Đã đến lúc chấm dứt sự mơ hồ chiến lược tại Biển ĐôngBài đăng trên Nghiên cứu Biển Đông Thứ năm, 12 Tháng 7 2012 00:00Tác giả:
Gregory PolingNhằm đối phó với sự mập mờ chiến lược trong yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, các bên tranh chấp phải có lập trường rõ ràng về những gì là tranh chấp thực sự ở Biển Đông và những gì không. Chừng nào điều căn bản này vẫn chưa rõ ràng thì phần thua thiệt vẫn sẽ thuộc về các nước láng giềng nhỏ hơn.Vào ngày 27 và 28 tháng 6, Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã tổ chức hội thảo thường niên lần thứ hai về Biển Đông. Đúng như dự kiến, các cuộc thảo luận, có tiêu đề "Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi: Tìm kiếm lựa chọn cho việc quản lý tranh chấp," chứng kiến sự căng thẳng giữa các diễn giả. Điều này đặc biệt đúng giữa các diễn giả Trung Quốc với Philíppin và Trung Quốc với Việt Nam . Nhưng sau một ngày rưỡi thảo luận gay gắt, một thông điệp rõ ràng là: sự mập mờ trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và biển tại Biển Đông không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai.
Trong khi những người tham gia có xu hướng xem xét lại các vấn đề chủ quyền và đưa ra những ý tưởng nhằm quản lý chứ không phải là giải quyết tranh chấp, hội thảo năm nay thể hiện rõ những điểm khác so với năm trước. Có thể cảm nhận được sự căng thẳng trong phòng hội thảo khi ba chuyên gia Trung Quốc tìm cách bảo vệ lập trường của Bắc Kinh. Một điều quan trọng cần ghi nhận là người ta chưa biết rõ lập trường chính xác của Trung Quốc là thế nào. Những người tham dự hội nghị đã có những phát biểu mạnh mẽ cho thấy rằng không ai mong muốn các tuyên bố mơ hồ về chính sách và giải trình của Trung Quốc.
Những gì họ thể hiện chính là sự bực tức đã lan truyền khắp các cộng đồng chính sách tại Oasinhtơn và châu Á. Đó không chỉ là sự bực tức về các tranh chấp ở Biển Đông, hay thậm chí là nhận thức về thái độ gây hấn gần đây của Bắc Kinh, cả hai điều đã trở thành một phần trong bức tranh chung của khu vực. Đúng hơn, đó là sự thất vọng trước sự mập mờ lâu nay từ chính sách của Trung Quốc, muốn tránh phải có một lập trường rõ ràng bằng mọi giá. Nếu không có một lập trường rõ ràng của Trung Quốc, việc giải quyết các tranh chấp và hòa hợp các lập trường là điều không thể.
Chính sách mập mờ chiến lược của Trung Quốc là nhằm mục đích của nó. Nó cho phép Trung Quốc linh hoạt để giải thích lập trường của mình. Đây là lý do tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể ra tuyên bố công khai vào tháng Hai năm 2012 nói rằng họ không tuyên bố chủ quyền quốc gia với toàn bộ Biển Đông và chỉ có tranh chấp về "hải đảo và vùng biển lân cận." Điều này đã làm dấy lên hy vọng tại Mỹ và các bên tranh chấp châu Á khác rằng Trung Quốc đang rút khỏi tuyên bố đường lưỡi bò và đưa lại tuyên bố của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, điều đó rõ ràng là không đúng. Các căng thẳng trong năm nay trên biển bắt đầu với hai tháng bế tắc giữa các tàu Trung Quốc và Philíppin tại bãi cạn Scarborough .
Cuộc đối đầu đó, cho dù có những tuyên bố ngược lại từ Bắc Kinh, là một ví dụ về một sự điều chỉnh dần dần trong tuyên bố của Bắc Kinh. Trong nhiều năm, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ giới hạn trong quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Bất kỳ tuyên bố nào với các cấu trúc địa chất khác, như bãi cạn Scarborough, chỉ được ngụ ý là nằm trong đường lưỡi bò đầy mơ hồ. Sau đó, Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền với bãi Macclesfield hoàn toàn nằm dưới mặt nước dưới cái tên Trung Sa do tưởng tượng, mặc dù có không có cách nào theo quy định của pháp luật quốc tế để tuyên bố chủ quyền với một cấu trúc địa chất thấp hơn mặt nước giống như một hòn đảo. Hơn nữa, trong những năm gần đây, khi Bắc Kinh cố gắng không bị quá phụ thuộc vào đường chín đoạn không thể giải thích được, bãi cạn Scarborough đã được đưa vào thành một phần của Trung Sa. Việc bãi này nằm cách Macclesfield hàng trăm dặm hay việc nó chưa hề xuất hiện trong các tài liệu lịch sử mà Trung Quốc đưa ra để chứng minh chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dường như không quan trọng.
Bắc Kinh thể hiện sự bất chấp tương tự với chính sách mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao đưa ra hồi tháng Hai khi áp đặt lại lệnh cấm đánh bắt hàng năm đơn phương cho toàn bộ Biển Đông bên trên vĩ tuyến 12. Lệnh cấm như vậy sẽ chỉ có thể khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tất cả các vùng biển trong đường chín đoạn, chứ không chỉ với "các đảo và vùng biển lân cận." Sau đó, vào cuối tháng Sáu, Tập đoàn Dầu khí CNOOC khiêu khích Việt Nam bằng việc thông báo công ty sẽ mở 9 lô dầu khí ở Biển Đông cho nước ngoài dự thầu. Vấn đề là ở chỗ toàn bộ chín lô này nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, và trong thực tế, nhiều lô trùng với các lô mà hiện Việt Nam đã cho các công ty nước ngoài thầu, trong đó có công ty Exxon-Mobil. Quan trọng hơn, các lô của CNOOC không thể biện hộ được theo tuyên bố chủ quyền với "các đảo và vùng biển lân cận" của Biển Đông vì không có hòn đảo nào trong vòng 200 hải lý (EEZ tối đa cho phép) của tất cả các lô.
Những diễn biến này làm nổi bật sự cần thiết cho các bên tranh chấp ASEAN-Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây, phải có lập trường về những gì là tranh chấp thực sự ở Biển Đông và những gì không. Chừng nào điều căn bản này vẫn chưa rõ ràng, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng các tuyên bố mơ hồ và mâu thuẫn để theo đuổi lợi ích của mình ở Biển Đông với phần thua thiệt thuộc về các nước láng giềng nhỏ hơn.
Một số bước đi đã được thực hiện theo hướng này. Việc Việt Nam và Malaixia năm 2009 nộp hồ sơ chung về thềm lục địa mở rộng ở phía Nam lên Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa là một bước quan trọng đầu tiên trong nỗ lực này. Luật về đường cơ sở của Philíppin, thông qua cùng năm đó, thiết lập đường cơ sở ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cũng là một nỗ lực nữa.
Các nước ASEAN đã có lập trường thống nhất về nhiều vấn đề. Ví dụ, cả bốn nước có vẻ như đã chấp nhận rằng Trường Sa và Hoàng Sa không phải là các đảo theo luật pháp, mà chỉ đơn thuần là đá và do đó chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý.
Một nỗ lực thực tâm để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông đòi hỏi những quan điểm này phải được luật hóa. Điều này không có nghĩa là các bên tranh chấp phải từ bỏ bất cứ điều gì liên quan đến tuyên bố chủ quyền của mình đối với các cấu trúc địa chất trên Biển Đông. Thay vào đó, nó sẽ cho phép họ củng cố cơ sở pháp lý cho tuyên bố về biển của mình và tách biệt các tranh chấp lãnh thổ khó khăn hơn nhiều nhưng có phạm vi địa lý nhỏ hơn rất nhiều. Quan trọng nhất, nó sẽ cho phép các nước này thể hiện một mặt trận thống nhất trước Trung Quốc trong lập luận về một điểm tối quan trọng: cơ sở duy nhất chấp nhận được cho các tuyên bố về biển trên Biển Đông phải là luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Nếu các bên tranh chấp ASEAN tạo được một khuôn khổ thống nhất về những gì có và không có tranh chấp, phần trách nhiệm còn lại sẽ là của Bắc Kinh phải làm rõ cơ sở cho tuyên bố của mình. Tại thời điểm đó, Bắc Kinh sẽ có các lựa chọn giới hạn. Áp lực như vậy có thể tạo ra các tiếng nói ôn hòa hơn, giống như những tiếng nói trong Bộ Ngoại giao, sự đáng tin cậy hơn, cho phép Trung Quốc làm rõ tuyên bố của mình bằng cách giữ nguyên tuyên bố chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng từ bỏ đòi hỏi quá đáng đối với các vùng biển nằm giữa. Điều này sẽ đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Theo cách khác, Bắc Kinh có thể loại bỏ hoàn toàn luật pháp quốc tế đã được chấp nhận trong tranh chấp, nhưng nó sẽ gây tổn hại cho lợi ích lớn hơn của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ từ chối tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào. Nếu điều đó xảy ra, thì nó sẽ cho thấy Trung Quốc là bên tham chiến không thể chối cãi trong tranh chấp và dư luận quốc tế sẽ ủng hộ lập trường của các bên tranh chấp trong ASEAN. Cuối cùng, Trung Quốc có thể sẽ thấy việc làm rõ tuyên bố chủ quyền ít gây tổn hại đến danh tiếng và lợi ích của mình hơn so với việc bám vào sự mơ hồ lâu nay.
Hầu hết thời gian trong hội thảo CSIS được dành để thảo luận về các cơ sở của tranh chấp và tìm kiếm những cách thức để giải quyết các sự cố không thể tránh khỏi chứ không phải là đề xuất cách thức thực sự để giải quyết các tranh chấp. Do sự phức tạp và thời gian lâu dài của vấn đề Biển Đông, những khó khăn như vậy được dự đoán là chắc chắn có.
Nhưng lý do quan trọng nhất của việc dường như có rất ít ánh sáng ở cuối đường hầm là vì rất nhiều tranh chấp vẫn còn mơ hồ. Giờ là lúc các bên tranh chấp ASEAN phải luật hóa đầy đủ, cả luật trong nước và trong một khuôn khổ đa phương, những gì tranh chấp và không phải là tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Đó sẽ là một lập trường mà cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, có thể ủng hộ một cách chính đáng bởi vì nó sẽ có nghĩa là không bảo vệ những tuyên bố riêng của bất kỳ bên tranh chấp nào, mà là ủng hộ chính luật pháp quốc tế.
Gregory Poling là nhà nghiên cứu liên kết với Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, DC. Bản gốc được đăng trên CSIS Commentary.Theo CSISTrần Quang (gt)