “Người trong tấm ảnh kia tên là Phương?”. “Vâng. Đúng rồi! Sao ông biết?”. Tất cả nhà đều ngỡ ngàng trước ông khách có khuôn mặt dị dạng.
Ông Phương lập cập rút trong ví ra tấm hình. “Bà xem bức hình này có giống bức hình trên kia không?”. Bà cầm tấm ảnh ông Phương đưa cho. Cả nhà cùng xúm lại ngắm nghía. Đúng rồi. Một trăm phần trăm, không sai vào đâu được. Đoạn, ông rút trong túi quần ra chiếc móc khóa rất đẹp làm bằng đuya ra xác máy bay Mỹ. “Bà còn giữ cái này chứ?”. Đến lượt bà của cô gái run run. Cầm lấy cái móc khóa của ông Phương trao, bà mân mê xoay lật ngắm nghía. Người bà run bắn lên. “Ông kiếm đâu ra những thứ này thế?”. “Của tôi đó”. Đôi mắt bà nhìn xoáy vào mặt ông Phương. Đoạn, bà với tay lên bàn thờ, nhấc cái đẩu lên và cầm xuống một chiếc móc khóa y hệt cái của ông Phương. Mọi người xúm lại nhìn. Hai cái cùng có chữ PT lồng nhau. Cái của bà thêm chữ P, cái của ông già thêm chữ T. Ông già reo lên xúc động: “Đúng bà là Thanh ga thị xã ngày xưa rồi! Hai cái móc khóa này đã nói lên điều đó. Mỗi cái mỗi nơi đều là Phương Thanh, đều là Phú Thọ. Ghép chúng lại cho có đôi vẫn là như thế, càng như thế phải không bà?”. Đúng là những lời người ấy dặn trước lúc vào Nam đây. “Trời ơi! Ông là...?”. “Thanh! Anh là Phương đây!”.
Hai người lao đến bên nhau. Bốn bàn tay tìm nhau sờ nắn. Bốn con mắt nhìn nhau không chớp. “Đúng là Phương thật rồi!”. Chỉ nói được có thế rồi bà ngất xỉu. Ông Phương đỡ bà Thanh. Cả nhà cuống quýt xúm lại giúp ông. Lát sau, bà mở mắt. Đôi bàn tay bà lại rờ rẫm lên khuôn mặt của ông Phương. “Sao bây giờ anh mới về đây? Sao gương mặt anh lại thế này?”. Bà Thanh sụt sịt. “Chuyện dài lắm Thanh ơi! Anh tìm em khắp nơi mà giờ mới thấy em đây!”. Bà Thanh quay lại nói với mọi người trong nhà: “Chào bố, chào ông đi các con, các cháu!”. Tất cả sững sờ. Ông Phương, dù đã lờ mờ đoán ra cũng không khỏi ngạc nhiên. Họ tròn mắt nhìn nhau.
Bà Thanh cầm tay bố cô gái, nghẹn ngào nói với ông Phương: “Con của chúng mình đây. Cái đêm ở sân ga anh còn nhớ chứ? Nó đấy. Nó cũng tên là Phương. Em đặt tên như thế để mãi mãi nhớ anh, mong anh trở về. Thế mà bây giờ anh mới về! Gọi bố đi con!”.
Ông Phương con tròn xoe mắt nhìn ông Phương bố. Cô gái đi tàu cùng đứa em và mẹ nó cũng bàng hoàng ngỡ ngàng. Bà Thanh nhìn mọi người và nhắc lại lần nữa: “Bố của anh đấy. Đúng thật sự đấy. Bức hình, cái móc khóa kỷ vật và cả vết sẹo ở ngón tay cái bàn tay phải này đã minh chứng điều đó”. Bà mân mê bàn tay ông. Ông Phương thuận tay trái. Từ nãy đến giờ ông cử động tay trái là nhiều. Đúng là có vết sẹo ở ngón cái tay phải ông thật. Cái lần Phương tỉ mẩn cắt gọt, gò hai cái móc khóa bị mảnh đuya ra đâm vào chảy máu sau thành sẹo vẫn còn đây.
“Bố!”. Ông Phương con khó nhọc cất tiếng “bố” trong đời. Họ ôm chầm lấy nhau. Ông Phương bố ràn rụa nước mắt. Bà Thanh cũng khóc rưng rức. Mãi sau, hai người mới tiếp tục câu chuyện của những năm tháng xa nhau.
Sau khi Phương vào Nam, Thanh dần dần bụng mang dạ chửa. Mọi người nhìn Thanh với ánh mắt dò xét. Ngày đó, không chồng mà chửa là điều gì ghê gớm lắm. Chịu không nổi dị nghị, cuối cùng Thanh bỏ nhà ga. Không dám về quê, chị vào khu sân bay này dựng túp lều sinh con. Những lá thư gửi cho Phương đều rơi vào vô vọng. Bảy tám năm trời chiến tranh, hằng đêm Thanh mòn mỏi mong Phương bình an trở về. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, chị gửi con cho hàng xóm, lặn lội vào miền Trung tìm Phương. Mấy chuyến đi đều không kết quả. Chị nghĩ, tuyến lửa ác liệt như thế, với lại hồi yêu nhau, chỉ biết Phương ở Quảng Bình đâu biết huyện nào, xã nào mà tìm? Sau rồi, chị đành chấp nhận số phận, ở vậy nuôi con.
Còn ông Phương bố cũng kể lại câu chuyện của mình mà ông đã kể cho cô gái ở trên toa tàu (bây giờ chính là cháu nội của ông) cho bà và cả nhà nghe. Tất cả đã rõ ràng. Ông Phương nói: “Không hiểu sao, chuyến đi này tôi như có linh tính mách bảo, như có quý nhân dẫn đường. Cảm ơn trời phật đã phù hộ cho tôi tìm lại được em và con và các cháu nữa. Thị xã Phú Thọ thật sự cho tôi trở về rồi!”. Và ông lại ôm mặt khóc.
Cả nhà lặng đi. Mọi người nhìn hai ông bà cùng sụt sịt. Chợt vô tuyến rộn vang tiếng pháo giao thừa. Thằng con trai em cô gái đi tàu hồn nhiên reo to: “Giao thừa rồi! Cả nhà ơi! Chúc mừng năm mới!”.
Mọi người bừng tỉnh. Ông Phương con lóng ngóng với tay lấy thẻ hương châm lửa. Bà Thanh sụt sịt: “Con dỡ tấm ảnh của bố ngày xưa xuống đi rồi thắp nhang!”.
Tiếng pháo trong vô tuyến nổ vang rộn rã. Thị xã cùng lúc bừng lên ánh đèn và tiếng nhạc. Nhà nào nhà ấy bật tung cánh cửa đón xuân về. “Chúc mừng năm mới”. Tiếng ai đó hét vang lan vào không gian. Ông Phương nhìn bà Thanh đắm đuối vẫn không tin đó là sự thật. Tất cả mọi người cứ ngỡ như trong mơ.
“Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó!”. Tiếng hát từ chiếc vô tuyến phát ra rộn ràng quá, xôn xang quá.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi