NHÂN MỘT VỤ “ĐẠO THƠ” UM XÙM TRÊN BÁO MẤY HÔM NAY,
POST BÀI CỦA MỘT ÔNG BẠN BÊN FACEBOOK CHO BÀ CON THIVIEN.NET COI CHƠIThấy cộng đồng mạng lẫn báo chí đang lùm xùm vụ tranh bản quyền bài thơ: "Tổ quốc gọi tên mình" của một nữ nhà thơ Việt kiều với một anh ở xứ Nghệ. Chuyện phải trái đúng sai mới bắt đầu, chưa hồi ngã ngũ.
Mình thi thoảng biên thơ, nghiệp dư thôi, cũng có dăm bài đăng báo nhớn, cũng quen với vài nhà thơ lớn lẫn chơi dăm diễn đàn của các nhà thơ "nhớn". Cảm nhận cá nhân (chỉ là cảm nhận thôi) thì bài thơ trên là của anh xứ Nghệ, nhưng biên ở dạng thô bằng cảm xúc, chưa được tỉa gọt như bài được đăng báo.
Năm ngoái mình cũng biên một bài về biển đảo, chả hay đâu. Nhưng nhỡ có ngày ta tàu lại căng thẳng như đợt trước, mà có nhà thơ "nhớn" nào chôm theo thời cuộc thì chả cãi được. Nên bốt lại ở đây, đặng có cái mà cãi.
Gớm, ở cái xứ "cường quốc thơ" này, món "đạo" phát triển phết.
HẾT TẦM NHÌN VẪN LÀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG
Cha đưa con ra biển
Kể con nghe những thần thoại của đại dương
Nơi đáy biển có cung điện thần Poseidon ngự trị
Và Andersen tả nàng tiên cá rất hiền
Cha kể con nghe truyền thuyết biển tổ quốc mình
Nơi Lạc Long Quân dẫn năm mươi người con rời đất mẹ
Viên ngọc từ Mỵ Châu với lỗi lầm tuổi trẻ
Những quả dưa Mai An Tiêm trồng rất ngọt mềm
Cha kể cho con những chuyện rất đời thường
Những con sóng bạc đầu vẫn muôn đời ca hát
Lòng kiên nhẫn như dã tràng xe cát
Tím vợi vời, hoa muống biển đợi người thương
Cha kể con nghe đồng bào ta rất đỗi bình thường
Nhưng giặc đến, cửa biển Bạch Đằng cũng ba lần dậy sóng
Những vùng đất mặn chua đã mướt màu xanh hy vọng
Những đảo nổi, đảo chìm vang dội chiến công
Con hỏi biển tổ quốc mình bát ngát mênh mông
Đến nơi nào không còn là của ta cha nhỉ?
Trả lời con tổ quốc mình dài rộng lắm
Hết tầm nhìn vẫn là biển đảo quê hương.Về cơ bản, những người làm thơ chuyên nghiệp rất ít bị người khác đạo thơ. Bởi lẽ đã là nhà thơ thì ít nhiều giới văn chương đều biết, nên việc đạo thơ của những người này rất dễ bị phát hiện, chứ đám đạo cũng chả nể gì họ đâu. Thêm nữa là họ sản phẩm của họ thường được đăng báo/tạp chí (là bán thơ kiếm nhuận bút) nên khẳng định được bản quyền. Còn đạo trắng trợn nguyên nhiều bài của nhiều người rồi đăng ở tạp chí địa phương để lấy thành tích và nhuận bút của một chị nào đó ở vụ lùm xùm hồi năm ngoái năm kia thì chắc chỉ có ở xứ An-nam.
Thơ hay bị đạo nhất là của những người làm thơ nghiệp dư. Thứ nhất vì ít ai biết họ nên đạo vô tư, khó bị phát hiện. Thứ 2 là dân nghiệp dư biên thường ít khi tròn trịa bài thơ, nhưng lại có nhiều ý, tứ, từ hay và lạ, nên đám đạo thích ăn cắp một đoạn, một tứ hoặc một câu rồi chế biến thành thơ của họ. Thứ 3 là thơ của dân nghiệp dư rất ít khi được đăng báo/tạp chí, nên đám đạo thơ dễ dàng cãi bay cãi biến về bản quyền.
Dĩ nhiên, đám đạo thơ này bao gồm cả đám nhà thơ chuyên nghiệp lẫn đám nhà thơ nghiệp dư. Không nhờ mạng internet, món đạo này cực khó phát hiện ở xứ An-nam. Chung quy lại cũng là sự lười đọc của cần-lao.
Những người làm thơ nghiệp dư phần lớn là thể hiện cảm xúc thật của họ, nên ngôn từ tuy thô mà cái tứ lại hay, vì thế dễ bị đạo cái tứ hay đó. Những bài thơ/đoạn thơ họ chia sẻ cảm xúc trên FB, blog,... mang tính cá nhân, không khẳng định bản quyền nên khi người khác chia sẻ thường bị tam sao thất bản.
Thêm nữa là cần-lao An-nam có tật cực xấu là không chịu trích dẫn nguồn. Thấy thơ hay, cóp về mà chẳng thèm ghi tác giả. Vì vậy nếu chưa phải có tý tiếng tăm để khẳng định bản quyền thì rất dễ bị đạo. Thơ hay thường nhận được nhiều đồng cảm nên đám đạo thơ tìm không ra tác giả là đạo ngay.
Cô bạn Lavender biên "Nắng miên du". Theo cảm nhận của tôi thì bài này hay không kém gì "Một chiều ngược gió" của Bùi Sim Sim.
Nhưng Bùi Sim Sim là nhà thơ và làm thơ. Nên bài thơ hay sẽ được chia sẻ, bình luận và nâng tầm của nhà thơ trong thi đàn xứ Việt. Đố ai dám đạo "Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh", vì nghe đến câu này là biết ngay của Bùi Sim Sim.
Ngược lại Lavender biên cho vui, chức chắc chả chủ đích là làm thơ. Có lẽ trong một lúc nhớ người yêu cũ hay giận người yêu mới gì đó(?) hehe, thế là xổ ra một rổ cảm xúc và biên thành bài thơ, rồi ném lên blog coi như tự sự cá nhân. Người đọc thấy hay, đua nhau chia sẻ, nhưng chẳng ai thèm ghi tên tác giả. Thế nên khi đọc tới "Nắng miên du chảy ngược chiều nỗi nhớ" chả ai biết là của Lavender cả. Mà có ghi là của Lavender thì hầu hết dân tình cũng chẳng biết nàng mồm ngang mũi dọc thế nào. Tôi đảm bảo 100 người thích "Nắng miên du" thì phải có tới 95 người chẳng biết ai là tác giả.
Thế nên "Một chiều ngược gió" thì không ai dám đạo, nhưng "Nắng miên du" rất dễ bị đạo. Giờ mà có ai nói "Nắng miên du" là của họ thì Lavender có mà cãi vào mắt, chắc là phải nhờ anh Baron làm chứng hehe...
Thế nên thơ nghiệp dư hay bị đạo, là vậy.
Hồi trước còn hay thơ phú, thi thoảng có vài anh em bạn bè là dân văn chương nói: In thơ đi. Tôi vâng vâng dạ dạ rồi để đấy.
Thật thà mà nói là cũng đã có lúc định in một tập. Cũng đã lựa chọn được dăm chục bài ưng ý và định gửi vài cây đa cây đề trong làng thơ nhờ đọc và góp ý để in. Nhưng suy đi nghĩ lại thấy không ổn, nên dừng lại.
Không ổn là vì thấy thơ của mình chưa thực sự hay, cũng chả chú tâm vào thơ phú tử tế, nên in ra thì háo danh quá. Chứ muốn in thì quá đơn giản: Việc xin giấy phép xuất bản có trong vòng nốt nhạc, nhờ vài cây đa cây đề viết cho vài dòng giới thiệu cũng có ngay, dăm ba chục triệu tiền in thì không phải lăn tăn. Đầy đủ và thuận lợi thế, nhưng tôi quyết định không in. Kể chuyện này để thấy, in tập thơ dễ như ăn cháo gà vậy.
Chả biết cái món thơ phú có gì hấp dẫn mà nhiều người mê như thuốc phiện, rồi ảo tưởng tài năng. Tỷ dụ ku con "nhà thơ - nhà báo" Đăng Hạ đăng heo nào đó, dụ khị được tới 5 nghìn hội viên thơ, in ra mấy tập thơ. Nhiều bài còn sai chính tả cơ bản, chưa nói đến cấu tứ vần điệu. Bởi nhẽ đám hội viên này tuyền các ông, các bà, các cụ ở quê mới vượt qua xóa mù chữ tý, khổ!
Thế nên thấy đám làm thơ nghiệp dư in sách, nhiều khi hài hước phết. Là nói đám làm thơ nghiệp dư thôi, chứ đám chuyên nghiệp thì chả nói, bởi nghề của họ là làm thơ, sản phẩm lao động là thơ, thu nhập (dù chính hay phụ) là bán thơ. Nên hay dở thì cũng liên quan đến cái nghề của họ, nên tôi chả lạm bàn.
Tôi thấy thường những người làm thơ nghiệp dư hay và đúng là thơ thì ít khi làm và chả mấy người in. Phần lớn những người này khi về già, có thời gian để suy ngẫm, chỉnh biên lại mới in. Nên ít nhiều cũng có những bài hay và những sách hay.
Còn những người thi thoảng làm vài bài, như kiểu Lavender tôi kể ở stt trước thì chắc chả có ý tưởng và nhu cầu in, như tôi vậy.
Sợ nhất là đám thợ thơ nghiệp dư háo danh. Đám này thích in phết, thậm chí in vài ba đầu sách. Có điều, phần lớn thơ của đám này, hoặc là ép vần ép chữ mà không có tứ, có hồn (cái này tôi gọi là đổ bánh đúc), hoặc là đạo thơ của tiền nhân.
Cái món đổ bánh đúc thì chắc mọi người quen rồi, đọc nghe khá vần, nhưng chả có tứ, có nội dung, có ý nghĩa gì cả. Nhiều khi cố tình ép vần, thành ra những câu thơ hài hước đến ngớ ngẫn, kiểu như ông Dũng lò vôi biên ở Đại Nam í.
Còn cái món đạo thơ của tiền nhân này tinh vi hơn đổ bánh đúc, vì đám đạo cũng có chút năng khiếu về thơ phú, nhưng cũng hài hước phết. Đám này luôn ngụy biện là thích thơ của ông này, bà nọ nên bắt chước. Khổ nổi bắt chước nguyên cấu, tứ của bài, chỉ khác là sắp xếp chữ lung tung lại thôi.
Tôi tỷ dụ như những ai thích Nguyễn Bính chắc đều thuộc bài "Tương tư" nổi tiếng của ông. Giả dụ tôi muốn đạo bài thơ này của ông thì dễ ợt, nhớ hồi năm 2010 tôi biên trong 10 phút đạo được hẳn 2 bài tương tự (cũng là vụ biên tỉa tót đám đạo thơ). Đạo như này:
------------------------------
Tương tư #1
Ngẩn ngơ mơ tóc ai dài
Mơ dáng ai bước trang đài kiêu sa
Lòng tôi bối rối, nhưng mà
Không quen cứ hỏi, người ta… vô tình!
Trót lòng theo một bóng hình
Gửi vần thơ một chữ tình cuồng si
Cà phê nhấm đắng từng ly
Người dưng sao cứ nghĩ suy mỗi ngày
Gió buồn lay nhẹ ngọn cây
Nỗi lòng tan nát tỏ bày cùng ai
Chữ yêu không viết cũng dài
Mượn thơ nói hộ cùng ai nỗi niềm.
---------------------------
Tương tư #2
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau có bức tường vôi xỉn màu
Sao mà không thương lấy nhau
Để tôi ngơ ngẩn khổ đau vì nàng
Tôi, nàng cùng ở một làng
Nhưng vì ngăn cách, tách nàng xa tôi
Ngày qua ngày lại qua rồi
Lòng tôi vẫn cứ bồi hồi nhớ thương
Chẳng vì xa cách đường trường
Mắc sông, vướng núi, ngăn đường gặp nhau
Tâm tư tôi rất khổ đau
Chỉ mong nói rõ trước sau với nàng
Trong tim tôi có bóng nàng
Còn tôi không biết tim nàng có ai?
-----------------------Đấy, đám lìu tìu háo danh chuyên đạo kiểu này, và chúng ngụy biện là lời trong thơ của chúng khác của ông Nguyễn Bính, nên chỉ học theo phong cách của ông chứ chả đạo. Thế mới tài hehe...
Thực ra tôi nghĩ, đám này cũng chả đủ chữ nghĩa để tự biết là đạo thơ, thế nên mới dày mặt háo danh như thế.
Tôi chả phải dân văn chương, nhưng cũng sống bằng nghề bán chữ nên rất trân quý sách. Với tôi, sách là nguồn tri thức vô tận, cần được nâng niu và trân trọng.
Nhưng cũng có vài ba lần, tôi đã phải ném cuốn sách vào sọt rác. Mà là sách người khác "trân trọng" tặng tôi kèm theo lời tặng và chữ ký. Bởi vì là sách thơ - zời ạ! Và là loại thơ đạo như tôi nói trên.
TRỊNH XUÂN BÁU