23-05-2014
Thất bại trong quá khứ và bài học cho hôm nayBách Việt
Tầu Trung Quốc tấn công tầu VN. Ảnh: CS Biển VN
Việc đưa dàn khoan vào khu vực biển của Việt Nam, Trung Quốc đã gần như lật ngửa ván bài của một chính sách đối ngoại dựa trên bạo lực hơn là đàm phán hòa bình. Trong khi đó, Việt Nam còn quá yếu về mọi mặt để có thể tạo thế đối đầu có trọng lượng với Trung Quốc. Việt Nam ở thế tiến thoái lưỡng nan vì không thể leo thang và chạy đua trong chính sách ngoại giao bạo lực với Trung Quốc, nhưng cũng không có đường lùi và không thể nhượng bộ.
Tóm lại, mọi động thái ứng xử của Việt Nam hiện nay vẫn rất lúng túng, và mục đích chính vẫn chỉ để trì hoãn, hơn là thực sự giải quyết vấn đề về lâu dài trên cơ sở hòa bình. Vận mệnh của Việt Nam do vậy đang là “ngàn cân treo trên sợi tóc”. Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào sự tỉnh táo của Việt Nam vào lúc này.
Để có được sự tỉnh táo, ngoài niềm tự hào về lịch sử giữ nước vẻ vang, Việt Nam cũng cần nhìn vào những thất bại trong lịch sử để từ đó rút ra bài học cho các quyết sách sáng suốt đối phó với Trung Quốc.
Bài viết này tập trung vào thất bại quân sự của triều Hồ năm 1407 và thất bại của Việt Nam năm 1975-1977 trong bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Tây Âu, vì những giai đoạn này có rất nhiều tương đồng sâu sắc với thời điểm hiện nay.
QUÂN ĐỘI HỒ QUÝ LY VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỚI QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Lịch sử chống ngoại xâm là đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam và giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc trước nguy cơ xâm lược và đô hộ. Chính cuộc đấu tranh sống còn này đã rèn luyện nên nhiều phẩm giá cao quý và phát huy đến cao độ trí thông minh, sáng tạo của dân tộc. Vì vậy, lịch sử chống ngoại xâm là niềm tự hào vô tận của dân tộc. Tuy nhiên, trong nhiều giai đoạn, lịch sử Việt Nam không được thể hiện đầy đủ và khách quan, quá nhấn mạnh các thắng lợi của các cuộc kháng chiến, dẫn đến việc đơn giản và thậm chí không phản ảnh hết tính ác liệt đến tàn khốc của các cuộc kháng chiến, và đặc biệt là những thất bại về quân sự của Việt Nam trước các thế lực xâm lược phương bắc.
Một thất bại quân sự cay đắng trong lịch sử vệ quốc của Việt Nam là của Hồ Quý Ly với cuộc xâm lăng của nhà Minh. Một điểm đáng kinh ngạc là những thách thức của vương triều Hồ với quân xâm lược phương bắc vào năm 1400-1407 là hoàn toàn giống với những gì Việt Nam đang phải đổi mặt hiện nay, và rất nhiều khả năng thất bại của vương triều Hồ sẽ lặp lại với Việt Nam hiện nay nếu không có sự thay đổi trong nội bộ của Việt Nam.
Hồ Quý Ly đã biết rõ âm mưu xâm lược của nhà Minh từ năm 1400. Nhà Hồ đã một mặt áp dụng những biện pháp ngoại giao khôn khéo đế trì hoãn chiến tranh, mặt khác tích cực lo chuẩn bị kháng chiến chống xâm lược.
Nhà Minh liên tục gây sức ép và tạo bất ổn với Việt Nam từ cả phía Bắc và phía Nam. Phía bắc, nhà Minh gây hấn và lấn chiếm đất đai. Năm 1404, nhà Minh đòi chiếm đất Lộc Châu, Tây Bình, Vĩnh Bình, lấy cớ những đất đó thuộc phủ Tư Minh (Quảng Tây). Năm 1405, nhà Minh lại sai sứ đòi đất Lộc Châu (Lạng Sơn), và 7 trại Mãnh Man thuộc châu Ninh Viễn một cách gay gắt. Hồ Quý Ly đã bất đắc dĩ phải nhượng đất để kéo dài thời gian hòa hoãn, lo chuẩn bị kháng chiến, nhưng trước sau vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ đất nước.
Ở phía Nam, giữa nhà Hồ và vương triều Chăm Pa có những xung đột phức tạp. Nhà Minh tìm mọi cách khoét sâu và lợi dụng những xung đột đó để quấy rối hậu phương nước ta. Năm 1403, nhà Minh phái 9 chiến thuyền vào giúp Chăm-pa chống lại nhà Hồ, và gây ra những vụ xung đột biên giới để phân tán quân đội nhà Hồ.
Việc nhượng bộ đất của Hồ Quý Ly đã gây bất mãn sâu rộng trong quần chúng. Tuy nhiên, mặt khác cũng tạo được một khoảng thời gian gần 5 năm để vương triều Hồ xây dựng quân đội và trang bị vũ khí với ảo tưởng rằng với quân đội hùng mạnh và vũ khí hiện đại (theo thời đó) thì sẽ chặn được sự xâm lược của quân Minh.
Năm 1401 nhà Hồ ra lệnh kiểm kê dân số và từ đó tiến hành tổng động viên. Quân đội được chia thành Nam Ban và Bắc Ban với 12 vệ (tương đương sư đoàn), quân Điện Hậu Đông và Tây gồm 8 vệ. Ngoài quân chủ lực, còn tổ chức thêm hương binh của làng xã, và quân dũng hãn chiêu mộ từ nông dân lưu vong.
Hồ Quý Ly cũng tăng cường chế tạo vũ khí và đạt được những thành tự khoa học quân sự đáng nể. Bên cạnh các loại vũ khí thông thường như cung tên, giáo mác, kiếm lao, máy bắn đá…..còn có súng thần cơ do Hồ Nguyên Trừng chế tạo có sức công phá và sát thương hơn hẳn các loại súng của quân Minh.
Ngoài ra, nhà Hồ cũng lập những phòng tuyến quân sự kiên cố như phòng tuyến phía bắc chạy dài từ chân núi Tản Viên, Ba Vì, men theo sông Đà, tiếp theo sông Nhị qua Đông Đô, rồi theo sông Hải Triều, sông Hy (sông Luộc) chuyển qua sông Ma Lao (sông Thái Bình) đến Chí Linh, Hải Dương. Tất cả các phòng tuyến đều được đóng cọc dưới sông, cắm chông dày đặc trên bờ, và phía ngoài có bẫy ngựa và quân lính.
Cho dù có sự chuẩn bị kỹ càng về quân sự, nhà Hồ đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến chống quân Minh. Với một đạo quân gần một triệu (cả chủ lực lẫn tiếp vận), và bất chấp sự kháng cứ mãnh liệt của quân đội vương triều Hồ, quân Minh đã thôn tính được Việt Nam vào năm 1407, sau 6 tháng chiến đấu ác liệt.
Lịch sử phải công minh ghi nhận rằng vương triều Hồ và Hồ Quý Ly đều chủ trương kiên quyết đánh giặc giữ nước, và đã đánh đến cùng. Tuy nhiên, lịch sử cũng phải thừa nhận rằng nguyên nhân thất bại chủ yếu của triều Hồ là không đoàn kết được toàn dân đánh giặc.
Một điểm đáng lưu ý là những mâu thuẫn nội bộ giữa nhà Trần bị lật đổ và vương triều Hồ (tạm gọi là “ý thức hệ) rất sâu sắc. Nhà Minh lợi dụng khoét sâu thêm mâu thuẫn này để gây rối trong nội bộ nhà Hồ.
Trước tình hình đó, lẽ ra nhà Hồ phải biết đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, giải quyết các mâu thuẫn bên trong theo hướng đáp ứng xu hướng chủ đạo của phát triển chính trị xã hội, để từ đó thắt chặt sư đoàn kết của toàn dân, và huy động sức mạnh của cả nước vào chống giặc cứu nước. Nhưng nhà Hồ đã không làm được như vậy.
Do đó, khi quân Minh tiến sang, triều Hồ không thu phục được lòng dân, không dấy lên được sức mạnh của cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc, thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm.
Từ hạn chế trên đã đưa nhà Hồ đến những sai lầm về quân sự, đó là dựa chủ yếu vào quân mà không dựa vào dân, dựa chủ yếu vào vũ khí và thành quách, mà không dựa vào lòng người và địa hình. Suy nghĩ về những sai lầm và thất bại của nhà Hồ trong kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi viết:
Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,
Khóa sông xích sắt cũng vậy thôi.
Lật thuyền mới rõ dân như nước
(Quan Hải)
Những thất bại trong lịch sử chống ngoại xâm Phương Bắc nói trên cho thấy không phải lúc nào Việt Nam cũng chiến thắng. Những thất bại quân sự dẫn đến mất nước Việt Nam chỉ do một nguyên nhân chính đó là: Mâu thuẫn, đấu đá tranh giành quyền lực nối bộ, thiếu dân chủ dẫn đến mất lòng dân. Từ chỗ mất lòng dân, những triều đại thất bại trước đây buộc phải dựa vào vũ khí (Nỏ Thần, Đại Thần Cơ) và quân chủ lực.
Trong chiến tranh với Phương Bắc, nếu Việt Nam chỉ dựa vào quân đội và vũ khí thì thất bại là nắm chắc trong tay vì Việt Nam ở bất cứ thời đại nào cũng không thể đủ lính và đủ vũ khí để áp đảo Trung Quốc. Những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy Việt Nam với Quân đội Nhân dân Việt nam, đã và đang có những nét tương đồng đáng sợ với đội quân chủ lực của Hồ Quý Ly.
Thứ nhất, Việt Nam cho dù đã và rất kiên quyết, nhưng cũng đã và sẽ tiếp tục phải nhượng bộ với Trung Quốc với mục đích là kéo dài thêm được thời gian hòa bình càng lâu càng tốt. Đây là điều nhà Hồ đã làm, thậm chí phải nhượng cả một số đất của Việt Nam để kéo dài thời gian hòa hoãn cho việc xây dựng quân đội.
Thứ hai, Việt Nam đang dốc tiền đầu tư vào xây dựng quốc phòng như mua tầu ngầm, tầu chiến, máy bay chiến đấu, v.v….đúng như những biện pháp hiện đại hóa quân sự mà nhà Hồ đã thực hiện vào năm 1401-1405. Cái hơn của quân đội Hồ Quý Ly so với Quân đội Nhân dân Việt nam hiện nay là nhà Hồ đã chế tạo ra đại thần công có uy lực công phá đáng sợ hơn cả thần công của nhà Minh.
Việt Nam hiện nay không có vũ khí nào có uy thế vượt trội so với Trung Quốc. Cái Việt Nam rất cần làm và phải làm ngay hôm nay là xây dựng “lòng dân” vững mạnh, bên cạnh xây dựng quốc phòng. Trung Quốc không sợ một Việt Nam mạnh về quốc phòng, mà Trung Quốc chỉ sợ một Việt Nam đoàn kết, dân chủ, toàn dân một lòng.
(Còn nữa)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm