Trang trong tổng số 4 trang (35 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]

Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CHIM CU SUN (Phând 1)

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Cái lò thúc mầm của hợp tác xã xưa kia nay bỗng nhiên trở thành nơi trú ngụ của Hằng. Dân làng Trung thấy thế rất phàn nàn về mấy vị chính quyền. Đặc biệt các bà, các cô thì phản ứng lại càng gay gắt hơn. “Ai đời lại cho con ca ve nó lập tụ điểm ở ngay giữa làng cơ chứ?”. “Cái ngữ ấy, mắt đong đưa thế, mông nảy tanh tách thế, da nó lại trắng trẻo, mỡ màng thế có họa mà trăm thằng”. “Bỏ làng đi biệt tích chục năm bây giờ tự nhiên lù lù dẫn xác về sao còn nhận nó?”. “Tên thì rõ hay mà lại đi làm ca ve. Đúng là vô phúc cho cái nhà lão Hàn”. “Tưởng nó tàn tạ sao lại vẫn cứ phây phây ra thế nhỉ?”. Rồi họ răn đe chồng con. Người thì nói ra miệng, kẻ thì gầm gừ để ý để tứ từng bước đi của chồng. Cánh đàn ông thì ngược lại. Họ túm tụm lại với nhau bình phẩm rồi cùng cười hô hố. Mắt vị nào vị ấy sáng lên mỗi khi Hằng đi qua. Đến cánh thanh niên choai choai trông thấy Hiền cũng phải thòm thèm. Số đứng đắn hơn thì ra chiều thông cảm. Họ nói: “Xã người ta làm như vậy là đúng. Người làng người xã cả, đuổi đi đâu? Đừng dồn người ta đến bước đường cùng”. “Với lại, đã ai trông thấy cô ấy làm ca ve chưa?”. Vị khác bênh vực: “Mà kể cả làm ca ve đi chăng nữa thì phải hướng cho người ta phục thiện chứ?”. Mấy bà sồn sồn nghe vậy đay nghiến: “Các ông cứ chờ đấy. Sớm muộn nó chẳng làm loạn cái làng này lên tôi cứ bé”.
Tin “Hằng ca ve” mở quán bán hàng tại lò thúc mầm loang ra chấn động cả làng Trung. Tin này còn sốt dẻo, bức xúc hơn hồi đầu năm khi làng Trung xuất hiện một “thằng rồ tình”. Hôm ấy, khi làng vừa thức dậy đã thấy một người đàn ông cứ tồng lỗng đi giữa đường. Da hắn đỏ au như đồng hun. Bắp chân, bắp tay, ngực nghiếc gân thịt nổi lên cuồn cuộn. Dáng ấy trước kia phải là một đô vật chứ chẳng chơi. Trẻ con bu theo hắn, xem hắn như một vật thể lạ. Các bà, các cô ngó thấy cười với nhau rúc rích. Có bà lại cứ nhìn chòng chọc vào cái thân thể cường tráng nọ rồi nghĩ vẩn nghĩ vơ. Cánh đàn ông thì bực mình vì hắn cứ khoe cái của nợ vung bên nọ vẩy bên kia trông rõ chán. Trưởng thôn Hách phải quăng ra cái quần cộc, bắt hắn mặc vào. Rồi cứ thế, hắn dạ dật ở khu chợ mãi rồi cũng thành quen. Nó là thằng rồ, ai chấp. Và họ gọi hắn là "Tình rồ". Bây giờ lại rước thêm con ca ve mơn mởn thế bảo không lo sao được?
    Những lời bàn tán dị nghị của dân làng Trung, Hằng nghe thấy hết. Cô bỏ ngoài tai tất cả. Mười tám tuổi, được trời phú cho nhan sắc, Hằng nổi bật lên giữa đám gái làng Trung. Đôi má Hằng mịn hồng, chiếc cổ cao, thon, mái tóc dày mượt đen nhánh, cặp hông nở, đôi chân dài dẻo dai, rắn chắc. Hằng đi đến đâu những lời xì xèo bàn tán theo đến đó: “Mình xà uốn khúc, lại còn “hồng diện” thế kia, thật là dâm hết chỗ nói”. “Thằng nào vớ được nó khéo chỉ được vài tuần là xác xơ”. “Nhà lão Hàn toàn sắn với khoai sao lại đẻ ra con bé xinh thế”. Chính vì những lời tán dương vậy mà Hiền trở nên kiêu kỳ. Cô nhìn trai làng dưới tầm con mắt. Hằng bắt bồ, bắt bạn với lũ trai trên phố huyện, bỏ học lao vào các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Rồi chính Hằng cũng bị lừa tình. Cô bị một thằng cai xây dựng chơi chán rồi giới thiệu cho một sếp vì một dự án bự mà hắn đang theo đuổi. Cứ thế, Hằng qua tay hết thằng cai nọ đến ông chủ kia. Ngỡ tưởng hưởng cuộc sống vương giả nào ngờ cô trở thành món hàng cho bọn chúng trong các cuộc làm ăn. Sau khi tích cóp được ít vốn Hằng bỏ trốn bọn chúng đi buôn. Những tháng năm buôn bán đường dài, lăn lóc đầu đường xó chợ, rồi dạ dật nhà hàng khách sạn có chỗ nào cô được yên thân. Lại hàng trăm mối tình chợ búa cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Chán chường cho số phận, Hằng tìm đường về quê quyết chí làm lại cuộc đời. Về làng, anh em người thân xa lánh hắt hủi, bố mẹ từ mặt cô. Dân làng thấy cô như thấy hủi. May sao bà chủ tịch xã thương tình đã tạo điều kiện giúp cô hoàn lương.
Được xã đồng ý, Hằng bắt tay tu sửa cái lò thúc mầm thành nơi ở của mình. Phía trước lò, Hằng chài thêm cây que, lợp lá cọ bán mái làm quán. Ba cái ghế băng bằng tre chôn cọc chạy xung quanh một cái chõng tre bốn chân cũng chôn xuống đất. Đó sẽ là chỗ bán hàng của Hằng. Trong “nhà” Hằng sửa sang lại nền, lấy tấm ván canh kê một góc làm chỗ ngủ. Góc đối diện, cô dựng chiếc tủ vải làm nơi cất quần áo. Góc còn lại là chỗ để bát đũa, xoong nồi. Căn phòng chín mét vuông mới kê mấy thứ đã chật hết chỗ. Do bỏ không lâu ngày tường “nhà” bị tróc vôi, bong vữa gần hết, cô phải lấy giấy báo dán kín xung quanh. May mà cánh cửa gỗ vẫn còn, mặc dù đã long đanh nhưng khép lại cũng chắc chắn lắm. Bày biện, trang trí xong nội thất, Hằng đứng nhìn toàn cảnh ngôi nhà. ở cái tuổi “băm nhiều nhát” với hơn chục năm lưu lạc tha phương, đến giờ có được “cơ ngơi” này kể cũng là toại nguyện. Một mình một phương trời chẳng lo phải đối phó, canh chừng với kẻ nào nữa. Chả gì đây cũng là quê hương của cô.
Quán Hằng mới mở nhưng khách khá đông. Khách của cô chủ yếu là người qua đường. Tuy quán lá đơn sơ, lại chỉ bán hàng giải khát nhì nhằng song khách thấy cô chủ đẹp, có nụ cười tươi, ánh mắt đong đưa mời chào nên ai cũng ghé tới. Họ vừa uống bia vừa ngắm nhìn cô chủ. Hằng biết cách ăn mặc, giọng nói lại ngọt như mía lùi nên nhiều vị khách chỉ đến một lần là nhớ, nhớ rồi đâm quen, đâm nghiện. Có vị còn buông lời chọc ghẹo với những cử chỉ khá sàm sỡ song đều được Hằng từ chối một cách tế nhị. Càng thế, người ta càng theo đuổi Hằng. Ngược lại, dân làng thì rất ít người đến, nhất là những tháng đầu. Sau rồi, chính cánh thanh niên, cánh đàn ông trung tuổi mặc cho các bà, các cô gầm gừ họ vẫn cứ kéo đến quán của Hằng. Được cái, với dân làng, Hằng bán hàng rất thoáng. Giá cả hợp lý, có người cô còn cho họ chịu nữa. Ngay như lão “Tân xỉn” còn cho nợ tới hơn năm chục lít rượu cơ mà. Thế nên, có vị chỉ mấy nghìn tiền rượu với gói lạc rang thôi mà ngồi suốt cả buổi khiến vợ con nổi cơn tam bành phải ra lôi mới về. “Say gì ông ấy. Có mà say cái “lò thúc mầm” của nó thì có”. Một bà vừa dìu chồng vừa đay nghiến. Tên “Quán thúc mầm” của Hằng cũng ra đời từ đó.
Đêm ấy, gió mùa đông bắc tràn về, Hằng đóng cửa quán đi ngủ sớm. Ngọn cây thông cạnh quán gió rít kêu vù vù. Gió lồng lên giật mấy tấm lá cọ trên mái quán tung ra giữa đường. Gió luồn qua khe cửa chui vào phòng cô buốt thon thót. Mưa. Mưa khá dày hạt. Nằm trong nhà nhưng Hiền cảm nhận được những hạt mưa bị gió xô nghiêng rát ràn rạt. Bỗng có tiếng chó cắn rộ phía đầu xóm. Rồi tiếng người lao xao át cả tiếng gió mưa. Mặc dù trùm chăn kín đầu nhưng Hằng vẫn nghe rõ những âm thanh ấy. Tiếng chó sủa từ nhà bà Nga, qua nhà ông Tự, rồi đến nhà ông Khả hàng xóm của Hằng. “Đi! Đi ngay! Nhà tao không phải chỗ chứa cho mày! Sang ngay quán Thúc mầm kia kìa!”. Đến đây thì Hằng không thể nằm yên được nữa, cô nhổm dậy choàng chăn ngó qua khe cửa. Một lưỡi gió thè vào liếm lên mặt cô buốt điếng. Hằng run cầm cập không phải vì sợ mà vì rét. Ông Khả cùng mấy con chó đang dồn một người đàn ông bước thấp bước cao đi về phía quán của Hằng. Một thằng say! Hằng nghĩ vậy và kiểm tra chốt cửa. Cô lại giường cầm sẵn cây gậy trong tay. Từ ngày về đây, Hằng luôn thủ sẵn một cây gậy và con dao gối đầu giường để phòng khi bất trắc. Và nó cũng đã được cô sử dụng mấy lần. Một lần, vào lúc nửa đêm, tay Sơn, phó thôn, đến gọi cô kiếm cớ là kiểm tra hộ khẩu rồi giở trò sàm sỡ, bị Hằng phang cho một gậy chạy mất dép. Lần khác, tay Thịnh, cai xây dựng lái ôtô đến ngọt nhạt mồi chài rồi bất ngờ vật ngửa cô lên giường, Hiền vớ vội con dao kề vào cổ hắn làm hắn trợn tròn mắt buông vội Hằng và lùi lũi ra xe biến mất trong đêm. Trải quá nhiều cảnh đời ấy khiến Hằng không biết sợ là gì nữa. Hỡi lũ đàn ông dâm dục hãy để cho tôi yên. Hằng kêu thầm trong đêm như thế.
          Thằng say đến gần. Hắn chuệnh choạng đi qua cửa quán. Hằng thở phào và quay lên giường trùm chăn. Chợt cô choàng mở mắt. Được hay là "Tình rồ"? Giống lắm. Thôi đúng rồi, nhiều đêm hắn chẳng ngủ trên cái chõng quán của mình là gì! Trời ơi, rét thế, mưa thế lang thang ngoài đường làm gì cơ chứ? Sao không ngủ lại ở quán chợ? Dưng mà, từ ngày có quán của mình nó vẫn về đây ngủ ngoài chõng cơ mà? Chắc đêm nay hắn về nhưng “quên” chỗ? Nghĩ thế, Hằng tung chăn, mở cửa chạy theo người đàn ông. Đúng "Tình rồ" thật. Cô túm lấy tay hắn lôi về quán. "Tình rồ" lơ ngơ tím tái theo Hiền bước vào phòng. Hằng đóng chặt cửa rồi lấy khăn mặt lau cho hắn.
- Đứng yên nào! Để chị lau khô người kẻo chết cóng bây giờ. ướt hết quần áo rồi còn gì. Gớm, sao mà hôi thế. Trẻ đẹp thế này nông nỗi nào mà ngớ ngẩn hả em? Thất tình à? Đến đây chị cho. Chị ối tình.
Vừa lau người cho "Tình rồ", Hiền vừa líu ríu nói chuyện. Nước phích ấm Hằng lau đến đâu hắn cảm thấy khoan khoái đến đó. Cứ nhìn ánh mắt của hắn thì biết. Lâu lắm rồi hắn có nhìn ai như thế đâu?
Hằng cởi vứt phăng cái áo hôi như tổ cú của hắn rồi mặc cho hắn cái áo khoác của mình vào. Đến chiếc quần, Hằng hơi lưỡng lự rồi cô quyết định:
         - Nào cởi nốt ra. Để chị giúp cho. Việc gì mà phải xấu hổ.
Biết hắn mất trí nên Hiền làm việc này không chút ngượng ngùng. Hắn lóng ngóng và ngoan ngoãn để Hằng thao tác:
- Chim chiếc sun hết rồi còn gì. Rét thế cơ mà. Rõ khổ.
Một lát sau, như sực nhớ ra điều gì, Hằng hỏi:
- Này! Thế tên thật của em là gì?
Tình rồ lơ ngơ, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Hằng lion thoắng:
         - Thôi! Khỏi cần! Để chị đặt tên cho. Gọi là Chim Cu Sun cho nó Hàn Quốc nhé! Đẹp trai như diễn viên thế này cơ mà. Đúng rồi! “Sun” tiếng Anh có nghĩa là “Mặt Trời” đấy.
(còn nữa)
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CHIM CU SUN (Phần cuối)

Hằng tự nhiên bật cười. Cô vui vì cáiý nghĩ ngồ ngộ ấy. Cô còn vui vì đêm nay trong nhà tự nhiên lại có tới hai người. Bao đêm Hằng mơ ước trong nhà có người đàn ông cho ấm cúng thì nay “cầu được ước they” đó thôi. Thấy Hằng cười, “Chim Cu Sun” cũng cười theo. Cáicười ngô nghê đến tội.
         Xong đâu đó, Hằng lấy cơm nguội cho "Tình rồ" ăn. Hắn vồ lấy bát cơm ăn ngấu nghiến. Loáng cái chỗ cơm nguội còn lại trong xoong đã được hắn vét sạch. ăn xong, hắn nhìn Hằng cười dài dại.
- Thôi, bây giờ đi ngủ nhé! Khuya quá rồi.
         Bỗng Hằng sực nhớ ra, cô nhìn khắp căn phòng. Chỉ có mỗi cái phản, cho nó ngủ ở đâu bây giờ? Chăn chiếu cũng chỉ có mỗi một chiếc, chẳng lẽ mình đắp tất? Cuối cùng, cô quyết định lôi nó lên phản. “Chim Cu Sun” cứ ngồi ngây ra như phỗng. Hằng phải kéo nó nằm xuống trùm chăn lên.
          - Ngủ đi nhé! Rét lắm!
         Hằng ngả lưng cạnh hắn. Lát sau hắn ngày khò khò. Đôi mắt Hằng thao láo trong đêm. Cô đang nhớ lại những ngày cơ cực của mình xưa kia. Chao ôi, cũng một kiếp người! Thương mình bao nhiêu cô lại thương “Chim Cu Sun” bấy nhiêu. Nó kém mình chắc cũng chỉ vài ba tuổi. Vì sao nên nông nỗi thế không biết? Hằng xoay người ôm "Chim Cu Sun" vào lòng. Cô muốn truyền hơi ấm cho hắn và cả cho mình.
          Càng khuya, gió càng mạnh. Mưa vẫn rả rích rơi. Hơi nước, hơi gió làm cho cái rét như cắt da cắt thịt. Đã ôm chặt hắn rồi mà Hằng vẫn còn run nhong nhóc. Hình như hắn cũng không ngủ được. Người hắn đơ ra như khúc gỗ. Cứ bảo hắn rồ mà cơ thể vẫn cứng cáp săn chắc đáo để. Hơi thở đàn ông phả sang Hằng. Bản năng đàn bà trong cô thức dậy. Cô tưởng tượng lại cái cảnh ngày xưa cùng bao gã đàn ông. Tay Hằng lần dọc theo cơ thể tên rồ. Cô thở gấp gáp, người nóng bừng. Cô không nghĩ người đang nằm với mình là tay rồ nữa. Lâu lắm rồi, Hằng mới lại thổn thức rạo rực như đêm nay. Hằng trườn lên, áp đôi bầu vú nóng ấm lên ngực tay rồ. Hắn vòng tay ra sau lưng Hằng một cách rời rạc, không hưởng ứng. Hằng ngấu nghiến. Hắn vẫn đơ đơ. Hằng với tay xuống khu vực dưới rốn tên rồ. Chẳng thấy gì sất. Mềm nhũn. Lép sẹp. Vô cảm. Cái giống đàn ông của hắn như bị biến đi đâu. Hiền mân mê, khởi động. Vẫn chẳng ăn thua gì. Cuối cùng, cô vật mình lăn xuống bên cạnh hắn ấm ức. Thì ra hắn là thằng rồ. Mà rồ rồi thì... Đêm ấy, Hằng thức trắng.
          Từ đêm bị dân làng xua đuổi, "Tình rồ" được ngủ trong quán của Hằng, hắn có phần sạch sẽ hơn. Ban ngày hắn lang thang ở chợ. Người cho miếng bánh, kẻ cho quả dưa, hắn nhận tất và ăn rất ngon lành. Được cái hắn rồ nhưng ăn uống rất sạch sẽ. Chẳng bao giờ hắn bốc đất cát cho vào mồm như những tên rồ khác. Hắn ít nói. Nhưng mỗi khi hắn nói thì hắn lại toàn nói chữ, ủnất ngô nghê. Chính vì thế mà nhiều bà, nhiều chị rỗi việc bán hàng lại cứ hay trêu chọc tán tỉnh hắn, rồi nhờ hắn việc nọ việc kia. Chẳng biết nguồn tin nào mà dân kẻ chợ biết được Tình rỗ ngủ qua đêm ở quán thúc mầm. Họ thêu dệt tán tỉnh thêm đủ thứ chuyện. "Bà biết không, con Hiền vớ được thắng Tình rồ nó vần cho một đêm ra bã nhé. Rõ khổ, chẳng thương thằng rồ thì chớ nó lại hành hạ người ta cơ chứ". "Hai đứa chúng nó tồng ngồng suốt đêm các bà ạ. Rét thế mà chúng nó chịu được, kể cũng tài". "Chuyện, lâu ngày đực cái gặp nhau, bất chấp hết". "Thì cũng phải thông cảm cho chúng nó chứ. Đến bà xem, có chịu được không? ". Bà Khả có vẻ thông thạo hơn thao thao: "Các bà nhé, lúc vợ chồng em đuổi hắn đi sang quán thúc mầm thì con Hằng đã đợi sẵn ở đó từ bao giờ. Nó liền lao ra vỗ ngay lấy hắn. Chẳng là mọi đêm thằng Tình này vẫn về ngủ trên cái chõng nhà nó mà. Nó lôi thắng Tình vào quán. Vừa đến cái chõng mọi đêm, nó vật thằng Tình ra. Rồi hai đứa cứ huỳnh huỵch, ken két trên cái chõng đó. Mưa rét thế mà chúng nó cứ trần trùng trục ra để vật nhau các  bà ạ. Thế mà bảo nó rồ".
          Chợt vừa lúc đó "Tình rồ" đi qua chỗ họ. Được thể, mọi người hướng cả về phía hắn.
- Chú Tình ơi! Đêm nọ em Hằng chiều hết ý chứ?
         - Cẩn thận không “hát i vê” thì chết có ngày đấy em ạ.
         - Cứ bảo em Hằng cho uống nhiều bia rượu vào cho đủ sức Tình nhé. Mà cũng phải từ từ thôi không kiệt sức đấy. Của ấy là hao sức lắm. Chết sớm bỏ đời.
         - Chết cũng sướng, Tình nhỉ? “Cơm no bò cưỡi”, nhất chú Tình rồi còn gì!
         - Chả trách em Lan em ấy mời lại không đắt.
        Tiếng cười ré lên. Một củ khoai tây bay vù đến chỗ vừa có tiếng nói. Cô Lan đang dọn hàng bị chọc tức ném mấy cũ khoai tây thối sang phía các bà nỏ mồm. Tình nhìn họ ngơ ngơ. Rồi hắn cười. Cái cười dài dại, ngây ngây trông đến tội.
          Mùa đông qua, rồi mùa xuân tới. Mùa nào thức ấy, quán Thúc mầm vẫn đông khách. Tình rồ ngày vẫn lang thang ở chợ, tối dạt về nằm trên chiếc chõng tre trong quán thúc mầm. Hằng biết vậy nên vẫn dành cơm canh cho hắn. Cô còn bắt hắn thay quần áo mỗi ngày, giặt giũ chăm sóc hắn như trẻ con. Đêm nào hắn không về là Hằng cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Thức giấc lúc nào là Hằng ra cửa nhìn lên cái chõng. Có đêm, Hằng nảy ra ý định đi tìm hắn. Nhưng rồi suy đi tính lại, cô lại thôi. Hằng cũng không hiểu nổi vì sao mình lại như thế nữa. Bao gã đàn ông đến gạ gẫm Hằng cô kiên quyết cự tuyệt bởi trong họ ngoài cái dục vọng ra chẳng còn cái gì hết. Tuy vậy, cái đêm ngủ chống rét với "Tình rồ" bây giờ nghĩ lại Hằng cảm thấy sờ sợ. Ban đêm, chẳng nhìn thấy gì chẳng sao chứ ban ngày nhìn hắn ngây ngây dại dại cũng ghê ghê! Còn "Tình rồ", từ cái đêm ấy, hắn nhìn Hằng với đôi mắt thiện cảm lắm. Chả thế mà hắn tự nhiên bỏ mấy dãy lều quán ở chợ để về tá túc qua đêm tại quán của Hằng. Hằng cũng tự nhiên tự nguyện chăm sóc hắn như một người chị, hay đúng hơn là một người bạn cùng cảnh ngộ. Hằng chăm sóc hắn bằng tình thương trong sâu thẳm của cõi lòng cô.
          Sau cái đêm mưa rét đó, Hằng cũng có mấy đêm nữa ôm ấp "Tình rồ". Và cái bản năng đàn bà của Hằng cũng lại bị đánh thức. ấy vậy mà cái của nợ của "Tình rồ" vẫn như dẻ khoai nướng. Bảo rét nó sun lại đã đành đằng này có đêm rõ ấm áp mà sờ mãi cũng chẳng thấy nó ngóc lên. Hằng chỉ còn biết thở dài ngao ngán.
           Đám đông xúm xít xi xao quanh chiếc ôtô tải to tướng đang đỗ lù lù ngay cổng chợ. Mọi người nhốn nháo. Xe cộ ùn tắc. Người ta truyền tai nhau: “Tai nạn chết người bà con ơi!”. Người từ trong chợ kéo ra. Kẻ từ hai đầu đường chạy lại. Vòng trong, vòng ngoài bu kín. Ai cũng cố nghển cổ cho cao để nhìn vào trong. “Cô Hằng! Chủ quán thúc mầm!”. “Báo ngay cho ông Hàn đi!”. “Khổ! Chẳng biết đi đứng thế nào để cho xe nó lao vào cơ chứ!”. Tin về nạn nhân đó được phát ra. Lập tức mọi người ngãng ra. Chiếc xe đạp cùng chủ nhân của nó nằm còng queo ngay đầu mũi xe ôtô. Máu me lênh láng. “Chớ có động vào cô ấy. Giữ nguyên hiện trường!”. “Cẩn then không lây HIV thì bỏ mẹ!”. Nghe nói vậy, một số người đang định bế Hằng đi cấp cứu lại thôi. Họ giương cặp mắt sợ sệt nhìn Hằng. Đám người kéo đến ngày một đông nhưng không một ai có động tác nào giúp đỡ. Họ chỉ chỉ trỏ xuýt xoa rồi lang lảng dần.
          “Tình rồ” cũng nghiêng nghiêng ngó ngó. Trong lúc mọi người lảng đi thì hắn lại xăm xoe lao vào. “Tránh ra! Rồ thì biết cái gì mà rúc mãi vào! Muốn “ết” hả?”. Tiếng ai đó quát. Mặc. Hắn vẫn cứ lách vào. Đến bên nạn nhân, hắn trố mắt lên nhìn quanh. Chẳng có ai biểu hiện gì. Bất ngờ, “Tình rồ” cúi xuống luồn hai tay và bế xốc cô gái lên. Mặc cho máu me chảy đầm đìa ra người, hắn cứ thế bế Hằng chạy đi. Lúc đó, ông Hàn cũng vừa đến. “Đi đằng này cơ, Tình ơi!”. Ông Hàn vừa quát vừa chạy theo Tình rồ. Theo tay lão Hàn chỉ, hắn bế Hằng chạy về phía trạm xá. Một số người bám theo. Đám đông giải tán dần.
          Đến nơi, Hằng được các bác sỹ lập tức đưa vào phòng cấp cứu. Rất may, Hằng chỉ bị xây sát và gãy một bên tay. Cô bị choáng nên chỉ ít phút sau Hằng đã tỉnh lại. Trong lúc các bác sỹ băng bó, tiêm thuốc cho Hằng, “Tình rồ” vẫn ngồi lặng lẽ bên cô. Đến khi Hằng mở mắt thì hắn là người đầu tiên ú ớ kêu lên. Anh cười như mếu với Hằng. Còn Hằng lại ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. “Sống rồi! Cái chú Tình thế mà giỏi!”. Tiếng ai đó thốt lên. Hằng mấp máy đôi môi định nói điều gì. Cô đăm đắm nhìn “Tình rồ”. Hai giọt nước mắt ứa ra lăn dài trên đôi gò má. Sun lấy tay lau và khẽ nói: “Tốt! Thế là tốt rồi!”. Và anh đứng dậy bỏ đi. Hằng thấy thế cố ngóc đầu lên gọi: “Chim cu Sun! Đừng đi! ở lại đây với em!”. Sun sững người quay lại nhìn. ánh mắt Hằng thiết tha. Lần đầu tiên anh hiểu được cái tên của mình, lại nghe Hằng xưng “em” nữa. Như có dòng điện chạy khắp người, Chim cu Sun ngây ra. Một lát sau anh quay lại đến bên giường bệnh rồi khẽ ngồi xuống cạnh Hằng. Và bất ngờ, anh cúi xuống hôn lên mặt Hằng một cái hôn rất dài và rất sâu. Mọi người xung quanh ngơ ngác. Hằng nhỏm hẳn người dậy quàng cánh tay còn lại vòng qua cổ Chim cu Sun. Bất chấp cả đớn đau và máu me họ ôm nhau như thế rất lâu.
         Sau gần tháng điều trị, Hằng ra viện. Quán Thúc mầm của cô đã có thêm một người đàn ông nữa trong nhà. Đó chính là “Tình rồ”. Không hiểu sức mạnh nào đã thức tỉnh bộ nhớ của anh, đưa anh về với thực tại. Mặc dù vẫn còn đôi lúc lơ ngơ song so với trước kia kể cũng đã là một trời một vực. Hôm bà chủ tịch xã đến thăm, hai người chạy đi chạy lại ríu rít. Tất cả mọi người có mặt trong quán lúc đó đều tung hô chúc tụng Tình Hằng. Họ đề nghị bà chủ tịch phải tổ chức đăng ký kết hôn ngay cho họ. Dân làng Trung được bữa bia rượu say ngả nghiêng. Trong ngà ngà men say, nhiều người nhìn thấy những hạt thóc giống trong cái lò thúc mầm xưa kia đang nhu nhú những mầm phôi trắng nõn./.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CHẢ CHÓ (Phần 1)

    Nhanh thật, đã gần hết tháng. Mới thứ hai hôm nào mà nay đã chủ nhật rồi. Mưa. Rét. Quán thịt chó nhà lão Bảy quá tải vì đông khách. Bàn nào cũng chật ních người. Một số khách mới đến đứng co ro xung quanh chỗ nướng chả. Người ta sưởi ấm một phần, phần khác là để ngắm Nga, cô gái làm thuê cho lão Bảy chuyên phụ trách món chả chó. Chả thơm, bếp ấm, gái xinh nên việc chờ đợi của khách không còn là vấn đề gì nữa cả. Thậm chí, một số thực khách còn kiếm cớ lân la để được ngắm và tán chuyện với Nga.
Nga ngồi xổm. Hai tay cô xoay xoay trở đều các xiên chả. Nước mỡ chảy xuống than hồng kêu xèo xèo. Thi thoảng, mỡ bắt lửa cháy bùng lên. Mùi giềng mẻ, mắm tôm tỏa ra thơm điếc mũi. Lúc lúc cô lại chuyển tất cả số xiên chả vào một tay để tay kia rảnh đảo than. Nga còn điều chỉnh cái quạt gió khi ro ro, lúc vù vù theo màu sắc của xiên chả. Bếp than rực hồng. Đôi má bầu bĩnh cùng khuôn mặt trái xoan của Nga hồng lên. Lạnh thế mà trán Nga lấm tấm những giọt mồ hôi. Có lúc khói phả vào mặt khiến cô chảy nước mắt nước mũi. Chiếc áo véc trên người Nga xộc xệch hở cả cái cổ trắng ngần. Mấy chú thanh niên như bị hút hết ánh mắt vào chỗ cái thóp thở ở ngực Nga khi họ đứng nhìn từ trên xuống. Bầu vú căng mẩy, trắng nõn nà gần như hiện ra quá nửa. Có chàng nuốt khan nước bọt chẳng hiểu vì thèm chả chó hay vì lý do nào khác nữa.
Lão Bảy thật may mắn vì có được Nga đến làm thuê. Hàng quán của lão đang thời kỳ thịnh, khách khứa đông lắm. Có hôm vợ chồng lão quanh chẳng kịp. Lão vừa đầu bếp, vừa tíu tít đón mời khách. Vợ lão chân đăm đá chân chiêu bưng bê, kê dọn tất bật. Nhiều hôm, mãi tận khuya họ vẫn chưa được nghỉ. Có đám thực khách ngà ngà say cứ cà kê, dê ngỗng sốt cả ruột. Đã định gợi ý cho họ về song nghĩ lại, lão đành nén bực tức chiều khách để giữ chỗ làm ăn. Bán hàng thời buổi này phải khôn khéo. Khách hàng là thượng đế, trái ý một tí là họ bỏ mình ngay.
Không phải lão Bảy ôm hết cả quán để mua mệt, tham lời. Lão cũng đã thuê một số người rồi đấy chứ. Người làng cũng có, người phương xa đến cũng có. Trẻ con, người đứng tuổi đều đã làm ở quán nhà lão rồi. Thế nhưng, họ chỉ được thời gian rồi lại bỏ đi. Đa phần là lão chủ động “thanh lý hợp đồng”. Người thì chậm chạp chẳng biết việc gì trước việc gì sau, cứ như Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy. Người khác lại nhanh nhảu đoảng, hấp ta hấp tấp bưng bê đổ cả bún, mắm tôm ra áo khách. Lắm kẻ lại ranh ma mắt trước mắt sau là ăn vụng, là bớt xén tiền, thậm chí còn nhận tiền thay cả lão rồi ỉm đi, nhất là những lúc quán đông. Đặc biệt, trong số người đến làm thuê nhà lão thì chưa có ai biết chế biến các món thịt chó giúp lão được. Toàn những người vụng tay, khéo mồm, khéo con mắt. Mồm miệng cứ ba hoa “cầy tơ bảy món” thế nhưng hỏi cụ thể là những món gì thì chịu chứ chưa nói gì đến kỹ thuật chế biến. Số khác thì tự bỏ đi vì không chịu được nhịp độ làm việc ở đây. Lương không đến nỗi thấp song làm thì khá vất vả, lại chẳng có giờ giấc nào cả. Nga đến. Bộ mặt và không khí của quán thịt chó lão Bảy thay đổi trông thấy.
Hôm ấy, mùng một đầu tháng âm lịch, quán lão Bảy vắng tanh vắng ngắt. Có ai lại ăn thịt chó vào ngày mùng một bao giờ. Vì thế mà vợ chồng lão Bảy dậy muộn hơn mọi ngày. Thì có việc gì đâu mà phải vội. Con không, cháu không. Như nhà người ta còn phải lo đưa cháu đi học, đốc con dậy đi làm. Đằng này, nhà lão chỉ có hai vợ chồng “trẻ đã qua, già đang tới”, không con, không cháu như son rỗi thế này thì cần gì.
- Cháu chào bác ạ!
Đang uể oải vặn người trước cửa quán thì lão Bảy nghe tiếng chào đó. Ngoảnh lại, lão thấy một cô gái xinh xắn đang đứng chờ trước cửa. Độ hai ba, hai bốn tuổi chứ mấy. Lão đoán vậy rồi lên tiếng:
- Chào chị! Chị hỏi gì thế?
- Cháu…cháu hỏi ở đây có thuê người làm không ạ?
Lão Bảy đứng nhìn cô gái một lượt suốt từ đầu đến chân. Xinh xắn, trắng trẻo. Dáng vẻ thư sinh thế này sao lại hỏi thế nhỉ?
- Có. Nhưng mà chị hỏi cho ai?
- Dạ! Cháu ạ.
Lão Bảy sững người.
- Chị hả?
- Vâng ạ!
- Chị không đùa đấy chứ?
- Cháu nói nghiêm túc đấy bác ạ. Bác thuê cháu, bác nhé.
Biết là chuyện nghiêm chỉnh, lão Bảy mời cô gái vào nhà và gọi vợ lên cùng tiếp chuyện. Qua câu chuyện, vợ chồng lão Bảy biết được cô gái này tên là Nga, hiện đang học đại học năm thứ hai. Trường cô ở trong thành phố. Cô muốn tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ được đi làm để kiếm thêm tiền đóng học. Cô nói, dưới quê, nhà cô cũng có quán thịt chó. Và cô cũng đã từng phụ giúp gia đình công việc này.
- Nhưng mà trường chị xa thế, những gần chục cây số liệu có đảm bảo giờ làm cho tôi không?
- Bác khỏi lo, cháu có xe máy. Cháu hứa sẽ đúng giờ và không để phụ lòng các bác. Cháu chỉ xin bác một điều thôi ạ.
- Điều gì? Chị cứ nói?
- Cháu…cháu muốn hai bác giữ bí mật cho cháu làm ở đây. Ai hỏi thì xin bác…cứ…nhận cháu là cháu bác ở dưới quê lên tranh thủ làm đỡ được không ạ? Đừng nói cháu là sinh viên bác nha.
Lão Bảy trầm tư. Có lẽ cô gái này sợ mang tiếng là sinh viên lại đi làm thuê ở quán thịt chó chăng? Hay là cô ấy dối mình? Nhưng mà trông mặt cô ấy lành hiền thế kia cơ mà. Không có lẽ? Ừ, thì cứ nhận thử vào làm thời gian xem sao. Cô ấy chỉ làm mỗi ngày bốn năm tiếng đồng hồ thôi mà. Những giờ ấy lại toàn là những giờ quan trọng và đông khách. Hơn nữa, cô ấy bảo nhà cũng có quán thịt chó, biết chế biến, đúng cái mục lão đang cần. Thế là Nga chính thức vào làm thuê cho quán thịt chó nhà lão Bảy.
Hoàn cảnh của lão Bảy cũng khá gập ghềnh. Bộ đội dọc dài đất nước, sang cả Căm-pu-chia, mải mê chiến dịch cả trong thời chiến và thời bình mãi đến khi gần bốn mươi tuổi lão mới được xuất ngũ. Bận đến nỗi không còn thời gian về quê để cưới vợ. Người yêu Bảy chờ đợi đằng đẵng bấy nhiêu năm cũng đã ở tuổi đầu băm, đít chơi vơi. Bao nhiêu người hỏi chị vẫn nhất mực chờ đợi Bảy. Chung thủy đến thế là cùng. Vậy mà, trong lần sinh thứ nhất, chị bị ca đẻ khó. Bác sĩ chẩn đoán phải mổ đẻ để cứu mẹ. Rõ khổ, khi cứu được mẹ thì lại hỏng đường con cái. Hai vợ chồng Bảy chết điếng. Bảy buồn ủ rũ hàng năm trời. Vợ Bảy thương Bảy quá, mấy lần khuyên anh đi lấy vợ khác. Thậm chí, chị còn chủ động gán ghép, mối lái cho đám nọ đám kia song Bảy dứt khoát gạt đi. Anh không thể làm thế được trước một cô gái hy sinh cả nửa đời người để chờ anh, vì anh. Họ đã tính xin con nuôi mấy bận, song lại thôi. Thế là căn nhà ven đô của họ vẫn chỉ có hai người. Khi thành phố đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, vợ chồng Bảy mở quán thịt chó. Khách khứa vào ra tấp nập, nguồn thu ổn định, có chiều phát đạt nên cũng đã an ủi họ phần nào.
Sau mấy tuần Nga làm việc, quán thịt chó lão Bảy đông đúc hẳn. Khoảng cách giữa cô và vợ chồng lão Bảy thu hẹp dần. Họ hoàn toàn tin tưởng Nga. Ngược lại, Nga cũng góp nhiều ý kiến hay cho vợ chồng lão Bảy. Từ việc vệ sinh đến khâu chế biến, từ thái độ đón tiếp khách đến bố trí bày biện trong ngoài quán. Theo cháu là phải thế này, nên thế kia. Rồi cô trực tiếp làm từng việc một. Quán của lão bây giờ sạch sẽ tinh tươm. Mặt bàn bóng loáng, mặt ghế không một vết bụi. Nước hàng bao giờ cũng sôi sùng sục. Bếp luôn đỏ lửa. Đồng thời với việc dùng giấy ăn thì nên để bát đũa, chén, muôi vào trong một cái cóng đựng nước sôi bưng ra cho khách, để khách họ tráng trước khi dùng. Cái nào cái đó trắng tinhh, bốc hơi, nóng hôi hổi. Tha hồ vô trùng. Vừa sạch sẽ, vừa có cảm giác ngon miệng. Các cụ dạy “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” mà bác. Nga vừa làm vừa ríu rít như thế. Bà Bảy mừng rơn vì có một người tháo vát, chăm chỉ. Bà không phải lọ mọ bê dọn như trước nữa.
Còn lão Bảy thì khoái nhất được Nga đảm nhận việc chế biến món chả chó. Sáng sớm, mổ chó xong, chưa có khách, Nga phụ việc với lão Bảy. “Bác nha! Nhà cháu thui chó toàn bằng rơm thôi. Hôm nào nhà có việc, bố cháu còn chọn rơm nếp cơ bác ạ! Chứ không như ở phố chỉ thấy toàn khò là khò thôi. Trông con chó vàng đấy nhưng không thật là chó thui. Chó thui rơm thì nó phải vàng xuộm, thậm chí có chỗ xám một tí. Xám vì quá lửa, bác ạ. Nhưng như thế thì mới thơm. Lớp da của nó căng ra, rịa nứt, hở thịt trắng phau, trông thấy đã muốn ứa nước miếng. Lấy ngón tay ấn ấn vào phải có cảm giác ròn ở ngoài, mềm ở trong, cứ như chín rồi cơ bác ạ. Xách con chó thui lên hơi nóng của nó tỏa ra mà phát thèm. Thả nó xuống nó phải nảy tâng tâng ấy chứ. Trùng trục là con chó thui, chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu mà bác. Chó thui bằng khò cháu thấy nó mềm oặt, cứ giả giả thế nào ấy. Cháu nói thế phải không bác?”.
Cứ thế, Nga liến thoắng làm cho mọi người quên cả mệt nhọc. Lão Bảy chỉ ậm ừ. Con bé này sành điệu ra phết. Nghe nó nói thì có vẻ già trước tuổi. Pha thịt xong, lão chuyển cho Nga tảng thịt để làm chả. Cô thoăn thoắt thái miếng nào ra miếng đó, đều chằn chặn. Cứ nhìn cách pha chế đã thấy tính chuyên nghiệp rồi. Giềng, mẻ, mắm tôm, mì chính…liều lượng bao nhiêu, cái nào trước cái nào sau đều được Nga làm một cách thuần thục. Lấy đũa trộn đều xoong chả, rồi Nga dùng tay bóp bóp khiến cho gia vị ngấm sâu vào từng miếng thịt. Chỉ cần ngửi những miếng chả vừa ướp cô cũng biết mặn hay nhạt. Xong đâu đó, trong lúc đợi cho chả đủ ngấm, cô lấy than, chuẩn bị quạt và bếp lò. Xiên từng miếng chả vào xiên, đặt từng xiên cách đều nhau trên hai hàng gạch và cô bắt đầu mở quạt. Hai tay Nga thoăn thoắt xoay trở từng xiên chả. Đây là công đoạn đẹp nhất hút hồn các thực khách. Cả mắt, mũi, tai đều được thưởng thức không khí nướng chả chó. Than hồng, chả xám, mỡ xèo xèo, khói nghi ngút, hương ngào ngạt thơm điếc mũi, và khuôn mặt cô gái cũng đỏ lựng thế kia bảo sao mà không khoái, không mê được cơ chứ? Khối người đã nuốt nước miếng ừng ực đấy thôi.
Nga chịu khó chăm chỉ. Sáng nào cũng thế, cô tới quán từ lúc bốn rưỡi. Làm một lèo đến sáu giờ thì về đi học. Còn buổi chiều, năm rưỡi cô lại có mặt và làm mãi cho tới tận khuya. Thứ bảy, chủ nhật, suốt cả ngày, từ tơ mơ đất cho tới chín, mười giờ đêm cô ở quán. Nga ăn mặc giản dị, không thấy chạy theo mốt này mốt nọ. Tuy thế, cái đẹp của cô vẫn cứ rờ rỡ hiện ra, nhất là lúc Nga nướng chả.
Việc ở quán có lục bận túi bụi, có lúc lại ngồi vêu ra chờ khách. Những lúc rỗi rãi, hết việc, Nga tranh thủ ra võng nằm nghỉ. Cái võng dù mắc giữa hai cái cây ngoài quán là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho khách chờ ăn. Nga lấy chân đung đưa võng. Lúc đầu còn lí nhí hát sau rồi cô lim dim ngủ lúc nào không biết. Thì chạy sô giữa học và làm mệt như thế bảo sao mà không thiếp đi được cơ chứ. Bầu ngực căng mẩy phập phồng. Mái tóc buông xõa xuống một bên, khẽ bay bay theo nhịp đưa của cánh võng. Vạt áo hất lên hở ra cả một vùng thịt bụng trắng nõn. Khuôn mặt trắng hồng thơ ngây thánh thiện. Lão Bảy có vẻ bối rối khi nhìn Nga ngủ ngon lành như thế. Còn vợ lão thì chép miệng thở dài.
Em Nga đâu rồi ông chủ quán ơi? Vắng em Nga món chả chó kém ngon hẳn các ông nhỉ? Bác Bảy nhặt được đâu đứa cháu gái xinh thế cơ chứ? Em là em nghiện cái món chả ở quán này các bác ạ. Nghiện món chả hay nghiện em Nga? Các cụ bảo “sống trên đời ăn miếng dồi chó” có khi phải đổi “dồi” ra “chả” các ông ạ? Hay! Ông nói chí phải! Riêng quán bác Bảy là thế! Chẳng biết cháu thật hay là cháu nuôi? Nuôi hay thật thì vưỡn là cháu, bác Bảy nhỉ? Ơ, dưng mà…biết đâu bác ấy nuôi rồi…thịt lúc nào cũng nên ấy chứ?
Đám nhậu nói cười hô hố. Kẻ đứng người ngồi, mồm miệng nhồm nhoàm sặc mùi thịt chó và hơi rượu. Lão Bảy nghe đến câu cuối không chịu được nữa, cầm con dao nhọn chỉ vào tay vừa nói:
- Sao? Ông vừa nói cái gì? Nói lại tôi xem nào?
- Ơ…Ơ… Không. Tôi chưa nói gì đâu nhé. Xí xóa nhé.
- Bác nóng quá. Chúng em đùa tí cho vui ấy mà.
- Đùa cũng không được phép ăn nói lỗ mãng thế nha. Lần sau mà thế thì xin các bố đi quán khác cho tôi nhờ.
Lão Bảy vằn mắt lên dứ dứ con dao. Đối với bọn này không thể bỡn cợt nhu nhơ được. Đừng chọc giỡn ông và xí xớn với con Nga nhé. Cứ cậy có tiền muốn ăn nói gì mà được à? Còn lâu nhá!
Lũ thực khách ăn uống qua loa rồi lảng dần.
Dạo này, bà Bảy thường hay vắng nhà vào những ngày cuối tuần. Có hôm, đêm bà cũng không về. Thứ hai về, lão Bảy hỏi thì bà bảo tôi về bên ngoại. Bà cụ dạo này yếu cứ muốn con gái hầu chuyện. Lão Bảy cũng không hỏi gì thêm, nói:
- May mà có con Nga không thì bỏ quán à?
- Thì thế tôi mới rảnh mà đi chơi được chứ. Nhà có nó cũng vui ông nhỉ? Mà con bé lại hay thế cơ chứ. Tôi chưa thấy đứa con gái nào lại đẹp người, tốt nết như nó.
Thế rồi bà ríu ran kể về Nga. Nào là nhanh nhẹn, chăm chỉ. Nào là thật thà, chất phác. Nào là bằng ấy tuổi đầu rồi mà vẫn cứ vô tư như trẻ con…
Thực ra, đêm đầu tiên Nga ngủ lại nhà lão Bảy, vợ chồng lão phải nói mãi cô mới chịu nghe đấy. Mười một giờ đêm, đường khuya vắng vẻ, con gái dặm trường sao mà an toàn được. Ngủ lại đi cháu. Ngủ ở đây với bá. Hai bá cháu mình ngủ chung, sáng mai dậy sớm làm luôn cho đỡ mệt. Thứ bảy, ngày nghỉ đông khách lắm, phải chuẩn bị sớm và nhiều hơn mọi ngày. Bà Bảy nói với Nga như thế. Và thế là cô đã đồng ý ở lại.
- Ông nhé! Mấy lần tôi giả vờ để quên bọc tiền khi thì ở bàn, lúc trong phòng ngủ, lúc lại ngoài quán, thế mà cấm có suy suyển gì ông ạ. Có bận, con bé còn cầm đưa cho tôi, nhắc tôi phải cẩn thận đấy. Ông bảo thế có ngoan không cơ chứ. Vào tay đứa khác ấy à, có khi mất hút con mẹ hàng lươn chứ bỡn.
- Thì ra bà thử nó?
- Gần như là thế. Thì thế mới biết cái hay, cái tốt của nó chứ.
- Trông mặt mà bắt hình rong. Mặt nó thế, gian giảo thế nào được.
- Con bé đáng yêu ông nhỉ?
- Thì vưỡn.
Lão Bảy đáp gọn lỏn. Chẳng hiểu sao bà Bảy lại buông tiếng thở dài rồi yên lặng từ đấy. Có gì đó nghèn nghẹn trong lòng bà. Không biết đã phải lúc nói với ông ấy chưa? Thôi thì…
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

CHẢ CHÓ (Phần cuối)

Có thêm Nga, sinh hoạt gia đình lão Bảy phần nào bị xáo trộn. Chả nói đâu, cứ những đêm Nga ngủ lại vì làm khuya và để sáng sau dậy sớm đỡ phải đi về gần chục cây số thì đã rõ. Lão Bảy không quần đùi, áo may-ô hoặc cởi trần được như trước nữa. Rồi đi đứng, nói năng đều phải ý nhị. May mà có phòng riêng cho Nga không thì cứ nằm tênh hênh ở ngoài quán hoặc trong phòng khách thì còn ra làm sao nữa. Của đáng tội, những lần Nga tranh thủ ngủ trên võng, trên ghế, hay khi cô nướng chả chó…lão Bảy cũng không thể giấu ánh mắt của mình đi đâu được. Hơ hớ như thế, phồn thực như thế cơ mà. Có hôm, lão dừng ánh mắt hơi lâu để ngắm Nga. Chén trà nóng bốc hơi trên tay cứ nguyên xi như thế đến cả phút đồng hồ. Mãi đến khi nó rớt những giọt nóng bỏng xuống đùi, lão Bảy mới giật mình tỉnh thức. Uống vội chén nước, lão luống cuống đánh ánh mắt đi hướng khác như giấu một việc làm tội lỗi.
Ngồi trong phòng, qua cửa sổ, bà Bảy nhìn thấy hết những cảnh ấy. Bần thần, bà buông tiếng thở dài. Đàn ông mà, ai chả thế. Bất chợt bà nhớ tới lời mấy người bạn. “Cẩn thận đấy nha, kẻo lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, bà Bảy ạ!”. Nghĩ đến đấy, bà bỗng mỉm cười và ánh mắt long lanh một cách kỳ lạ.
Chiều nay thứ sáu. Lại cuối tuần rồi. Nhanh thật. Bà Bảy loanh quanh một số việc rồi nói với lão Bảy rằng tối nay bà phải về ngoại. Lão Bảy ậm ừ. Cả tuần bà ấy vất vả rồi thôi thì để bà ấy đi. Công việc lão với Nga làm rốn thêm tí là xong thôi mà.
Khuya, khách đã hết. Lão Bảy và Nga dọn hàng. Lúc gần xong, lão bảo Nga:
- Thôi, cháu đi tắm rồi đi nghỉ đi. Để đấy bác dọn nốt cho.
- Bác tắm trước đi. Cháu làm ù tí nữa mà.
- Con gái con đứa, tắm táp lâu la, cứ để đấy cho bác.
Nga đành nghe lão Bảy. Cô dắt chiếc xe máy cất vào phòng rồi đi tắm. Bật vòi hoa sen. Những tia nước dội ào ào. Nga khoan khoái hít hà trong làn nước ấm. Thích thật. Ở nhà trọ, lấy đâu ra nước nóng mà tắm cơ chứ. Thoa sữa tắm khắp người, hai tay Nga mơn man làn da mát rượi. Sảng khoải quá. Bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Chẳng còn mùi chả chó, giềng mẻ, mắm tôm đâu nữa. Chỉ có mùi hương con gái tỏa ra thơm ngào ngạt. Nhìn trong gương, Nga nở nụ cười trước tấm thân ngọc ngà, mơn mởn lấp lóa những bọt xà phòng của mình.
Mặc bộ đồ ngủ mỏng tang, lau khô tóc, Nga bước ra khỏi phòng tắm. Cô bảo lão Bảy:
- Xong việc rồi, bác cũng đi tắm và nghỉ ngơi bác nhé. Cháu đi ngủ trước đây. Chúc bác ngủ ngon.
- Cháu cứ nghỉ trước đi. Ngủ ngon nhé.
Lão Bảy nói và nhìn theo Nga. Sững sờ trong giây lát. Con bé xinh quá. Lão chép miệng một mình rồi ra đóng cổng, cài cửa. Sau đó, lão cứ ngồi như bức tượng ở ngoài quán. Chán chê, lão mới đi tắm. Đêm nay trăng thanh, gió mát. Chớm đông lại có ngày ấm áp thế này. Chắc hương thu còn sót lại. Làn nước mát làm cho lão tỉnh người. Tuổi năm mươi cơ thể lão vẫn săn chắc, tràn trề sinh lực.
Tắm xong, quần đùi áo lót, lão về phòng của mình. Qua phòng Nga, lão thấy cô đã ngủ ngon lành. Rõ khổ. Đã bảo lắp bộ cánh cửa vào cái phòng này bao lần rồi mà lão cứ quên để bây giờ dù muốn hay không lão vẫn phải lướt ánh mắt vào đó. Thế nên, Nga mới rờ rỡ thế kia, mới nồng nã thế kia. Mọi đường cong cơ thể như quyết phô bày ra tất cả. Đẹp! Đẹp quá! Bước chân lão Bảy như ríu lại. Chợt con chó ngoài lồng sắt tự nhiên sủa lên ăng ẳng làm lão Bảy giật mình. Lão bước về phòng ngủ.
Trằn trọc. Lăn bên nọ, trở bên kia, đôi mắt lão vẫn chong chong. Cứ nhắm mắt lại thì hình ảnh Nga lúc nãy lại hiện lên. Đêm khuya thanh vắng quá. Nghe rõ cả tiếng mọt nghiến ở cái phản phòng ngoài vọng vào. Không tài nào ngủ được. Lão vục dậy. Trong vòng chục phút, lão đã bổ xong đống củi to tướng. Rồi lão vào bê, kê, dọn bàn ghế. Lão làm nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Mồ hôi mồ kê đầm đìa. Chán chê, lão lại vào phòng tắm dội nước ào ào. Rồi lão lại đi ngủ. Vẫn không thể nào ngủ được. Lạ nhỉ? Có bao giờ lão như thế này đâu. Cuối cùng, không chịu được nữa, lão vục dậy bước đến phòng Nga.
Lão đứng lặng trước giường của cô. Nga ngủ ngon lành. Ngực cô phập phồng theo nhịp thở. Quay ra, trở vào mấy lượt, cuối cùng lão Bảy quyết định giơ tay ra. Lão nhẹ nhàng vỗ vỗ vào chỗ vai để trần của Nga:
- Nga! Nga!
Nga trở mình ú ớ. Lão Bảy đột ngột rụt tay lại. Rồi lão đứng ngây người. Giơ tay ra, rụt tay lại mấy lần, cuối cùng lão lại lặp lại động tác lúc nãy một cách dứt khoát hơn. Nga choàng tỉnh. Cô dụi mắt nhìn. Thấy lão Bảy lù lù trước mặt, hai tay Nga bo ngực và lùi mãi vào phía trong. Lão Bảy thì thầm:
- Đừng sợ. Bác đây mà!
- Bác…
- Ừ bác đây! Dậy đóng cổng cho bác đi đằng này một lát.
Dường như Nga đã trấn tĩnh lại, cô hỏi:
- Bác đi đâu? Mà đêm hôm khuya khoắt này bác đi đâu cơ chứ?
- Bác đi có việc. Cháu dậy đóng cổng cho bác. Khi nào bác về, bác gọi thì dậy ra mở cổng cho bác nghe chưa?
Đến lúc ấy, Nga mới hết sợ. Và từ đó trở đi, cô cũng không tài nào ngủ được. Một mình trong căn nhà vốn đã rộng rồi giờ lại càng rộng thênh thang. Nga nghĩ về mọi chuyện, nhất là về gia đình ông chủ quán. Họ thật thà, lam lũ, chất phác và đáng yêu quá. So lên thì chẳng bằng ai, so xuống thì cũng hơn khối người ra ấy chứ. Chỉ tiếc là họ lại không có con. Mà dạo này, bác gái có vẻ lạ lắm. Thứ bảy, chủ nhật toàn vắng nhà. Vắng cả đêm nữa. Như đêm nay chẳng hạn. Mà sao một mình trong đêm mình lại không sợ gì nhỉ? Không biết ở quê bố mẹ cùng các anh, các chị thế nào? Cả thằng Tèo nữa? Học lớp chín rồi mà vẫn bị gọi là Tèo. Nga mỉm cười trong đêm. Mẹ ơi! Mẹ còn đau ốm nhiều không? Dễ đến bốn, năm tháng nay con không về thăm mẹ rồi còn gì? Thì bận công việc ở đây, lo kiếm tiền về thế nào được. Cầu mong bố mẹ khỏe và hiểu cho con bố mẹ nhé. Cái nọ xọ cái kia, Nga nghĩ miên man rồi thiếp đi lúc nào cũng không biết.
Sớm tinh mơ, quán lão Bảy đã có khách. Một người vừa xuống xe ca bước vào quán của lão. Lúc đó, bà Bảy đang trực bên bếp. Lão Bảy cùng Nga lúi húi đằng sau quán pha chế con chó thứ ba. Hôm nay, thứ bảy phải thịt thêm con nữa mới đủ. Ngày nghỉ nào cũng thế, cứ phải ba con chó mới xong. Đêm qua, mãi gần một giờ sáng lão mới đèo bà Bảy từ nhà ngoại về. Người lão mệt ê ẩm. Mệt vẫn phải cố. Mệt nhưng mà lão Bảy vui lắm. Vợ lão cũng thế. Còn Nga, qua một đêm thao thức thấy ông bà chủ quán vui cô cũng vui lây.
Lão Bảy vui vì lão đã nói được cái điều lão ấp ủ bấy nay. Ai lại về nhà vợ cách đó dăm cây số, dựng mẹ vợ dậy lúc nửa đêm, xin đón vợ về để giải quyết công việc gấp mà hai mẹ con bà ấy cũng tin cơ chứ. Vợ lão chịu lên xe cho lão đèo về ngay. Khi lên xe rồi, lão đưa vợ trên con đê vắng vẻ, đến gốc đa giữa chừng thì dừng lại. Trăng khuya vằng vặc. Gió đồng mơn man. Sương đêm lành lạnh. Bóng đa trầm tư. Lão dựng chiếc xe máy rồi hỏi vợ lão có nhớ chỗ này là chỗ nào không. Vợ lão lắc đầu. Lão nhắc: “đây là chỗ lần đầu tiên tôi ngỏ lời yêu bà và chúng mình yêu nhau từ đây đấy”. Vợ lão ngạc nhiên thấy sự lạ. Sau đó thì lão dốc tuồn tuột một thôi một hồi. Nào là bà bỏ tôi đi như thế còn ra thể thống gì nữa, dân làng hàng xóm họ dị nghị ra chứ. Trong nhà chỉ có tôi với con Nga sao có thể được. Nào là tôi già rồi đã đành, đằng này, con bé lành hiền tốt nết, đẹp xinh trẻ trung vậy mà mang tiếng thì nó chịu sao nổi. Khổ nó ra. Nếu mình có con thì nó chỉ như con, như cháu mình thôi. Đêm nay, tôi quyết nói với bà điều này, không biết bà có nghe không?
Bà Bảy nhìn lão và nhìn trăng chờ đợi. Rằng là…mình sẽ nhận cái Nga làm con nuôi. Nếu nó đồng ý thì tốt, nếu không thì mình sống tốt với nó đến bao giờ nó đồng ý thì thôi. Bà nghĩ sao? Bà Bảy ớ người. Bà không ngờ chồng bà lại có ý nghĩ ấy. Còn bà thì…thú thực, bà định vun vén cho ông ấy với Nga cơ. Bà bỏ về nhà đẻ định cho ông ấy lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, thế mà… Cũng may, bà chưa kịp nói ý định này với chồng. Giờ đây, nghe lão Bảy nói vậy, bà cứ ngỡ như mình trong mơ. Thế là ông ấy quyết không lấy vợ nữa, quyết ở vậy cùng mình rồi. Bà đắm đuối nhìn ông, rồi ngước nhìn trăng sao. Đoạn, bà gục đầu vào vai ông thổn thức. Lão Bảy hôn lên mái tóc vợ đã ướt đẫm sương khuya. Họ về nhà đã gần một giờ sáng.
Ông khách gọi một tô bún thịt chó. Bà Bảy bưng tô bún đến bàn ăn của vị khách. Ông ta gọi thêm đĩa chả và chai rượu. Nhấm nháp miếng chả chó, nhâm  nhi chén rượu, ông khách cảm thấy tỉnh người sau một đêm mất ngủ trên xe khách. Đoạn, ông lấy đũa gắp miếng chả lên ngắm nghía. Đầu ông gật gật.
- Chả ngon quá! Công nhận bà chủ quán làm món này tuyệt vời.
- Vâng. Cảm ơn ông đã khen. Món này cháu gái tôi chế biến đấy.
- Cháu gái bà mà làm được thế này ư?
Vừa lúc đó thì Nga cầm mấy xiên chả ra để chuẩn bị đi nướng. Bà Bảy thấy Nga ra, vội khoe rối rít:
- Vâng. Cháu nó đây ông ạ.
Nga ngẩng đầu nhoẻn cười nhìn ông khách. Ông khách nhìn Nga.
- Bố! Ơ kìa…Bố!
Nga bật lên tiếng reo và chạy lại bàn ông khách. Ông khách cũng tròn mắt nhìn Nga. Bà Bảy sững sờ.
- Sao bố lên đây mà không báo cho con?
- Bố mất điện thoại lâu rồi. Mà sao con lại ở đây?
- Con làm thêm ở đây mà bố.
- Ra thế. Con giấu cả bố mẹ. Mấy tháng nay con không về rồi còn gì?
- Vâng ạ. Con cố làm để đủ tiền đóng học học kỳ này bố ạ.
Hai bố con ríu rít. Qua câu chuyện của họ, bà Bảy kiểm chứng thêm những thông tin về Nga mà cô đã tâm sự với bà. Đúng là mẹ của Nga đang mắc bệnh tim, mấy năm nay không làm được gì. Mọi công việc dồn lên đầu bố Nga. Nhà đông con, Nga là thứ hai. Chị cả trên Nga đã lấy chồng. Sau Nga còn hai em nữa, một trai và một gái.
Đang líu tíu như vậy thì lão Bảy xách cỗ dồi chó vừa làm xong bước vào. Bà Bảy nói với lão rằng bố con Nga dưới quê lên. Hai bố con họ đang nói chuyện giữa quán kia kìa. Lão Bảy tiến đến để chào khách. Họ bắt tay nhau rồi cùng nhìn nhau trân trân. Lát sau, ông bố của Nga lên tiếng:
- Có phải…thủ trưởng…Bảy không ạ?
- Cậu là…
Lão Bảy nhăn trán, cau mày như lục trong trí nhớ. Bố Nga vội nói:
- Em là Việt đây. Việt A2, “Việt nhắng” đây thủ trưởng ơi!
- Việt Phú Thọ, đúng không?
- Chính xác.
Bố Nga lập tức đứng dậy làm động tác dập hai chân vào nhau, giơ tay phải ra, gấp cánh tay lại rồi đặt chếch lên đầu. Lão Bảy lao tới ôm chầm lấy ông Việt. Câu chuyện của họ bung ra không dứt. Mấy chục năm rồi, giờ mới gặp nhau làm sao cho hết chuyện được cơ chứ. Từ chuyện những ngày cùng nhau ở đơn vị đến chuyện về quê làm ăn sinh sống ra sao. Từ chuyện vợ con đến chuyện đồng đội, ai ở đâu, làm gì, gặp lại nhau không? Gương mặt hai người rạng rỡ như trở về cái thời trai trẻ.
Lão Bảy bảo bà Bảy dọn thức ăn ra rồi bảo Nga cùng ăn sáng luôn thể. Đằng nào cũng thế, tranh thủ lúc chưa có khách. Lát nữa, hai bà con trông hàng để anh em tôi nhâm nhi. Trong bữa ăn, ông Việt nói:
- May cho em quá. Đang định bắt xe ôm vào phố tìm trường của cháu thì gặp tất cả ở đây. Con Nga nhà em nó làm ở đây mà nó lại giấu em cơ chứ. Rõ khổ. Đã biết tự lực cánh sinh rồi đấy. May mà có hai bác không thì em không biết xoay xở thế nào.
- Cháu nó ngoan lắm. Được cái, rất giỏi chế biến thịt chó, nhất là món chả nướng.
- Vâng. Thì nhà em cũng mở quán thịt chó mà bác.
- Chú có nó thật hạnh phúc đấy, phải không Nga?
Lão Bảy nói và nhìn Nga. Hai bác cháu cùng cười. Bà Bảy cũng cười theo:
- Giá chúng tôi mà có được đứa con như cháu Nga thì tốt quá.
- Đấy, em cho hai bác đấy - ông Việt nói - Nga đồng ý không con?
Hai vợ chồng lão Bảy dừng đũa nhìn nhau và nhìn Nga. Nga cười cười:
- Chỉ sợ hai bác không nhận thôi, bố ạ!
Lão Bảy nâng chén rượu lên:
- Tôi nói nghiêm túc nha, vợ chồng tôi mơ được như thế đấy. Nếu được thế thì còn gì bằng. Nào! Mời cả nhà ta cạch chén mừng cho cuộc hội ngộ hôm nay, mừng cho vợ chồng tôi có cô con gái nuôi nào!
Bốn cái chén cụng vào nhau, dô dô thật tưng bừng. Úp cái chén không còn một giọt rượu, lão Bảy đặt chén xuống bàn nói tiếp:
- Nói vậy thôi chứ vợ chồng tôi phải về xin phép cô ấy với họ hàng nhà ta dưới quê chứ. Hôm nay cứ biết vậy đã. Được chú và con Nga đồng ý là vui rồi, phải không bà?
Bà Bảy cười cười gật đầu. Ánh mắt bà rạng lên. Đúng là ông giời run rủi xui khiến thế nào mà đêm qua vợ chồng bà đã nói đến chuyện này. Lâu lắm rồi nhà bà mới lại có cuộc vui như hôm nay. Lão Bảy ngà ngà. Ông Việt lâng lâng. Bà Bảy hớn hở. Còn Nga thì xôn xang một cảm giác mới lạ thật khó tả.
Quán thịt chó lão Bảy hôm ấy mở toang cửa nhưng không bán hàng. Họ đang tiếp một ông khách đặc biệt suốt từ sáng đến giờ. Vợ chồng lão Bảy và ông khách nọ cùng đang say… Chỉ có Nga là đang lụi hụi nướng chả ở bếp lò. Than hồng, chả xám, mỡ xèo xèo, khói nghi ngút, hương ngào ngạt tỏa ra thơm điếc mũi cả một vùng. Và khuôn mặt của Nga cứ đỏ lựng thế kia, những đường cong cứ rờ rỡ nhường ấy bảo sao cô lại không hạnh phúc cơ chứ.
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đỗ Xuân Thu

KHOAI NƯỚNG, SẮN LÙI ƠI, NHỚ LẮM!

Tản văn của Xuân Thu

Có lẽ món khoái khẩu nhất của trẻ trâu về mùa đông chính là món sắn nướng, khoai lùi. Chiều đông giá rét, bầu trời âm u mà chăn trâu trên đồi, ngoài đồng, rủ nhau vơ rạ, kiếm củi để nhóm lửa nướng sắn, nướng khoai, rồi chia nhau mẩu sắn lùi, củ khoai nướng còn nóng hôi hổi, thơm phưng phức để miệng đứa nào đứa nấy đen nhem nhẻm, vừa ăn vừa cười nghiêng ngả thì không còn gì thú vị bằng. Cái vị ngòn ngọt thấm sâu vào đầu lưỡi, cái hương thơm cháy khét xộc vào hốc mũi cùng với khói đồng cay cay khóe mắt, gió đông vù vù bên tai thì dẫu có xa quê bao nhiêu năm vẫn không thể quên được cái thuở thiếu thời sắn khoai lấm láp đáng yêu ấy.
Mùa đông, chăn trâu trên đồng, sẵn khoai ở ruộng, rạ còn sót lại đấy tha hồ mà bày trò nấu nướng, làm cỗ, chơi đồ hàng. Mặc cho lũ trâu nhởn nhơ gặm cỏ, chúng tôi chia nhau đi vơ rạ gom về chất thành đống để đốt. Vừa sưởi ấm, vừa để nướng khoai. Cứ tưởng tượng xem, giữa “đồng không mông quạnh” mà có ngọn khói bốc lên thì nó hấp dẫn đến mức nào. Dù ở xa đến đâu, chúng tôi cứ theo ngọn khói ấy mà í ới nhau tụ về. Vừa chạy vừa vơ rạ góp lửa. Rồi thì khoai mang sẵn từ nhà, khoai bới trộm ruộng bên, tất cả tập trung lại xì xà xì xụp cho vào đống lửa bắt đầu nướng. Rạ cứ thế chất lên. Lửa cứ thế bùng cháy. Tro cũng cứ thế mà hồng đỏ rừng rực. “Khói về đường kia ăn cơm với cá, khói về đường này lấy đá đập đầu”. Tranh nhau quây quanh đống lửa, lấy tay xua khói và cùng nhau hát khúc đồng dao đó. Nhiều lúc khói cay toét mắt, tôi vừa xua khói, vừa cời tro đảo củ khoai. Chẳng mấy chốc thì khoai chín.
Cời củ khoai nướng ra khỏi đống lửa, đứa nào đứa nấy tranh nhau vồ lấy. Có đứa bỏng rãy tay, vừa cầm được củ khoai đã vội buông xuống. Đứa nào khôn hơn thì lấy vạt áo đựng củ khoai nóng rồi chạy biến ra xa để ăn mảnh một mình. Có củ khoai cháy đen sì. Lại có củ chín không đều, có chỗ còn vỏ đỏ cứng nhắc. Ấy vậy mà chẳng củ nào thoát khỏi tay chúng tôi. Chẳng kể sống sít, sượng hà, chúng tôi bẻ khoai ra chia nhau từng miếng ăn ngon lành. Vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng. Mồm miệng đứa nào đứa nấy nhồm nhoàm, đen nhẻm.
Nếu thả trâu trên đồi thì chúng tôi bày trò nướng sắn. Không có rạ thì có củi. Gốc sim, gốc mua, cành sắn, cây chó đẻ khô, rồi cỏ tế, cỏ may, thậm chí dỡ trộm cả hàng rào nhà người ta để làm củi. Củi khó nhóm hơn rạ nhưng được cái cháy đượm và nhiều than hơn. Mặc cho gió mùa đông bắc hun hút thổi chúng tôi lại xì xà xì xụp vây quanh đống lửa. Vẫn sắn từ nhà mang đi, rồi sẵn sắn moi trộm từ bãi nương gần đó, chúng tôi bắt đầu cời than nướng sắn. Món sắn nướng được lũ trẻ trâu chế biến rất điệu nghệ.
Trước hết, phải chọn những củ sắn thuôn thuôn dài dài cỡ bằng chuôi con dao, “đầu chối” phải nhỏ, hai đầu phải mũm mĩm, vỏ phải trơn nhẵn. Những củ sắn như thế mới ngon. Bé quá thì xơ. To quá thì lâu chín và dễ bị sượng. Cách dễ nhất là để cả củ như thế vùi vào than đỏ. Định khoảng thời gian để xoay trở củ sắn cho chín đều. Sắn nướng cả vỏ khi chín chỉ cần bóc vỏ ra ăn, đảm bảo rất vệ sinh. Tuy nhiên, sắn nưỡng kiểu này ăn không thơm, không ngon bằng cách bóc bỏ vỏ đỏ. Sắn bóc vỏ được nướng bằng hai cách. Cách thứ nhất bọc giấy kín củ rồi vùi sâu vào tro nóng. Không được cho củ sắn bọc giấy tiếp xúc trực tiếp với than hồng. Đợi khi tro nóng làm giấy tự cháy hết thì củ sắn vừa chín. Cách thứ hai, để củ sắn gần sát đống than đỏ để hơi nóng của than làm khô củ sắn đến độ nổ vỏ ngoài lách tách, thành những đốm vàng sạm lăn tăn đều xung quanh là được. Sau đó, vùi chúng vào trong đống tro như nướng với củ sắn bọc giấy. Sắn nướng theo kiểu này vừa sạch, vừa thơm, ngoài ròn, trong mềm ăn rất khoái.
Còn gì thú vị hơn lúc sắn chín. Chìa tay nhau xin từng miếng. Đuổi nhau giành củ sắn ngon. Củ sắn được bẻ ra bốc hơi nóng hôi hổi. Đưa miếng sắn vào miệng, khẽ chạm đến đầu lưỡi thì cái vị thơm thơm ngòn ngọt, cái mùi cháy khét nồng nàn của sắn nướng đã đánh thức hết cả các “cơ quan đoàn thể” mà thăng hoa đến tận trung ương thần kinh để tận hưởng cái khoan khoái mê hồn của sắn nướng trong một buổi chiều đông giá rét.
Mùa đông đã lại về. Chiều nay, ngồi một mình ở cơ quan trong căn phòng ấm áp, qua khung cửa sổ thấy bầu trời xám xịt và cành cây nghiêng ngả xo ro trong gió mùa đông bắc mà tôi bỗng nhớ thuở chăn trâu đến quá chừng. Bạn bè của tôi đâu? Cánh đồng, triền đồi ngày ấy của tôi đâu? Cả ngọn khói đốt đồng ngày ấy nữa? Có ai còn nhớ hương vị nồng nàn của sắn lùi, khoai nướng thuở chăn trâu đốt lửa như tôi không? Ơi những ngày xưa thương mến, có bao giờ trở lại?

X.T
Giữa dòng đời tôi nhặt được tứ thơ
Không viết được để hồn lang thang mãi
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (35 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4]