Tin BBC 23.09.2010
Mỹ và Asean bàn về Biển Đông
Bình luận về Biển Đông trước cuộc gặp ngày thứ Sáu 24/9 của Tổng thống Obama và các lãnh đạo Asean cho rằng việc quốc tế hóa vùng biển này đang thành sự thực, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.Theo AP, dự kiến Hoa Kỳ và các nước Asean sẽ ra tuyên bố chung, xác nhận cam kết về quyền tự do lưu thông hàng hải ở vùng biển Đông Nam Á.
Các bên muốn gì?Các nhà quan sát nay đang muốn tìm hiểu thái độ của Trung Quốc đến từ đâu và sức mạnh của họ thực sự ra sao trong bối cảnh mới này.
Trả lời CNN hôm đầu tuần, nhà nghiên cứu Gordon Chang từ Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc nay đang rơi vào tình thế "cãi cọ" (quarrel) với gần như tất cả các nước láng giềng về lãnh thổ.
Gần đây nhất là cuộc tranh chấp bùng lên với Nhật Bản về đảo Điếu Ngư.
Vụ này xảy ra trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á về Biển Đông chưa giảm.
Sarah Stewart trong bài trên AFP hôm 23/9 nhận định rằng, trước cuộc gặp tại New York giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Asean, các nước châu Á "lo ngại về thái độ Trung Quốc tự tin hơn trong việc đưa ra tham vọng lãnh hải".
Bài viết trích lời nhà nghiên cứu Simon Tay từ Singapore nói rằng các nước Asean không muốn bị cảnh "Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết".
Các nước Asean đã tìm đến Hoa Kỳ để có sự ủng hộ cho giải pháp quốc tế hóa vùng biển Đông Nam Á, điều Bắc Kinh luôn bác bỏ.
Bài của Sarah Stewart cho rằng Trung Quốc muốn đàm phán song phương kín đáo với từng quốc gia vì như thế họ "sẽ có sức mạnh hơn".
Bước đi tới của Tổng thống Obama sẽ được theo dõi kỹ từ Bắc Kinh và các thủ đô Asean.
Vì từ sau tuyên bố hồi tháng 7 tại Hà Nội của Ngoại trưởng Clinton khi người tương nhiệm Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì có mặt, cuộc chơi đã bước sang một hướng mới.
AFP trích lời kể của Ngoại trưởng Singapore, ông George Yeo về cuộc chạm trán Mỹ - Trung tại Hà Nội rằng "Có là một trao đổi thú vị và khá căng giữa người Mỹ và người Trung Quốc".
Nay, từng nước Asean đang cân nhắc thái độ của mình sao cho có lợi nhất trong cuộc cạnh tranh mà Hoa Kỳ dần dần chiếm vị thế mạnh, nhân danh quyền tự do hàng hải trong vùng.
Thái Lan, Campuchia và Singapore tỏ ra không muốn có tranh chấp Mỹ - Trung.
Miến Điện, nước vừa ký nhận chừng 4 tỷ USD khoản cho vay không lãi từ Trung Quốc sau chuyến thăm của Thống tướng Than Swe, chắc chắn sẽ không muốn làm phật lòng Bắc Kinh.
Dù vậy, theo một quan chức Asean người Philippines, các nước trong khối né tránh tranh chấp đồng thời vẫn muốn bày tỏ quyền của họ "theo đuổi tuyên bố chủ quyền" tại vùng Biển Đông.
Ông Rodolfo Severino được trích lời nói quyền tự do lưu thông hàng hải trong hòa bình và ổn định là điều thiết yếu cho Asean.
Việt Nam tuy không có tuyên bố cụ thể từ cấp cao nhất nhưng trên thực tế đã đóng vai trò vận động cho giải pháp quốc tế hoá Biển Đông.
Về nội bộ, chính quyền Việt Nam đã có nhiều đợt vận động dân chúng và bộ máy chính quyền về biển đảo.
Được biết ở cuộc họp tại New York sẽ do ông Obama và ông Nguyễn Minh Triết đồng chủ tọa vì Việt Nam hiện là nước làm chủ tịch luân phiên của Asean.
Dù có tin chưa kiểm chứng nói Chủ tịch Triết sẽ rời vị trí sau đại hội Đảng đầu năm tới, dư luận trong và ngoài nước vẫn hết sức quan tâm đến hoạt động của ông tại New York kỳ này, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
Còn về phía Mỹ, có ý kiến nói cũng không nên hiểu sai lời bà Clinton phát biểu tại Hà Nội mấy tháng trước.
Trả lời BBC, ông Richard Bush, Giám đốc từ Trung tâm Đông Bắc Á, Viện Brookings nói rằng truyền thông đã hiểu sai ý của bà Clinton và cho rằng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông.
Trên thực tế, theo ông, ý của Hoa Kỳ chỉ là cần hoàn tất nguyên tắc ứng xử trong vùng với xu hướng đảm bảo tự do hàng hải, và đây là điều, ông Richard Bush tin tưởng, các nước Asean "dễ thoải mái chấp nhận".
Tàu USS Washington trong chuyến hải hành qua Biển Đông ở điểm cách Đà Nẵng 200 hải lý
Đối chọi quan điểmNhưng cũng có tiếng nói rằng Hoa Kỳ đã khiêu khích các nước châu Á nhằm đặt Trung Quốc vào vị thế bất lợi.
Thời báo Trung Hoa ra ở Đài Bắc tin rằng "Hoa Kỳ đang xúi dục các nước châu Á", gồm Nam Hàn, Nhật Bản và Asean để "gây sự với Trung Quốc".
Tờ báo cho rằng Hoa Kỳ đã dùng các nước khác để kiềm chế Trung Quốc.
Ông Lý Minh Giang, một nhà nghiên cứu khác tại trường S. Rajaratnam ở Singapore cũng bày tỏ quan điểm rằng trong các nước Asean, những nước không đòi chủ quyền ở Biển Đông không vui thích gì trước sự dính líu của Hoa Kỳ.
Một bên không có mặt tại cuộc gặp Asean với lãnh đạo Mỹ cũng theo dõi vụ việc nghiêm túc là Ấn Độ.
Dehli quan tâm đến sự hiện diện của Trung Quốc tại các nước láng giềng như Bangladesh và Sri Lanka và cả Miến Điện, nước Asean bên bờ Ấn Độ Dương.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn khẳng định họ có toàn bộ chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển Đông.
Còn theo AP, Trung Quốc hôm thứ Ba đã cảnh báo rằng mọi dính líu của Hoa Kỳ vào tranh chấp lãnh hải ở vùng biển Đông Nam Á là "sự can thiệp không được hoan nghênh".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Khương Du nói Trung Quốc lo ngại trước khả năng có một tuyên bố chung của Hoa Kỳ và Asean về biển Nam Trung Hoa.
Phía Trung Quốc không thay đổi quan điểm rằng đây là việc "của Trung Quốc và các nước trong vùng".
TS Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu Biển Đông từ Anh Quốc cho BBC biết ông vì sao quan điểm của Trung Quốc là "không thích hợp".
Theo ông, "tranh chấp các đảo Trường Sa và lãnh hải của chúng là tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei, tức là tranh chấp đa phương. Tranh chấp đa phương cần phương pháp giải quyết đa phương,"
"Phương pháp song phương không thích hợp nhưng Trung Quốc vẫ đòi nó vì hai lý do. Thứ nhất là chiến lược chia để trị. Thứ nhì, đòi hỏi một phương pháp không thích hợp sẽ cản trở việc đi đến giải pháp, và nếu không có giải pháp thì Trung Quốc có lợi nhất: là nước mạnh nhất trong tranh chấp, Trung Quốc luôn luôn có cơ hội để làm vị trí của mình mạnh lên và của các đối thủ yếu đi."
Trong lúc chờ đợi phát biểu của Tổng thống Obama, AFP trích lời ông Ernest Bower, từ trung tâm Centre for Strategic and International Studies ở Washington nói rằng thất bại của Mỹ trong cố gắng này tại New York sẽ tạo ra "mối nguy không thể chấp nhận được cho tăng tưởng kinh tế, hòa bình và thịnh vượng tại châu Á".
Còn ông Richard Bush thì cho rằng có lẽ là Trung Quốc "cần lùi lại một bước, xem xét lại có phải chính các hành động của họ lâu nay khiến các nước Đông Nam Á thay đổi quan niệm và thái độ của họ".
Ông cho rằng Trung Quốc nêu ra chủ trương một thế giới hài hòa nhưng có lúc việc làm không nhất quán với lý tưởng đó và nay Trung Quốc cần làm sao để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và các nước trong vùng.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)